Ông Pompeo: Không ai có thể phủ nhận một lần nữa mối đe dọa của Cộng hòa Hồi giáo Iran
Hôm 18/02, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết ông tin tưởng rằng không ai có thể lại phủ nhận mối đe dọa mà Cộng hòa Hồi giáo ở Iran gây ra cho Israel, các quốc gia vùng Vịnh và Hoa Kỳ, sau những thành tựu “lịch sử” đối với khu vực này dưới thời chính phủ cựu TT Trump.
Ông Pompeo đưa ra nhận xét khi nhận giải thưởng “Nhà vô địch về Nhân quyền Quốc tế” tại Gala trao giải Quốc tế Thường niên lần thứ 9 dành cho Những Người bảo vệ các giá trị Do Thái, do Mạng lưới các Giá trị Của thế giới tổ chức hôm thứ Năm (18/02) trong tháng tôn vinh lịch sử của người da đen. Đây là giải thưởng đầu tiên của loại hình này.
Ông đã đề cập đến Hiệp định Abraham của cựu Tổng thống Donald Trump, một tuyên bố chung giữa Israel, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Hoa Kỳ – và sau đó, với Bahrain và các quốc gia Ả Rập khác. Thỏa thuận này, từng được đề cử Giải Nobel Hòa bình cho cựu tổng thống Trump, nhằm thiết lập bình thường hóa quan hệ và sự hợp tác mới giữa các quốc gia Trung Đông.
Các thỏa thuận này lần đầu tiên được công bố vào ngày 13/08 và ngày 11/09/2020.
“Tôi tin rằng mọi người trên toàn thế giới giờ đây nghĩ về Iran khác với thời điểm khi chính quyền của chúng tôi nhậm chức,” ông Pompeo nói trong sự kiện trực tuyến này.
“Và trong khi chính phủ tiếp theo [của TT Biden] có thể lựa chọn kế hoạch chiến thuật của riêng mình, tôi không tin rằng bất cứ ai sẽ lại phủ nhận mối đe dọa mà Cộng hòa Hồi giáo gây ra cho Hoa Kỳ, cho Israel, cho các quốc gia Ả Rập trong vùng Vịnh.”
Không rõ liệu Tổng thống Joe Biden có ý định giữ hay làm trật đường ray Hiệp định Abraham hay không. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ đã hoan nghênh thỏa thuận này là một bước phát triển tích cực.
Hôm thứ Tư (17/02), lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức hôm 20/01, TT Biden đã có buổi điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, trong đó ông khẳng định cam kết của mình đối với an ninh của Israel và bày tỏ mong muốn tăng cường tất cả các khía cạnh của quan hệ đối tác Hoa Kỳ-Israel, bao gồm cả hợp tác quốc phòng, Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tuyên bố.
Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các vấn đề an ninh do Iran đặt ra, mối xung đột giữa Israel và Chính quyền Palestine, cũng như việc Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ các thỏa thuận hòa bình nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia Ả Rập – Hiệp định Abraham.
Các quan chức chính phủ TT Biden trước đó cho biết họ sẽ xem xét các cam kết của Hoa Kỳ đã đưa ra như một phần của thỏa thuận. Tổng thống cũng cho biết ông sẵn sàng khôi phục thỏa thuận hạt nhân trong Kế hoạch Hành động Toàn diện (JCPOA) với Iran nếu Tehran quay trở lại tuân thủ. Cựu TT Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận này vào năm 2018.
Thượng nghị sĩ Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas) vào cuối ngày thứ Năm (18/02) đã cảnh báo rằng chế độ Iran sẽ tiếp tục “khai thác” “điểm yếu” của TT Biden, ám chỉ một cuộc tấn công hồi tuần trước của các nhóm dân quân Shia do Iran hậu thuẫn vào một căn cứ của Hoa Kỳ ở Erbil, Iraq.
“Các lực lượng do Iran hậu thuẫn vừa tấn công quân Hoa Kỳ ở Iraq. Thay vì trả đũa, Tổng thống Biden đã làm gì? Chuẩn bị dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với chế độ này và cầu xin mở lại các cuộc đàm phán ngoại giao. Chế độ Iran sẽ tiếp tục khai thác điểm yếu của tổng thống Hoa Kỳ,” TNS Cotton viết trên Twitter.
Cựu Ngoại trưởng Pompeo, trong bài diễn thuyết nhận giải, đã ca ngợi thành tựu chính sách đối ngoại lịch sử của cựu TT Trump trong khu vực là “cực kỳ uy lực.”
Trước khi cựu TT Trump đàm phán về Hiệp định Abraham, Israel chỉ được Ai Cập và Jordan ở Trung Đông công nhận. Trong nhiều thập kỷ, một số quốc gia Ả Rập đã tẩy chay Israel, nói rằng họ sẽ chỉ thiết lập các quan hệ nếu tranh chấp với Palestine được giải quyết.
“Tôi nghĩ rằng Hiệp ước Abraham… đã đặt nền móng để các quốc gia Ả Rập một lần nữa có thể tuyên bố công khai rằng thù địch, đối kháng và đe dọa đối với Israel không phải là điều đúng đắn về mặt đạo đức, chúng không phải là điều đúng đắn cần làm đối với các quốc gia có chủ quyền,” ông nói.
“Và một lần nữa, chúng ta đang bắt đầu gọi đó là bình thường hóa, nhưng thực tế là, nó chỉ là công nhận quyền của Israel là quê hương của người Do Thái, và nói rằng chúng tôi muốn trở thành anh em trong tình yêu thương, anh em trong đức tin, anh em trong thương mại và an ninh, tất cả những điều mà các quốc gia cùng làm, tôi vô cùng tự hào về kết quả đó.”
“Thật là một sự kiện lịch sử khi quý vị đang sở hữu một mối bang giao nồng ấm giữa các quốc gia vốn rất mạnh mẽ này.”
Do Isabel Van Brugen thực hiện
Với sự đóng góp của Janita Kan
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: