Ông Obama và ông Biden chịu trách nhiệm chính cho cuộc khủng hoảng nợ sinh viên 1.6 ngàn tỷ USD
Khi Tổng thống Joe Biden xem xét một số hình thức xóa nợ cho những người vay trả học phí đại học, các khoản vay sinh viên ở Mỹ đã là một cuộc khủng hoảng bùng nổ chậm trong gần một thập niên nay.
Một nhà phê bình chuyên gia theo dõi cuộc khủng hoảng này đã quy trách nhiệm cuộc khủng hoảng nợ 1.6 ngàn tỷ USD cho hai chính trị gia đứng đầu chính phủ Hoa Kỳ: cựu Tổng thống Barrack Obama và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.
“Điều này còn tồi tệ hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng Tiết Kiệm và Cho Vay, hoặc cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp mua xe hơi dưới chuẩn và thậm chí là cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp mua nhà dưới chuẩn,” ông Allen Collinge – tác giả của cuốn sách “Trò Lừa Đảo Cho Vay Sinh Viên: Khoản Nợ Áp Bức Nhất trong Lịch Sử Hoa Kỳ và Cách Chúng Ta Có Thể Chống Lại” (“The Student Loan Scam: The Most Oppressive Debt in U.S. History and How We Can Fight Back”) – nói với the Epoch Times.
“Hai người này là một vài trong số những người phải chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc khiến nhiều người Mỹ phải chịu cảnh nợ nần vĩnh viễn mà họ không có cách nào thoát ra được, ngoài việc tìm đến cái chết,” ông Collinge nói thêm.
Ông Collinge cho biết có hai yếu tố đã kết hợp với nhau để tạo ra cái mà ông gọi là cuộc khủng hoảng cho vay lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Đầu tiên là việc dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ phá sản mà mọi người được hưởng với tất cả các khoản nợ khác ở Mỹ.
“Trong số tất cả các quan chức được bầu còn sống và đương nhiệm, thực sự ông Biden là người đáng trách nhất khi loại bỏ các biện pháp bảo vệ phá sản đối với các khoản vay này, đó thực sự là cốt lõi của vấn đề này,” ông Collinge — người điều hành một tổ chức có tên Công Lý Cho Nợ Sinh Viên (Student Loan Justice) — đang tìm cách hủy bỏ tất cả khoản nợ cho vay sinh viên để đổi lại sự kết thúc của chương trình cho vay sinh viên liên bang.
Với tư cách là thành viên, và sau đó là chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, ông Biden đã đóng vai trò chủ chốt trong việc xóa bỏ bảo hộ phá sản, đầu tiên là đối với các khoản vay sinh viên do chính phủ hậu thuẫn, và sau đó là các khoản vay sinh viên tư nhân.
“Joe Biden phải chịu một trách nhiệm lớn trong việc thông qua dự luật phá sản,” ông Ed Boltz, chủ tịch Hiệp Hội Luật Sư Toàn Quốc Chuyên Về Phá Sản cho Người Tiêu Thụ (NACBA), nói với International Business Times vào năm 2015.
Tiếp đến là ông Obama
Những điều luật từ chối bảo hộ phá sản dành cho sinh viên này theo sau việc mở rộng nhanh chóng các khoản vay dành cho sinh viên mà Tổng thống Obama khi đó đã sa chân vào năm 2010 khi ông liên bang hóa chương trình cho vay sinh viên.
Để khiến sinh viên đi vay nhiều hơn, ông Obama đã rút mọi biện pháp ngăn chặn, vì Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) tuyên bố việc liên bang hóa sẽ tiết kiệm cho đất nước 60 tỷ USD.
“Điều đó thật tuyệt vời cho đất nước,” Bộ trưởng Giáo dục đương thời Arne Duncan nói với NPR trong một cuộc phỏng vấn khi biện pháp này được thông qua.
“Đó là một trong những cơ hội kỳ diệu, chỉ có một lần trong đời, và chúng ta có thể đưa tối thiểu 60 tỷ USD cho sinh viên chỉ đơn giản bằng cách loại bỏ các khoản trợ cấp cho các ngân hàng và không quay lại yêu cầu từ người đóng thuế thêm một xu nào nữa,” ông Duncan nói thêm.
Sau đó, vị tổng thống này đã cử Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama làm gương mặt đại diện cho một nỗ lực mà Tòa Bạch Ốc của ông Obama gọi là “Vươn tới ‘Sao Bắc Cực’ vào năm 2020,” khuyến khích tất cả mọi người quay trở lại một cơ sở giáo dục đại học nào đó và lấy một bằng cấp khác, tất nhiên là do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ.
Các sinh viên được khuyến khích vay các khoản vay dành cho sinh viên mà Tòa Bạch Ốc gọi là “tư cách hỗ trợ tài chính có thể biến khả năng chi trả đại học thành hiện thực.”
Trong suốt thời của ông Obama, các khoản vay dành cho sinh viên đã tăng từ khoảng 700 tỷ USD lên gần 1.4 ngàn tỷ USD, vượt qua nợ thẻ tín dụng vào năm 2012.
Các sinh viên tương lai được mời tổ chức bữa tiệc “ngày ký kết” của riêng họ, nơi họ đăng ký với một trường cao đẳng, đại học, hoặc trường dạy nghề để học lên cao hơn, giống như các cầu thủ bóng đá đại học và cầu thủ bóng rổ làm khi họ ký hợp đồng với các trường học.
Ngày ký kết đi kèm tập sách hướng dẫn 16 trang của sự kiện này từ Tòa Bạch Ốc nói với các sinh viên rằng “việc học đáng giá nhiều hơn là chỉ một khoản tiền lương cao hơn – đó là tài sản quý giá nhất mà một người có thể có. Đó là thứ mà họ sẽ sở hữu cả đời.”
Tuy nhiên, một câu hỏi vẫn chưa được trả lời trong những cuốn sách đó là sinh viên sẽ trả nợ như thế nào.
Nhưng các nỗ lực của ông Obama đã được đền đáp khi nợ sinh viên tăng từ 12,434 USD cho mỗi sinh viên mắc nợ vào năm 1992 theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, lên 40,904 USD cho mỗi sinh viên mắc nợ ngày nay theo trang EducationData.org.
Càng ngày, dường như nợ vay sinh viên là khoản nợ sẽ theo sinh viên suốt cuộc đời của họ; một món nợ đã biến “tài sản” mà Tòa Bạch Ốc bảo họ phải quý trọng thành một gánh nặng đối với các sinh viên đại học.
Còn về khoản tiết kiệm dự kiến 60 tỷ USD của CBO mà Bộ trưởng Giáo dục đương thời là ông Duncan đang chào hàng thì sao? Hóa ra, thay vì tiết kiệm cho đất nước 60 tỷ USD, thì biện pháp đó đã tiêu tốn 400 tỷ USD, chưa bao gồm việc xóa nợ.
“CBO đã tính toán sai chi phí của Đạo luật Điều chỉnh Ngân sách Chăm sóc Sức khỏe và Giáo dục [vốn đã liên bang hóa các khoản vay sinh viên] là 503 tỷ USD, trước khi bao thanh toán trong các gói cứu trợ cho khoản vay sinh viên của Tổng thống Biden. Quốc hội có thể đã không thông qua dự luật này nếu CBO đã đánh giá nó một cách thích hợp,” Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã viết trong một bức thư tuần này (02-08/05) gửi cho Giám đốc CBO Philip Swagel, yêu cầu biết làm thế nào mà CBO lại đưa ra các số liệu sai như vậy.
The Epoch Times đã liên lạc với Tòa Bạch Ốc, CBO, và ông Obama để yêu cầu bình luận.
Di sản Obama-Biden đến hạn
Theo số liệu do ông Collinge thu thập được từ Bộ Giáo dục (DOE), kết quả tổng hợp cho thấy 63% tổng số tiền được vay trong các khoản vay dành cho sinh viên đến từ những người trên 35 tuổi, những người có khoản nợ trung bình là 41,900 USD.
Con số đó so với nhóm người dưới 35 tuổi có khoản nợ trung bình là 25,300 USD.
“Sự tăng trưởng lớn trong các khoản vay là ở các trường sau đại học,” ông Jason Delisle, hiện là nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Đô thị, nói với PBS vào năm 2017, gióng lên hồi chuông cảnh báo sớm.
“Tuy nhiên, không có hạn chế mạnh mẽ nào về thu nhập đối với những người đi vay để có được những tấm bằng này. Về phía sinh viên đại học, có những hạn mức cho vay và sự lo ngại liên quan đến việc mất khả năng thanh toán và các mức thu nhập. Về phía sinh viên sau đại học, không có điều đó,” ông Delisle nói thêm.
Một số chuyên gia cho biết các chương trình sau đại học là những chương trình tạo ra thu nhập lớn cho các trường, thường tạo ra sự khác biệt giữa việc có lợi nhuận và đóng cửa.
Gần đây, tạp chí Slate đã gọi các chương trình đào tạo thạc sĩ là “sự lừa đảo lớn nhất trong giáo dục bậc cao”, trích lời một chuyên gia đã gọi các chương trình thạc sĩ của các trường là “những dịch vụ đa phần không được kiểm soát nhưng lại tạo ra doanh thu rất lớn giúp họ tăng lợi nhuận ròng.”
Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, DOE cho biết cứ bốn người đi vay thì chỉ có một người đang trả nợ cả gốc lẫn lãi cho các khoản vay.
Mặc dù tình hình ở mọi tiểu bang đều tệ hại, nhưng nợ sinh viên ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đến các tiểu bang vùng Deep South (Thâm Nam Hoa Kỳ).
Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là tiểu bang Mississippi, nơi hệ số nợ trên thu nhập cho các khoản vay sinh viên là gần như 1:1.
Theo ông Collinge, điều khiến cuộc khủng hoảng cho vay này khác với cuộc khủng hoảng Tiết Kiệm và Cho Vay những năm 1980 hay cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp mua nhà dưới chuẩn những năm 2000 là quyền thu nợ không giới hạn của chính phủ liên bang, không có bất kỳ thời hiệu nào đối với khoản nợ và thực tế là những người mắc nợ không có quyền sử dụng các biện pháp bảo vệ phá sản mà các Tổ phụ lập quốc của chúng ta chủ định dành cho họ.
Ông trích dẫn một trường hợp được ghi nhận trong đó ông cho thấy một người mắc nợ vay một khoản vay sinh viên 26,000 USD đã trả 93,593.54 USD tiền lãi và chưa tới 1 USD tiền gốc.
Đến nay, dư nợ gốc vẫn là 132,174 USD đối với người phụ nữ 59 tuổi sắp về hưu này.
“Tác hại do hệ thống cho vay trấn lột này — do ông Biden và những người khác tạo ra, rồi bị ông Obama làm cho càng trở nên tồi tệ hơn — là đặc biệt nghiêm trọng đối với những người cao niên, những người đang thấy thu nhập từ an sinh xã hội và trợ cấp thu nhập do thương tật của họ bị thu hồi để trả nợ, mặc dù thông thường họ đã hoàn trả nhiều hơn rất nhiều so với khoản vay ban đầu,” ông Collinge nói.
Việc không tiết lộ các điều khoản thực tế mà những người đi vay đang vay, vốn là mối quan tâm lớn đối với chính phủ liên bang trong cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp mua nhà dưới chuẩn, đã chứng kiến chính phủ có hành động chống lại những người cho vay thế chấp vốn đã trả khoản tiền phạt hơn 234 tỷ USD cho các hành động mà về căn bản là lừa đảo, với ít nhất 59 nhân viên ngân hàng phải đi tù.
Nhưng bằng cách nào đó, khi chính phủ liên bang bắt đầu cho sinh viên vay tiền, thì những quy tắc tương tự đó không còn được áp dụng.
“Nếu bất kỳ hệ thống cho vay nào khác làm điều này, đó sẽ là hành vi tội phạm, người ta sẽ bị tra tay vào còng,” ông Collinge kết luận.
Vì vậy, khi cuộc tranh luận diễn ra sôi nổi tại Quốc hội về việc liệu các khoản vay của sinh viên nên được xóa hay thu, thì ông Collinge muốn mọi người nhớ một điều đơn giản: hãy ngừng lắng nghe những người thực sự gây ra vấn đề này ngay từ đầu.
Ông John Ransom là một phóng viên tự do đưa tin về Hoa Kỳ cho The Epoch Times ở Hoa Thịnh Đốn và Á Châu.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: