Ông McCarthy: ‘Về nguyên tắc’, Tòa Bạch Ốc và các lãnh đạo Đảng Cộng Hòa đã đạt được thỏa thuận về mức trần nợ
Vào tối thứ Bảy (27/05), Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tuyên bố rằng Tòa Bạch Ốc và Đảng Cộng Hòa đã đạt được một thỏa thuận ‘về nguyên tắc.’
Ông McCarthy nói với các phóng viên tại Capitol Hill, “Chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng tôi tin rằng đây là một thỏa thuận ‘về nguyên tắc’ là xứng đáng với người dân Mỹ.”
Ông nói: “Thỏa thuận này có những khoản cắt giảm chi tiêu mang tính lịch sử, những cải tổ có ảnh hưởng lớn mà sẽ giúp người dân thoát khỏi nghèo đói để tham gia vào lực lượng nhân công, đồng thời kiềm chế sự can thiệp quá mức của chính phủ. Không có khoản thuế mới nào, không có chương trình mới nào của chính phủ. Dự luật này còn có rất nhiều điều nữa. Chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm tối nay để hoàn tất toàn bộ công việc soạn thảo dự luật này.”
Tổng thống (TT) Joe Biden cho biết thỏa thuận này là “tin tốt” vì thỏa thuận này “giảm chi tiêu trong khi vẫn bảo vệ các chương trình dành cho người đi làm và phát triển nền kinh tế cho tất cả mọi người.”
“Thỏa thuận này thể hiện một sự thỏa hiệp, có nghĩa là không phải ai cũng đạt được điều họ muốn,” ông nói trong một tuyên bố. “Điều đó chính là trách nhiệm về quản lý.”
Ông Biden đã kêu gọi Hạ viện và Thượng viện “thông qua thỏa thuận này ngay lập tức.”
Thông báo này được đưa ra sau hai tuần đàm phán giữa các nhà đàm phán của cả hai bên để đạt được một thỏa thuận về những điều khoản nhằm nâng mức trần khoản vay 31.4 ngàn tỷ USD để tránh một vụ vỡ nợ lịch sử của chính phủ Hoa Kỳ.
Ông McCarthy đã không trả lời các câu hỏi của giới truyền thông “vì sự tôn trọng,” đồng thời nói thêm rằng ông sẽ thông báo cho Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện trước về thỏa thuận này.
Theo Chủ tịch Hạ viện, bản thảo cuối cùng của dự luật này sẽ được hoàn tất vào Chủ Nhật (28/05), và việc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào thứ Tư tuần tới (31/05).
Ông nói: “Tôi hy vọng sẽ hoàn thành việc soạn thảo dự luật, đối chiếu với Tòa Bạch Ốc và nói chuyện lại với tổng thống vào chiều mai và sau đó đăng nội dung của dự luật vào ngày mai.”
Ông McCarthy từ chối cung cấp các thông tin chi tiết về thỏa thuận này. Tuy nhiên, một số hãng truyền thông đưa tin trích dẫn các nguồn ẩn danh cho rằng cả hai bên đã đồng ý nâng hạn mức nợ quốc gia trong hai năm và đặt các giới hạn chi tiêu trong thời gian đó, cũng như tăng những yêu cầu về việc làm đối với chương trình trợ cấp thực phẩm.
Trước thông báo này, ông McCarthy đã loan báo về thỏa thuận đó trên Twitter.
Ông McCarthy viết trên Twitter, “Tôi vừa mới nói chuyện điện thoại với tổng thống xong. Sau khi ông ấy đã lãng phí thời gian và từ chối đàm phán trong nhiều tháng, chúng tôi đã đi đến một thỏa thuận ‘về nguyên tắc’ là xứng đáng với người dân Mỹ. Tôi sẽ đưa ra một tuyên bố vào lúc 9 giờ 10 phút tối theo giờ Miền Đông.”
Trước đó, Tòa Bạch Ốc đã xác nhận cuộc điện đàm giữa TT Biden và chủ tịch Hạ viện, cũng như các cuộc điện đàm với Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer và Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries.
Trái lại, một số nhà lập pháp theo phái bảo tồn truyền thống và cấp tiến đã bày tỏ những lo ngại về các cuộc đàm phán này, mà điều này có thể khiến dự luật đó khó được Quốc hội thông qua.
Hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã sửa đổi ngày hạn chót được dự kiến để có được mức trần ngân sách là vào ngày 05/06, trì hoãn khả năng Hoa Kỳ không trả được nợ thêm bốn ngày.
Thỏa thuận này được đưa ra khi số dư tiền mặt của Bộ Ngân khố đang giảm ở mức đáng báo động, xuống còn dưới 50 tỷ USD vào ngày 24/05, giảm từ mức 316.381 tỷ USD hồi đầu tháng này (05/2023).
Tại sao các cuộc đàm phán kéo dài quá lâu
Kể từ khi chính phủ Hoa Kỳ vượt quá hạn mức nợ 31.4 ngàn tỷ USD vốn được Quốc hội thông qua hồi tháng Một, Tòa Bạch Ốc từng khẳng định rằng tổng thống sẽ không chấp nhận bất kỳ cuộc đàm phán nào làm tăng nguy cơ vỡ nợ.
“Tôi sẽ không thương lượng về việc liệu nước Mỹ có trả nợ hay không,” ông cho biết trong một dòng tweet hồi tháng 02/2023. “Tôi sẽ không cho phép quốc gia này vỡ nợ.”
Trong các cuộc họp báo, Tham vụ Báo chí Karine Jean-Pierre nhiều lần nói với các phóng viên rằng việc nâng mức trần nợ vô điều kiện là một điều cấp bách, “như họ đã từng làm trong các chính phủ của Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa.”
Trước đó trong tháng này, TT Biden đã gặp bốn nhà lãnh đạo hàng đầu của quốc hội sau khi Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cảnh báo chính phủ có thể cạn kiệt tiền mặt để thanh toán các nghĩa vụ của mình sớm nhất là vào ngày 01/06. Tuy nhiên, bà Jean-Pierre đã xác nhận vào thời điểm đó rằng TT Biden không thảo luận về mức trần nợ mà chỉ là “một cuộc trò chuyện riêng về chi tiêu của họ, những gì họ muốn làm với ngân sách đó.”
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) cáo buộc TT Biden “e ngại” đàm phán. Tuy nhiên, chính phủ buộc tội rằng Đảng Cộng Hòa đã bắt đất nước làm con tin về vấn đề hạn mức nợ này.
Ông McCarthy đã đáp lại những tuyên bố này bằng cách lưu ý rằng Đảng Cộng Hòa đã đưa ra một “kế hoạch có trách nhiệm” nhằm tăng mức trần nợ để theo kịp các hóa đơn hiện hành trong khi giải quyết và kiểm soát các phương diện chi tiêu của chính phủ liên bang.
Ông đưa ra luật — Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng — vốn sẽ tăng mức trần nợ lên 1.5 ngàn tỷ USD, đưa chi tiêu liên bang trở lại mức của năm 2022, và giới hạn tăng trưởng chi tiêu ở mức 1% mỗi năm. Dự luật này đã được thông qua bởi một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ sát sao là 217 phiếu thuận và 215 phiếu chống.
Thay vào đó, chính phủ đương nhiệm đang “đặt đất nước vào tình trạng vỡ nợ,” ông nói.
“Chúng tôi là những người duy nhất chịu trách nhiệm và nhận thức về việc này,” ông McCarthy nói với các phóng viên hồi tháng Tư.
Lãnh đạo Thiểu số tại Hạ viện Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York) sau đó đã phản đối đề xướng của Đảng Cộng Hòa nhằm áp đặt các yêu cầu công việc đối với những cá nhân nhận viện trợ liên bang, đồng thời gọi đó là một “đề xướng thất bại.”
Hôm 17/05, ông nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn, “Trong bối cảnh cuộc tranh luận về mức trần nợ đã được tạo ra như một phần trong nỗ lực để tránh một vụ vỡ nợ, những loại được gọi là yêu cầu công việc này có thể được áp đặt lên người dân Mỹ khi đã có những yêu cầu công việc quan trọng tồn tại theo luật.”
Cách mà ông Biden và ông McCarthy đạt được các cuộc đàm phán
Hôm 16/06, sau một cuộc họp kéo dài một giờ đồng hồ, TT Biden và ông McCarthy đã đồng ý thảo luận trực tiếp và hàng ngày. Sau đó, khi tổng thống tới Nhật Bản dự hội nghị thượng đỉnh G7, đã không được chú ý nhiều bởi rủi ro vỡ nợ ở Hoa Thịnh Đốn, hai bên đã chọn ra các đại diện để đàm phán về mức trần nợ này.
Dân biểu Garret Graves (Cộng Hòa-Louisiana) đã tham gia cùng với người đứng đầu Văn phòng Quản lý và Ngân sách Shalanda Young và cố vấn Tòa Bạch Ốc Steve Ricchetti.
Điều này mang đến nhiều sự lạc quan rằng một thỏa thuận đang đến gần khi ông McCarthy chúc mừng tổng thống vì ông đã “thay đổi phạm vi” của các cuộc thảo luận, báo hiệu “một tiến trình tốt hơn.”
“Tôi nghĩ rằng có một sự đồng thuận mạnh mẽ trong cuộc họp hôm nay với các nhà lãnh đạo Quốc hội rằng việc không trả được nợ hoàn toàn không phải là một lựa chọn,” ông Biden nói.
Ông Biden đã rút ngắn chuyến công du ra hải ngoại để gặp ông McCarthy. Khi ông trở về Hoa Thịnh Đốn, hai ông đã tổ chức một cuộc thảo luận “đầy hiệu quả.” Ông Biden thừa nhận rằng chính phủ liên bang cần cắt giảm chi tiêu nhưng ông cũng lưu ý rằng các nhà lập pháp cần giải quyết các lỗ hổng về thuế và bảo đảm những người giàu có đang trả phần công bằng của họ.
Hôm 2/05, ông Biden nói với các phóng viên, “Chúng tôi vẫn còn một số bất đồng, nhưng tôi nghĩ chúng tôi có thể đạt được những gì chúng tôi cần phải đạt được. Cả hai chúng tôi đều biết chúng tôi có một trọng trách.”
Tranh luận nảy lửa bắt đầu nổi lên
Dân biểu Chip Roy (Cộng Hòa-Texas) là một người lớn tiếng ủng hộ việc tiếp tục cải tổ tài khóa trong bối cảnh mức trần nợ tăng lên.
Trong một bản ghi nhớ gửi cho các đồng nghiệp Đảng Cộng Hòa của mình ở Hạ viện, ông Roy đã kêu gọi mọi người “giữ vững quan điểm” trong các cuộc đàm phán để bảo đảm các điều khoản trong dự luật hạn mức nợ tháng Tư sẽ được thực hiện, bao gồm các khoản cắt giảm thâm hụt khoảng 4.8 ngàn tỷ USD trong một thập niên.
Ông Roy viết: “Mỗi điều khoản đều quan trọng, và không nên bỏ điều khoản nào chỉ vì muốn có được một ‘thỏa thuận.’”
“Mặc dù các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đang tranh đấu cho các gia đình Mỹ làm việc chăm chỉ đang phải đối mặt với một chính phủ thức tỉnh, bị vũ khí hóa trái ngược với lối sống của chúng ta, nhưng Tổng thống Biden và các thành viên Đảng Dân Chủ đã làm việc với thái độ chậm chạp trong nhiều tuần để tranh đấu cho những người theo chủ nghĩa tinh hoa thiên tả giàu có muốn chi tiêu nhiều hơn, toàn trị hơn, trợ cấp doanh nghiệp nhiều hơn, và ít tự do hơn.”
Nhiều người đã đề cập đến cảnh báo của Bộ trưởng Yellen rằng ngày X, là ngày mà Bộ Ngân khố không thể đáp ứng tất cả các nghĩa vụ của mình, có thể sớm nhất là vào ngày 01/06. Tuy nhiên, một số thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện, trong đó có Dân biểu Byron Donalds (Cộng Hòa-Florida), đã đặt câu hỏi liệu có chính xác là ngày này hay không.
“Tôi nghĩ bà ấy nên đến đây và cho chúng tôi biết làm thế nào bà ấy đến được vào đúng ngày 01/06,” ông nói với các phóng viên hôm 25/05. “Cá nhân tôi không nghĩ ngày 01/06 là ngày thích hợp.”
Trong một bài ý kiến khán giả của Fox News, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Độc Lập-Vermont) đã kêu gọi tổng thống sử dụng Tu chính án thứ 14 để nâng mức trần nợ và tránh một vụ vỡ nợ.
Ông viết: “Đây không phải là một quan điểm cấp tiến. Các thành viên Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ đều ủng hộ việc bảo đảm rằng Hoa Kỳ tiếp tục thanh toán các hóa đơn của mình bất kể việc tăng mức trần nợ theo luật định có được nâng lên hay không.”
Dân biểu Pramila Jayapal (Dân Chủ-Washington) đã cảnh báo các phóng viên rằng bà lo lắng về một “phản ứng dữ dội … trên các con đường” nếu Tòa Bạch Ốc đồng ý cắt giảm chi tiêu.
Tuy nhiên, một cuộc thăm dò mới đây của CNN do SSRS thực hiện đã cho thấy 60% người Mỹ nói rằng Quốc hội chỉ nên tăng hạn mức nợ nếu việc cắt giảm chi tiêu được đưa vào một thỏa thuận.
Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez (Dân Chủ-New York) cho biết điều này sẽ trở thành một “vấn đề” nếu ông Biden đồng ý giới hạn hoặc cắt giảm chi tiêu thông qua vấn đề mức trần nợ.
Theo Dân biểu Jamaal Bowman (Dân Chủ-New York), Đảng Cộng Hòa là “những kẻ khủng bố kinh tế,” đồng thời nói với CNN rằng ông Biden nên viện dẫn Tu chính án thứ 14, đúc một đồng xu, và ngừng đàm phán “với những kẻ bắt giữ con tin.”
“Ý tôi là, chúng ta không đàm phán với những kẻ khủng bố trên toàn cầu,” ông nói. “Tại sao chúng ta lại phải đàm phán những kẻ khủng bố kinh tế mà ở đây chính là Đảng Cộng Hòa?”
Trong một cuộc họp báo hôm 24/05, bà Jean-Pierre đã bày tỏ rằng cuộc tranh luận về mức trần nợ này là “một cuộc khủng hoảng được tạo ra” bởi các thành viên Đảng Cộng Hòa.
Nỗi lo lắng của các nhà đầu tư
Trước thông báo về thỏa thuận mức trần nợ này, thị trường tài chính Hoa Kỳ hầu như bình lặng khi các nhà đầu tư tin tưởng rằng hai bên cuối cùng sẽ đạt được một thỏa thuận như họ đã từng đạt được trong quá khứ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư có một chút lo lắng tiềm ẩn.
Những chênh lệch trên các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) kỳ hạn 1 năm — một thước đo về những rủi ro vỡ nợ — đã đạt một mức cao kỷ lục. CDS 6 tháng và 5 năm cũng đạt mức cao nhất trong khoảng một thập niên. Tuy nhiên, khi các quan chức cho thấy rằng các cuộc đàm phán đã tiến triển, thì hôm 26/05 chi phí bảo hiểm rủi ro đối với khoản nợ của chính phủ Hoa Kỳ đã giảm bớt.
Các nhà quan sát thị trường cũng lưu ý rằng khoảng cách giữa lợi suất Công khố phiếu ngắn hạn và các lãi suất khác đã cho thấy các nhà đầu tư đều coi trọng nguy cơ vỡ nợ này.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán nói chung vẫn ổn định.
Trong tháng vừa qua, Chỉ số Tổng hợp Nasdaq đã tăng khoảng 6%, trong khi S&P 500 tăng khoảng 1%. Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones đã giảm 2%.
Bản tin có sự đóng góp của Jackson Richman và Lawrence Wilson
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times