Ông Elon Musk chỉ trích YouTube vì ‘các quảng cáo lừa đảo không ngừng nghỉ’
Hôm 07/06, ông Elon Musk đã nhắm vào YouTube phản đối “các quảng cáo lừa đảo” của họ, khơi dậy sự suy đoán về một vụ mua lại tiềm năng khác sau nỗ lực với Twitter của ông.
Hôm thứ Ba (07/06) trong các bài đăng mới đây trên Twitter, vị tỷ phú này bắt đầu màn công kích công ty Google, trong đó có một hình ảnh meme chế giễu những gì ông coi là tiêu chuẩn kép trong các hoạt động của trang video này: nhắm mắt làm ngơ trước các quảng cáo lừa đảo, trong khi lại hà khắc với việc chửi thề trên nền tảng này.
Tiếp theo là một bài đăng khác có nội dung “YouTube có vẻ là các quảng cáo lừa đảo không ngừng nghỉ”.
— Elon Musk (@elonmusk) June 7, 2022
Một phát ngôn viên của công ty mẹ Google của YouTube đã không phúc đáp yêu cầu bình luận vào thời điểm phát hành bản tin này.
“YouTube không cho phép spam, lừa đảo, hay các hành vi lừa đảo khác lợi dụng cộng đồng YouTube”, công ty này nêu rõ trong chính sách của mình. “Chúng tôi cũng không cho phép nội dung có mục đích chính là lừa gạt người khác rời YouTube để đến với một trang khác.”
Những kẻ lừa đảo trên YouTube đã nhắm mục tiêu đến những người theo dõi của ông Musk. Theo công ty an ninh mạng Tenable, một loạt các vụ lừa đảo mã kim đã lan truyền trên nền tảng này vào tháng 05/2021 ngay trước khi người sáng lập Tesla và SpaceX xuất hiện trên chương trình “Saturday Night Live”, dẫn đến vụ trộm hơn 9 triệu USD. Những kẻ lừa đảo này đã quảng bá một đồng tiền kỹ thuật số SpaceX giả tự nhận là do ông Musk tạo ra.
Hai bài đăng gần đây của ông Musk đã dấy lên cuộc tranh luận trên Twitter khi những người dùng, bao gồm cả diễn viên hài theo trường phái bảo tồn truyền thống Steven Crowder, đã gợi ý khả năng tiếp quản YouTube — ám chỉ đến các cuộc công kích ban đầu của ông Musk trên Twitter trước khi đưa ra đề nghị mua lại.
Nhà bình luận chính trị Lauren Chen đã viết để đáp lại: “Hãy mua YouTube và khôi phục nó trở lại thời kỳ hưng thịnh trước đó vào năm 2016.”
Trong khi đó, ông Musk đã đổ lỗi cho Twitter vì đã “phản đối và cản trở” khả năng ông có được thông tin về các tài khoản bot trên trang web truyền thông xã hội này, gọi đó là một sự “vi phạm” các điều khoản trong thỏa thuận trước đó của họ.
Đó là khi Twitter chấp nhận lời đề nghị trị giá 44 tỷ USD của ông Musk vào hồi tháng Tư để mua lại và chuyển sang sở hữu tư nhân với mức giá 54.20 USD mỗi cổ phiếu. Sau đó, tỷ phú này cho biết thỏa thuận “tạm thời bị dừng” trong khi chờ thông tin đầy đủ về các tài khoản spam và giả mạo, nhưng ông “vẫn cam kết mua lại.”
“Đề nghị của tôi dựa trên hồ sơ SEC (Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ) của Twitter là chính xác,” ông Musk viết trên Twitter hôm 17/05. “Giám đốc Điều hành của Twitter đã công khai từ chối đưa ra bằng chứng về tỷ lệ [các tài khoản giả] <5%. Thỏa thuận này không thể tiến tới cho đến khi ông ấy đưa ra con số đó.”
Cô Rita Li là phóng viên của The Epoch Times, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ từ năm 2018.