Cách nuôi dạy trẻ: Hãy là người mà bạn muốn con mình trở thành
Xin gửi lời chào từ thành phố Nashville thuộc tiểu bang Tennessee, quê hương của nhạc đồng quê, nơi thời tiết và mọi thứ đều tốt đẹp. Thật là vinh dự và hân hạnh khi được viết bài cho The Epoch Times. Hy vọng bài viết sẽ mang lại điều khác biệt cho cuộc sống của trẻ em trên đất nước chúng ta.
Cha mẹ là hình mẫu quan trọng của trẻ. (Ảnh: DGLimages/Shutterstock)
Vài năm trước, tôi là khách mời trong một chương trình trò chuyện trên đài phát thanh về Ngày của Cha ở quận Milwaukee. Vào cuối chương trình, một người cha được mời chia sẻ và ông hỏi tôi: “Có vẻ như trong việc nuôi dạy con, mọi thứ ông làm đều quan trọng cả, có đúng như vậy không?”
Tôi bảo đảm với người cha đó rằng đúng là như vậy, và khuyên anh nên cẩn thận với mọi hành động của mình vì trẻ em chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Tôi bảo anh đừng quá lo lắng về những điều cha mẹ nói vì không phải lúc nào bọn trẻ cũng lắng nghe. Hãy để tâm hơn đến hành động của mình vì chúng luôn quan sát mọi việc cha mẹ làm. Bọn trẻ sẽ trở thành giống như chúng ta. Vậy nên, “Hãy là người mà bạn muốn con mình trở thành!” là câu thần chú của tôi.
Gần đây, hai vợ chồng tôi được mời thuyết trình tại các lớp học của những người theo Cơ Đốc Giáo diễn ra vào Chủ nhật tại địa phương. Vào buổi học thứ 3, một phụ nữ nhận xét rằng lớp học quá khác so với những gì cô ấy nghĩ. Cô nói: “Những chia sẻ trên lớp hữu ích hơn buổi chia sẻ ở khoa nhi. Tôi nghĩ, các bác sĩ nhi khoa chỉ điều trị cho những đứa trẻ ốm yếu, khám sức khỏe và chích ngừa. Còn lớp học này lại thiên về cách làm thế nào để có cuộc sống tốt đẹp, hơn là cách hướng dẫn nuôi dạy con, có phải không ạ?”
Tôi trả lời: “Bạn quan sát thật tuyệt vời. Các bác sĩ nhi khoa chúng tôi gặp rất nhiều đứa trẻ ốm yếu, chích và khám sức khỏe tổng quát cho chúng. Chúng ta gọi đó là ‘đánh giá sức khỏe’, chúng ta tập trung vào thói quen sức khỏe đang hình thành ở trẻ và cách những thói quen đó kiểm soát cuộc sống của các bé. Nhưng, bạn đã nhận xét đúng 100%! Lớp học này nhằm giúp các bậc cha mẹ trở thành mẫu người mà họ muốn con mình trở thành. Đây là lớp học ‘làm thế nào để trở thành cha mẹ tốt’, chứ không phải là lớp học ‘nuôi dạy con thế nào’. Tôi rất vui vì bạn đã nhận thấy sự khác biệt đó”.
Cái cày đặt trước con trâu
Các lớp học và những cuốn sách hướng dẫn “Làm thế nào để trở thành cha mẹ tốt” thường bắt đầu từ cha mẹ – cha mẹ làm điều gì, con cái sẽ làm theo điều đó. Còn theo sách vở “nuôi dạy con thế nào” lại bắt đầu từ con trẻ – nếu đứa trẻ làm thế này, thì cha mẹ nên làm theo thế kia. Đây là cách nuôi dạy con theo kiểu cái cày đặt trước con trâu. Theo cách này, cha mẹ dạy dỗ con từ phía sau. Xem ra không có mấy tác dụng.
Các bác sĩ nhi khoa, hoặc các chuyên gia nuôi dạy con và các bậc cha mẹ thường cho rằng việc nuôi dạy là phải tập trung vào con trẻ. Thực ra, việc nuôi dạy con lại cần tập trung vào chính cha mẹ, bởi vì cha mẹ là những hình mẫu có ảnh hưởng lớn nhất tới các em, điều này là một phần thiết yếu của quá trình thăm khám định kỳ để theo dõi quá trình phát triển của trẻ.
Dù muốn hay không, dù tốt hay xấu, cha mẹ vẫn là hình mẫu quan trọng của con cái. Cha mẹ không chỉ có vai trò trọng yếu trong việc ảnh hưởng đến các giá trị, kỳ vọng của con trẻ mà còn ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.
Một nghiên cứu do Đại học Minnesota thực hiện trên 12,000 trẻ em từ lớp 7 đến lớp 12, được đăng trên trang trang JAMA từ năm 1997, kết luận: “Nếu cha mẹ kỳ vọng trẻ vị thành niên đạt điểm cao và hạn chế quan hệ tình dục, thì những kỳ vọng đó sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi của các em cho đến khi hết lớp 12, bất kể thu nhập gia đình, chủng tộc, tình trạng cha mẹ đơn thân hay đầy đủ cả hai”. Trưởng nhóm nghiên cứu, Michael Resnick, cho biết: “Thanh thiếu niên rất giỏi thuyết phục chúng ta rằng những gì chúng ta nói không liên quan mấy đến cuộc sống của chúng, nhưng sai lầm mà người lớn chúng ta mắc phải thì có tác động rất lớn”.
Một cuộc khảo sát của Horatio Alger đăng trên The State of Our Nation’s Youth (2005–2006) cho thấy 68% trẻ em gái từ 14 đến 19 tuổi và 70% trẻ em trai ở độ tuổi đó coi cha mẹ, anh chị em hoặc thành viên khác trong gia đình là hình mẫu. Chỉ có 15% đề cập đến một người bạn, thậm chí một số ít hơn đề cập đến người nổi tiếng trong làng giải trí hoặc vận động viên.
Để kiểm tra các số liệu thống kê quốc gia này, tôi đã phỏng vấn 103 thanh thiếu niên trong một mùa hè về những người ảnh hưởng nhiều nhất đến giá trị đúng và sai của các em. Trong số này, 83 em cho đó là cha, mẹ hoặc cả cha mẹ; 3 em cho đó là anh chị em; 3 em tin là ảnh hưởng từ chính mình, 3 em khác cho đó là giáo viên, huấn luyện viên, bộ trưởng; còn 3 em cho là không có ai ảnh hưởng đến mình. Có 8 em trả lời rằng đó là bạn bè. Chỉ có một cậu bé 15 tuổi cho rằng đó là người dẫn chương trình nổi tiếng Rush Limbaugh.
Thống kê trên cho thấy kết quả của việc cha mẹ nuôi dạy con từ phía sau (đặt con lên trước), và lý do tại sao chúng ta cần thay đổi trọng tâm, đặt cha mẹ lên đầu!
Theo thống kê của Hiệp hội Chăm sóc Trẻ em Hoa Kỳ, thời điểm năm 2019, mỗi ngày có 1,840 trẻ em bị lạm dụng hoặc bỏ bê tại Hoa Kỳ, trong đó có 5 trẻ em bị lạm dụng dẫn đến tử vong. Có hơn 660,000 trẻ em bị bạo hành và hơn 400,000 em trong số đó bị chính cha mẹ bạo hành. Theo Quỹ Bảo vệ Trẻ em, năm 2020, mỗi ngày có 8 trẻ em hoặc thanh thiếu niên tự tử, 9 trẻ em hoặc thanh thiếu niên bị sát hại bằng súng, 126 trẻ em bị bắt với tội danh là tội phạm bạo lực, và 248 trẻ em bị bắt vì là tội phạm ma túy.
Cha mẹ là người lãnh đạo trong gia đình
Chúng ta có thể thay đổi những con số thống kê khủng khiếp đó bằng cách bắt buộc những đứa trẻ của chúng ta, gia đình của chúng ta và thế giới của chúng ta di chuyển cái cày ra phía sau con trâu. Chúng ta phải đưa cha mẹ trở lại vị trí là người lãnh đạo trong gia đình, để những đứa trẻ ở vị trí cần được dẫn dắt. Đó là một trong những mục tiêu dài hạn của chủ đề này.
Chắc chắn, tôi không tham vọng biết tất cả các câu trả lời, nhưng vợ tôi, Mary, và tôi đã nuôi dưỡng bốn đứa con rất thành công. Tôi đã dành nửa thế kỷ để nghiên cứu về trẻ em, gia đình và xã hội, và tôi đã hướng dẫn các bậc cha mẹ trong nhiều thập kỷ. Tôi biết rằng một điều gì đó phải thay đổi, nếu không xã hội của chúng ta sẽ không thể tồn tại. Tôi mong nhận được sự nhẫn nại và sự trợ giúp của các bạn trong công cuộc thay đổi này.
Nhiều năm trước, ca sĩ Rodney Adkins, sinh ra ở tiểu bang Tennessee, đã thu âm một bài hát về cách nuôi dạy con, có tên là “Watching You” (tạm dịch: “Bắt chước cha”). Ca khúc nhanh chóng trở nên phổ biến đối với người hâm mộ nhạc đồng quê. Hãy nghe những ca từ và xem video của bài hát; bạn sẽ yêu thích nó. Nó sẽ khiến bạn tin vào tầm quan trọng của việc “hãy là người mà bạn mong muốn con mình trở thành”.
Hãy tận hưởng những khoảnh khắc bên bọn trẻ, cầu Chúa tiếp tục ban phước cho bạn và gia đình bạn!
Tác giả: Tiến sĩ Parnell Donahue là một bác sĩ nhi khoa, cựu quân nhân, tác giả của bốn cuốn sách và blog ParentingWithDrPar.com, đồng thời là người dẫn chương trình “Những vấn đề trong việc nuôi dạy con cái” của WBOU.
Do Parnell Donahue thực hiện
Minh Vi biên dịch
Mời quý vị nghe bài viết qua giọng đọc của Thy Nguyễn.
Xem thêm: