Nước lũ ở thành phố Tân Hương, tỉnh Hà Nam dâng cao đến thắt lưng chỉ trong một đêm
Mưa lớn vẫn đang tiếp tục ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Các thành phố Tân Hương, Tiêu Tác, Hạc Bích, An Dương và những nơi khác ở tỉnh Hà Nam đã phải hứng chịu những trận mưa to dữ dội trong vài ngày qua. Lượng mưa ở huyện Kỳ, thành phố Hạc Bích và ở Vệ Huy, Tân Hương đã vượt qua cả thành phố Trịnh Châu. Mưa lũ cộng thêm xả lũ đã khiến nhiều nơi bị ngập, người dân bị mắc kẹt.
Cô Chu đến từ Giang Tô nói với phóng viên của Epoch Times rằng, cô và bạn đã lái xe từ Vô Tích đến Tân Hương để đón con mình về nhà vào kỳ nghỉ, nhưng đến rồi thì đi không nổi nữa, cả con đường đều ngập nước, là một biển nước mênh mông. Không có cách nào để ra ngoài cả, đường cao tốc cũng đóng cửa rồi.
Nhóm của cô đã tìm được một khách sạn và đậu xe ở một nơi cao ráo. “Hôm qua đậu xe ở nơi cao ráo, nước còn không chạm vào được xe. Hôm nay xe của chúng tôi đã bị ngâm trong nước. Khi chúng tôi đến khách sạn, nước trong khách sạn chỉ đến bàn chân. Tôi nghe người phục vụ nói, nước ở tầng một đã ngập đến thắt lưng rồi, chúng tôi cũng không dám xuống nữa”.
Cô Chu nói rằng trời đã mưa to suốt 4 ngày. “Lúc chúng tôi đến mưa còn chưa to, mới chỉ mưa hơn một ngày, không ngờ rằng lại như thế này”. Cô không hiểu tại sao chỉ qua một đêm mà nước lại dâng lên nhiều như vậy. “Không hiểu sao chỉ mới qua nửa đêm, đến gần sáng thì đã từ bàn chân lên đến thắt lưng rồi?”
“Chúng tôi đã gọi 110, và 110 đã cho chúng tôi hai cuộc gọi cứu trợ, gọi nữa cũng không ai trả lời. Đường dây nóng 12345 của thị trưởng cũng không ai nghe máy. Không có cách nào để chúng tôi cầu cứu, chúng tôi cũng phát video trên Weibo, nhưng phát chưa đến hai phút thì đã bị xóa. Không thể đăng lên weibo mà cũng không thể gọi điện thoại cứu trợ.” Cô nói, “Vừa nãy khách sạn còn mất điện, khiến chúng tôi sợ chết khiếp”.
Phóng viên của Epoch Times còn phát hiện ra rằng, các cuộc điện thoại trong khi thiên tai thường bị gián đoạn, và đôi khi còn bị khóa số. Phóng viên đã sử dụng Internet để gọi điện nhưng không cách nào kết nối, bên kia chỉ nghe thấy tiếng “bíp bíp”. Cô Chu xác nhận với phóng viên rằng cô nhận được tin nhắn cho biết có cuộc gọi đến, nhưng cô không thể nghe máy được.
Cô Chu nói rằng bây giờ họ cũng không thể đi xuống lầu hay ra ngoài. Hàng hóa trong siêu thị gần như đã hết sạch, đồ ăn trong phòng ước chừng một hai ngày nữa sẽ hết. Cô không dám xuống nước do có vài chỗ đã bị chập điện do ngập.
“Chúng tôi từ thành phố Vô Tích lái xe qua đây, tốn mất chín tiếng, vì chúng tôi không chích vaccine nên không thể mua vé xe lửa.” Cô nói, “Khi chúng tôi đến Trịnh Châu còn đi được nhanh. Khi rời Trịnh Châu vào lúc 9 giờ ngày 20, chúng tôi phải đi rất chậm và gần như bị kẹt lại. Lúc đó Trịnh Châu ngập nặng hơn so với Tân Hương”.
Cô cho biết vẫn còn hơn 50 người sống trong khách sạn. Mạng Internet không tốt và điện thoại di động không có tín hiệu. Chưa thấy ai đến cứu trợ, điện thoại đến lúc quan trọng thì gọi không được. Không có cách nào để liên hệ với đội cứu hộ và cô không biết phải làm gì.
Cô Chu chưa bao giờ gặp phải tình huống như vậy, “Trời mới mưa một ngày, làm sao có thể nghiêm trọng như vậy? Tôi cũng không ngờ rằng mưa có thể lớn như thế này.”, “Những chiếc xe hơi đều ngâm trong nước hết rồi, nhìn từ trên cao xuống chỉ còn thấy cái nóc. Xe coi như xong rồi, may mà giữ được tính mạng”.
Phóng viên của Epoch Times đã gọi được cho chủ của một chiếc xe bị mắc kẹt gần giao lộ giữa đại lộ Đông Minh và đại lộ Kim Tuệ ở Tân Hương. Người này nói với phóng viên rằng đội cứu hộ vẫn chưa đến, nước gần đó quá sâu nên không thể thoát ra được, may mà mưa đã tạnh rồi và tạm thời không nguy hiểm đến tính mạng. Tín hiệu điện thoại đã bị ngắt ngay sau khi anh ta nói hết câu.
Cư dân mạng phản ánh rằng lượng mưa ở Tân Hương đã vượt quá lượng mưa ở Trịnh Châu vào ngày hôm qua, nhưng công tác cứu hộ hoàn toàn không theo kịp. Tất cả các số gọi cứu hộ có thể tìm thấy trên mạng đều bận.
Có người đăng bài nhắc nhở mọi người rằng: “Đèn đường đối diện ngân hàng CCB ở ngã tư đường Thắng Lợi và đường Nhân Dân đã bị rò điện, đừng lội qua nước, có hai người đã bị giật rồi. Đoạn đường Bình Nguyên ở phía đông của tòa nhà Dự Bắc đã bị sạt lở tạo thành một cái hố rộng hơn một mét, các phương tiện và người đi bộ được yêu cầu đi đường vòng. Đường Tân Nhất Nhai đã bắt đầu lún xuống, đoạn bên ngoài trường tiểu học của thôn đã bị sập. Lối vào của nhà máy thuộc da Lộ Nam cách cửa sông Hoàng Hà 300 mét về phía đông đã bị sập, chìm trong nước và không còn có thể nhìn thấy”. Có địa phương “nước vượt quá 2.2 mét”.
Làng Trang Đầu, huyện Úy Thị, thành phố Khai Phong đã gửi đi thông báo cầu cứu, người dân trong làng bị mắc kẹt, tính mạng của hàng nghìn người đang gặp nguy hiểm, mực nước ở đó đã cao hơn thắt lưng từ lâu. Điện thoại cứu trợ không gọi được, trong làng có rất nhiều người già và trẻ em, họ đã mất mạng Internet, mất điện, mất nước.
Tính đến thời điểm ra bài báo này, phóng viên của Epoch Times vẫn không thể liên lạc được với những dân làng bị mắc kẹt.
Làng Trần Bảo, thị trấn Đại Khối, quận Phượng Tuyền, thành phố Tân Hương cũng đang kêu cứu: Toàn bộ ngôi làng đầy nước, tất cả nhà dân đều bị ngập, hiện tại vẫn chưa thấy cứu hộ.
Một cư dân mạng đăng bài nói rằng: “Tại làng Tiểu Khối, thị trấn Đại Khối, quận Phượng Tuyền, thành phố Tân Hương, tỉnh Hà Nam, do khu vực miền núi Huy Huyện xả lũ, con đê trong làng không thể chặn nổi nên mực nước không ngừng dâng cao, hiện tại mực nước sâu nhất đã đạt đến 2 mét. Trong làng có rất nhiều người già và trẻ em, hiện tại làng đang trong tình trạng không có điện, nước, tín hiệu, tôi không thể liên lạc được với gia đình từ chiều hôm qua”.
Không chỉ làng Tiểu Khối mà những ngôi làng khác ở thị trấn Đại Khối như Trần Bảo, Bắc Trang, Mạnh Trang, Tú Tài Trang… đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng và không thể liên lạc được với thế giới bên ngoài.
Được biết, phải đến tối ngày 22, đội cứu hộ dân sự ở Vệ Huy, Tân Hương mới hoàn thành việc bàn giao và sơ tán với lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy.
Người dân địa phương cho biết rất nhiều nơi đã xả lũ để bảo vệ Trịnh Châu
Việc chính quyền xả lũ tại các hồ chứa ở thượng nguồn được cho là một trong những nguyên nhân gây ra lũ lụt. Hơn nữa là do phản ứng dây chuyền của việc xả lũ hồ chứa hàng loạt, chứ tuyệt không phải là chỉ có một hồ chứa xả lũ.
Theo báo cáo của China News Service (CNS), mực nước ở hồ chứa Quách Gia Tư, quận Nhị Thất, thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam đã tăng lên rất nhanh và khiến đập bị vỡ vào lúc 1h30 ngày 21/7.
CCTV News đưa tin rằng, “Một trận lũ siêu lịch sử đã xảy ra trên sông Giả Lỗ ở Trịnh Châu, Hà Nam”, “Mực nước cao nhất tại hồ chứa Thường Trang ở thượng nguồn vào lúc 19 giờ ngày 20 là 131.31 mét, lưu lượng dòng chảy tối đa là 525 mét khối mỗi giây”.
Theo trang web chính thức của Cục thủy lợi thành phố Chu Khẩu, tỉnh Hà Nam, vào lúc 0 giờ ngày 21/7, lưu lượng ở trạm Tân Trịnh trên sông Song Kỵ – một nhánh của sông Giả Lỗ – đạt đến 998 mét khối mỗi giây. Đây là trận lụt lớn nhất trên sông Giả Lỗ trong gần 40 năm trở lại đây.
Văn phòng Bộ chỉ huy Phòng chống lũ lụt và Cứu trợ Hạn hán thành phố Tân Hương cho biết vào hôm 22/7 rằng, mực nước ở trạm Cừ Hợp đang tiếp tục dâng cao, đến 17h40 ngày 22, nước từ sông Cừ đã tràn vào sông Vệ, nước dâng lên dọc theo sông Vệ gây ra lũ lụt, họ thông báo cho người dân dọc tuyến bờ sông di dời khẩn cấp. Theo tin tức mới nhất trên mạng, sông Vệ đã bị vỡ đê.
Người dân địa phương nói với phóng viên của Epoch Times rằng các nơi đều đang xả lũ, mục đích là để bảo vệ Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh. “Mưa rất lớn, rất nhiều hồ chứa đã xả nước để bảo vệ Trịnh Châu. Toàn bộ tỉnh Hà Nam đều đang xả lũ, nhất là bắc trung bộ, hiện nay sợ nhất là sông Hoàng Hà sẽ vỡ bờ, lúc đó thì chỉ có thể cho nổ bờ bắc sông Hoàng Hà để bảo vệ Trịnh Châu”.
Lũ lụt đã khiến nhiều chuyến tàu mắc kẹt tại Tân Hương và Hạc Bích. Một hành khách kêu cứu nói rằng: “Chuyến tàu T122 của chúng tôi đã bị kẹt ở Tân Hương, mất cả ngày trời mới về đến Thiên Tân, rồi lại bị kẹt ở huyện Kỳ, Hạc Bích, Hà Nam. Đã kẹt hơn 50 giờ rồi! Trên tàu có gần 500 người, trong đó có nhiều người già và trẻ em. Bây giờ Tân Hương ở phía nam đang bị ngập lụt, trạm gần nhất ở phía bắc là An Dương, tình hình cũng không mấy khả quan, Thạch Gia Trang cũng đang mưa rất lớn, tiến thoái lưỡng nan! Toa ăn uống trên tàu tạm thời có thể cung cấp nước và thức ăn, nhưng sẽ không được lâu. Xin hãy giúp đỡ!”
Vào chiều ngày 22, một hành khách xác nhận với phóng viên rằng họ vẫn đang ở trên tàu, đã 3 ngày rồi, hiện tại hàng tiếp tế đã đến. Vì đoàn tàu dừng khá gần Trịnh Châu nên đây có thể là chuyến tàu cuối cùng rời bến. “Những chuyến tàu khác cũng đang phải dừng. Chúng tôi phải đợi những chuyến tàu phía trước đi rồi mới có thể đi. Hiện tại đã ở trên tàu được 3 ngày rồi”.
Do Lí Tân An, Cao Tịnh thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: