Nữ điêu khắc gia Helen Farnsworth Mears: Nắm bắt đời sống đích thực của tâm hồn
Bà Helen Mears, nữ nghệ sỹ trầm lặng và tử tế đã mang lại vẻ đẹp và phẩm chất tinh thần tinh tế cho các tác phẩm của mình
Việc bảo đảm thông tin nhất quán về điêu khắc gia Helen Farnsworth Mears là một nhiệm vụ khó khăn. Một số người tin rằng bà đột ngột qua đời khi đang trên đà đạt đến đỉnh cao sự nghiệp, nhưng vì thiếu sự quảng bá thích đáng nhằm giữ cho di sản của bà luôn tỏa sáng nên danh tiếng và các tác phẩm của bà đang mai một dần trong lòng công chúng. Và đây là kết cục đáng tiếc đối với bà Mears, một nghệ sỹ tự học đầy tâm huyết, người đã đạt đến một mức độ thành công nhất định với tư cách là nữ điêu khắc gia vào đầu thế kỷ 20.
Dưới đây là một ví dụ nhỏ về việc thiếu thông tin đáng tin cậy về bà Mears: Hầu hết các nguồn thông tin trực tuyến đều ghi nhận năm sinh của bà là năm 1872, tuy nhiên theo hồ sơ rửa tội của Nhà thờ Trinity Episcopal, bà sinh ngày 21/12/1871 ở thành phố Oshkosh, tiểu bang Wisconsin. Vậy nên, đây chính là nơi mà câu chuyện về nữ thiên tài năng nổ này bắt đầu.
Các khuynh hướng nghệ thuật thời đầu
Bà Helen sinh ra trong một gia đình đặc biệt tài năng và được trọng vọng. Mẹ bà, bà Elizabeth Farnsworth Mears, là một trong những tiểu thuyết gia có tác phẩm được xuất bản đầu tiên ở tiểu bang Wisconsin, và cũng là một nhà thơ có tác phẩm được xuất bản. Một trong các chị gái của bà Helen là nhà văn kiêm sử gia, một chị gái khác là họa sỹ vẽ tranh minh họa. Cha bà, ông John Hall Mears là một nhà phát minh có thành tựu, đã từng nghiên cứu và thực hành phẫu thuật. Ông đã dạy bà các bài học về giải phẫu và biến kho chứa củi của mình thành xưởng điêu khắc cho con gái. Với tinh thần sáng tạo và sự trợ giúp xung quanh, bà Helen — như một bài viết từng miêu tả về bà, “cô gái nhỏ với đôi mắt to lặng lẽ đi khắp thành phố của chúng ta,” bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một nhà điêu khắc khi tuổi đời còn rất nhỏ.
Bà bắt đầu nặn bánh mì thành hình những chú chó, ngựa, và cắt những con búp bê giấy có nét giống với những người hàng xóm một cách kỳ lạ. Một trong những sáng tạo ban đầu của bà là một mô hình nhà hát thu nhỏ làm bằng bột trét (putty) và đất sét, với những con rối được làm để đại diện cho những người nổi tiếng trong xã hội ở Oshkosh.
Năm 9 tuổi, bà trưng bày chiếc đầu của Thần Mặt Trời Apollo tại Hội chợ Quận Winnebago. Trong suốt những năm trung học, bà vừa làm nông nghiệp vừa vẽ tranh như một sở thích.
Vào đầu những năm tuổi đôi mươi, một trong các bức tượng của bà được trưng bày tại Triển lãm Thế giới Colombia ở Chicago, năm 1893. Bức tượng cao 09 foot (~ 2.74m) đã giúp cho nghệ sỹ triển vọng này kiếm được một khoản thu nhập đáng tự hào và cũng là lần đầu tiên bà được tán dương.
Sau đó, bà vào Học viện Nghệ thuật Chicago để học tập trong ba năm, dưới sự dẫn dắt của điêu khắc gia Lorado Taft (1860–1936); nhưng chỉ sau sáu tháng làm việc, vị nghệ sỹ này đã nói với bà rằng, ở Chicago không còn gì cho bà học nữa. Bà là người tiếp thu rất nhanh, và ông Taft đã chỉ dẫn bà đến xưởng điêu khắc của ông Augustus Saint-Gaudens ở Thành phố New York. Bà Helen đã trở thành trợ lý của điêu khắc gia Saint-Gaudens và có những đóng góp quan trọng trong công việc của bậc thầy này.
Mối quan hệ giữa bà với ông Saint-Gaudens (1848–1907) rất quan trọng, bởi vì ông đã và đang được nhiều người xem là một trong những điêu khắc gia người Mỹ đầu tiên thực sự xuất chúng.
Chuyến hành trình đến châu Âu
Thật vậy, lần theo bước chân của ông Saint-Gaudens, bà Helen cùng cô em gái Mary đã đến châu Âu, và học điêu khắc trên khắp Lục địa này cùng với một số điêu khắc gia danh tiếng thời đó. Các ấn bản nghệ thuật đương thời đã để ý đến việc bà Mears trưng bày tác phẩm của mình tại Paris vào năm 1897 và có chuyến đi đến Ý vào năm tiếp theo.
Bà trở lại thành phố Oshkosh vào năm 1899. Sau khi mở một xưởng điêu khắc tại gia, bà được người dân ở Oshkosh ủy thác tạc một bức tượng bán thân bằng đá cẩm thạch của ông George S. Albee, vị hiệu trưởng đầu tiên của Trường Oshkosh Normal.
Trong khoảng thời gian này, bà lại chuyển đến Thành phố New York một lần nữa và nhận ủy thác từ tiểu bang Illinois để tạc một bức tượng của bà Frances E. Willard (1839–1898), người ủng hộ việc mở rộng quyền bầu cử cho phái nữ và cũng là nhà cải cách tiết chế rượu. Đối với tác phẩm này, bà được trả một khoản tiền hậu hĩnh là 18,000 USD. Có lẽ đây là tác phẩm công phu nhất còn sót lại của bà, bà từng nói rằng, bà mất ít nhất năm năm để tạc nên bức tượng này. Được đặt tên là “The Fountain of Life” (Nguồn Sống), bức tượng điêu khắc chạm nổi cao 14 feet (~ 4.27m) theo phong cách Hy Lạp “nói lên chân lý của cuộc sống,” như bà từng giải thích với một người phỏng vấn. Bức tượng được khánh thành lần đầu tiên để trưng bày trong Hội trường các Bức Tượng Quốc gia, thuộc Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn năm 1905. Ông Saint-Gaudens ca ngợi tác phẩm này là “mạnh mẽ” và “còn mang một phẩm chất tinh tế, hữu hình, vô cùng hiếm thấy và thiêng liêng.”
Sau này, bức tượng “The Fountain of Life” (Nguồn Sống) được quyên tặng cho tiểu bang quê nhà của bà, với tên gọi là “Đài Tưởng Niệm Phụ Nữ Wisconsin,” và ngày nay bức tượng được đặt trong tòa nhà State Capitol ở thành phố Madison, tiểu bang Wisconsin.
Bà Mears nỗ lực hướng đến thời kỳ cuối của [phong cách] lãng mạn cổ điển và, ngoại trừ một số rất ít các tác phẩm ra, thì chúng đều đi theo khuôn mẫu cổ điển. Một trong các tác phẩm khác nổi tiếng nhất của bà là bức tượng chạm nổi bằng đồng về mẫu thân của bà, bà Elizabeth Farnsworth Mears, được tạc vào năm 1907 và sau đó được trưng bày tại Triển lãm Panama-Thái Bình Dương ở San Francisco, nơi mà bức tượng nhận được một giải thưởng. Một nhà phê bình nghệ thuật Âu Châu từng bình luận khoa trương khi so sánh “tư thế” và “vẻ đẹp” của bức tượng này với một bức tranh nổi tiếng về mẹ ông do họa sỹ James Whistler vẽ.
Các tác phẩm đáng chú ý khác của bà gồm có bức tượng bán thân của điêu khắc gia Saint-Gaudens, bức phù điêu chạm nổi của nhà soạn nhạc kiêm nghệ sỹ dương cầm Edward Alexander MacDowell (1860–1908), bức tượng bán thân bằng đồng của sỹ quan quân đội George Rogers Clark (1752–1818) và nha sỹ kiêm nhà phát minh William T. G. Morton (1819–1868). Bà còn là nữ điêu khắc gia của Đài phun nước Tưởng niệm Adin Randall, ở thành phố Eau Claire, tiểu bang Wisconsin, được hoàn thành vào năm 1914. Tác phẩm này vẫn còn đặt ở đó cho đến ngày nay.
Đáng tiếc là, khuôn thạch cao của bức tượng tạc ông MacDowell đã biến mất trên đường đến một viện bảo tàng ở tiểu bang Illinois khoảng 20 năm về trước, và được cho là đã thất lạc theo dòng lịch sử. Tình huống này dường như cũng xảy ra với khoảng hàng chục nhân vật và các bức tượng khác của bà Mears.
Chạm ngưỡng thành công
Mặc dù bà từng tham gia buổi triển lãm Armory rất nổi tiếng vào năm 1913 ở Thành phố New York — cuộc triển lãm quan trọng đầu tiên về nghệ thuật hiện đại tại Mỹ quốc — nhưng điều đó không có ảnh hưởng nhiều đến những gì bà đang làm. Thật vậy, trong những năm đầu đến giữa thập niên 1910, bà Mears đã có cuộc sống sáng tạo năng nổ trong xưởng điêu khắc của mình ở Manhattan, và thường lấy em gái Mary làm người mẫu. Bà cũng vẽ rất nhiều bức chân dung có thành công nổi bật. Trong một bức thư mà bà Mears viết, hiện nằm trong văn khố của Hiệp hội Lịch sử Wisconsin, có nhắc đến nguyện vọng của bà là miêu tả điều gì đó vĩ đại hơn hình thức vật chất:
“Tôi đang trong quá trình hướng đến một cảm giác tự do hơn, có tính diễn giải hơn về hình thức để cố gắng biểu đạt đời sống nội tâm — năng lượng của tinh thần, bằng sự mò mẫm đôi khi mù quáng, đôi khi đầy cảm hứng, tôi cảm thấy nghệ thuật đại diện cho thời đại này phải thể hiện được đời sống đích thực của tâm hồn — cũng như kỳ quan của lớp vỏ bọc vật chất, và đối với tôi, chính sự bí ẩn của đời sống nội tâm đã hình thành nên ý nghĩa và sư vĩ đại của đời sống.”
Người ta viết rất ít về tính cách và cuộc sống cá nhân của bà Mears, mặc dù các nhà văn từng có vinh dự gặp bà miêu tả rằng, nữ nghệ sỹ là người “khó nắm bắt,” “trầm lặng và nhút nhát,” bà có “tính cách và thái độ hành xử tử tế chân thành,” và là người “kiên định thực hiện điều mình mong muốn.”
Do hồ sơ lưu trữ thiếu hụt, nên cuộc đời và các tác phẩm của bà Mears có thể sẽ không bao giờ được xác minh đầy đủ hoặc ghi chép một cách thích đáng. Sự đoản mệnh của bà có lẽ đã tạo nên lớp phủ bí ẩn đầu tiên.
Cuộc đời ngắn ngủi của bà Helen Farnsworth Mears đột ngột [kết thúc] vào ngày 17/02/1916. Một buổi chiều nọ, bà đang “đóng vai là người chủ trì bữa tiệc trà” trong ngôi nhà gỗ lợp mái kính của mình thì đột nhiên ngã bệnh. [Khi đó] bà mới 44 tuổi.
Tờ New York Herald thuật lại, “Tử thần đã đột kích vào khu nghệ thuật của thành phố New York đêm qua, tước đi một trong những cư dân thành công và nổi tiếng nhất ở khu đó.”
Theo một nguồn tin, bà Mears được cho là “đột ngột tử vong vì làm việc quá sức và bị kiệt sức,” trong khi một bài viết đương thời khác đổ lỗi cho “một cơn đau tim bột phát,” và sau đó em gái Mary Mears tuyên bố nguyên nhân tử vong của bà là “suy dinh dưỡng.” Tờ New York Herald lưu ý rằng, bà Helen rất được kính trọng trong giới nghệ thuật ở New York, “nhờ cách thức làm việc nghiêm túc và sự cống hiến toàn tâm toàn ý cho nghề nghiệp của bà.”
Cáo phó trên các tờ báo chủ yếu tập trung ở New York và Wisconsin, nhắc đến “nữ điêu khắc gia tài năng người Mỹ” như là người đã sống một cuộc đời đáng giá. Một cáo phó trong đó thậm chí còn khẳng định rằng, bà “chỉ mới chạm đến ngưỡng thành công cao nhất.”
Một trong những “người bạn thân thiết nhất” của bà là bà B.C. Gudden, vốn quen biết bà Helen và gia đình bà từ khi nữ điêu khắc gia còn là một thiếu nữ.
“Tôi không thể nói những lời tôi muốn nói về bà ấy vào lúc này,” bà Gudden cho hay. “Tôi cảm thấy quá sức chịu đựng. Chúng tôi, những người quen biết bà sẽ đau buồn khôn nguôi vì đã mất đi một nhân cách như bà, nhưng đất nước nói chung cũng phải chịu tổn thất lớn khi bà đột ngột ra đi.”
Sự trường tồn của nghệ thuật
Trong những năm sau khi bà Mears qua đời, các tác phẩm của bà vẫn tiếp tục được trưng bày ở hầu hết các trung tâm đô thị, và nhìn chung nhận được phản hồi tích cực. Năm 1939, câu lạc bộ Barnard, một trong những câu lạc bộ nghệ thuật nổi tiếng nhất của Thành phố New York, đã trưng bày tác phẩm của bà Mears trong một cuộc triển lãm kéo dài hai tuần về tranh vẽ và các tác phẩm điêu khắc của các nghệ sỹ đương đại. Đây là tác phẩm duy nhất của một nghệ sỹ đã khuất bóng được đưa vào bộ sưu tập.
Tuy ánh hào quang rực rỡ một thời của bà đã phần nào phai mờ theo biên niên sử của thời gian và không gian, nhưng những ví dụ về nghệ thuật của điêu khắc gia Mears vẫn còn đủ để minh họa và soi sáng cho những khoảnh khắc bất hủ trong cuộc đời bà. Ngoài tác phẩm “The Fountain of Life” (Nguồn Sống) và Đài phun nước Tưởng niệm Adin Randall, một số tác phẩm khác của bà nằm trong các bộ sưu tập thường trực của Trung tâm Nghệ thuật Paine và Bảo tàng Công cộng Oshkosh, cả hai nơi này đều tọa lạc ở thành phố Oshkosh, tiểu bang Wisconsin.
Quỳnh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times