Nợ chính quyền địa phương chạm mức khủng hoảng, Bắc Kinh phát hành ‘trái phiếu đặc biệt’ để trang trải
Các chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc đã phát hành 1.5 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 208 tỷ USD) trái phiếu đặc biệt kể từ tháng 10/2023.
Nợ chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã chạm đến mức báo động, với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải thường xuyên phát hành “trái phiếu đặc biệt” để thuyên giảm khủng hoảng.
Theo tài liệu từ Mạng Thông tin Trái phiếu Trung Quốc, mới đây tỉnh Quý Châu đã phát hành “trái phiếu tái cấp vốn đặc biệt” hôm 18/03. Đây là lần phát hành trái phiếu thứ sáu của chính quyền tỉnh này trong sáu tháng qua, với tổng số phát hành lên tới 21.56 tỷ nhân dân tệ (khoảng 3 tỷ USD), làm nổi rõ những khó khăn đang diễn ra trong việc quản lý nợ địa phương.
Không giống như trái phiếu tái cấp vốn thông thường, trong đó vốn huy động được sử dụng để trả nợ gốc trái phiếu chính phủ sắp đáo hạn, các khoản vốn huy động từ trái phiếu tái cấp vốn đặc biệt được sử dụng để trả cho những khoản nợ ẩn của địa phương.
Kể từ tháng 10/2023, chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc đã phát hành trái phiếu đặc biệt với tổng số tiền thu được cho đến nay là gần 1.5 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 208 tỷ USD).
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng số tiền này có thể không đủ để giải quyết mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục khi nhiều tỉnh phát hành thêm trái phiếu loại này để trang trải việc trả nợ của họ. Ông Tôn Bân Bân (Sun Binbin), Trưởng phòng Phân tích Thu nhập Cố định tại công ty Chứng khoán Thiên Phong (Tianfeng Securities), gợi ý rằng ngay cả trong một kịch bản “hết sức lạc quan,” có thể đã có 2.8 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 389 tỷ USD) trái phiếu tái cấp vốn đặc biệt được phát hành từ tháng 10/2023 đến năm 2024.
ĐCSTQ có lịch sử viện đến các biện pháp như vậy, với hai đỉnh điểm đáng kể về việc phát hành trái phiếu tái cấp vốn đặc biệt diễn ra trong những năm gần đây. Đợt đầu tiên diễn ra từ tháng 12/2020 đến tháng 09/2021, với tổng số tiền thu được là 627.8 tỷ nhân dân tệ (khoảng 87.2 tỷ USD). Số tiền này chủ yếu hướng tới các dự án thí điểm nhằm giải quyết nợ ẩn ở các huyện hiện có. Đợt thứ hai, từ tháng 10/2021 đến tháng 06/2022, với số tiền thu được lên tới 504.2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 70 tỷ USD), tập trung vào các dự án thí điểm không có nợ ẩn ở các khu vực như Bắc Kinh, Quảng Đông, và Thượng Hải.
Quy mô và tốc độ của đợt phát hành trái phiếu tái cấp vốn đặc biệt này lớn hơn nhiều so với những đợt phát hành trước đây.
ĐCSTQ phát hành trái phiếu quốc gia đặc biệt
Trong kỳ họp “Lưỡng hội” gần đây, ĐCSTQ đã thông báo rằng họ có ý định phát hành “trái phiếu quốc gia đặc biệt siêu dài hạn” liên tục trong vài năm, bắt đầu với 1 ngàn tỷ nhân dân tệ (139 tỷ USD) trong năm nay, như Thủ tướng Lý Cường đã tuyên bố trong báo cáo công tác của chính quyền.
Theo báo cáo công tác, số tiền thu được từ những trái phiếu này sẽ được phân bổ riêng cho việc thực hiện các chiến lược quốc gia lớn và tăng cường năng lực an ninh trong các lĩnh vực then chốt, mặc dù báo cáo không cung cấp chi tiết cụ thể.
Trong khi trái phiếu có thời gian đáo hạn từ 10 năm trở lên thường được xem là “dài hạn”, thì trái phiếu “siêu dài hạn” thường có thời gian đáo hạn dài ít nhất 30 năm. Trước đây ĐCSTQ đã từng phát hành trái phiếu quốc gia siêu dài hạn 50 năm hồi năm 2009.
Nhà kinh tế vĩ mô Đài Loan Ngô Gia Long (Wu Jialong) nói với The Epoch Times rằng việc phát hành trái phiếu quốc gia dài hạn đặc biệt có tác dụng giúp chính quyền đương nhiệm miễn trừ nghĩa vụ trả nợ. Ông cho rằng nếu ĐCSTQ sụp đổ trong vòng một thập niên, thì khoản nợ đó sẽ không phải hoàn trả, và nếu ĐCSTQ kéo dài được thêm vài thập niên nữa thì các chính quyền trong tương lai sẽ phải hoàn trả.
Ông nói, “Đây không phải là một cách vay tiền với mục tiêu trả lại nợ. Về căn bản, ĐCSTQ đang chuẩn bị vỡ nợ ngay từ đầu.”
So với trái phiếu quốc gia thông thường, trái phiếu quốc gia đặc biệt là trái phiếu được phát hành trong những giai đoạn cụ thể và dành cho các mục đích cụ thể, thường là để giải quyết các trường hợp khẩn cấp lớn. Trái phiếu quốc gia đặc biệt không được tính vào thâm hụt nhưng được quản lý trong khuôn khổ quản lý cán cân nợ.
Trong lịch sử, ĐCSTQ phát hành trái phiếu quốc gia đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, bao gồm cuộc khủng hoảng tài chính Á Châu năm 1998, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007, và đại dịch COVID-19 năm 2020.
Vào tháng 10/2023, cơ quan tài chính trung ương của ĐCSTQ đã phát hành thêm một ngàn tỷ nhân dân tệ (tương đương với 139 tỷ USD) trái phiếu quốc gia. Mặc dù số tiền này đã được tính vào thâm hụt, nhưng lại được quản lý theo diện “quản lý trái phiếu quốc gia đặc biệt.” Thông báo khẳng định khoản phân bổ này được sử dụng để “khôi phục và tái thiết sau thiên tai tại địa phương” ở những vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai như mưa lớn, lũ lụt, và bão.
Sự tăng tốc gần đây trong việc phát hành trái phiếu quốc gia đặc biệt của ĐCSTQ là đáng chú ý. Các đợt phát hành trước đó lần lượt cách nhau 9 và 13 năm, trong khi hai đợt phát hành gần đây nhất cách nhau chưa đầy nửa năm, và đợt gần đây nhất dự kiến sẽ phát hành liên tục trong “vài năm.”
Nhiều nhà phân tích tin rằng sự gia tăng phát hành trái phiếu quốc gia đặc biệt này của ĐCSTQ có liên quan đến tình trạng nợ nần nghiêm trọng của địa phương. Mặc dù chính quyền trung ương đã nhấn mạnh nguyên tắc “ai làm nấy chịu,” nhưng cũng không dám buông tay hoàn toàn, vì rủi ro khu vực có thể leo thang thành rủi ro hệ thống.
Ông Ngô nhấn mạnh sự cần thiết của việc trả lương cho công chức cũng như lực lượng công an và cảnh sát vũ trang, để giúp cho hệ thống duy trì sự ổn định tiếp tục hoạt động. Ông khẳng định nợ địa phương ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định của xã hội và chế độ.
Khủng hoảng nợ của Trung Quốc thu hút sự chú ý
Trong những năm gần đây, quy mô nợ chính quyền địa phương ở Trung Quốc không ngừng mở rộng. Vào năm 2023, chính quyền địa phương đã phát hành 9.34 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.3 ngàn tỷ USD) trái phiếu, chạm tới một mức cao lịch sử. Trong đó, trái phiếu mới là 4.65 ngàn tỷ nhân dân tệ (tương đương với 647 tỷ USD), giảm 2% so với năm trước, trong khi trái phiếu tái cấp vốn 4.68 ngàn tỷ nhân dân tệ (tương đương với 650 tỷ USD), tăng 79% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Hoạt động phát hành trái phiếu tái cấp vốn đã liên tục leo thang kể từ khi các chính quyền địa phương Trung Quốc bắt đầu khởi xướng làm như vậy từ năm 2018, tăng vọt từ 681.7 tỷ nhân dân tệ (khoảng 94.7 tỷ USD) vào năm đó lên mức tăng 687% vào năm ngoái (2023).
Cái gọi là trái phiếu mới thường được sử dụng để tài trợ cho các dự án lớn đang thi công, trong khi trái phiếu tái cấp vốn thường được xem như là “vay nợ mới để trả nợ cũ.” Tỷ trọng vay nợ mới để trả các khoản nợ cũ càng cao, thì áp lực lên con nợ càng lớn, vì khả năng tiếp cận nguồn vốn mới của họ có ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền của họ.
Nguồn tài chính của chính quyền địa phương chủ yếu dựa vào doanh thu từ việc bán đất. Tuy nhiên, với sự sụp đổ của thị trường địa ốc Trung Quốc, doanh thu từ việc bán đất đã giảm mạnh, buộc chính quyền địa phương phải viện đến phương thức phát hành trái phiếu mới để trả các khoản nợ cũ.
Tính đến cuối năm 2023, số dư nợ chính quyền địa phương chính thức được công bố đã vượt quá 40 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 5.5 ngàn tỷ USD).
Tuy nhiên, số liệu trên mới chỉ tính đến dư nợ công khai, trong khi số dư nợ ẩn được ước tính là cao hơn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các ngân hàng đầu tư Wall Street ước tính tổng số nợ ẩn mà các chính quyền địa phương của Trung Quốc chưa trả được dao động từ 7 ngàn tỷ USD đến 11 ngàn tỷ USD.
Bất chấp gánh nặng nợ to lớn, những con số chính xác vẫn rất khó nắm bắt, ngay cả đối với Thủ tướng Trung Quốc. Các trường hợp vỡ nợ xảy ra thường xuyên đã khiến hồi tháng Tám năm ngoái Quốc vụ viện phải cử các nhóm công tác đến kiểm toán 10 tỉnh có tình hình tài chính tồi tệ nhất.
Ông Ngô cảnh báo: “Nếu khoản nợ ngầm được tính ở mức 9 ngàn tỷ USD thì tổng nợ của chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã lên tới xấp xỉ 14.6 ngàn tỷ USD, vượt quá 83% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc.” GDP của Trung Quốc năm ngoái là 17.5 ngàn tỷ USD.
Ông Ngô dự đoán thêm rằng nền kinh tế dựa vào nợ đó sẽ dẫn đến sự thu hẹp cả về tiêu dùng lẫn đầu tư, dẫn đến tình trạng giảm phát và giá cả sẽ giảm. Vòng xoáy đi xuống này sẽ biểu hiện ở thị trường chứng khoán và địa ốc suy giảm, sau đó đẩy toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc vào thời kỳ giảm phát do mô hình nợ sụp đổ.
Dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiết lộ rằng vào cuối năm 2023, nguồn cung tiền rộng M2 của Trung Quốc đã tăng lên 40.6 ngàn tỷ USD, so với 33.1 ngàn tỷ USD vào cuối năm 2021. Nói cách khác, trong hai năm, Trung Quốc đã phát hành khoảng 7.5 ngàn tỷ USD.
Ông Ngô cho biết, trong khi các nhà chức trách tăng nguồn cung tiền với hy vọng tăng chi tiêu và kích thích nền kinh tế, thì trên thực tế, dòng tiền này cuối cùng lại trở thành các khoản cho vay và tiền gửi. Người dân tích trữ tiền để phòng ngừa, không dám chi tiêu, thậm chí ngay cả doanh nghiệp cũng ngần ngại đầu tư, dẫn đến bẫy thanh khoản. Tình trạng này giống như một lỗ đen hút hết sạch số tiền đổ vào. Nguyên nhân sâu xa là sự khủng hoảng niềm tin.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times