Những tỷ phú Trung Quốc bị cầm tù
Vào ngày 15/04/2021, trong lời khai trước Phiên điều trần của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc về “Đánh giá về những Tham vọng Kinh tế, Kế hoạch và Thước đo Thành công của Trung Cộng,” ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu), nguyên cố vấn chính sách Trung Quốc cho cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, đã nói về nền kinh tế Trung Quốc và sự kiểm soát chặt chẽ của Trung Cộng đối với các nguồn tài chính, điều mà rốt cuộc sẽ gây nguy hiểm đến các doanh nhân thành đạt.
Ông Dư nói: “Chỉ trong vòng 15 năm qua, đã có không dưới 27 tỷ phú Trung Quốc bị bắt giữ với các tội danh từ kỳ quái cho đến vô lý.”
Thật vậy, ông Tôn Đại Ngọ (Sun Dawu), một doanh nhân tư nhân nổi tiếng ở tỉnh Hà Bắc, là tỷ phú gần đây nhất bị Trung Cộng bắt giữ.
Ông Tôn Đại Ngọ có thể đã phạm tội do phát ngôn
Vào ngày 21/04, ông Tôn chính thức bị bắt và bị buộc tội với tám tội danh, bao gồm nhận tiền gửi công trái phép, tụ tập đông người để tấn công các cơ quan nhà nước và chiếm dụng đất nông nghiệp trái phép.
Vào sáng sớm ngày 11/11/2020, cảnh sát đã bắt giữ tổng cộng 28 giám đốc điều hành của Tập đoàn Đại Ngọ (Dawu Group) và các công ty con của tập đoàn này. Gần như tất cả các thành viên trong gia đình của ông Tôn, bao gồm vợ, hai con trai và hai con dâu, đều đã bị bắt. Nhóm 28 công ty con của tập đoàn này đã chính thức bị tiếp quản, và hầu hết tất cả tài sản của công ty đã bị phong tỏa.
Ông Tôn, 66 tuổi, sáng lập Tập đoàn Đại Ngọ vào năm 1985. Công ty khởi nghiệp với 1,000 con gà và 50 con heo, và đến năm 1995 đã trở thành một trong 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Trung Quốc. Tập đoàn Đại Ngọ có hơn 9,000 nhân viên, tài sản cố định trị giá 312 triệu USD (2 tỷ nhân dân tệ) và sản lượng hàng năm trị giá hơn 467 triệu USD (3 tỷ nhân dân tệ).
Trước khi bị bắt vào năm nay, vào năm 2003 ông Tôn đã bị một tòa án của Trung Cộng kết án 3 năm tù giam, 4 năm quản chế và bị phạt 15,500 USD (100,000 nhân dân tệ) vì tội nhận tiền gửi công trái phép. Tập đoàn Đại Ngọ đã bị xử phạt 46,500 USD (300,000 nhân dân tệ).
Lý do thực sự khiến ông Tôn bị bắt lần này có thể là do ông đã đưa ra một số bình luận xúc phạm đến Trung Cộng. Chẳng hạn, vào tháng 05/2020, ông Tôn đã bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với các luật sư bảo vệ quyền lợi như Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong) trên mạng. Theo phiên bản Hoa ngữ của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America), ông Tôn đã đăng trên mạng xã hội vào tháng 05/2020, rằng những luật sư này đã “cho các nạn nhân nhìn thấy một chút ánh sáng le lói, để họ duy trì một chút niềm tin vào luật pháp, và thắp lên hy vọng sống sót của họ.”
Ông Hứa Chí Vĩnh, một trong những người sáng lập Gongmeng, hay còn gọi là Sáng kiến Hiến pháp Mở, đồng thời là luật sư và là nhà hoạt động nhân quyền người Trung Quốc, đã bị bắt vào tháng 02/2020 vì công bố một bức thư hối thúc ông Tập Cận Bình thoái vị. Ông Hứa đã bị buộc tội “lật đổ quyền lực nhà nước.”
Ông Tăng Thành Kiệt bị hành quyết bí mật
Ông Tăng Thành Kiệt (Zeng Chengjie), một doanh nhân tỉnh Hồ Nam, là người sáng lập Công ty Phát triển Bất động sản Tam Quan Hồ Nam (Hunan Sanguan). Ông Tăng bị bắt vào ngày 11/11/2008 vì bị tình nghi “nhận tiền gửi công trái phép,” và bị hành quyết bí mật vào ngày 12/07/2013. Cả luật sư và gia đình ông đều không được thông báo về vụ hành quyết.
Vào ngày 27/05/2013, ông Vương Thiệu Quang (Wang Shaoguang), luật sư của ông Tăng, đã gặp ông tại trại tạm giam. Đây là cuộc gặp lần cuối cùng của họ. Ông Tăng nói, “Luật sư Vương, tôi cảm thấy vụ án của tôi sẽ không thể thắng, bởi vì đằng sau hậu trường có những thế lực rất hùng hậu đang điều khiển phán quyết của vụ án. Ngay cả khi anh có thể giúp tôi được ân xá, họ sẽ vẫn muốn tôi phải chết.”
Ông Tăng bị hành quyết vào ngày 12/07/2013. Ngày hôm sau, luật sư Vương đã đưa ra một tuyên bố khẩn cấp, bày tỏ rằng ông sẽ chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sự sai lệch nào trong tuyên bố của mình.
Theo tuyên bố của ông Vương, nguồn tài trợ tư nhân ở phía tây Hồ Nam được chính quyền địa phương hỗ trợ, và 90% các gia đình địa phương đã tham gia việc tài trợ này. Ông Vương nêu rõ các thỏa thuận tài trợ cho ông Tăng thực ra đã được công chứng bởi văn phòng công chứng.
Ông Vương cũng nói rằng tài sản của ông Tăng trước khi bị bắt trị giá 367 triệu USD (2.4 tỷ nhân dân tệ), trong khi khoản tài trợ chưa hoàn trả chỉ có 31 triệu USD (202 triệu nhân dân tệ). Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã ép ông Tăng phải bán tài sản của mình chỉ với giá 58 triệu USD (380 triệu nhân dân tệ) cho Caixin, một công ty quản lý tài sản do chính quyền địa phương toàn quyền sở hữu.
Ông Vương cho biết ông Chu Cường (Zhou Qiang), chánh án Tòa án Tối cao của Trung Cộng, là tỉnh trưởng Hồ Nam vào thời điểm xảy ra vụ án. Ông Chu cũng là Bí thư tỉnh ủy khi Tòa án Cấp cao Hồ Nam kết án tử hình ông Tăng. Tòa án Cấp cao tỉnh Hồ Nam đã ban hành bản án sơ thẩm lần thứ hai vào ngày 19/02/2012, nhưng đã không được Tòa án Tối cao phê chuẩn cho đến khi ông Chu được thăng chức chánh án vào tháng 03/2013, và sau đó bản án đã được phê chuẩn trong vòng chưa đầy ba tháng.
Dựa trên tuyên bố của luật sư Vương, công bằng mà nói vụ án của ông Tăng là một sự bất công nghiêm trọng. Ông Chu là người phải chịu trách nhiệm chính cho cái chết của ông Tăng.
Doanh nhân Trùng Khánh Lý Tuấn buộc phải trốn khỏi Trung Quốc
Ông Lý Tuấn (Li Jun) là chủ tịch của một công ty bất động sản lớn, Tập đoàn Tuấn Phong (Junfeng Group), với tài sản ròng hơn 617 triệu USD (4 tỷ nhân dân tệ) cho đến khi công ty này bị các quan chức Trung Cộng thâu tóm.
Từ năm 2007 đến năm 2012, ông Bạc Hy Lai, khi đó là bí thư thành ủy của Trung Cộng ở Trùng Khánh, một đô thị lớn ở tây nam Trung Quốc, đã phát động một chiến dịch trong thành phố có tên “hát bài hát đỏ và chống xã hội đen.” Trong chiến dịch rầm rộ “kiểu Mao” này, ông Bạc đã bắt giữ một số doanh nhân tư nhân và tịch thu hàng trăm tỷ đồng tài sản từ họ. Ông Lý Tuấn (Li Jun) là một trong số những doanh nhân bị bắt này.
Vào ngày 09/12/2011, 20 người trong Tập đoàn Tuấn Phong đã bị kết tội. Anh trai của ông Lý bị kết án 18 năm tù và nộp phạt hơn 30 triệu USD (200 triệu nhân dân tệ) cho 5 tội danh bao gồm tổ chức và cầm đầu các tổ chức có tính chất xã hội đen. 19 người còn lại bị phạt tù từ 14 tháng đến 13 năm.
Một phần của bản án nêu rõ: “Tài sản và số tiền thu được của tổ chức giống như hội Tam Hoàng này cũng như các công cụ được sử dụng để phạm tội sẽ được thu hồi, tịch thu và giao nộp cho kho bạc nhà nước.” Điều này có nghĩa là Tập đoàn Tuấn Phong mà ông Lý đã dày công xây dựng trong hơn 20 năm đã bị tước đoạt dưới chiêu bài trấn áp các tổ chức tội phạm.
Bản thân ông Lý từng bị bắt vào năm 2009 và được tuyên trắng án. Vào ngày 23/10/2010, một ngày trước khi bị bắt lần thứ hai, ông Lý đã trốn đến Hồng Kông.
Ông Khương Duy Bình (Jiang Weiping), một chuyên gia truyền thông kỳ cựu người Trung Quốc hiện đang sống ở Canada, đã viết trên trang web của mình vào ngày 13/02/2013, rằng ông Lý đã liên lạc với ông và gửi cho ông các bản sao bằng chứng của mình. Sau khi ông Khương cùng bạn của ông, một luật sư người Canada, nghiên cứu và đánh giá các tài liệu, ông Khương tin rằng đây là một vụ án oan được dàn dựng bởi ông Bạc Hy Lai, Chánh văn phòng Trùng Khánh khi đó, và ông Vương Lập Quân, lúc đó là Cục trưởng Cục Công an Trùng Khánh và là chỉ huy trưởng chiến dịch trấn áp xã hội đen.
Một nhóm các tỷ phú bị bỏ tù
Một số ý kiến cho rằng các tỷ phú ở Trung Quốc chỉ có thể hoặc là bị bỏ tù hoặc là bị giam giữ. Điều này nghe có vẻ cường điệu, nhưng nó phản ánh một thực tế khách quan rằng các tỷ phú Trung Quốc đang lâm vào tình thế nguy cấp như thế nào. Đã có nhiều trường hợp làm minh chứng cho điều này.
Vào tháng 01/2008, ông Cố Sồ Quân (Gu Chujun), cựu chủ tịch của Công ty Điện lực Khoa Long Quảng Đông (Guangdong Kelon Electrical Holdings), bị kết án 10 năm tù với ba tội danh, trong đó có tội làm giả các báo cáo của công ty. Ông Cố đã bị tước đi hàng chục tỷ USD tài sản và một số công ty niêm yết.
Ông Lan Thế Lập (Lan Shili), cựu chủ tịch Tập đoàn China East Star, được tạp chí Forbes xếp hạng là người giàu thứ 70 tại Trung Quốc năm 2005. Ngày 08/04/2010, ông Lan bị kết án 4 năm tù vì tội trốn thuế. Công ty của ông Lan, trị giá 311 triệu USD, đã bị Trung Cộng cưỡng ép mua lại với giá cực kỳ thấp, 13 triệu USD.
Ông Bành Trị Dân (Peng Zhimin), từng là người giàu nhất ở Trùng Khánh, Tứ Xuyên, và là cựu chủ tịch của Công ty Phát triển Bất động sản Khánh Long (Qinglong), bị kết án tù chung thân vì tội tổ chức băng nhóm xã hội đen cùng nhiều tội danh khác. Theo quan chức Sở Công an Trùng Khánh Vương Trí (Wang Zhi), giá trị tài sản của ông Bành đạt 726 triệu USD và giá thực tế trên thị trường là hơn 1.5 tỷ USD do đất đai tăng giá.
Ông Dương Tông Nghĩa (Yang Zongyi), từng là người giàu nhất ở siêu đô thị Nam Kinh và là cổ đông sở hữu công ty Phúc Tín (Fuxin), đã bị bắt giam vào ngày 17/11/2020 với tội danh biển thủ công quỹ. Ông Dương nằm trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc từ năm 2015 đến năm 2018, với giá trị tài sản ròng khoảng 622 triệu USD.
Những lý do khiến các tỷ phú Trung Quốc bị bỏ tù
Thứ nhất: Việc cướp đoạt tài sản tư nhân của Trung Cộng
Karl Marx, “ông tổ” của Trung Cộng, ủng hộ mạnh mẽ công hữu và phản đối tư hữu. Học thuyết của Marx được coi là hệ tư tưởng của giai cấp vô sản. Khi giai cấp vô sản cố gắng đoạt chính quyền và nắm chính quyền mà không cần vốn, thì mưu kế mà họ sử dụng, xét từ lịch sử của Trung Cộng, có thể được mô tả bằng một từ—cướp bóc.
Giai đoạn đầu Phong trào Nông dân của Trung Cộng [diễn ra] dưới ngọn cờ “đánh cường hào, chia ruộng đất.” Nói thẳng ra, đó là phong trào cướp bóc tài sản của các địa chủ. Sau khi Trung Cộng lên nắm quyền, đầu tiên đảng này đã thực hiện sáng kiến hợp tác công tư—hợp tác với các nhà tư bản—và sau đó tiến hành “sự chuyển đổi xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa.” Nói một cách đơn giản, nó tước đoạt tài sản của các nhà tư bản, cuối cùng thì khiến Trung Quốc chỉ có kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể do nhà nước sở hữu, không có kinh tế tư nhân. Do đó, đến cuối cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài 10 năm vào năm 1976, nền kinh tế Trung Quốc đang trên bờ vực sụp đổ.
Vào tháng 12/1978, Trung Cộng đưa ra chính sách Cải cách và Mở cửa để giải quyết cuộc khủng hoảng về quyền lực chính trị. Chính sách này thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, không chỉ ở thành thị mà còn ở nông thôn, cho phép các công ty tư nhân tồn tại trong thế thống trị của kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể.
Lịch sử phát triển hàng nghìn năm đã chứng minh kinh tế tư nhân là một nền kinh tế năng động. Trung Cộng hạn chế sự mở rộng của kinh tế tư nhân, với ít hạn chế hơn trong một số lĩnh vực, nhưng kinh tế tư nhân đã cho thấy sự tăng trưởng đáng kể trong ngắn hạn và tạo ra ảnh hưởng tích cực. Theo báo cáo của Nam Hoa Tảo báo (South China Morning Post – SCMP), “nền kinh tế tư nhân của Trung Quốc có thể được gói gọn trong con số “56789” – đóng góp 50% doanh thu thuế, 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 70% nâng cấp và đổi mới công nghiệp, 80% tổng số việc làm, và 90% tổng số doanh nghiệp.”
Tuy nhiên, hệ tư tưởng của Trung Cộng dưới sự dẫn dắt của chủ nghĩa Marx vẫn không hề thay đổi. Ngoài miệng nó thúc đẩy tư tưởng bảo vệ quyền sở hữu tư nhân, nhưng hành động thực tế thì ngược lại. Khi cần, nó móc túi tài sản tư nhân một cách tùy tiện, chuyển quyền sở hữu từ tư nhân sang nhà nước vì lý do thiếu vốn và lo ngại chính trị.
Thứ hai: Quyền lực tối cao của Trung Cộng trong nền kinh tế
Nền tảng cho sự phát triển kinh tế của Trung Cộng được xây dựng dựa trên sự kiểm soát của súng (quân sự) và dao (chính trị và luật pháp). Các doanh nhân tư nhân ở Trung Quốc, mặc dù có khối tài sản lớn đến đâu, nhưng vẫn trở nên dễ bị tổn thương và bất lực khi đối mặt với Trung Cộng được quân đội hậu thuẫn đang dùng đến cả súng và dao.
Ở các nước có nền kinh tế thị trường, thị trường tiêu thụ (hoạt động như một lực vô hình) đóng vai trò chủ đạo. Trong khi đó ở Trung Quốc, không hề có kinh tế thị trường, mà là một thế lực hữu hình—quyền lực cai trị của Trung Cộng. Nhà lãnh đạo Đảng Tập Cận Bình đã công khai nhấn mạnh, “Đảng thực hiện quyền lãnh đạo toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trên mọi miền của tổ quốc.” Đảng thực hiện quyền tối cao của mình trong nền kinh tế bằng cách độc quyền hóa các lĩnh vực tài chính, bao gồm ngân hàng, thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ; các tài nguyên như đất đai, khoáng sản, nước, thuế, phí và nhiều tài nguyên khác. Các doanh nhân tư nhân phải tuân thủ các quy định của Đảng. Nếu họ không chơi theo “luật,” họ sẽ phải gánh chịu thiệt hại lớn về các khoản vay ngân hàng, quyền sở hữu đất, quyền khai thác, nguồn cung cấp điện và nước, đồng thời chịu áp lực to lớn từ các loại thuế lặt vặt và các lệ phí tăng thêm do Trung Cộng áp đặt.
Nếu các doanh nhân tư nhân không đáp ứng các đòi hỏi của Trung Cộng, nó sẽ tìm mọi lý do để cướp đoạt [tài sản của] họ.
Thứ ba: Sự cướp bóc ngày càng trầm trọng của Trung Cộng
Kể từ năm 1989, nhà độc tài của Trung Cộng là Giang Trạch Dân lên nắm quyền tại Trung Nam Hải (trụ sở trung ương của Trung Cộng) và lạm dụng quyền lực của mình. Một mặt ông Giang đã để con trai mình, Giang Miên Hằng lên nắm giữ các chức vụ chính thức và tham gia vào làm kinh doanh. Mặt khác, ông ta cũng đề bạt một số cá nhân tham nhũng nghiêm trọng. Sự hội tụ của hai sự kiện hỗn loạn này đã dẫn đến sự phát triển ác tính của [khối u] tham nhũng của Trung Cộng, biến chính quyền thành một nền tảng để giao dịch quyền lực và tiền bạc.
Cho đến ngày nay, quy tắc bất thành văn để thăng tiến và kiếm tiền trong hệ thống quan chức của Trung Cộng, chính là hối lộ các quan chức cấp trên. Tiền ở đâu ra? Cướp bóc doanh nhân tư nhân là giải pháp tối ưu nhất.
Ông Đồng Chi Vĩ (Tong Zhiwei), giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Pháp Luật Đông Trung Quốc, đã viết một báo cáo về cuộc đàn áp các băng đảng ở Trùng Khánh. Ông Đồng chỉ ra rằng các mục tiêu chính của chiến dịch đàn áp là các doanh nhân tư nhân. Ông Lý Trang (Li Zhuang), là luật sư biện hộ ở Bắc Kinh, cho biết các bản án của các cuộc đàn áp chống băng đảng ở Trùng Khánh mà ông đã xem xét kỹ lưỡng có các phán quyết giống hệt nhau—đó là tịch thu tài sản.
Thứ tư: Trung Cộng lo sợ các doanh nhân tư nhân nổi loạn
Liệu Trung Cộng đã lật đổ Trung Hoa Dân Quốc bằng những phương tiện công bằng hay gian trá? Trong 72 năm, Trung Cộng chưa bao giờ tổ chức bầu cử hay giành được sự ủy thác của người dân. Nó đã thực hiện các chiến thuật tàn bạo và lừa dối vì lo sợ rằng quyền lực chính trị bất hợp pháp của mình sẽ bị lật đổ. Do đó, các doanh nhân tư nhân rất có thể bị coi là một lực lượng tiềm tàng có thể xúi giục “lật đổ quyền lực nhà nước” bởi vị thế tài chính vững chắc của họ.
Tác giả Vương Hữu Quần (Wang Youqun) có bằng Tiến sĩ Luật từ Đại học Nhân dân Trung Quốc. Ông từng là người chấp bút cho ông Úy Kiện Hành (1931–2015), ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Cộng từ năm 1997-2002.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Wang Youqun thực hiện
Yến Nhi biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: