Những phát hiện mới về vấn đề nhập cư cởi mở
Những lo lắng về tăng trưởng dân số đang chậm lại của Hoa Kỳ là không đúng chỗ bởi vì việc chỉ có thêm nhiều người hơn ở trong nước không phải là sự bảo đảm thu nhập cao hơn cho mỗi cá nhân, ông Steven Camarota, Giám đốc Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Nhập cư (CIS) cho biết.
“Rõ ràng là việc cho rằng tăng trưởng dân số nhiều hơn nhất thiết phải dẫn đến tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người nhiều hơn-vốn là loại tăng trưởng quan trọng-không phải là [điều] hiển nhiên và trên thực tế thì bằng chứng dường như cho thấy ngược lại,” ông Carmarota nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn hôm 01/06.
“Đơn giản là không có bằng chứng ủng hộ cho ý tưởng muốn có tăng trưởng dân số cao. Quý vị có thể tranh luận về sự gia tăng dân số với bao nhiêu lời biện minh cũng được nhưng vấn đề ở đây là quý vị không thể tranh cãi về nó vì điều đó rõ ràng là dẫn đến tăng trưởng kinh tế nhiều hơn,” ông Camarota nói.
Những nhận xét của ông Camarota theo sau một làn sóng các tuyên bố gần đây của những người ủng hộ việc gia tăng nhập cư vào đất nước này, rằng tình trạng dân số chậm lại hoặc trì trệ đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế kém hơn và nhiều thách thức an ninh quốc gia hơn.
Những tuyên bố đó đã được thúc đẩy bởi thông báo ngày 26/04 của Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ nói rằng tỷ lệ tăng trưởng dân số Hoa Kỳ là 7.4% kể từ năm 2010 là tỷ lệ nhỏ nhất kể từ thời Đại suy thoái của những năm 1930.
Một ngày sau khi dữ liệu của Cục Thống kê Dân số được công bố, nhà báo David Leonhardt của The New York Times đã trích dẫn một phân tích năm 2010 của ký giả Derek Thompson của The Atlantic nói rằng “Tôi không biết có tiền lệ nào của một quốc gia năng động mà về cơ bản đã ngừng phát triển. Các ví dụ ở Âu Châu và ở Nhật Bản là những dấu hiệu cảnh báo, không phải là ngọn hải đăng.”
Ông Leonhardt cũng lưu ý rằng nhà phân tích theo chủ nghĩa tự do Matthew Yglesias cho rằng Hoa Kỳ phải tăng dân số nếu nước này hy vọng có thể cạnh tranh với Trung Quốc để duy trì là quốc gia hùng mạnh nhất hành tinh.
Ông Leonhardt đưa tin, “trong cuốn sách gần đây của ông Matthew Yglesias-‘Một Tỷ Người Mỹ,’ ông lập luận rằng Hoa Kỳ nên nhanh chóng tăng cường nhập cư hợp pháp để nâng cao sản lượng kinh tế. ‘Nước Mỹ nên khao khát trở thành quốc gia vĩ đại nhất trên trái đất,’ ông Yglesias, tác giả các bản tin email trên Substack, viết. “Lựa chọn thay thế thực tế duy nhất cho vai trò đó là Trung Quốc, một quốc gia độc tài đang bỏ tù những người bất đồng chính kiến và đang vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.”
Cùng ngày, người phụ trách chuyên mục tin tức Jay Evensen của Deseret News cho biết “kể từ năm 2019, nợ công đã tăng từ 22.5 nghìn tỷ USD lên 28.2 nghìn tỷ USD, và con số này đang tăng trên một đường dốc đứng. Làm thế nào để quốc gia này có thể giải quyết tốt khoản nợ đó với tốc độ tăng trưởng chậm, chứ đừng nói đến dân số đang giảm đi?
“An sinh Xã hội sẽ tồn tại như thế nào khi lực lượng lao động trẻ co ngót lại và người về hưu tăng lên? Làm thế nào để quốc gia này có thể duy trì một quân đội mạnh với ít binh lính hơn và số lượng người nộp thuế ngày càng giảm đi?”
Còn ông William Frey-Viện sĩ Cao cấp của Viện Brookings-đã nói với ông Dan Balz của tờ Washington Post hôm 09/05, chẳng hạn như, các số liệu dân số mới rất có thể đảo ngược khi có các chính sách nhập cư cởi mở hơn.
“Tôi không cho rằng chúng ta cần phải nghĩ về chính mình như một quốc gia đang suy tàn nếu chúng ta mở rộng những cánh cổng và giang rộng vòng tay mình với nhóm dân số trẻ hơn và đa dạng chủng tộc hơn này, thông qua nhập cư và thông qua đầu tư vào người da màu của chúng ta,” ông Frey nói.
Ông Camarota đã công bố một phân tích dựa trên dữ liệu hôm 01/06, theo đó ông cho rằng có rất ít sự tương quan về tăng trưởng kinh tế giữa việc tăng dân số và tăng thu nhập bình quân đầu người.
“Trên thực tế, không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy sự gia tăng dân số tất yếu phải cải thiện mức sống của một quốc gia,” ông Camarota viết trong bài phân tích của mình. “Hẳn nhiên, một quần thể dân số lớn hơn hầu như luôn dẫn đến một nền kinh tế tổng thể lớn hơn. Nhiều công nhân hơn, nhiều người tiêu dùng hơn, và chi tiêu chính phủ nhiều hơn sẽ dẫn đến Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) lớn hơn.”
“Nhưng mức sống ở một quốc gia được xác định bởi GDP bình quân đầu người (tức là mỗi người), chứ không phải quy mô tổng thể của nền kinh tế. Nếu tất cả những gì quan trọng là quy mô tổng thể của nền kinh tế, thì một quốc gia như Ấn Độ sẽ được coi là giàu hơn rất nhiều so với một quốc gia như Thụy Điển vì họ có nền kinh tế lớn hơn nhiều. Trên thực tế, GDP bình quân đầu người quyết định mức sống của một quốc gia.”
Ông Camarota đã sưu tầm dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về tăng trưởng kinh tế và dân số của các quốc gia được Ngân hàng Thế giới chỉ định là các quốc gia có thu nhập cao.
“Nếu sự gia tăng dân số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thì các quốc gia như Canada và Úc-nằm trong số các nước có tỷ lệ nhập cư cao nhất và do đó dẫn đến gia tăng dân số-nên vượt xa một quốc gia như Nhật Bản, quốc gia có lượng nhập cư tương đối ít và dân số của họ thực sự suy giảm trong thập kỷ qua,” ông Camarota viết.
“Hơn nữa, trong thập kỷ gần đây nhất mà chúng tôi có dữ liệu, (từ năm 2010 đến năm 2019), GDP bình quân đầu người của Nhật Bản đã tăng 10.5%, cao hơn một chút so với 8.7% của Canada và 9.9% của Úc,” ông nói.
Do Mark Tapscott thực hiện
Cẩm An biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: