‘Những người yêu nước cai trị Hồng Kông’ của ông Tập Cận Bình thay thế chính sách Hồng Kông của Đặng Tiểu Bình
Nguyên tắc “người Hồng Kông cai trị Hồng Kông” của cựu lãnh đạo Trung Cộng Đặng Tiểu Bình đang nhanh chóng được thay thế bằng nguyên tắc “những người yêu nước cai trị Hồng Kông” của lãnh đạo đương thời Trung Cộng Tập Cận Bình.
Tất nhiên, những người yêu nước, trong trường hợp này, là nói đến những người trung thành với Trung Cộng.
Hôm 04/03, kỳ họp thứ tư của Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) khóa 13 đã được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Ông Uông Dương, chủ tịch của CPPCC, đã trình bày báo cáo công việc tại cuộc họp. Ông này nói rằng, về vấn đề Hồng Kông và Đài Loan, Bắc Kinh “kiên quyết ủng hộ việc thực hiện đầy đủ nguyên tắc ‘những người yêu nước cai trị Hồng Kông.’”
Những ai quan tâm đến Hồng Kông hẳn đã nhận thấy rằng ông Uông Dương chỉ nhấn mạnh đến “những người yêu nước cai trị Hồng Kông” và trong báo cáo công việc của ông ta không đề cập đến nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ.”
“Người Hồng Kông cai trị Hồng Kông” và “mức độ tự trị cao” từng là các nguyên tắc quản lý Hồng Kông do ông Đặng Tiểu Bình đưa ra trước khi Hồng Kông được trao lại cho Trung Cộng cai quản vào năm 1997.
Trong bài diễn thuyết của mình, ông Hạ Bảo Long, giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macao của Trung Cộng cho biết, “Vào ngày 27/01, khi nghe báo cáo của Trưởng đặc khu Hành chính Hồng Kông Carrie Lam [Lâm Trịnh Nguyệt Nga] về nhiệm vụ của bà trong năm 2020, chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng sự thay đổi đáng kể từ hỗn loạn sang quản trị ở Hồng Kông một lần nữa chứng minh một chân lý sâu sắc, và đó là, để bảo đảm rằng việc áp dụng ‘một quốc gia, hai chế độ’ là ổn định và sâu rộng, chúng ta phải luôn giữ vững nguyên tắc ‘những người yêu nước cai trị Hồng Kông.’”
Như một bản tin của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đã phân tích, cách tiếp cận của Trung Cộng đối với Hồng Kông đã dần thay đổi kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, đặc biệt là kể từ khi [nổ ra] các cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ ở Hồng Kông. Đầu tiên, nó nhấn mạnh tầm quan trọng của “một quốc gia” so với “hai chế độ” trong cụm từ “một quốc gia, hai chế độ.” Sau đó, nó đã bỏ qua “mức độ tự trị cao.” Giờ đây, “người Hồng Kông cai trị Hồng Kông” đã được thay thế bằng “những người yêu nước cai trị Hồng Kông.”
Sau ba bước này, lời hứa về việc không thay đổi chính sách của Hồng Kông trong 50 năm của ông Đặng đã bị thay đổi. Trên thực tế, Hồng Kông giờ đây đã thuộc quyền cai trị của Bắc Kinh trong thời kỳ cầm quyền của ông Tập.
Chính sách “Người Hồng Kông cai trị Hồng Kông” cho phép người dân Hồng Kông có quyền tham gia vào các quy trình ra quyết định lập pháp và hành pháp của Hồng Kông. Tuy nhiên, chính sách “những người yêu nước cai trị Hồng Kông” đã loại trừ hoàn toàn người dân Hồng Kông ra khỏi các quy trình này.
Theo cách này, với một sự thay đổi trong cách diễn đạt, cơ quan lập pháp và hành chính của Hồng Kông sẽ hoàn toàn bị chiếm lĩnh bởi những tay sai của Trung Cộng, và kết quả sẽ là sự kết liễu hoàn toàn của “một quốc gia, hai chế độ.”
Khi nhìn lại lịch sử, lời hứa của Trung Cộng đối với vấn đề Hồng Kông này vẫn còn văng vẳng bên tai. Trung Cộng đã không thể tuân thủ các cam kết quốc tế của mình trong Tuyên bố chung Trung-Anh.
Vào tháng 01/1990, [khi] ông Đặng Tiểu Bình gặp doanh nhân Hồng Kông giàu có Lý Gia Thành, và khi nói về “một quốc gia, hai chế độ” của Hồng Kông, ông Đặng cho biết, “[Điều mà] sẽ không thay đổi, thì không thể có khả năng thay đổi. Nó không có nghĩa là không có sự thay đổi trong ngắn hạn. Nó sẽ không thay đổi trong dài hạn. Điều đó có nghĩa là, nó sẽ không thay đổi trong 50 năm tới. Sẽ không có bất kỳ lý do gì để có những thay đổi sau 50 năm.”
Mới chỉ 24 năm kể từ khi Hồng Kông được chuyển giao cho Trung Cộng cai trị, thậm chí chưa hết một nửa thời hạn của Tuyên bố chung 50 năm. Chính sách cai trị Hồng Kông của Trung Cộng đã thay đổi từ “người Hồng Kông cai trị Hồng Kông” thành “những người yêu nước cai trị Hồng Kông” rồi, một lần nữa chứng minh rằng Trung Cộng hoàn toàn là một đảng lừa đảo, không giữ lời và không liêm chính!
Tác giả: Ông Yuan Bin là một nhà văn tự do và là học giả độc lập về các vấn đề Trung Quốc đương đại.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Yuan Bin thực hiện
Từ Huệ biên dịch
Xem thêm: