Những mối nguy hiểm của tiền kỹ thuật số ngân hàng Trung ương
Bình luận
Trong những tuần gần đây, ông Jerome Powell tại Cục Dự trữ Liên bang và bà Christine Lagarde tại Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã nhận xét về khả năng khai triển các đồng tiền kỹ thuật số trong vài năm tới.
Những mặt tích cực [của tiền số] đã được giải thích rõ ràng: minh bạch hơn, dễ sử dụng và chi phí thấp hơn.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tuyên bố rằng “một đồng euro kỹ thuật số sẽ bảo đảm rằng công dân trong khu vực Châu Âu có thể duy trì quyền truy cập không mất phí vào một phương tiện thanh toán đơn giản, được chấp nhận rộng rãi, an toàn và đáng tin cậy.” Ngân hàng này mô tả đồng euro kỹ thuật số này là “một dạng tiền điện tử được Eurosystem (ECB và các ngân hàng trung ương của các quốc gia) phát hành, và mọi công dân và công ty đều có thể truy cập.”
ECB cho biết, đồng euro kỹ thuật số sẽ không thay thế cho tiền mặt: “Eurosystem sẽ tiếp tục bảo đảm rằng quý vị có thể sử dụng đồng euro tiền mặt trên toàn khu vực Châu Âu. Một đồng euro kỹ thuật số sẽ cung cấp cho quý vị thêm một sự lựa chọn về cách thanh toán và khiến việc thực hiện dễ dàng hơn, bổ sung thêm phương thức tài chính bên cạnh tiền mặt.”
Tại Hoa Kỳ, đã có nhiều tiếng nói kêu gọi cho một đồng dollar kỹ thuật số để cạnh tranh với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, đồng dollar Mỹ đã là đồng tiền dự trữ của thế giới; nó được sử dụng trong hơn 80 phần trăm các giao dịch toàn cầu, trong khi đồng nhân dân tệ được sử dụng dưới 4 phần trăm, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (tổng cộng là 200 phần trăm vì mỗi giao dịch liên quan đến hai loại tiền tệ), và hầu hết các khoản thanh toán và chuyển khoản đều đã là bằng phương thức điện tử.
Đồng euro là đồng tiền được sử dụng nhiều thứ hai và cũng chủ yếu được sử dụng thông qua [phương thức] chuyển khoản điện tử. [Nên] người ta có thể nói rằng đồng dollar Mỹ và đồng euro đã là “kỹ thuật số” rồi.
Toàn bộ điều này nghe ổn. Vậy, tại sao chúng ta phải bận tâm về “đồng tiền kỹ thuật số” của một ngân hàng trung ương?
Có những yếu tố rủi ro quan trọng cần xem xét ở đây.
Yếu tố đầu tiên là quyền riêng tư. Ngân hàng trung ương này có thể kiểm soát hầu hết tất cả các giao dịch dùng một loại tiền tệ và có toàn bộ thông tin về cách cất giữ các khoản tiền gửi và tiền tiết kiệm. Việc khai triển dần dần đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương này sẽ kéo theo những rủi ro quan trọng đối với quyền riêng tư nhưng cũng làm dấy lên lo ngại về việc ngân hàng trung ương kiểm soát lượng tiền tiết kiệm và hình thức tiết kiệm. Một ngân hàng trung ương kiểm soát tất cả các giao dịch và cách giữ các khoản tiết kiệm cũng có thể hành động bất lợi cho các khoản tiết kiệm đó bằng cách “làm mất giá” đồng tiền thông qua chính sách tiền tệ.
Rủi ro quan trọng nhất của một đồng tiền kỹ thuật số là nó sẽ cung cấp quyền lực vô hạn cho các ngân hàng trung ương để tăng cung tiền và hướng cung tiền đến những nơi mà các chính phủ muốn.
Đồng tiền kỹ thuật số này sẽ loại bỏ các ngân hàng với tư cách là các kênh trung gian trong cơ chế truyền dẫn chính sách tiền tệ. Những “cái phanh” này đã và đang là yếu tố cần thiết để kiềm chế lạm phát và kiểm soát quá mức của chính phủ đối với việc tăng [cung] tiền.
Trong biện pháp nới lỏng định lượng, hệ thống tín dụng hoạt động như một công cụ ngăn chặn áp lực lạm phát của cung tiền. Khi các ngân hàng trung ương tăng quy mô bảng cân đối của họ, nó không ngay lập tức chuyển thành lạm phát bởi vì chúng ta, người dân và doanh nghiệp, hạn chế rủi ro cung tiền phá hủy sức mua của đồng tiền này bằng cách vay ít tín dụng hơn mức tăng cung tiền. Nếu người dân và doanh nghiệp không cần thêm tín dụng, cơ chế truyền dẫn chính sách tiền tệ có đủ khoảng hỗ trợ để ngăn chặn tình trạng dư thừa tiền tạo nên áp lực lạm phát khổng lồ đối với hàng hóa và dịch vụ.
Đúng vậy, sự nới lỏng định lượng tạo ra lạm phát khổng lồ về giá tài sản bằng cách làm cho loại tài sản an toàn nhất-các trái phiếu chính phủ-trở nên rất đắt, nhưng nó chắc chắn có tác dụng tốt như một cái phanh đối với các rủi ro lạm phát. Các chính phủ cũng bị hạn chế về nhu cầu vay bởi các biện pháp kiểm soát tài chính nội bộ và ngân sách của họ.
Việc tăng cung tiền không bao giờ là công bằng, và nó mang lại lợi ích không tương xứng cho các bên đầu tiên nhận tiền mới này-các chính phủ-trong khi đó lại gây tổn hại lớn cho các bên nhận cuối cùng-người gửi tiết kiệm và tiền lương thực tế.
Đồng tiền kỹ thuật số sẽ không chỉ tạo cơ hội tăng trưởng cung tiền cao hơn rất nhiều, mà còn phá hủy tất cả các cơ chế ngăn chặn không cho tiền mới bị hấp thu hoàn toàn bởi những chi tiêu phục vụ chính trị dẫn đến xói mòn sức mua của tiền lương và tiền công.
Về bản chất, một đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương có thể là một giấc mơ trở thành hiện thực đối với một nhà hoạch định trung ương như một công cụ cuối cùng phục vụ mục đích trưng thu của cải và nắm quyền kiểm soát một nền kinh tế để đặt nó hoàn toàn vào tay các chính phủ.
Một đồng tiền kỹ thuật số có thể mở ra nguy cơ loại bỏ tất cả các biện pháp kiểm soát đối với chi tiêu của chính phủ, vì các chính trị gia sẽ là bên đầu tiên nhận toàn bộ số tiền mới được tạo ra và có thể chi tiêu mà không bị kiểm soát ngân sách. Do đó, tiền kỹ thuật số có thể là một công cụ nguy hiểm được sử dụng để quốc hữu hóa nền kinh tế.
Khi các ngân hàng và cơ chế tín dụng bị xóa bỏ khỏi các kênh truyền dẫn chính sách tiền tệ, thì nguy cơ lạm phát và nguy cơ phá hủy sức mua của đồng tiền sẽ tăng chóng mặt. Phần nhu cầu của cơ chế tín dụng đóng vai trò như một công cụ kìm hãm lạm phát sẽ bị loại bỏ.
Quý độc giả có thể nghĩ rằng những điều trên là quá tiêu cực và điều này không nhất thiết sẽ xảy ra. Tuy nhiên, độc giả cần phải nghĩ đến câu hỏi sau: Nếu các chính phủ được trao một công cụ cho phép họ chi tiêu tất cả những gì họ muốn và kiểm soát nền kinh tế, quý vị có thực sự tin rằng họ sẽ không sử dụng nó?
Quý vị có thể nói rằng các ngân hàng trung ương là độc lập, và sự độc lập này ngăn cản các chính phủ chiếm toàn bộ nguồn cung tiền và chấp nhận rủi ro không giới hạn. Thật không may, sự độc lập của các ngân hàng trung ương ngày càng có vấn đề, và chính sách tiền tệ đã từ chỗ là một công cụ giúp thực hiện cải tổ cơ cấu [nền kinh tế] trở thành một công cụ để tránh thực hiện cải tổ. Thực tế các ngân hàng trung ương trong hầu hết các trường hợp đang thực hiện các hành động để tạo điều kiện cho khu vực công lấn át nhiều hơn, trong khi chính phủ có tăng cường kiểm soát hoặc chi tiêu (do tăng cung tiền này) thì cũng không có ích gì.
Một loại tiền kỹ thuật số chỉ có thể là một ý tưởng hay nếu các ngân hàng trung ương không có quyền lực gì đối với việc tăng cung tiền, nếu họ có các quy tắc rõ ràng và không thể phá vỡ – chẳng hạn như quy tắc Taylor – về chính sách của họ và không cho phép các biện pháp tùy tiện. Hãy cứ mơ đi.
Cách duy nhất mà một đồng tiền kỹ thuật số có thể hữu dụng đối với những người gửi tiết kiệm và tiền lương thực tế nếu có bằng chứng rõ ràng rằng nó sẽ không bị các ngân hàng trung ương kiểm soát, dẫn đến kiềm chế được sự kiểm soát ngày càng lớn chưa từng có của chính phủ đối với nền kinh tế. Thật không may, điều đó lại không xảy ra. Khi những người theo trường phái Keynes mới nói về “sự đổi mới” trong ngân hàng trung ương và tiền kỹ thuật số, những gì họ đang nói đơn giản chỉ là việc in tiền theo phong cách Argentina để thúc đẩy sự kiểm soát của chính phủ đối với nền kinh tế.
Rủi ro của tiền kỹ thuật số là rất lớn. Quyền riêng tư có thể biến mất và các giới hạn đối với chi tiêu của chính phủ sẽ không còn. Thậm chí tệ hơn, quyền lực của các chính phủ trong việc quyết định ai và tại sao mọi người lại nhận được các khóa mã mới của đồng tiền này, sẽ không thể bị chất vấn.
Trong thế giới ngày nay, chúng ta thậm chí không nên thảo luận về bất kỳ công cụ nào có thể mở ra cánh cổng để trao cho các chính phủ thậm chí nhiều quyền lực hơn và nhiều kiểm soát hơn đối với nền kinh tế, tiền lương và tiền tiết kiệm.
Daniel Lacalle, Tiến sỹ, là nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của “Tự do hay Bình đẳng,” “Thoát khỏi Bẫy Ngân hàng Trung ương” và “Cuộc sống trong Thị trường Tài chính.”
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Daniel Lacalle thực hiện
Lý Bình biên dịch
Xem thêm: