Những điềm báo trước khi đại sự phát sinh
Trong lịch sử, trước khi những sự kiện trọng đại xảy ra, thường sẽ có một số điềm báo trước. Tuy nhiên, phần lớn người đời đều không hiểu được ẩn ý trong đó, phải chờ đến sau khi sự việc phát sinh mới bừng tỉnh đại ngộ, thế nhưng lúc ấy hối hận thì cũng đã muộn rồi.
Người tu hành có khả năng biết trước sự việc, sẽ thuận theo ý Trời mà tiết lộ đôi chút cho người hữu duyên, nhưng cũng sẽ không nói thẳng ra, chính là xem người nghe có thể ngộ được hay không.
Trần Đoàn tiên đoán về những biến hóa của kinh đô triều Tống
Vào thời Tống, Tống Thái Tổ đã mời đạo nhân Trần Đoàn vào cung để cùng bàn luận về Đạo. Trần Đoàn có công năng dự đoán rất chính xác. Thái Tổ hỏi: “Quốc vận tương lai của Đại Tống ta như thế nào?” Trần Đoàn đáp rằng: “Triều Tống dùng nhân ái được thiên hạ, dùng nghĩa kết nhân tâm, không lo không lâu dài; nhưng dự liệu về vùng đất kinh đô, thì là nhất Biện, nhị Hàng, tam Mân, tứ Quảng.” Thái Tổ dò hỏi tình hình cụ thể hết lần này đến lần khác, nhưng Trần Đoàn lại không nói thêm nữa.
Lúc đó đô thành của Bắc Tống là ở Biện Kinh; sau khi Bắc Tống bị diệt vong, Tống Cao Tông phục hưng lập ra vương triều Nam Tống, định đô ở Hàng Châu. Sau khi đô thành của Nam Tống bị quân Nguyên công chiếm, một nhóm đại thần mang theo tiểu Hoàng đế chạy trốn tới Phúc Kiến (gọi tắt là Mân) và Quảng Đông, thiết lập triều đình nhỏ, nhưng cuối cùng không thể cứu vãn. “Cho thấy số mệnh đã được định trước, cũng không phải là ngẫu nhiên.”
Thiệu Ung và Tôn Mại Ngư tiết lộ trước thiên cơ
Bài thơ “Tả Nhẫm ngâm” của danh sĩ, nhà dự ngôn Thiệu Ung thời Bắc Tống, cũng đã tiên đoán được sự việc xảy ra trong khoảng thời gian của những năm Tuyên Hòa đến Tĩnh Khang (niên hiệu Tuyên Hòa từ 1119 – 1125, niên hiệu Tĩnh Khang từ 1125 – 1127). Bài thơ viết rằng:
“Tự cổ ngự nhung vô thượng sách,
Duy bằng nhân nghĩa thị trung nguyên.
Vương sư vấn tội cố năng đạo,
Thiên tử mông trần tranh nhẫn ngôn.
Lưỡng tấn loạn vong thành mậu thảo,
Tam quân khuất nhục lạc trần biên.
Công lư diên quảng hà nhân dã,
Thủy tín hưng bang diệc nhất ngôn.”
Trong bài thơ này mang hàm ý về vận mệnh cuối cùng của Huy Tông và Khâm Tông.
Ngoài ra, trong cuốn bút ký sử liệu “Kê lặc biên” của học giả Trang Xước cuối thời Bắc Tống biên soạn có ghi chép rằng: Ở vùng Sở Châu (vùng phụ cận sông Hoài, Giang Tô ngày nay) có một người bán cá họ Tôn, có thể biết được họa phúc của một người, người thời đó gọi ông là “Tôn Mại Ngư” (ông Tôn bán cá). Vào cuối thời Tuyên Hòa, Tống Huy Tông nghe nói danh tiếng của ông bèn triệu ông vào kinh sư, để cho ông ở trong Đạo quán tại Bảo Lục cung.
Một hôm, Tống Huy Tông đến Bảo Lục cung thăm viếng, khi đó ông Tôn bán cá đang ngồi trong một điện nhỏ, trong ngực áo của ông cất một cái bánh hấp. Sau khi Tống Huy Tông thắp hương ở các đại điện thì đi tới tiểu điện. Do Tống Huy Tông quỳ lạy trong thời gian lâu nên lúc này có chút đói. Ông Tôn liền lấy bánh hấp từ trong ngực áo ra nói: “Có thể dùng cái này làm điểm tâm.” Tống Huy Tông có phần sửng sốt, không nhận bánh của ông. Ông Tôn lại nói: “Về sau ngay cả cái này cũng không dễ có mà ăn đâu.”
Lúc ấy không ai có thể hiểu được ý tứ bên trong lời nói của ông Tôn bán cá. Sau khi biến cố Tĩnh Khang xảy ra, mọi người mới hiểu được, vào thời điểm đó ông Tôn bán cá đã tiên đoán được vận mệnh của Tống Huy Tông.
Một câu thơ thành lời tiên đoán
Mùa thu năm Tuyên Hòa thứ nhất (năm 1119), quản lý viện đạo đức của Đạo giáo dâng tấu nói rằng, trong viện mọc lên một cây nấm linh chi màu vàng kim. Tống Huy Tông vốn sùng bái Đạo giáo bèn đi đến đó thưởng thức, tiện đường quá bộ đến nhà của Thái Kinh. Thái Kinh bày tiệc tại Minh Loan Đường mời Tống Huy Tông, Thái Kinh còn làm một bài thơ ca ngợi nấm linh chi màu vàng kim là tường thụy (điềm lành), ca ngợi Tống Huy Tông là một đại thánh quân. Tống Huy Tông ban thưởng ngay tại bữa tiệc, đồng thời làm mấy câu thơ rằng:
“Đạo đức phương kim hỉ điệt hưng,
Vạn bang tòng hóa bản thiên thành.
Định tri kim đế lai vi chủ,
Bất đãi xuân phong tiện phát sinh.”
Tạm dịch nghĩa:
Đạo đức ngày nay nhiều hưng thịnh,
Vạn quốc theo biến thành hôm nay.
Ắt biết Kim Đế đến làm chủ,
Không đợi gió xuân liền phát sinh.
Khi đó Tống Huy Tông cũng không biết rằng, “tường thụy” trong mắt ông cũng không phải thực sự là tường thụy, bài thơ ông làm ra đã vô ý lộ ra điềm dữ. “Định tri kim đế lai vi chủ” (Đã biết Kim Đế đến làm chủ) báo trước rằng Hoàng đế nước Kim sẽ trở thành chủ nhân của Tống Huy Tông. Mùa thu năm Tuyên Hòa thứ 7 (năm 1125) quân Kim tiến đánh triều Tống, “không đợi gió xuân liền phát sinh”, trước mùa xuân năm Tĩnh Khang thứ 2, thành Biện Kinh bị công phá, hai vị Hoàng đế là Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông (Tống Huy Tông lúc này đã là Thái Thượng Hoàng) bị bắt. Năm đó trên yến tiệc Tống Huy Tông tiện tay viết xuống câu thơ, vậy mà lại trở thành “một lời tiên tri” vậy!
Cũng vào năm Tuyên Hòa thứ 7, phía trên bên trái cửa chính của Dao Tiên điện ở Bảo Lục cung, không biết người nào đã viết 4 câu thơ thần bí:
“Gia trung mộc chú tẫn,
Nam phương hỏa bất minh.
Cát nhân quy tắc mạc,
Tuyên mộc hựu tồi khuynh.”
Tạm dịch nghĩa:
“Gỗ trong nhà mọt hết,
Phương nam lửa không sáng.
Cát nhân về sa mạc,
Tuyên mộc lại gãy đổ.”
Lúc đầu không ai hiểu được ý tứ của bài thơ. Sau khi biến cố Tĩnh Khang xảy ra, mọi người mới biết “gỗ trong nhà” chính là nói triều Tống, “sâu mọt hết” có ý nói Đại Tống sắp không còn. “Phương nam lửa không sáng”, theo thuyết ngũ hành thì quốc vận Bắc Tống thuộc về “Hỏa Đức”, lửa không sáng chính là ý nói quốc vận của Bắc Tống suy bại. Nếu kết hợp chữ “Cát nhân” (吉人) trong câu “Cát nhân về vùng sa mạc” thì sẽ được chữ “Cát” (佶), điều này ám chỉ Tống Huy Tông Triệu Cát sẽ bị bắt làm tù binh đưa đến vùng sa mạc chịu khổ. Kết hợp hai chữ Tuyên mộc (亘木) trong câu “Tuyên mộc lại gãy đổ” sẽ được chữ “Hoàn” (桓), ám chỉ Tống Khâm Tông Triệu Hoàn, câu này là nói Tống Khâm Tông sẽ chết ở phương bắc. Về sau, mấy câu dự ngôn này từng câu từng câu đều ứng nghiệm.
Dị tượng tiết lộ điềm dữ
Năm Tuyên Hòa thứ nhất (năm 1119) đã xuất hiện vài việc kỳ lạ. Vào ngày mùng 1 và 15 tháng Giêng năm đó, khi Tống Huy Tông đến Cảnh Linh cung làm lễ triều bái, thấy trên tượng của Hoàng đế Tống Thần Tông chảy nước mắt, hơn nữa vị quan trông coi miếu cũng thường nghe thấy có tiếng khóc ở trong miếu.
Còn có một hôm, trong biệt điện ở miếu của Tống Thần Tông, có viên gạch xuất hiện vết máu, lau chùi đi lại xuất hiện, cứ như vậy liên tiếp mấy ngày mới thôi. Lúc đó Thái Kinh và các nịnh thần đang được sủng ái, nên khi dị tượng này xuất hiện các quan lại không dám báo lên.
Tháng Giêng năm Tuyên Hòa thứ 7 (năm 1125) nước Kim diệt nước Liêu. Tháng 8 năm đó, ngoài cửa đông của thành Biện Kinh có một người nông phu bán rau đột nhiên đi đến dưới cổng Tuyên Đức môn của hoàng thành, đồng thời có biểu hiện trạng thái mê mờ, đặt xuống gánh rau, chắp tay hướng về phía cổng thành mà nói: “Thái Tổ Hoàng Đế, Thần Tông Hoàng Đế sai ta tới đây. Bát Lang (chỉ Tống Huy Tông) kiêu căng xa xỉ mất nước, cần phải sớm sửa đổi! Bằng không, hối hận cũng không kịp nữa!” Binh lính rất nhanh đến bắt người bán rau dẫn tới nhà giam phủ Khai Phong. Qua một buổi tối, người bán rau mới tỉnh lại, lại không biết gì về những việc mình đã làm hôm trước.
Ngày mùng 6 tháng Giêng năm Tĩnh Khang thứ nhất (năm 1126) sau khi Tống Khâm Tông lên ngôi là ngày Lập xuân. Người Trung Quốc coi trọng thời vụ, thông thường vào ngày Lập xuân sẽ làm lễ nghênh đón mùa xuân, đồng thời cầu nguyện một năm mới mùa màng thuận lợi, đây là việc trọng đại của toàn quốc. Vào ngày này, bất kể là ở cung đình hay trong dân gian đều sẽ cử hành hoạt động “đả xuân ngưu” (đánh roi vào con trâu ngày xuân, cầu nguyện một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và no ấm, đủ đầy). “Con trâu” trong lễ hội này được đắp bằng bùn đất.
Trước đó, cục Thái Sử đã đắp tạo trâu đất và đặt ở điện Nghênh xuân. Đến ngày lập xuân ấy, Thái Thường Tự chuẩn bị nhạc để nghênh đón trâu đất, không ngờ rằng dùng roi đánh một cái trâu đất liền bể nát, đây vốn không phải là điềm lành. Mà ngay tại đêm trước ngày Lập xuân, tức là đêm của ngày mùng 5, binh lính trông coi điện nghe được trong điện có tiếng khóc rất bi thương, lại nghe được tiếng đánh nhau, hơn một canh giờ thì ngừng. Sáng sớm vào kiểm tra, phát hiện trên mặt của Thần Câu Mang (Thần mùa xuân) có nước mắt chảy tí tách, trên vạt tay áo vẫn còn ẩm ướt, đầu hình chim của Thần rớt trên mặt đất, vẫn còn có vết đao búa. Lính canh bẩm báo với quan cấp trên, thế là quan trên lại bí mật tiến hành tu bổ.
Không chỉ có triều Tống, trên thực tế những dị tượng cảnh báo tương tự như thế ở các triều đại đều có. Sự tình nơi con người thế gian chính là phát sinh tuần hoàn lặp đi lặp lại như vậy, nhưng bản thân người ở trong cuộc, có bao nhiêu người có thể nhìn thấu?
Đường Thái Tông nói: “Lấy lịch sử làm gương, có thể biết được hưng tàn”. Người sáng suốt có thể từ trong sự thật lịch sử mà nhìn thấy được gợi ý, sau khi thấy được điềm báo thì có lựa chọn đúng đắn cho riêng mình.
Tài liệu tham khảo:
Lý Tinh Thành biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ