Những câu chuyện về sự đói khổ trong thành phố Thượng Hải bị phong tỏa
Cách ứng phó cứng rắn với COVID-19 của Bắc Kinh đẩy cư dân thành phố Thượng Hải đến bờ vực của sự cùng quẫn
Sau bốn ngày cố gắng đặt thực phẩm trên mạng mà không có kết quả, một người đàn ông khoảng 30 tuổi ở quận Dương Phố thuộc thành phố Thượng Hải đã gọi điện báo công an. Cư dân đang bị giam hãm này muốn biết nếu anh ấy thoát ra khỏi khu dân cư và bị bắt vì vi phạm các quy định cách ly thì liệu anh ấy có được cho ăn hay không.
Anh này cho biết, sáu ngày trước, anh đã đặt mua thực phẩm thông qua ban điều hành tổ dân phố nhưng đến giờ thì [đồ ăn] vẫn chưa tới. Cơn đói khiến dạ dày của anh quặn đau.
“Ban điều hành khu phố bảo tôi phải ‘ráng chịu’ trong khi tôi đã chịu đựng bốn ngày rồi. Tất cả những gì có thể ăn được đều không còn nữa, ngoại trừ nước uống.” Anh nói như vậy với cảnh sát trong một cuộc gọi, và sau đó đăng tải đoạn ghi âm cuộc gọi này lên mạng.
“Mỗi buổi tối khi tôi theo dõi bản tin thời sự lúc 7 giờ, mọi chuyện đều được mô tả là yên bình, tốt đẹp và tràn ngập cảm giác an toàn. Tôi không biết gì về sự an toàn này.”
Nhưng câu trả lời của công an đã dập tắt mọi hy vọng cho việc tìm kiếm nguồn thực phẩm. Vị công an này nói rằng ngay cả khi anh bị bắt, thì người ta sẽ lập tức đưa anh về nhà, và nói thêm rằng đồn công an cũng không thể tiếp nhận anh.
Nỗ lực cùng quẫn để chống lại cái đói của người đàn ông này phản ánh một hiện thực thu nhỏ về những thống khổ mà nhiều cư dân ở Thượng Hải phải nếm trải trong một cuộc phong tỏa mà chính quyền cộng sản Trung quốc áp đặt và khẳng định biện pháp này là một giải pháp để ngăn chặn đợt bùng phát biến thể Omicron đang gia tăng. Cư dân ở một số quận đã bị giam hãm trong nhà trong hơn một tháng nay.
Chính quyền thành phố chỉ bắt đầu nới lỏng các đợt phong tỏa từ hôm 11/04 dưới áp lực ngày càng gia tăng. Nhưng các chính sách cứng rắn này đã làm tê liệt nền kinh tế của thành phố và gây hoảng loạn. Tại trung tâm tài chính Trung Quốc có 26 triệu dân này, cảm giác đói khát, tâm trạng thất vọng, và sự túng quẫn liều lĩnh đang khởi phát.
Những người dân đói bụng vừa đập xoong nồi từ ban công vừa la hét đòi thực phẩm.
Từ các trung tâm cách ly này, nhiều video phản cảm xuất hiện quay cảnh những người bị nhốt trong các công trình còn chưa hoàn tất với điều kiện vệ sinh tồi tàn. Một người phàn nàn về việc hàng chục người phải dùng chung một bồn cầu bị ứ tắc.
Bất chấp những biện pháp hạn chế này, đợt bùng phát này dường như đâu đó đã bị mất kiểm soát. Tính đến ngày 12/04, chỉ trong vòng sáu ngày, các ca nhiễm tại thành phố này dao động ở mức trên 20,000 — gấp hơn năm lần con số được báo cáo hồi cuối tháng Ba khi đợt phong tỏa lần đầu tiên có hiệu lực. Mặc dù các chuyên gia và người dân địa phương đã liên tục hồ nghi không biết các số liệu của Trung Quốc có đáng tin cậy hay không.
Khi mà Bắc Kinh nôn nóng bảo vệ chiến lược COVID-19 không khoan nhượng của mình, thì hàng loạt các tài khoản đăng trên mạng internet Trung Quốc và các cuộc phỏng vấn mà The Epoch Times thực hiện tiết lộ rằng cách tiếp cận cứng rắn của nhà cầm quyền đang thử thách giới hạn của người dân Trung Quốc.
Không chừa một ai
Thực phẩm là một câu hỏi hàng đầu luôn quẩn quanh trong tâm trí những cư dân Thượng Hải phải ở trong nhà. Các kệ hàng tạp hóa trống rỗng, lương thực tiếp tế ít ỏi từ chính quyền, và việc giao hàng không được bảo đảm đã đẩy người dân vào tình cảnh nguy khốn mặc dù chính quyền thành phố vẫn lặp đi lặp lại cam đoan rằng nguồn tiếp tế rất dồi dào.
“Mấy vị chức sắc ơi, làm ơn bỏ kịch bản đó xuống đi, bây giờ hãy chỉ cho chúng tôi biết làm thế nào để đặt được rau bằng điện thoại của các vị,” một người dân địa phương bình luận trên Weibo, một trang mạng xã hội phổ biến của Trung Quốc tương tự như Twitter.
Người này không phải là người duy nhất cảm thấy bất bình. Nhiều người ở Thượng Hải đã thức đến nửa đêm hoặc dậy trước 6 giờ sáng để chất sản phẩm vào giỏ hàng trực tuyến của mình — thường là với giá rất đắt — chỉ để phát hiện là những đơn hàng đó đã bị hủy ngay khi họ nhấn nút mua hàng. Ngay cả những đơn hàng được đặt thành công, một số người phát hiện ngày giao hàng bị lùi lại hết lần này đến lần khác — có khi sau nhiều tuần hàng mới đến nơi.
Những người giàu có cũng không thoát khỏi khó khăn này. Tỷ phú Cathy Xu Xin (Từ Tân), được mệnh danh là nữ hoàng đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc, có cổ phần trong nhiều ứng dụng mua sắm thực phẩm hiện rất cần thiết cho người dân Trung Quốc trong tình trạng phong tỏa. Trong một bài đăng trên mạng xã hội, bà cho biết rằng gần đây bà đã nhờ những người hàng xóm thêm bà vào một nhóm mua sữa và bánh mì trực tuyến với số lượng lớn để cung cấp cho một gia đình lớn.
Trong một nhóm trò chuyện dành cho Tomson Riviera, một khu tổ hợp nhà ở cao cấp gồm 220 căn hộ trị giá hàng chục triệu dollar, một người dùng đã nói với những người khác rằng hãy thử vận may vào buổi chiều nếu những nỗ lực mua hàng buổi sáng không có kết quả. Người này cho biết có thể có “những bất ngờ” nếu họ dành nhiều thời gian hơn trên các ứng dụng mua sắm này.
Một người khác trong nhóm trên cho biết họ buộc phải tham gia vào những cuộc giằng co thực phẩm trên mạng ngày này qua ngày khác như thế nào. Vị này nói: “Tôi không biết phẩm giá của mình đi đâu mất rồi.”
Giữa lúc họ đang phải chật vật để có được thức ăn, một cảnh quay xuất hiện cho thấy những chuyến xe tải chở nông sản quyên góp đi thẳng đến các bãi đổ rác, càng làm dấy lên sự phẫn nộ của công chúng.
Những tài xế xe tải vẫn chưa thể tìm được nơi chứa số hàng này. Trong các video lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, các tài xế xe tải từ các tỉnh khác bực tức la lối chính quyền qua điện thoại sau khi thấy rằng bản thân họ — và số thực phẩm quyên góp mà họ chở từ cách đó hàng trăm dặm — bị mắc kẹt trên đường phố.
Một video có mức lan truyền rộng rãi cho thấy trong một bãi đậu xe, nơi một tài xế xe tải lớn tiếng nói: “Quên đi chuyện hàng hóa đắt đỏ thế nào, tôi đang dùng cả tính mạng của mình để hỗ trợ Thượng Hải, nhưng giờ tôi rời đi mà không có chút đồ ăn thức uống nào.” Ông ấy đến từ thành phố cảng Thanh Đảo, phía đông tỉnh Sơn Đông và đã đợi ở đây hơn một ngày sau khi đến nơi.
Tử vong và cách ly
Làm sao để không chết đói không phải là mối lo duy nhất của người dân Thượng Hải. Trẻ em đã bị tách khỏi cha mẹ nếu các em có kết quả xét nghiệm virus khác với cha mẹ. Người lớn tuổi đã phải chật vật trong các cơ sở y tế với đầy ca nhiễm COVID-19, và một số lượng không xác định người cao tuổi đã qua đời ở đó sau khi nhiễm chủng virus này hoặc do thiếu sự chăm sóc.
Ông Trần, con trai của một cụ bà 86 tuổi ở Trung tâm Chăm sóc Lão niên Từ Hối, cho biết một nửa trong số 200 người ở trung tâm này bị bệnh, trong đó bao gồm gần như toàn bộ nhân viên hộ lý.
Mẹ ông bị sốt 102.2 độ F (39 độ C) trong bốn ngày nhưng không nhận được sự chăm sóc của cơ sở y tế này. Sau khi gọi một lượt đến tất cả các đường dây nóng công cộng, đến ngày 12/04 ông Trần mới nhận được cuộc gọi lại từ tổng đài 120, đường dây nóng y tế khẩn cấp, bảo gia đình ông “hãy đợi”, ông nói với The Epoch Times. Thành phố này không báo cáo bất kỳ trường hợp tử vong nào liên quan đến COVID-19.
Đối với những người có kết quả xét nghiệm dương tính, họ và những người tiếp xúc gần với họ sẽ được đưa đến các trung tâm cách ly tập trung, bất kể điều kiện vệ sinh tại các cơ sở đó như thế nào.
Hồi đầu tháng Tư, hàng chục xe tải chở người dân địa phương đến Ôn Gia Đãng, một bệnh viện dã chiến mới được xây một nửa tọa lạc tại quận Phố Đông, phía đông Thượng Hải. Họ mặc bộ đồ hazmat trắng, chờ hàng giờ trước cổng vào bằng kim loại. Hàng chục bao rác chất thành đống ở phía sau cánh cổng này.
Người phụ nữ quay video cho biết các suất ăn bọc trong ni-lông được xếp chồng lên nhau trên nền đất đầy bụi bặm để mọi người đến lấy đi, và toàn khu chỉ có một nhà vệ sinh – vốn không giật được nước – mặc dù trung tâm này có sức chứa lên đến 1,000 người. Bài đăng của cô ấy và bất kỳ đề cập nào về cơ sở này đã bị xóa khỏi Weibo.
Một phụ nữ khác gần 80 tuổi cũng mô tả tình huống tương tự sau khi được đưa đến một trung tâm cách ly dã chiến ở Phố Đông. Trong một bài đăng thu hút 107,000 lượt thích trên Weibo, bà kể với con trai về trải nghiệm của bà rằng không có gối, không có chăn, không có ga trải giường và không có nước. Hơn 90 người phải dùng chung hai hoặc ba phòng vệ sinh. Các bức ảnh người con trai chia sẻ trên mạng cho thấy rác và các tấm bìa carton được trải nền nhà ẩm ướt đầy những bùn đất.
Bà kể: “Rất khó để vào được nhà vệ sinh, nhưng vì tuổi tác đã cao, nên tôi cần đi vệ sinh nhiều lần hơn so với những người trẻ tuổi.” Bà cho biết thêm rằng bà chỉ ngủ được ba đến bốn giờ mỗi ngày kể từ khi đến cơ sở này.
Thảm kịch có thể tránh được
Việc trị bệnh tiếp tục là một vấn đề đối với những người già yếu và bệnh tật.
Mới đây, ông Quách, một người đàn ông 65 tuổi bị giới hạn trong căn hộ tầng hai của mình ở Thượng Hải, đã nhảy xuống từ ban công căn hộ trong một hành động liều lĩnh để tìm kiếm sự trợ giúp y tế cho người mẹ 90 tuổi đang bị bệnh viêm phổi, huyết áp cao và các vấn đề về tim. Nhà chức trách đã phong tỏa tòa nhà bằng khóa sắt trong nhiều ngày. Ông nói, xe cấp cứu sẽ không đến, và các cuộc gọi đến mọi đường dây nóng công cộng đều không có hồi âm.
Ông nói với The Epoch Times: “Chính quyền này đang loạn hết lên rồi. Từ trên xuống dưới… ai cũng đùn đẩy trách nhiệm.”
Khi được The Epoch Times hỏi về hoàn cảnh của ông Quách, một nhân viên trong ban điều hành tổ dân phố nói rằng tất cả các nhân viên biên chế đều đang bị cách ly. Bà cho biết hiện trung tâm đang được một nhóm tình nguyện viên tiếp tế nhân lực, trong đó có bà.
Tuy nhiên, các quan chức đã nhanh chóng phản ứng sau khi ông Quách lên mạng kêu cứu — nhưng không phải để cung cấp sự hỗ trợ. Trớ trêu thay, họ đã gọi cho cháu trai của ông Quách đề nghị xóa bài đăng đó. Ông Quách ngậm ngùi cay đắng: “Lúc trước thì không thấy bóng ai, giờ thì xuất hiện rồi.”
Mới đây, ông Lang Hàm Bình (Larry Hsien Ping Lang), một nhà kinh tế học nổi tiếng của Trung Quốc, đã mất mẹ sau khi những biện pháp kiềm chế COVID-19 ở Thượng Hải khiến cho việc điều trị y tế cho bà bị chậm trễ. Cụ bà 98 tuổi mắc chứng suy thận này phải ở ngoài phòng cấp cứu của bệnh viện bốn giờ đồng hồ để chờ kết quả xét nghiệm âm tính với virus. Bà đã qua đời trong lúc chờ đợi.
Ông Lang viết trong một bài đăng trên mạng xã hội: “Chúng ta có thể tránh được thảm kịch này. Dựa trên những chẩn đoán trước đây, mẹ tôi chỉ cần chích một liều [cho thận] là sẽ ổn.” Cuối cùng ông đã được phép rời khỏi khu phố của mình để đến bệnh viện sau những cuộc đôi co dài hơi với chính quyền, và cũng chính lúc đó người mẹ ốm yếu của ông đã ra đi mãi mãi.
Phẫn nộ bộc phát
Tính đến ngày 13/04, tối thiểu 15 triệu cư dân vẫn bị giam hãm trong nhà.
Để giải tỏa cơn giận dữ, cư dân ở một số khu vực lân cận từ ban công của các tòa nhà chung cư cao tầng đã đập nồi niêu và gào thét.
Các video được chia sẻ với The Epoch Times cũng cho thấy người dân địa phương đồng thanh hét lên “hãy tiếp tế cho chúng tôi”, và có đoạn còn xô xát với một nhân viên chống dịch mặc đồ bảo hộ trắng.
Mới đây, cả thị trưởng thành phố và một quan chức cao cấp của chính quyền đều không được đón tiếp một cách nồng hậu khi họ đến thăm các khu dân cư.
Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan) được các cư dân chào đón bằng tiếng la hét từ cửa sổ căn hộ của họ rằng họ “đang chết đói” và yêu cầu gửi thức ăn đến.
Ông Lý Cường (Li Qiang), Bí thư Thành Ủy Thượng Hải, bị một vài người phụ nữ dồn vào thế khó xử khi họ nói ra những lời phàn nàn tương tự.
Một người phụ nữ đang dắt một chú chó đi dạo nói: “Ông đã phạm một tội ác với đất nước. Ông nên cảm thấy xấu hổ trước tổ tiên và Trời Đất,” theo một video đang lan truyền trên mạng.
Một phụ nữ trong khu nhà bị phong tỏa từ một tháng trước này cho biết họ đã được cấp cho một ít gạo và mấy quả cam bị hư hỏng ngay trước và sau chuyến thăm của ông Lý. Chỗ gạo đó có thể nuôi sống bà trong năm ngày, nhưng bà không có rau xanh để ăn cùng cơm.
“Tôi không biết ông Lý Cường sẽ đến,” bà nói với The Epoch Times. “Nếu biết, chắc chắn tôi đã xuống để nói chuyện với ông ấy.”
“Các quan chức chỉ trả lời cấp trên của họ chứ không bao giờ trả lời những người bình thường.”
Sự nhiệt tình của các quan chức địa phương chịu trách nhiệm kiểm soát đại dịch ở tuyến đầu dường như cũng đang suy yếu.
Trong một bức thư đề ngày 09/04, ủy ban khu phố Hàn Thành ở Phố Đông cho biết họ đã có đủ nhân viên sau 24 ngày bị cách ly trong văn phòng ủy ban.
“Chúng tôi đã cố gắng hết sức để hợp tác với các chính sách khác nhau của chính phủ. Mọi người và mọi bộ phận đều muốn chúng tôi thông cảm và hợp tác, nhưng không ai quan tâm đến cảm xúc của chúng tôi,” họ viết trong bức thư được đăng trực tuyến.
“Chúng tôi cũng là con người, không phải là những cỗ máy vô cảm. Cũng có lúc chúng tôi không thể chịu đựng được nữa.”
Khi được gọi đến, một nhân viên từ ủy ban khu phố Nhân Văn gần đó xác nhận họ đã thôi việc.
“Áp lực khá lớn,” cô nói với The Epoch Times.
Một văn phòng lân cận khác nói rằng họ sẽ “cầm cự miễn là [họ] còn có thể chịu được.”
“Chúng tôi cũng không biết liệu một ngày nào đó chúng tôi còn có thể tiếp tục được nữa hay không,” cô nói với The Epoch Times.
Ông Ngô Dĩnh Xuyên (Wu Yingchuan), được bổ nhiệm chức bí thư chi bộ đảng khu dân cư Xương Lý Hoa Viên (Changli Garden) hồi cuối tháng Mười Một năm ngoái (2021), cũng đăng một lá đơn từ chức trên mạng xã hội, khi nói rằng họ đã cố gắng hết sức để giúp đỡ người dân nhưng bị kẹt giữa chính sách của chính quyền và nhu cầu của 4,000 cư dân.
Hơn hai tuần rồi họ không được tắm. Các nhân viên của anh đang đổ bệnh vì suy kiệt cơ thể và virus. Số lượng cuộc gọi yêu cầu giúp đỡ mỗi ngày đã vắt kiệt cảm xúc. Nhưng họ không có nhân lực và năng lực để cung cấp sự trợ giúp thiết thực.
“Mệnh lệnh của cấp trên là trên hết. Nhưng những người đưa ra những mệnh lệnh không thể hủy bỏ này chưa bao giờ đến địa điểm xét nghiệm nucleic này,” ông viết. “Họ có thể không biết … vì một mệnh lệnh như vậy, mà biết bao nhân viên tuyến đầu và tình nguyện viên sẽ bị nhiễm bệnh và biết bao người mất ăn mất ngủ.”
Theo một quan chức ủy ban đã xác nhận tính xác thực của bức thư này khi được The Epoch Times gọi đến, ông Ngô hiện vẫn đang làm việc.
“Từng câu từ trong bức thư này đều là sự thật,” viên chức này nói.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á và Hồng Ninh
Khánh ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: