Những câu chuyện từ ‘Đệ Tử Quy’: Khiêm nhường và hiếu đễ với anh chị em và các bậc tiền bối
Sách “Chuẩn tắc để trở thành một người con ngoan và trò giỏi” (Đệ Tử Quy) là một cuốn sách giáo khoa truyền thống của Trung Quốc dành cho trẻ nhỏ, dạy trẻ em đạo lý và những quy tắc lễ nghi. Tác phẩm này do Lý Dục Tú thời nhà Thanh biên soạn, dưới thời trị vì của Hoàng đế Khang Hy (1661-1722). Trong loạt bài này, chúng tôi trình bày một số câu chuyện cổ Trung Hoa minh họa cho những bài học quý giá được dạy trong Đệ Tử Quy. Chương thứ hai của Đệ Tử Quy dạy trẻ nhỏ làm tròn bổn phận đối với anh chị em ruột thịt.
Trong Đệ Tử Quy có viết rằng:
Tạm dịch:
Anh thương em
Em kính anh.
Anh em thuận,
Hiếu trong đó.
Nhẹ bạc tiền,
Oán nào sinh
Lời nhường nhịn,
Giận tiêu tan.
Một người hảo huynh đệ là người luôn nghĩ cho anh em của mình trước bản thân mình. Một ví dụ nổi tiếng là hậu duệ của Khổng Tử, Khổng Dung, khi còn nhỏ đã biết sẻ chia với người khác.
Khổng Dung (sinh 153 – mất 208 sau Công Nguyên), hậu duệ đời thứ 20 của Khổng Tử, là một vị quan có tước vị cao trong thời trị vì của Hán Linh Đế thời Đông Hán. Vì từng là Thái thú của quận Bắc Hải (thuộc thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông ngày nay), nên ông còn được gọi là Khổng Bắc Hải. Trong thời gian đương nhiệm, Khổng Dung đã xây dựng các phố phường và trường học, đồng thời ủng hộ Nho giáo. Ông cũng là một nhà thơ và nhà văn nổi tiếng.
Khổng Dung được biết đến là người thuần hậu và hiếu khách, nhà của ông thường tấp nập khách viếng thăm. Khổng Dung đề cao các phép tắc lễ nghi, và khi còn nhỏ, ông đã được mọi người nghe danh bởi tấm lòng rộng lượng to lớn với những huynh đệ của mình.
Gia đình họ Khổng có bảy anh em và ông là con trai thứ sáu. Khi Khổng Dung được bốn tuổi, vì là trai con út, nên ông được ưu tiên chọn trước một quả lê trong một cái giỏ. Tuy nhiên, ông đã chọn quả nhỏ nhất, và nhường những quả lớn cho các anh của mình. Ngay cả sau khi em trai ông chào đời, Khổng Dung vẫn để dành cho anh trai và em trai mình những quả lê lớn hơn, và giữ lại quả nhỏ nhất cho mình.
Khi được hỏi lý do, Khổng Dung đáp: “Các anh của con nên có quả lê lớn hơn vì họ lớn hơn con, nhưng các em của con cũng nên có quả lê lớn hơn vì con có trách nhiệm chăm sóc em trai mình.” Câu trả lời này của ông đã nhận được sự tán dương của gia đình nhà họ Khổng và những người biết được câu chuyện này.
Câu chuyện này đã được lưu truyền lại như một tấm gương tốt về phép tắc hành xử và tình huynh đệ, và cho đến ngày nay câu chuyện này vẫn là một phần quan trọng trong việc giáo dục nhân cách cho trẻ em.
Tể tướng Lý Miễn từ chối nhận vàng từ bằng hữu của mình
Lý Miễn (sinh năm 717-mất năm 788 trước Công Nguyên) là một vị quan và tướng quân thời nhà Đường, phụng sự với vai trò là tể tướng dưới thời trị vì của hoàng đế Đường Đức Tông. Ông cũng là một hậu duệ của vị hoàng đế khai quốc của nhà Đường, Đường Cao Tổ.
Trong những năm đầu đời, gia cảnh Lý Miễn rất nghèo khó, nhưng ông không cố gắng làm giàu theo cách bất chính. Thay vào đó, ông dành thời gian nghiên cứu các kinh sách, từ đó ông trau dồi đức tính trung thực và đáng tin cậy. Một ngày nọ, ông gặp một thư sinh khá giả đang trên đường lên kinh thành cầu học và ứng thí Khoa Cử.
Hai người nhanh chóng trở thành bằng hữu tốt của nhau. Nhưng một ngày nọ, vị thư sinh kia trở bệnh nặng, Lý Miễn đã chăm sóc và đối đãi với ông như huynh đệ ruột thịt của mình.
Cuối cùng vị thư sinh kia đã không qua khỏi. Trước lúc lâm chung, ông đã khẩn khoản yêu cầu Lý Miễn giữ số vàng còn lại sau khi lo xong tang lễ cho mình. Lúc đó, Lý Miễn không còn lựa chọn nào khác, ông đành nhận số vàng ấy, để người bạn kia ra đi thanh thản. Tuy nhiên, rốt cuộc ông đã không giữ lại một đồng nào. Ông bí mật giấu vàng dưới quan tài của vị thư sinh kia, và cuối cùng hoàn trả toàn bộ số bạc cho gia đình của vị ấy.
Trong thời gian được bổ nhiệm làm tiết độ sứ ở Lĩnh Nam, Lý Miễn đã không hề lạm dụng quyền lực của mình để chiếm đoạt tài sản hay của cải từ các thương nhân ngoại quốc. Ông luôn lịch sự từ chối bất kỳ món quà nào từ các thương nhân, và, khi về hưu, thậm chí ông còn ném tất cả sừng tê giác và ngà voi mà gia đình ông đã nhận xuống sông.
Trong suốt hai thập niên làm quan, ông Lý đã phân phát phần bổng lộc của mình cho họ hàng và gia nhân, chỉ để lại một phần ít ỏi cho bản thân. Do vậy ông không còn chút tài sản gì khi qua đời. Lý Miễn đã được người đời ca tụng rất nhiều và tặng danh hiệu “Chân Giản,” nghĩa là “Người chân thật và giản dị.”
Khiêm tốn trước người lớn
Trong Đệ Tử Quy có viết:
Tạm dịch:
Gọi người lớn,
Chớ gọi tên.
Với người lớn,
Chớ khoe tài.
Ngoài việc yêu cầu dùng cách chào hỏi thích hợp khi nói chuyện với các bậc trưởng bối, một khía cạnh quan trọng của lễ nghi truyền thống Trung Hoa là sự khiêm cung.
Một nhà thư pháp cổ đại từ thời nhà Tấn, và một vị công thần khai quốc thời nhà Hán tên là Trương Lương, nổi tiếng kính trọng các vị tiền bối ngay từ khi họ còn trẻ. Họ học cách khiêm nhường và từ đó có thể tích lũy được kiến thức và kỹ năng từ vị các tiền bối này.
Nhà thư pháp nổi tiếng Vương Hy Chi, được mệnh danh là Thư Thánh ở Trung Quốc, sống vào thời nhà Tấn (303–361 sau Công nguyên) và có bảy người con, trong đó con trai út của ông, Vương Hiến Chi, (344-386) cũng là một nhà thư pháp lỗi lạc.
Khi Hiến Chi 15 tuổi, ông đã đạt được trình độ điêu luyện về kỹ năng thư pháp và thường nhận được lời khen ngợi từ cha mình cùng những bậc trưởng bối khác. Vì thế mà Hiến Chi trở nên kiêu ngạo và lười biếng, nghĩ rằng khả năng của mình đã rất kiệt xuất nên không cần phải cố gắng rèn luyện chăm chỉ và cải thiện bản thân nữa.
Có một câu chuyện kể về cách mà Vương Hy Chi giúp con trai ông nhận ra sự dại dột của tính kiêu ngạo và hiểu được tầm quan trọng của đức tính siêng năng. Một ngày nọ, Vương Hy Chi được triệu kiến vào kinh và để từ biệt ông, gia đình ông đã tổ chức một bữa tối thịnh soạn. Thức ăn và rượu ngon được bày biện trên bàn tiệc. Trong lúc hơi ngà ngà say, Vương Hy Chi đột nhiên dâng trào cảm hứng viết vài lời ẩn ý thâm sâu để dạy dỗ Hiến Chi.
Vương Hy Chi đã đề một bài thơ trên tường có tên “Giới Kiêu Thi” (戒驕詩), khuyên răn Hiến Chi không nên kiêu ngạo mà hãy chăm chỉ trau dồi học tập. Tuy nhiên, Hiến Chi đã không hoàn toàn tâm phục. Cậu chép bài thơ hàng chục lần mỗi ngày, và ngay trước khi cha trở về nhà, nhân lúc không ai nhìn thấy, cậu đã xóa bút tích của cha và tự mình viết lại ở đúng vị trí ấy trên tường, bắt chước phong cách thư pháp của cha.
Hiến Chi rất hãnh diện về bản thân. Cậu dương dương tự đắc nghĩ rằng lối viết của mình cũng đẹp không kém gì lối viết của cha và khó ai có thể nhận ra sự khác biệt.
Khi Vương Hy Chi về đến nhà, ông chăm chú nhìn bài thơ trên tường hồi lâu, sau đó gãi đầu thở dài: “Có phải đêm đó ta hơi quá chén nên đã viết ra những nét chữ vụng về như thế này sao?” ông kêu lên.
Con trai ông lập tức đỏ mặt, cảm thấy vô cùng khó chịu và xấu hổ. Cuối cùng, Vương Hiến Chi đã nhận ra rằng chỉ có chuyên cần học tập và luyện tập chăm chỉ thì mới có thể trở thành một nhà thư pháp nổi danh.
Trương Lương và đôi giày của vị Thánh giả
Trương Lương (sinh khoảng năm 262–mất năm 189 trước Công Nguyên), tên tự Tử Phòng, sinh ra ở nước Hàn (nằm xung quanh khu vực ngày nay là trung tâm của tỉnh Hà Nam). Để tránh chiến tranh loạn lạc, gia đình ông chuyển đến Nam Dương ở Hà Nam và sau đó chuyển đến nước Bái. Sau đó, ông đã ở lại nước Bái và trở thành người nước này.
Thuở thiếu thời, vào một ngày mùa đông đầy gió và tuyết, tình cờ ông tản bộ qua Di Kiều nằm ở trung tâm Hạ Bì. Tại đó, ông gặp một ông lão áo vàng với một cái mũ trùm đen. Ông lão cố ý ném một chiếc giày của mình xuống dưới cầu và quay lại nói với Trương Lương rằng:
“Tiểu tử, nhờ cậu xuống nhặt giày lên hộ ta.” Trương Lương đã không hề do dự. Không màng đến nguy cơ trượt chân xuống dòng sông và hứng gió lạnh thấu xương, ông đã đi xuống cầu và nhặt chiếc giày cho ông lão. Nhưng ông lão không nhận lấy chiếc giày, mà đưa chân cho Trương Lương, bảo ông xỏ giày cho mình. Trương Lương vẫn không bận tâm và cung kính làm theo lời ông lão. Ông lão mỉm cười và nói: “Tiểu tử, ta thấy cậu có thể dạy dỗ được. Sáng sớm mai hãy đến đây gặp ta. Ta sẽ chỉ dạy cậu vài điều.”
Ngày hôm sau, trước khi bình minh ló dạng, Trương Lương đến cây cầu và thấy ông lão đã có mặt ở đó từ lúc nào. Ông lão nói: “Ngươi đã đến đây muộn hơn ta rồi. Hôm nay ta không thể giảng Đạo cho ngươi.” Và ba lần tiếp theo cũng đều như thế.
Đến lần thứ ba, cuối cùng thì Trương Lương đã đến cây cầu sớm hơn ông lão. Lúc đó, ông lão mới đưa cho Trương Lương một quyển sách và nói: “Khi ngươi hiểu hết cuốn sách này, ngươi sẽ có thể làm quân sư cho một bậc vương giả trong tương lai. Sau này, nếu ngươi cần đến sự giúp đỡ của ta, thì hãy đến đây gặp ta. Ta chính là tảng đá màu vàng dưới chân Núi Cốc Thành.”
Trương Lương trở về nhà, ngày đêm dùi mài kinh sử. Cuối cùng ông đã nắm vững những điều tinh hoa trong sách. Ông có thể ngộ được những điều rất phức tạp và trở nên quen thuộc với các chiến lược dụng binh. Về sau, ông phò tá Lưu Bang, vị hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Hán, thành lập triều đại nhà Hán và thống nhất Trung Quốc.
Xem thêm:
Thục Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times