Những bí mật không được viết trong sách về thực vật phá vỡ trí tưởng tượng của bạn
Thực vật sẽ từ hạt giống nảy mầm đâm chồi, đến mùa sẽ đơm hoa kết trái, rồi tiếp tục lại sinh ra hạt. Ngoài sự thay đổi rõ ràng mà ai cũng biết này, thực vật còn có thể không ngừng thể hiện ra diện mạo thần bí. Những bí mật quý giá được ẩn giấu này, có lẽ chỉ có những người luôn cận kề bên cạnh thực vật, quan sát sự thay đổi của chúng trong bốn mùa mới có thể biết được.
Khi tôi còn nhỏ, trong sân nhà tôi có cây ngô đồng, về sau chuyển sang chỗ ở mới cũng có cây ngô đồng. Mỗi ngày tôi đều ngắm cây ngô đồng trong lúc lâu, bấy giờ tôi cảm thấy nó giống như người bạn của tôi vậy.
Tôi và anh trai tôi thường víu lấy những nhánh cây ngô đồng trơn nhẵn để trèo lên trên cây. Anh tôi đôi khi còn nằm ngủ trên những cành cây rậm rạp vươn ra hai bên, còn tôi thì thích ăn hạt ngô đồng, hoặc là ném trái ngô đồng xuống mặt nước để nó nẩy lên nhiều vòng.
Xét về mặt phát sinh chủng loài, thì ngô đồng có quan hệ tương đối xa với cây Hông lông (Paulownia tomentosa) có thể bắt gặp khắp nơi xung quanh chúng ta, vẻ ngoài cũng hoàn toàn khác nhau. Cây Hông lông sẽ nở ra những bông hoa hình ống màu tím nhạt, trái có hình dáng như quả bóng bầu dục nhỏ hơn trứng gà một chút, mùa thu trái sẽ chuyển sang màu nâu, khi chín sẽ nứt tách ra. Cây ngô đồng đầy những bông hoa nhỏ màu vàng lục rủ xuống, cánh hoa nở lật ra phía sau, nở chi chít với nhau. Thân cây và cành cây màu xanh lá mạ bóng loáng, trái của nó giống như con thuyền, hình dáng rất đặc biệt. Hạt ngô đồng được treo lơ lửng, giống như những người ngồi bên mạn thuyền. Những ai lần đầu tiên nhìn thấy cây ngô đồng và trái của nó, đều sẽ cảm thấy rất thần kỳ.
Ngoài những điểm này ra, trong nhiều năm trời, tôi ngày ngày ở bên cạnh quan sát cây ngô đồng, còn phát hiện ra rất nhiều bí mật khác.
Hạt ngô đồng thường không dùng để ăn, trong các sách tranh minh họa cũng không nói đến việc hạt ngô đồng có thể ăn. Mùi vị của nó chẳng ngon lành gì, lượng cũng chẳng nhiều, cho nên không được ưa thích. Hạt ngô đồng có công dụng trong Trung y, cho nên thường được sử dụng như một loại dược liệu. Còn việc rang hạt ngô đồng để làm thành một món ăn vặt, đây dường như là một thú vui ít người biết đến, chỉ có những ai gần gũi thân thiết với cây ngô đồng mới có thể được thưởng thức.
Sở dĩ tôi thường nhặt hạt ngô đồng bóc ra ăn, là vì cha tôi từng kể với tôi những kỷ niệm ăn hạt ngô đồng khi ông còn bé, nên tôi mới biết mùi vị của nó như thế nào.
Hình dáng trái ngô đồng ban đầu lúc còn chưa chín cũng không giống chiếc thuyền nhỏ. Nó được cuộn ngang lại và khép kín, ôm lấy những hạt nhỏ ở bên trong, giống như cái kén của côn trùng. Lúc này nếu tách mở trái ra, bên trong có một loại chất lỏng giống như nước tương (xì dầu). Hạt non sẽ nằm trong chất lỏng giống như nước ối này mà dần lớn lên. Theo thời gian, trái dần to lên, chất lỏng bên trong cũng dần biến mất, khi một bên mép trái nứt ra, thì nó sẽ có hình dáng giống như con thuyền nhỏ.
Hồi tôi còn nhỏ, cảm thấy sự biến đổi của trái ngô đồng thật thần kỳ, nhất là chất lỏng màu đen nhánh càng khiến người ta ngạc nhiên hơn. Khi học môn thực vật học, tôi từng mấy lần hỏi vài nhà thực vật học về chất lỏng màu đen đó, nhưng tôi chưa gặp được ai đã từng quan sát đến đặc điểm này, kể cả người đã từng nếm thử hạt của nó. Khi biết rằng trong các cuốn sách tranh giới thiệu thực vật cũng không viết về bí mật nhỏ của loại cây này, tôi cảm thấy mình quả thực có chút may mắn.
***
(Dưới đây là đoạn thoại trò chuyện của tác giả Hye Woo Shin – Nhà thực vật học, Chuyên gia tư vấn về thực vật nổi tiếng Hàn Quốc, đồng thời là Nữ họa sĩ của Hiệp hội Làm vườn Hoàng gia, và vị phóng viên tin tức – Chú thích của Dịch giả).
Chuyên gia tư vấn: Bạn đã bao giờ nhìn thấy trái của cây khoai tây chưa?
Phóng viên: Trái của cây khoai tây? Chưa, hình như chưa nhìn thấy.
Chuyên gia: Tôi phát hiện có rất ít người đều đã nhìn thấy hoa và trái của cây khoai tây và cây khoai lang. Trái khoai tây nhìn thế này, rất giống trái cà chua bi nhỉ?
Phóng viên: Ôi trời ạ! Lần đầu tiên tôi nhìn thấy.
Chuyên gia: Cây khoai tây là loại cây thuộc họ cà, cây cà chua cũng thuộc họ cà, cho nên trái của chúng có hình dáng rất giống nhau. Cây khoai lang thuộc họ cây bìm bìm, cho nên bất kể là hoa hay trái đều giống với cây Khiên ngưu hoa. Cây khiên ngưu hoa cũng thuộc họ bìm bìm.
Phóng viên: Thì ra là như vậy. À, hình như tôi đã thấy hoa khoai lang rồi. Cha mẹ tôi từng trồng khoai lang. Kỳ thực, bông cải châu Á vẽ ở đây, cũng là nhờ nó được trồng ở vườn rau bên ngoài ngôi nhà thì tôi mới biết được. Có điều, Chuyên gia, tôi muốn hỏi cái gì trong bình hoa vậy? Cái màu đỏ kia ấy? Thật đẹp.
Chuyên gia: Là Hồng đậu sam Đông Bắc, là loại cây thường thấy ở ven đường, nó sẽ kết trái màu đỏ vào mùa này. Nhưng rất nhiều người cũng không biết nó sẽ đơm hoa kết trái. Khi còn bé, nhà tôi có rất nhiều cây Hồng đậu sam Đông Bắc, cho nên tôi rất hiểu rõ. Loại trái màu đỏ này khi ăn hơi cứng, vị ngòn ngọt. Lúc nhỏ, tôi hay ăn trái Hồng đậu sam Đông Bắc, sau này học chuyên ngành thực vật học mới biết loại trái này có độc.
Phóng viên: Trời ạ!
***
Nếu như gặp những người không có hứng thú đối với thực vật, tôi sẽ nói cho họ biết rằng, mặc dù chúng ta đã quen thuộc với cây cối nhưng lại không hiểu rõ những mặt khác được ẩn giấu của cây, ví dụ như hoa và trái của cây khoai tây và cây khoai lang. Bằng cách này, 100% sẽ có thể làm cho đối phương cảm thấy hứng thú với thực vật.
Nếu như gặp người vừa mới bắt đầu yêu thích thực vật, giống như vị phóng viên ở trên, tôi sẽ cố gắng chia sẻ với đối phương bí mật của thực vật. Cho dù đối phương là người lớn hay trẻ nhỏ, nhìn thấy vẻ mặt thích thú của họ khi phát hiện điều gì đó trong quá trình gieo trồng, hai mắt sáng lên giải thích lần lượt những điều mà mình phát hiện, tôi cảm thấy hình ảnh đó thật đáng yêu.
Trái lại, nếu gặp được những người từng thân thiết lâu năm với thực vật, thì tôi có thể nghe được một số bí mật mà trong sách tranh minh họa không có, hoặc là học được một vài điều mới mẻ.
Tôi đã từng gặp những người giống như tôi, lúc còn nhỏ thường ăn trái Hồng đậu sam Đông Bắc, sau khi lớn lên mới biết được loại trái này có độc. Đối phương giống như được gặp lại bạn cũ ở quê nhà, nói “Tôi cũng đã từng ăn rồi!” Chia sẻ những kỷ niệm này, chúng tôi còn đùa với nhau rằng, ít nhất đến bây giờ chúng tôi vẫn còn sống khỏe mạnh.
Kỳ thực, trong cuốn sách chỉ đơn giản viết rằng trái Hồng đậu sam Đông Bắc có chất độc, nhưng hàm lượng chất độc rất ít. Chúng tôi nghĩ đến chất chống ung thư có thể được chiết xuất từ cây Hồng đậu sam Đông Bắc, ngây thơ tự an ủi rằng đó không phải chất độc. Chúng tôi đã nói đùa rằng, không chừng chính là nhờ mình đã từng ăn phải chút chất độc ấy, sức đề kháng đã được nâng cao, hoặc là chất độc đã phát huy tác dụng chống ung thư, vì thế cơ thể đã trở nên khỏe mạnh.
Đôi khi tôi cũng được nghe những bí mật của cây cối mà tôi đã không thể phát hiện ra trong nhiều năm quan sát và ghi chép. Có một lần, một vị phóng viên tin tức phỏng vấn tôi ngay tại phòng triển lãm. Phóng viên này cẩn thận quan sát bức vẽ trái và hạt cây Mộc khương tử (Litsea glutinosa), nói rằng khi còn nhỏ anh đã từng ăn loại trái này, còn dùng hạt làm đạn cho ná cao su. Mộc khương tử là loại cây mọc nhiều ở các hòn đảo phía Nam như đảo Jeju. Người phóng viên này sinh ra ở đảo Jeju, rất thân thuộc với cây Mộc khương tử trồng bên cạnh bức tường đá chắn gió của ngôi nhà.
Để vẽ hình ảnh về cây Mộc khương tử, tôi đã nghiên cứu loại cây này rất nghiêm túc, quan sát nó trong nhiều năm, tạo ra rất nhiều tiêu bản và ghi chép lại. Vào thời điểm đó, chuyên đề nghiên cứu của phòng thí nghiệm của tôi cũng là cây này, cho nên tôi còn phân tích DNA của nó, nhưng tôi hoàn toàn không biết trái của nó có thể ăn được.
Tôi cũng đã từng lấy những hạt nhỏ màu đen to cỡ hạt hạnh nhân này đặt trong lòng bàn tay, nhưng lại không biết đây là viên đạn mà các bạn nhỏ trong xóm dùng chơi ná cao su. Bởi vì những điều này đều không được đề cập đến trong sách tranh hoặc trong luận văn. Mỗi lần nhìn thấy tranh vẽ thực vật, tôi sẽ tự hỏi rốt cuộc mình hiểu được bao nhiêu về Mộc khương tử, cần bao lâu thời gian mới có thể hiểu rõ hết về các chủng loại thực vật.
Cuộc phỏng vấn vừa kết thúc, phóng viên nói rằng anh ấy muốn từ bỏ công việc phóng viên ở Seoul, muốn sống ở đảo Jeju, làm nhiếp ảnh gia để thực hiện mơ ước của mình. Bảy năm đã trôi qua, bây giờ anh đang là nhiếp ảnh gia ở đảo Jeju, thoả thích quan sát và thân thiết với cây Mộc khương tử như một người bạn tri kỷ. Biết đâu, anh sẽ phát hiện ra thêm nhiều bí mật mới của Mộc khương tử.
Thân Huệ Vũ thực hiện
Tăng Trân biên tập
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ