Những bản vẽ Beaux-Arts: Nơi hội tụ của thẩm mỹ, sự tao nhã và công năng
Nghệ thuật đào tạo kiến trúc sư tại Ecole des Beaux-Arts ở Paris
Hiếm khi chúng ta thấy những bản thiết kế kiến trúc không bao giờ rời khỏi bảng vẽ. Thường thì những bản vẽ như vậy được cất giữ trong kho lưu trữ tối tăm hoặc vĩnh viễn thất lạc. Số phận của các bản vẽ kiến trúc được hoàn thành tại trường École des Beaux-Arts ở Paris dường như cũng tương tự. Nhưng nhờ nhiệt tâm của một nhà sưu tập người Mỹ đối với các bản vẽ Beaux-Arts, chúng ta có thể được chiêm ngưỡng một kho tàng kiến trúc hiếm hoi, ghi lại quá trình đào tạo kiến trúc sư chuyên nghiệp ở Pháp.
Cho đến ngày 13/6, du khách đến thăm Hiệp hội Lịch sử New-York (New-York Historical Society) có thể xem các bản vẽ kiến trúc Pháp từ bộ sưu tập tư nhân của nhà đầu tư và nhà hảo tâm Peter May, trong triển lãm “Nghệ thuật kiến trúc: Những bản vẽ Beaux-Arts từ bộ sưu tập Peter May”.
Trong triển lãm, hơn 50 bản vẽ và đồ án tốt nghiệp của sinh viên trường École des Beaux-Arts (Trường Mỹ thuật) ở Paris đã minh họa lịch sử đào tạo kiến trúc của nước Pháp trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Ngoài ra còn có hai bản vẽ của hãng kiến trúc ở New York là McKim và Mead & White từ bộ sưu tập của Hiệp hội lịch sử. Kiến trúc sư Beaux-Arts, Charles Follen McKim, đã tốt nghiệp tại École Nationale Supérieure des Beaux-Arts.
“Ý tưởng của triển lãm là minh họa con đường trở thành một kiến trúc sư chuyên nghiệp”, giám tuyển triển lãm, Maureen Cassidy-Geiger, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Học giả Cassidy-Geiger là giám tuyển bộ sưu tập Peter May. Chuyên môn của cô là văn hóa hoàng gia Âu Châu thế kỷ 17 & 18 và lịch sử nghệ thuật trang trí và bộ sưu tập, nhưng phạm vi [nghiên cứu] của cô mở rộng sang kiến trúc và thiết kế từ thời Phục Hưng đến thế kỷ 20.
Mỗi bản vẽ đều thể hiện phong cách Beaux-Arts, phong cách kiến trúc cổ điển mà các kiến trúc sư Âu Mỹ đã thực hành cho đến Thế chiến thứ II. Cassidy-Geiger nhấn mạnh rằng nhiều bức vẽ rất có tính nghệ thuật, ngay cả khi chúng là các bản vẽ nhập môn của trường École des Beaux-Arts, hoặc là các đồ án và bài dự thi thể hiện quá trình học tập và sự thành thục của sinh viên.
Điều làm cho cuộc triển lãm này trở nên đặc biệt đáng chú ý là hầu hết các bản vẽ kiến trúc tầm cỡ còn sót lại đều được lưu giữ trong kho lưu trữ của các học viện và thư viện. Cassidy-Geiger nói: “Các nhà sưu tập tư nhân về mảng này rất ít và hiếm”. Bộ sưu tập khoảng 700 bản vẽ kiến trúc của May là một trong những bộ sưu tập lớn nhất thuộc loại này.
Các thành viên hội đồng quản trị của Quỹ Bảo tàng Sir John Soane ở Hoa Kỳ đã đến thăm triển lãm, nhiều người trong số họ là kiến trúc sư và nhà thiết kế tạo ra các bản vẽ kiến trúc tương tự như các bản vẽ trong triển lãm, họ đã rất ngạc nhiên khi bộ sưu tập tư nhân này tồn tại, Cassidy-Geiger giải thích.
Các kiệt tác kiến trúc
Cassidy-Geiger đã treo các bản vẽ theo “phong cách salon”: những bản vẽ được đóng khung treo cao trên tường trong một không gian hai tầng, một phong cách hiếm thấy trong các viện bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật ngày nay. Việc trưng bày hàng loạt các bản vẽ tạo ra một tác động khá lớn, cho thấy sự đa dạng và quy mô của chúng. Các bản vẽ chi tiết được treo ngang tầm mắt để du khách có thể thưởng thức những tác phẩm tinh xảo đến từng chi tiết. Những bản vẽ quy mô lớn được treo lên cao vì có kích thước lớn.
Cô nói: “Việc đóng khung các bản vẽ như thể chúng là những bức tranh kinh điển là điều rất đặc biệt,” cô nói.
Đối với May, những tác phẩm đóng khung được treo ở nhà và văn phòng của ông đã không ngừng truyền cảm hứng cho ông. “Hằng ngày được sống với rất nhiều tác phẩm đẹp đã làm phong phú thêm cuộc sống và tình yêu kiến trúc của tôi”, Peter May nói trong lời tựa của cuốn sách “Sống với Kiến trúc là Nghệ thuật: Bộ sưu tập Bản vẽ Kiến trúc, Mô hình và Dị vật của Peter W. May, Tập I” (Living With Architecture as Art: The Peter W. May Collection of Architectural Drawings, Models, and Artefacts, Volume I).
Dường như nhóm triển lãm đã chia sẻ cảm nhận của May khi bố cục các bản vẽ tạo cảm giác ngạc nhiên, và một bản vẽ trong đó tạo ấn tượng đặc biệt. “Đó là một khoảnh khắc kinh ngạc khi họ nhìn thấy những bức vẽ và nhận ra rằng bức ‘Joan of Arc’ phải là trung tâm,” Cassidy-Geiger nói.
Nhìn chung, các bản vẽ minh họa các giai đoạn đào tạo khác nhau tại École des Beaux-Arts, bắt đầu với các bản vẽ nhập môn được treo ở phía bên trái của bức tường, và các bản vẽ của sinh viên tốt nghiệp được trưng bày ở phía bên phải.
Ngôi trường École des Beaux-Arts
Trường Mỹ Thuật ở Paris có từ năm 1648. Cho đến năm 1823, các kiến trúc sư lành nghề (“patrons”) giới thiệu các sinh viên vào trường, sau đó các sinh viên sẽ tham gia kỳ thi tuyển sinh.
Một số sinh viên đã làm việc với một kiến trúc sư trong các studio (“xưởng vẽ”), nơi mà “patron” đào tạo cho họ các kỹ năng vẽ và thiết kế, giúp họ được nhận vào Trường Mỹ thuật hoặc các bậc học cao hơn.
Tại các xưởng vẽ, thường có liên kết với trường, sinh viên sẽ học được các kỹ năng kiến trúc cần thiết cho các bản vẽ nhập môn. Khi họ được nhận học, các xưởng vẽ này chính là nơi các sinh viên sẽ học được cách tốt nhất để thành thạo các kỹ năng thông qua hệ thống trường học.
Ví dụ, sinh viên học vẽ phép chiếu trực giao, một kỹ thuật mà theo đó các công trình được thể hiện hoàn toàn trên mặt phẳng mà không phải là phối cảnh, thường có ba “view” (góc nhìn) khác nhau: mặt bằng, mặt tiền và mặt bên. Nhưng sinh viên đã thể hiện các bản vẽ rất sống động bằng cách vẽ thêm bóng đổ bằng màu nước và hình người hoặc vật, việc vẽ thêm người để hình dung kích thước của công trình trong bản vẽ, Cassidy-Geiger giải thích. “Đối với Peter May, điều này khiến chúng … nghệ thuật hơn. Chúng không chỉ đơn giản là những bản vẽ kiến trúc phẳng; chúng thực sự có hồn và có sức sống”, cô nói thêm.
Trong số tất cả các tác phẩm được trưng bày, cô đặc biệt thích tổ hợp nghiên cứu về Tu viện Thánh Geneviève ở Paris. Trong tác phẩm này, sinh viên đã phục dựng lại một phần của cửa sổ hốc tường và ban công, trong đó anh ta đã thêm các chi tiết trang trí kiến trúc như bình đựng rượu, lan can bằng sắt rèn và tạo cảm giác ba chiều với hiệu ứng bóng đổ.
“Điều này cho tôi thấy dấu ấn của một nghệ sĩ, tính nghệ thuật của những hình vẽ, người này không chỉ phải thể hiện chính xác chất liệu kiến trúc, mà còn thực sự tạo ra một bố cục ngoạn mục”, cô nói.
Nghiên cứu truyền thống
Học tại Trường Mỹ thuật ở Paris khác với những gì chúng ta biết ngày nay. “Cá nhân phải có nhiều sáng kiến, có thể nói. … Bạn thực sự phải cam kết, bởi vì phần lớn là do bạn tự trau dồi”, Cassidy-Geiger nói.
Trong atrium (hội trường lớn) của trường, các sinh viên nghiên cứu một bộ sưu tập các kiệt tác cổ điển bằng thạch cao. Đến thế kỷ 19, nhiều viện bảo tàng ở Âu Châu cũng có những đại sảnh tương tự. Một thư viện với đầy đủ các bản vẽ diễn họa kiến trúc và sách in luôn sẵn có cho các sinh viên nghiên cứu, cô nói.
Các sinh viên được kiểm tra các kỹ năng về toán học và vẽ phối cảnh, và họ tiến bộ thông qua việc tham gia các “concours” (cuộc thi), với mỗi cuộc thi tập trung vào một chủ đề cụ thể. Họ tham gia ít nhất hai cuộc thi mỗi năm và các loại đồ án rất đa dạng, bao gồm thiết kế cả áp phích và tem, Cassidy-Geiger đã viết trong cuốn “Sống với Kiến trúc như Một môn Nghệ thuật” (Living With Architecture as Art). Một số đồ án gốc được trưng bày trong một phòng triển lãm. Sinh viên sẽ được giao một đồ án với các chỉ định về loại công trình, kích thước giấy và các yêu cầu về diễn họa khác nhau. Đối với mỗi cuộc thi, họ cần gửi đủ bốn loại “view”: mặt bằng, mặt đứng, phối cảnh và mặt cắt. Nếu một sinh viên bỏ qua một yếu tố bắt buộc, bài dự thi của anh ta sẽ bị loại.
Sau khi nộp bài, các bản vẽ dự thi được dán lên tường để đánh giá. Các bản vẽ không được đóng khung, nhưng sinh viên được dạy cách dựng các khung trong các bản vẽ của mình. Họ vẽ một khung màu nước mờ hoặc thậm chí là dùng băng kim loại mạ vàng để tạo khung, Cassidy-Geiger cho biết. Mỗi lần nộp bài đều được đánh giá kín; tất cả những bài bị đánh dấu là bị loại ngay từ đầu, nhưng tên sinh viên và xưởng vẽ anh ta đang thực tập được chú thích trên bản vẽ khi cuộc đánh giá kết thúc.
“Ai giành được giải nhất, nhì hoặc ba sẽ tích lũy được một số điểm nhất định. Khi đạt đến số điểm đó, họ có thể được lên lớp. Có thể mất ba, bốn hoặc năm năm để hoàn thành khóa đào tạo và tất cả đều hướng tới Giải thưởng Rome”, cô giải thích.
Giải thưởng Rome
Một số tác phẩm đồ sộ trong triển lãm là bản vẽ dự thi Giải thưởng Rome. Cassidy-Geiger làm nổi bật bản vẽ mặt bằng khá thú vị về một đài quan sát với một loạt các đường đi kỳ lạ quanh co qua địa hình đồi núi. Tác phẩm hạch tâm của triển lãm là bức diễn họa theo khổ dọc đài tưởng niệm của Joan of Arc, được trao giải tư trong cuộc thi. Tất cả các tác phẩm đoạt giải nhất, nhì và ba đều được cất giữ trong kho lưu trữ của Trường Mỹ thuật.
Khi giành giải thưởng Rome, sinh viên dành 3-5 năm học tại Học viện Pháp ở Villa Medici ở Rome. Học tập tại Rome, trung tâm nghệ thuật cổ điển vào thời điểm đó, nó có nghĩa là sinh viên đó có thể đắm mình trong những di tích cổ đại.
Các bản vẽ dự thi Giải thưởng Rome của thí sinh ngoại quốc cũng được đưa vào triển lãm: từ những tàn tích của một nhà hát La Mã được tái hiện một cách tinh vi bằng màu nước đến những bức tranh treo tường đa sắc độc đáo về Herculaneum và Pompeii. Cassidy-Geiger nói: “Đây là những diễn họa được tạo ra bởi những người đoạt giải Rome và các kiến trúc sư đã đến Rome để nghiên cứu về thời cổ đại.”
Khi trở về Pháp, các sinh viên chính thức trở thành kiến trúc sư. Trong khi các kiến trúc sư người Anh sẽ hành nghề tư nhân trong các studio độc lập để giành các dự án nhà nước và tư nhân, thì nhiều sinh viên tốt nghiệp tại Trường Mỹ thuật ở Paris làm việc cho chính phủ Pháp.
Ở phần cuối của triển lãm, bên phải, là một vài ví dụ về các bản vẽ thuyết trình tốt nghiệp, những bản vẽ này sẽ được các nhà tài trợ tư nhân hoặc các viên chức chính phủ xem qua. Các bản vẽ được diễn họa đẹp mắt, không chỉ vì tính thẩm mỹ mà còn vì những mục đích thực tế, truyền đạt thiết kế cho những người không đọc được bản vẽ kiến trúc.
Để tìm hiểu thêm về triển lãm “Nghệ thuật kiến trúc: Những bản vẽ Beaux-Arts từ bộ sưu tập Peter May”, kéo dài đến ngày 13/6 tại Hiệp hội Lịch sử New-York, hãy truy cập NYHistory.org.
Lorraine Ferrier
Phương Du biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: