Những bậc thầy của cả triều đại: Chu Văn An – một đời chính khí hạo nhiên
Không tỏa sáng như những danh tướng, không cao cao tại thượng như những vì vua, các bậc thầy Nho gia lặng yên như một ngôi sao cao xa vời vợi, một mình trong thinh không với vị trí độc nhất vô nhị trong lịch sử. Nhưng họ lại chính là những người mang trọng trách cao cả nhất, truyền cảm hứng và cái chính khí của nhà Nho vào những học trò của mình, nâng tầm tài năng của họ để họ có thể dẹp loạn cứu đời, bình định thiên hạ mà tạo phúc cho muôn dân. Họ không để lại nhiều dấu ấn trong sử xanh, nhưng hậu thế sẽ vẫn luôn nhớ và kính trọng họ hơn tất cả những bậc vĩ nhân khác, chỉ đơn giản là vì khí tiết của họ, nó xứng đáng như thế.
Chu Văn An một đời chính khí hạo nhiên
Cùng với Phật và Đạo, Nho học là nền tảng lập quốc quan trọng nhất của Đại Việt. Phật và Đạo giúp vạn dân hướng thiện, làm cho quốc gia an bình, phát triển tâm thức dân tộc. Trong khi đó nhiệm vụ của Nho học là tạo ra tầng lớp trí thức lãnh đạo với những bậc quân tử phò vua giúp nước, làm gương cho hậu thế.
Tuy Nho học đào tạo ra quan lại dù khắt khe, nhưng cũng còn dễ dàng hơn là dưỡng thành những bậc Thầy có thể làm gương cho triều đại và cả nghìn năm sau. Chu Văn An chính là một bậc thầy như thế, cuộc đời ông với chí khí thanh cao, tiết tháo lẫm liệt đầy chính khí hạo nhiên khiến ông trở thành vị Đại nho duy nhất ở Đại Việt được phối thờ trong Văn miếu cùng các bậc Thánh hiền Trung Hoa.
Đạo hạnh thanh cao, giáo hóa thế nhân
Chu Văn An (1292-1370), tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, là một nhà giáo dục Nho giáo nổi tiếng cuối thời Trần. Sau khi mất, ông được vua Trần truy phong tước Văn Trinh công nên đời sau quen gọi là Chu Văn An hay Chu Văn Trinh. Ông được Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá rất cao, coi là bậc thầy đứng đầu của các nhà nho nước Việt.
Chu Văn An quê ở làng Văn Thôn, Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Ông học hành bài bản từ nhỏ, tinh thông học thuật Nho gia vào hạng xuất sắc nhất cả nước ta vào thời Trần. Bản thân lấy việc tu thân làm trọng, không màng danh lợi, nên dù đã từng đỗ Thái học sinh nhưng Chu Văn An lại không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch.
Với tài năng và đức hạnh của Chu Văn An, trường học do ông thành lập đã đào tạo ra nhiều nhân tài phục vụ cho quốc gia với số lượng và chất lượng có lẽ chỉ xếp sau Quốc tử giám.
“Chu An tính cương trực, thanh cảnh, giữ tiết khắc khổ thanh tu, không cầu danh lợi hiển đạt. Ở nhà, đọc sách, học nghiệp tinh thâm thuần túy. Gần xa nghe tiếng, đến học rất đông. Học trò nhiều người thi đậu cao, làm quan to, như Phạm Sư Mạnh và Lê Bá Quát đã làm đến Hành Khiển, thời thường lui tới thăm hỏi, vẫn cứ thụp lạy ở bên giường thầy, hễ được thầy nói chuyện một chút thì họ lấy làm mừng lắm. Hễ kẻ nào làm gì lầm lỗi trái ý thì thầy quở trách ráo riết, có khi đến quát mắng đuổi ra. Ấy tính Chu An nghiêm nghị là như vậy. (Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục)
Quỷ thần phục đức, triều đình vinh danh
Đạo đức cao cả, tài năng nức tiếng xa gần, tuy nhiên cuộc đời làm quan của Chu Văn An lại ngắn ngủi và không thuận lợi. Có lẽ ông Trời muốn ông làm một bậc Thầy của Nho gia Đại Việt chứ không phải làm thần tử của nhà Trần chăng?
“Dưới triều Trần Minh Tông, ông được vời làm Quốc Tử Tư nghiệp, dạy thái tử học. Đến Trần Dụ Tông ham mê chơi bời, xao lãng chính sự, bọn quyền thần làm nhiều sự trái phép. Chu An can không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ có thế lực và được cưng chiều cả. Bấy giờ gọi là “Thất trảm sớ”. Sớ dâng lên, không được trả lời, Chu An liền treo trả mũ áo, trở về điền viên. Yêu phong cảnh núi Chí Linh, ông đến ở ẩn tại đấy. Những ngày đại triều hội thì vào kinh triều cận. Dụ Tông muốn ủy thác công việc chính trị cho ông, nhưng ông từ chối không nhận. Bà Huệ Từ thái hậu nói rằng: “Đối với kẻ sĩ thanh tu, thiên tử còn không bắt làm bầy tôi được, nữa là chực đem chính sự ép người ta làm?”. Mỗi khi nhà vua có ban thưởng gì, ông lạy tạ xong rồi, lại đưa cho người khác. Thiên hạ đều khen là người có khí tiết cao. Kịp khi Trần Dụ Tông mất, quốc thống hầu đứt. Được tin Trần Nghệ Tông lên làm vua, Chu An mừng lắm, chống gậy đến bái yết, xong lại xin về, rồi mất ở nhà. Nhà vua sai quan đến tế viếng. Đặt cho tên thụy là Văn Trinh, được thờ phụ ở Văn Miếu” . (Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục).
Đức hạnh của Chu Văn An không chỉ có trong sử sách mà còn được dân gian truyền lưu giai thoại của ông có liên quan đến quỷ thần. Tương truyền trường của ông tốt đến nỗi mà Thủy thần của cái đầm gần đó cũng hóa thành học trò đến xin học. Năm đó trời đại hạn dân tình đói khổ, hai vị đó thấy thầy của mình buồn lo cho dân nên đã liều mình phạm phép Trời làm mưa, hy sinh cho dân vùng đó có được nước để sinh sống. Chúng ta không bàn câu chuyện này là có thực hay không, nhưng Đầm Mực vẫn còn tồn tại đến tận đời Tây Sơn và danh tiếng Chu Văn An vẫn sáng chói trong Văn Miếu đến ngày nay thì ắt là cũng có phần sự thực trong đó vậy.
“Tương truyền, khi Chu Văn An mở trường dạy học ở quê nhà, nhiều học trò tìm đến theo học. Trong số này, có một người sáng nào cũng đến thật sớm nghe giảng. Thầy dạy khen là chăm chỉ nhưng không rõ tông tích ở đâu.Ông bèn cho người dò xem thì cứ đến khu đầm Đại (khu đầm lớn hình vành khuyên, nằm giữa các làng Đại Từ , Tứ Kỳ, Huỳnh Cung) thì biến mất. Ông biết là thủy thần. Gặp lúc đại hạn kéo dài, giảng bài xong, ông tụ tập các trò lại hỏi xem ai có tài thì làm mưa giúp dân, giúp thầy. Người học trò kỳ lạ trước có vẻ ngần ngại, sau đứng ra xin nhận và nói: “Con vâng lời thầy là trái lệnh thiên đình, nhưng con cứ làm để giúp dân, mai kia nếu có chuyện gì không hay, mong thầy chu toàn cho”.
Sau đó, người này ra giữa sân lấy nghiên mài mực, ngửa mặt lên trời khấn và lấy bút thấm mực vẩy ra khắp nơi. Vẩy gần hết mực, học trò tung cả nghiên lẫn bút lên trời. Lập tức, mây đen kéo đến, trời đổ mưa một trận rất lớn.
Đêm hôm ấy có tiếng sét và đến sáng thấy có xác thuồng luồng nổi lên ở đầm. Chu Văn An được tin khóc thương luyến tiếc rồi sai học trò làm lễ an táng, nhân dân các làng lân cận cũng đến giúp sức và sau nhớ công ơn bèn lập đền thờ (nay vẫn còn dấu vết mộ thần).
Theo truyền thuyết, chỗ nghiên mực bị ném rơi xuống đã biến thành đầm nước lúc nào cũng đen, nên thành tên là Đầm Mực. Quản bút rơi xuống làng Tả Thanh Oai – quê hương của Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm”.
Lời bàn:
Hậu nhân và sử sách đã đưa ra những nhận định vô cùng chuẩn xác đối với công nghiệp của Chu Văn An nên người viết cũng không dám rườm lời:
“Những nhà nho nước Việt ta được dùng ở đời không phải không nhiều, nhưng kẻ thì chỉ nghĩ đến công danh, kẻ thì chuyên lo về phú quý, kẻ lại a dua với đời, kẻ chỉ cốt ăn lộc giữ thân, chưa có ai chịu để tâm đến đạo đức, suy nghĩ tới việc giúp vua nêu đức tốt, cho dân được nhờ ơn. Như Tô Hiến Thành đời Lý, chu Văn Trinh đời Trần, có lẽ gần được như thế. Nhưng Hiến Thành gặp được vua sáng suốt cho nên công danh, sự nghiệp được thấy ngay đương thời. Văn Trinh không gặp vua anh minh nên chính học của ông, đời sau mới thấy được. Hãy lấy Văn Trinh mà nói, thờ vua tất thẳng thắn can ngăn, xuất xử thì làm theo nghĩa lý, đào tạo nhân tài thì công khanh đều ở cửa ông mà ra, tiết tháo cao thượng thì thiên tử cũng không thể bắt làm tôi được. Huống chi tư thế đường hoàng mà đạo làm thầy được nghiêm, giọng nói lẫm liệt mà bọn nịnh hót phải sợ. Ngàn năm về sau, nghe phong độ của ông, há không làm cho kẻ điêu ngoa thành liêm chính, người yếu hèn biết tự lập được hay sao? Nếu không tìm hiểu nguyên cớ, thì ai biết thụy hiệu của ông xứng đáng với con người của ông. Ông thực đáng được coi là ông tổ của các nhà nho nước Việt ta mà thờ vào Văn Miếu.” (Đại Việt sử ký toàn thư)
Nho học vốn là cái học thâm sâu để tu thân và kinh bang tế thế, nếu học đến nơi đến chốn thì có thể thành Thánh nhân, gặp thời phò Minh chúa có thể tạo nên thái bình thịnh thế truyền lưu nghìn đời. Tuy nhiên nước Việt ta bao năm qua, kẻ sĩ học Nho thì nhiều, nhưng không có ai đạt đến cái Đạo chân chính của Nho, đó là tu dưỡng đạo đức bản thân để ngộ và hiểu sự thâm sâu cái Đạo đó mà để lại những trước tác học thuật có thể giúp quốc gia dân tộc nâng tầm nhận thức, trở nên một nền văn minh hùng mạnh lưu dấu đời đời. Kể cả đạo đức cao như Chu An, chính trực phò vua như Tô Hiến Thành cũng chỉ hiếm hoi như sao trên trời, rốt cục cũng làm đến chỗ “Độc thiện kỳ thân” chứ nói chi đến kiêm tế thiên hạ như Khổng Mạnh, Trình Chu hay Vương Dương Minh. Vì thế mà vinh diệu huy hoàng của Đại Việt cũng chỉ sáng chói nhất trong thời Lý Trần mà thôi, quả là đáng tiếc.