Nhóm vận động cáo buộc các công ty quốc doanh Trung Quốc cung cấp vũ khí cho quân đội Miến Điện
Hàng nghìn người biểu tình phản đối việc Bắc Kinh ủng hộ cuộc đảo chính
Một nhóm vận động gần đây đã cáo buộc các công ty quốc doanh Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho quân đội Miến Điện (Myanmar). Trong khi đó, hàng nghìn công dân Miến Điện gần đây đã biểu tình phản đối cuộc đảo chính và tin rằng Bắc Kinh đứng sau vụ việc này, bất chấp đại sứ quán Trung Quốc liên tục bác bỏ lời buộc tội đó.
Trích dẫn nghiên cứu của nhóm vận động “Công lý cho Myanmar,” Đài Á Châu Tự do (RFA) đưa tin rằng năm nhà cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự lớn nhất cho quân đội Miến Điện là Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc (NORINCO), Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) và Tổng Công ty Xuất nhập cảng Công nghệ Hàng không Quốc gia Trung Quốc (CATIC).
Hơn một chục nhà cung cấp khác đã được tài trợ từ phía Trung Cộng hoặc Hồng Kông. Theo báo cáo của RFA, một phát ngôn viên của nhóm Công lý cho Myanmar cho biết những vũ khí do NORINCO cung cấp cho Tatmadaw (tên chính thức của lực lượng vũ trang Miến Điện) đang được sử dụng đối với dân thường không có vũ khí trong hàng loạt các cuộc biểu tình sau cuộc đảo chính quân sự hôm 31/01.
Quân đội nước này cho biết họ thực hiện cuộc đảo chính này vì cáo buộc có gian lận bầu cử trong các cuộc bầu cử liên bang hồi tháng 11 năm ngoái (2020). Đảng chính trị của bà Aung San Suu Kyi, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, đã giành chiến thắng vang dội. Quân đội đã chỉ định tư lệnh quân đội Miến Điện Min Aung Hlaing, 64 tuổi, lên cai quản quốc gia này.
Ông Zhang Shengqi, Chủ tịch Hiệp hội Hỗ trợ Myanmar-Miến Điện, nói với RFA rằng việc các công ty Trung Quốc bán vũ khí cho quân đội Miến Điện trong một thời gian dài là một bí mật công khai.
Ông Zhang cho biết, “10 năm trước, chính phủ Trung Cộng đã chuyển tuyến phòng thủ an ninh của họ ở phía nam tỉnh Vân Nam sang phía bắc Myanmar. … Họ coi toàn bộ Myanmar là một khu vực an ninh.”
Ông tin rằng Trung Cộng sẽ không định đứng nhìn việc “Myanmar ngày một thân cận hơn với Hoa Kỳ [dưới sự cai quản của một chính phủ được bầu cử dân chủ],” theo RFA.
Mặc dù Bắc Kinh đã không thể hiện rõ ràng sự ủng hộ của họ đối với cuộc đảo chính quân sự này, nhưng người dân Miến Điện tin rằng chế độ cộng sản Trung Cộng này đứng đằng sau và thậm chí trực tiếp tham gia vào.
Theo các hãng truyền thông phương Tây, hàng nghìn người biểu tình đã tụ tập bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở thành phố lớn nhất của Miến Điện, Yangon, vào hôm 17/02, giương các biểu ngữ và áp phích cáo buộc Bắc Kinh và chế nhạo lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Một bức ảnh của Reuters cho thấy một nhóm người biểu tình giương các tấm áp phích của ông Tập được mô tả là người giật dây thao túng tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing. Dòng chữ trên các áp phích có nội dung, “Xin hãy ngừng trợ giúp quân đội!”
Theo các hãng truyền thông Trung Quốc, từ khi diễn ra cuộc đảo chính này, sự bất mãn của người dân Miến Điện đối với Trung Cộng trở nên sâu sắc hơn. Những tin đồn trên internet bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội về việc Trung Quốc giúp đỡ quân đội nước này, chẳng hạn như các cáo buộc về việc phi cơ của Trung Quốc đã vận chuyển các kỹ thuật viên đến Miến Điện, Trung Quốc đã giúp Miến Điện xây tường lửa internet, và binh lính Trung Quốc đã xuất hiện trên đường phố Miến Điện.
Hôm 10/02, Đại sứ quán Trung Quốc tại Miến Điện đưa ra một thông báo trên Facebook, nói rõ rằng việc nhiều phi cơ mà Trung Quốc điều đến Miến Điện gần đây đã không chở nhân viên kỹ thuật mà là chở hàng hóa xuất nhập cảng như hải sản. Tuy nhiên, người dân Miến Điện đã không bị thuyết phục và tuyên bố này trở thành mục tiêu để chế giễu. Một số người đã hiểu “hải sản” (seafood) là một từ viết tắt của “Phương pháp Tiếp cận Kỹ thuật Phần mềm cho Phát triển Ra nước ngoài và Thuê ngoài” (Software Engineering Approach for Offshore and Outsourced Development), RFA đưa tin.
Hôm 15/02, đại sứ Trung Quốc tại Miến Điện đã chính thức phải bác bỏ những tuyên bố này một lần nữa trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông quốc gia Miến Điện.
Do Alex Wu thực hiện
Thanh Xuân biên dịch
Xem thêm: