Nhóm ký giả hải ngoại công bố báo cáo về quyền tự do ngôn luận ở Hồng Kông năm 2022
Trong một cuộc họp báo hôm 14/10, Liên đoàn Ký giả Quốc tế (IFJ) đã công bố “Báo cáo về Quyền Tự do Ngôn luận ở Hồng Kông năm 2022”, trong đó tiết lộ rằng nhiều ký giả hiện đang đào thoát ra hải ngoại, tự kiểm duyệt, hoặc đối mặt với án tù.
Báo cáo này đề cập rằng việc soạn thảo Báo cáo Thường niên lần thứ 30 về Quyền Tự do Ngôn luận được cho là trách nhiệm của Hiệp hội Ký giả Hồng Kông (HKJA), nhưng do Luật An ninh Quốc gia (NSL) ở Hồng Kông, nên một nhóm các ký giả độc lập ở hải ngoại đã đứng ra đảm nhận nhiệm vụ này.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, học giả Chung Kiếm Hoa (Chung Kim-wah) cho rằng Hiệp hội Ký giả Hồng Kông đang phải chịu rất nhiều áp lực nên việc không viết báo cáo năm 2022 này cũng là điều dễ hiểu; hơn nữa các phương tiện truyền thông chống Bắc Kinh vẫn đang hoạt động ở Hồng Kông chỉ có thể là “làm thêm được ngày nào biết ngày đó”, một số hãng thông tấn đã tự điều chỉnh và không còn đăng các bài báo về một số chủ đề cụ thể nữa.
Kể từ năm 1993, Hiệp hội Ký giả Hồng Kông đã công bố báo cáo thường niên về quyền tự do ngôn luận ở Hồng Kông. Bản báo cáo thường niên cuối cùng được xuất bản vào ngày 15/07/2021, với chủ đề “Quyền Tự do Bị hủy hoại”. Ông Trần Lãng Thăng (Ronson Chan Ron-sing), chủ tịch Hiệp hội Ký giả Hồng Kông, đã mô tả vào thời điểm đó rằng “năm vừa qua là năm tồi tệ nhất đối với quyền tự do báo chí.” Hồi tháng 06/2021, tờ Apple Daily, một tờ báo chống Bắc Kinh, đã bị cho đóng cửa vì vi phạm Luật An ninh Quốc gia. Ông Trần cho biết, “Các hãng truyền thông không thể nhìn thấy lằn ranh đỏ chính trị không thể vượt qua đó được quy định thế nào.”
Được Liên đoàn Ký giả Quốc tế công bố hôm 14/10 với chủ đề “Những Câu chuyện Không chịu Im lặng”, báo cáo này khẳng định rằng đây được xem là báo cáo thường niên lần thứ 30 của Hiệp hội Ký giả Hồng Kông, nhưng dưới sự đe dọa mà Luật An ninh Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đặt định cho Hồng Kông, Hiệp hội Ký giả Hồng Kông đã không thể làm được điều này. Một nhóm độc lập gồm các ký giả và nhà nghiên cứu báo chí đã đảm nhận việc thực hiện bản báo cáo này, ghi lại những diễn biến mới nhất về sự tiêu vong của quyền tự do ngôn luận.
Báo cáo này có sẵn cả bản Hoa ngữ và Anh ngữ, tổng cộng có năm chương và các khuyến nghị. Báo cáo này bắt đầu bằng cách chỉ ra rằng Hiệp hội Ký giả Hồng Kông đã khuyến nghị bãi bỏ các điều khoản về tội xúi giục nổi loạn trong Pháp lệnh Tội phạm Hình sự ngay từ năm 1993 vì những quy định này có thể gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Báo cáo lần này mô tả “tình hình hiện tại chứng minh rằng những nỗi sợ hãi này đã trở thành hiện thực” và mô tả cách chính phủ Hồng Kông đã truy tố tội xúi giục nổi loạn đối với các nhà hoạt động, ký giả, sinh viên, và tác giả viết sách thiếu nhi trong những năm gần đây.
Báo cáo này đã chỉ trích các cáo buộc về tội kích động, lạm dụng Pháp lệnh Quy định về Tình huống Khẩn cấp, các vi phạm nhân quyền đối với Quy định Cấm Che Mặt, đe dọa quyền tự do theo Pháp lệnh Bí mật Nhà nước, và tước bỏ phần lớn quyền tự do báo chí ở Hồng Kông theo Luật An ninh Quốc gia. Trong năm 2021 và năm 2022, có tổng cộng ít nhất 12 hãng truyền thông Hồng Kông đã phải ngừng hoạt động.
Báo cáo này cũng đề cập rằng nhiều người hoạt động trong ngành truyền thông đã chuyển ra hải ngoại và tiếp tục lên tiếng thông qua các kênh YouTube.
Chương 4 và 5 của báo cáo này lần lượt mô tả “Tòa án phán quyết Luật An ninh quốc gia đã đánh bại quyền tự do ngôn luận” và “Sự cáo chung của phát sóng công cộng”, ám chỉ đến Đài Truyền hình Hồng Kông RTHK.
Cuối cùng, báo cáo này khuyến nghị bãi bỏ Luật An ninh Quốc gia và các điều khoản về tội xúi giục nổi loạn trong Pháp lệnh Tội phạm Hình sự; khôi phục bản sắc của RTHK như một đài truyền hình dịch vụ công cộng chân chính, đồng thời kiến thiết sự đa dạng trong ngành truyền thông để cho người dân Hồng Kông được thọ ích.
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do, ông Trần tiết lộ rằng do áp lực chính trị, hồi đầu năm 2022, Hiệp hội Ký giả Hồng Kông đã ngừng viết báo cáo này, đồng thời xóa các báo cáo thường niên trước đó khỏi trang web của mình.
Ông Chung Kiếm Hoa: Truyền thông ở Hồng Kông chỉ có thể tồn tại ngày một ngày hai
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, học giả Chung Kiếm Hoa cho biết ông tin rằng quyền tự do báo chí ở Hồng Kông đang bị hạn chế gắt gao. Chính phủ có thể khiến một số hãng truyền thông gặp rắc rối bất cứ lúc nào, cũng như không ai có thể nói chính xác các hãng truyền thông chống Bắc Kinh còn có thể hoạt động trong bao lâu. Một số hãng truyền thông độc lập thậm chí còn bị hạn chế nguồn lực và bị vắt kiệt tài chính, do đó chỉ có thể “làm thêm được ngày nào biết ngày đó.” Một số hãng truyền thông đã tự điều chỉnh bằng cách không đăng các bài báo về những chủ đề và cá nhân cụ thể.
Ông Lý Gia Siêu từ chối hứa bảo vệ quyền tự do báo chí
Hôm 30/04, Trưởng Đặc khu Hồng Kông ông Lý Gia Siêu (John Lee) đã phản hồi nghi vấn của một phóng viên về những biện pháp thiết thực nào sẽ được áp dụng để khiến mọi người tin rằng tự do báo chí thực sự được bảo đảm. Ông Lý liên tục nhấn mạnh rằng “Hồng Kông thực sự có tự do báo chí!” Đồng thời, ông cũng chỉ trích rằng lúc trước một số người đã sử dụng tin tức cho các hành vi bất hợp pháp hoặc có động cơ chính trị. “Trong tương lai, tất cả mọi người sẽ thấy loại vụ việc này bị đưa ra tòa án.”
Hôm 12/06, khi ông Lý đọc bài diễn văn tại lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tờ Đại Công Báo (Ta Kung Pao), cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ ở Hồng Kông, ông tuyên bố rằng quyền tự do báo chí ở Hồng Kông được Luật Căn bản bảo đảm và phù hợp với Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Tại đây, ông cũng tuyên bố rằng các tiêu chuẩn của chính phủ Hồng Kông phù hợp với tiêu chuẩn của các khu vực phát triển trên thế giới, bao gồm cả các nước phương Tây.
Do Nie Law và Shan Lam thực hiện
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times