Nhóm bầu cử có liên hệ với ông Soros và ông Zuckerberg gặp nhau tại cuộc họp kín ở Hoa Thịnh Đốn
HOA THỊNH ĐỐN — Hôm 08/05, một nhóm bầu cử có liên hệ với nhà tài trợ lớn của Đảng Dân Chủ George Soros và Tổng giám đốc Meta Mark Zuckerberg đã tập trung tại Hoa Thịnh Đốn cho một cuộc họp không công khai với công chúng.
The Epoch Times đã bị từ chối tham gia sự kiện này, được gọi là một “Hội nghị thượng đỉnh về Nền dân chủ Mỹ” và do Trung tâm Nghiên cứu & Liêm chính Bầu cử (CEIR) tổ chức. Các nhà tổ chức nói rằng sự kiện này chỉ dành cho những người được mời. Chỉ giới báo chí và những khách mời khác được chấp thuận trước mới được phép tham dự hội nghị này.
Mặc dù sự kiện này được phát trực tiếp, nhưng tính chất khép kín của sự kiện đã tước đi quyền tiếp cận của các hãng thông tấn độc lập đối với danh sách dài các quan chức cao cấp tham dự hội nghị này, trong đó một loạt các Ngoại trưởng, những người giám sát các cuộc bầu cử, và các viên chức bầu cử khác. Trong số những người tham dự hội nghị có Ngoại trưởng Georgia Brad Raffensperger và ông Bill Gates, giám sát viên quận của quận Maricopa, tiểu bang Arizona.
Nhóm này tự mô tả là “cam kết thực hiện một cách tiếp cận phi đảng phái một cách rõ ràng.” Tuy nhiên, các cáo buộc đảng phái đối với nhà sáng lập của nhóm này, vốn được ông Zuckerberg tài trợ, và các mối liên hệ gián tiếp với ông Soros thuộc cánh tả thách thức lời mô tả đó.
Trong buổi phát trực tiếp sự kiện đó, nhà sáng lập của nhóm, ông David Becker, đã tạo không khí cho hội nghị trong bài diễn văn khai mạc của mình, đồng thời lặp lại các tuyên bố gây tranh cãi về tính bảo mật của cuộc bầu cử năm 2020, và cho rằng những lo ngại về gian lận bầu cử là vô căn cứ.
Ông Becker tuyên bố: “Cuộc bầu cử năm 2020, nói một cách đơn giản, là cuộc bầu cử an toàn, minh bạch, và có thể kiểm chứng được nhất trong lịch sử Mỹ và không có gì có thể sánh được với cuộc bầu cử đó.”
Ít nhất một ký giả đã thách thức phát ngôn này và đã bị buộc rời khỏi hội nghị.
Bà Laura Loomer, một đồng minh nổi bật của Tổng thống Donald Trump và là người đề xướng các lý thuyết về gian lận bầu cử phổ biến hồi năm 2020, tường thuật rằng bà đã bị đuổi khỏi hội nghị vì đối đầu với các viên chức bầu cử từ Arizona và Georgia. Ban tổ chức sau đó đã báo cho cảnh sát về trường hợp của bà Loomer.
Ông Becker thành lập CEIR hồi năm 2016. Ông cũng đóng vai trò quan trọng trong một số tổ chức và hoạt động bầu cử khác trong suốt sự nghiệp của mình.
Các cáo buộc mang tính đảng phái
Trong hội nghị thượng đỉnh trên, ông Becker đã cố gắng thể hiện mình là người không theo đảng phái nào và không thiên vị.
Ông tuyên bố rằng ông là một trong số ít các viên chức bầu cử sẵn sàng ca ngợi chiến thắng năm 2016 của ông Trump là hợp pháp, ngay cả khi những người khác xem những tuyên bố rằng gian lận bầu cử và giả mạo bầu cử đã tước đi chiến thắng của bà Hillary Clinton.
Tuy nhiên, ông Becker đã thành lập CEIR để đáp lại những lo ngại về “sự can thiệp của ngoại quốc” vào các cuộc bầu cử, một tuyên bố thường được lặp đi lặp lại rằng ông Trump đã thắng hồi năm 2016 nhờ sự can thiệp rộng rãi của Nga. Tuy nhiên, sau đó, các cuộc điều tra liên bang trị giá hàng triệu dollar về chiến thắng của ông Trump đã không đưa ra được bằng chứng nào cho những tuyên bố này.
Và hồ sơ theo dõi của nhà sáng lập này có rất nhiều tuyên bố về thành kiến chính trị chống lại những người thuộc phái bảo tồn truyền thống.
Hồi năm 2005, ông Becker — người từng làm việc trong các cuộc bầu cử trong nhiều thập niên — là đối tượng của một khiếu nại chính thức về đạo đức khi làm việc trong bộ phận Dân Quyền của Bộ Tư pháp (DOJ).
Trong chính phủ của Tổng thống George W. Bush thuộc Đảng Cộng Hòa, ông Becker đã cống hiến kiến thức chuyên môn của mình về luật bầu cử cho thành phố Boston để đánh bại một vụ kiện từ DOJ về các vi phạm luật bầu cử.
Ông Hans von Spakovsky cho biết trong cuộc điều tra về vấn đề này, người ta phát hiện ra rằng ông Becker đã đưa ra một loạt “nhận xét khó chịu, miệt thị về thành viên Đảng Cộng Hòa.” Ông Von Spakovsky, người hiện đang làm việc cho Quỹ Di Sản, là một cố vấn pháp lý của DOJ vào thời điểm đó.
“Trong vai trò của mình với DOJ, [ông Becker] được cho là phi đảng phái,” ông von Spakovsky nói.
“Rất phi đạo đức và không chuyên nghiệp,” ông cho biết thêm. “Tôi sẽ không bao giờ tuyển dụng hay tin tưởng ông ấy.”
Ông Brad Schlozman, người từng đứng đầu bộ phận Dân Quyền vào thời điểm đó, thậm chí còn chỉ trích gay gắt hơn, cho rằng ông Becker xứng đáng bị tước quyền.
“Đó là điều phi đạo đức nhất mà tôi từng thấy,” ông Schlozman nói. “Trường hợp kinh điển của một người lẽ ra phải bị tước quyền.”
Ông nói thêm rằng ông Becker là “một người theo chủ nghĩa cánh tả nhiệt thành” và là người “không thể chịu đựng được những người thuộc phái bảo tồn truyền thống.”
Mới đây nhất, hồi năm ngoái, ông Becker đã miêu tả ông Trump là một kẻ nói dối và là mối nguy hiểm đối với các chuẩn mực dân chủ trong các bình luận cho hãng thông tấn The Washington Post.
“Hiện tại, chúng tôi có một tỷ lệ đáng kể cử tri Mỹ đã bị lừa dối về tính liêm chính của các cuộc bầu cử của chúng ta, những người tin rằng các cuộc bầu cử … là gian lận trừ phi ứng cử viên của họ chiến thắng,” ông Becker nói. “Nhưng con số này chưa tới 50% của Mỹ nói chung. Tuy nhiên, nếu ông Trump giành chiến thắng sít sao một lần nữa, thì tôi có thể thấy những ý tưởng [từ chối kết quả bầu cử] … lây lan cho một tỷ lệ cử tri lớn hơn. Và nếu một bộ phận lớn cử tri của một nền dân chủ mất niềm tin vào các cuộc bầu cử, thì nền dân chủ đó có thể không bền vững.”
CEIR đã không phúc đáp một yêu cầu bình luận của The Epoch Times về những cáo buộc này.
Tuy nhiên, trong các bình luận trước đây cho một hãng thông tấn khác, ông Becker đã đề cập đến một số cáo buộc nhưng không trả lời những cáo buộc khác: “Nếu mọi người còn nhớ thì khiếu nại này đã được đưa ra hơn 15 năm trước, và đã bị bác bỏ. Bộ Tư pháp không có hành động nào chống lại tôi vì khiếu nại này. Như quý vị biết đó, bất kỳ ai cũng có thể khiếu nại vì bất kỳ lý do gì, có hoặc không có cơ sở.”
“Tôi đã trung thành phục vụ tại DOJ trong bảy năm, từ 1998 đến 2005, trong thời gian đó tôi đã nhận được một Bằng khen Đặc biệt từ Bộ trưởng Tư pháp hồi năm 2002, dưới thời chính phủ Tổng thống Bush,” ông nói thêm.
Gần 70 triệu USD từ ông Zuckerberg
Hồi tháng 08/2020, tổ chức của ông Becker đã nhận được một khoản tiền đáng kinh ngạc 69.5 triệu USD từ Tổng giám đốc Meta Mark Zuckerberg.
Dưới sự xuất hiện của các biện pháp phòng ngừa an toàn COVID-19, khoản tài trợ này đã được sử dụng để cung cấp nhiều thùng bỏ phiếu hơn cho các tiểu bang dao động quan trọng.
Khoản quyên góp của ông Zuckerberg cho CEIR là một phần trong chuỗi các khoản quyên góp được cho là phi đảng phái của nhà sáng lập Facebook này.
Trong bài diễn văn khai mạc vào ngày đầu tiên của hội nghị, ông Becker thừa nhận rằng “hoạt động từ thiện” đã trợ giúp rất nhiều cho những nỗ lực của tổ chức ông trong cuộc bầu cử năm 2020.
Ông Becker đã phác họa một bức tranh lạc quan về bối cảnh bầu cử hồi năm 2020, đồng thời cho rằng các lá phiếu giấy đã được sử dụng ở các tiểu bang chiến địa quan trọng như Georgia và North Carolina. Tuy nhiên, ông cho rằng sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã thay đổi mọi thứ.
Theo ông Becker, căn bệnh này vốn có tỷ lệ sống sót toàn diện là khoảng 99% và không có triệu chứng đối với nhiều người, buộc các viên chức bầu cử phải cân bằng “hoạt động mang tính xã hội nhất trong các hoạt động dân chủ, đó là bỏ phiếu” với việc duy trì các yêu cầu giãn cách xã hội.
Ông Becker cho rằng khi các tiểu bang không cung cấp đủ kinh phí để đáp ứng những nhu cầu này, thì hoạt động từ thiện đã vào cuộc để bù đắp sự thiếu hụt này.
Vài triệu dollar trong “hoạt động từ thiện” này đến từ ông Soros, người đã quyên góp hơn 9 triệu USD cho Đảng Dân Chủ hồi năm 2020. Ngoài ra, nhân vật gây chia rẽ này đã quyên góp hàng chục triệu dollar cho các nhóm tranh đấu chống lại hành động được cho là “tước quyền bầu cử” và các động cơ bầu cử khác.
Các mối liên hệ với ông Soros
Ông Becker cũng có dính líu đến nhà tài trợ lớn gây tranh cãi George Soros.
Trước khi thành lập CEIR, ông Becker đã làm việc với Pew Charitable Trust. Tổ chức đó là do Open Society Foundation (Quỹ Xã hội Mở) tài trợ. Open Society Foundation là tổ chức tài trợ chính trị chính của ông Soros (pdf).
Trong khi làm việc tại Pew Charitable Trust, một tổ chức cánh hữu trước đây ngày càng nghiêng về cánh tả trong những năm gần đây, ông Becker cũng đã giúp thành lập Trung tâm Thông tin Ghi danh Điện tử (ERIC) hồi năm 2012.
Hiện được sử dụng trên một loạt các tiểu bang, ERIC là một công cụ tuyên bố sẽ giúp các tiểu bang quản lý danh sách cử tri. Tuy nhiên, hệ thống này đang gây tranh cãi giữa các thành viên Đảng Cộng Hòa, những người cho rằng ông Soros đã trợ giúp việc thành lập ERIC. Những người khác cảnh báo rằng hệ thống này có thể được sử dụng để gian lận cử tri hàng loạt do tính nhạy cảm của thông tin được giao cho tổ chức bất vụ lợi này.
Ngoại trưởng Alabama Wes Allen cho biết trong cuộc bầu cử năm 2020 rằng ông dự định loại tiểu bang Alabama khỏi hệ thống ERIC nếu ông thắng cử. Ông Allen viện dẫn những lo ngại về các mối quan hệ của ông Soros là lý do để loại bỏ tiểu bang này khỏi hệ thống.
Đáp lại những tuyên bố rằng ông Soros không có quan hệ trực tiếp với tổ chức trên, ông Allen đã viện dẫn mối liên kết với Pew Charitable Trust.
“[ERIC được liên kết với ông Soros] thông qua Pew Charitable Trust, đối tác tài trợ của họ là Open Society,” ông Allen nói. “À, Open Society là ông George Soros. Vì vậy, mặc dù bây giờ tiền của ông Soros có thể đã được xài hết, nhưng không có gì phải bàn cãi rằng tiền của ông Soros đã giúp tài trợ cho dự án này.”
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times