Nhóm báo chí tự do lên tiếng lo ngại về những hạn chế mới về mạng xã hội của Trung Quốc
Hôm 28/01, một tổ chức công đoàn tìm cách bảo vệ quyền tự do báo chí đã bày tỏ lo ngại về hai quy định mà Trung Cộng mới ban hành gần đây về nội dung trên mạng xã hội.
“IFJ bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về việc Bắc Kinh ngày càng kiềm chế giới báo chí và nhấn mạnh rằng một xã hội sôi động trong đó những công dân có thể tự do bày tỏ ý kiến là chìa khóa cho sự phát triển và tiến bộ,” Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) có trụ sở tại Bỉ cho biết trong một tuyên bố.
Hôm 19/01, Cục Quản lý Báo chí và Xuất bản Quốc gia Trung Quốc (NPPA) đã công bố các quy định mới về cách các nhà chức trách khu vực tiến hành đánh giá hàng năm về việc chứng nhận nhà báo, một hoạt động sẽ diễn ra đến hết ngày 19/03.
Cụ thể là, các nhà chức trách sẽ xem xét liệu các nhà báo có tham gia vào “các kênh truyền thông cá nhân” trên các mạng xã hội của Trung Quốc như Weibo và WeChat hay không, hoặc có phát tán thông tin liên quan đến công việc mà “không được sự cho phép” hay không. Không rõ là tổ chức nào sẽ cấp quyền này.
Nhà báo nào bị phát hiện vi phạm các quy định này sẽ có nguy cơ bị trừng phạt hoặc bị treo giấy phép hành nghề.
NPPA nói rằng các quy định mới này là cần thiết để xây dựng một đội ngũ các nhà báo “mạnh mẽ về chính trị” và “có khả năng chiến thắng trong các trận chiến.”
Hôm 22/01, cơ quan giám sát không gian mạng của đại lục, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC), đã cập nhật các quy định hiện hành đối với các tài khoản mạng xã hội công khai. Các quy định mới cấm việc “bịa đặt thông tin,” “tag các nguồn giả,” “bóp méo sự thật” và “gây hiểu lầm cho công chúng.” Các quy định mới cập nhật sẽ có hiệu lực vào ngày 22/02.
Người dùng nào bị phát hiện vi phạm sẽ bị giới hạn tài khoản, chấm dứt tài khoản hoặc bị đưa vào danh sách đen. Các công ty mạng xã hội cũng phải có nghĩa vụ cảnh báo cho các nhà chức trách về các hoạt động vi phạm các quy định này.
Một quan chức CAC ẩn danh nói với hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã rằng một trong những lý do để cập nhật các quy định này là do một số “kênh truyền thông cá nhân” đã “bịa đặt và phát tán tin đồn trên mạng” trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát.
Trong thời gian xảy ra đại dịch, các nhà báo công dân và những người dân thường đã bị cảnh sát địa phương trừng phạt vì lan truyền thông tin về các đợt bùng phát dịch bệnh của Trung Quốc trên mạng.
Trong khi đó, các nhà báo ở Trung Quốc đã chỉ trích các quy định này của NPPA là một hình thức kiểm duyệt khác.
Nhà báo Wang Liang đang làm việc tại Bắc Kinh gần đây đã nói với Đài Á Châu Tự do (RFA) rằng “nhiều phóng viên không thể viết những điều họ muốn trên các kênh truyền thông chính thống, vì vậy thay vào đó họ đăng nó lên Weibo và WeChat.”
Nhà báo Wang nói thêm: “Các nhà báo thuộc về một nghề có tiếng nói hơn một chút so với những người dân thường ở Trung Quốc, vì vậy chính quyền đang kiểm soát chặt chẽ không chỉ công việc của các nhà báo mà còn cả ngôn luận riêng tư của họ.”
Wang Aizhong, một nhà hoạt động nhân quyền đang làm việc tại thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc, nói với RFA rằng các quy định của NPPA đã cho phép Trung Cộng kiểm soát nhiều hơn những thông tin nào có thể đến với công chúng.
Các quy định mới được đưa ra trong bối cảnh của một làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới trên khắp Trung Quốc, do virus Trung Cộng, thường được gọi là virus corona mới gây ra. Dịch bệnh này đã bùng phát ở nhiều tỉnh và thành phố, bao gồm cả tỉnh Hà Bắc, Bắc Kinh và Thượng Hải.
Vẫn còn phải xem liệu Trung Cộng có áp dụng các quy định mới đối với các nhà báo đưa tin về dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc hay không.
Hồi tháng 12/2020, Trung Cộng đã kết án cựu luật sư Trương Triển (Zhang Zhan), người đã trở thành một nhà báo công dân, 04 năm tù giam sau khi bị kết tội “gây gổ và gây rắc rối” vì đã tường thuật tình hình ở Vũ Hán, tâm điểm của đợt bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc vào năm ngoái.
Cô Trương đã sử dụng tài khoản WeChat, Twitter và YouTube của mình để đăng bài về đợt bùng phát dịch bệnh ở Vũ Hán.
Frank Fang
Nguyệt Minh biên dịch
Xem thêm: