Nhóm bác sĩ phản đối kế hoạch coi tội phạm về súng là một vấn đề y tế công cộng
Tiến sĩ Robert Young cho rằng khả năng quyết định có dùng bạo lực hay không sẽ phân biệt tội phạm với bệnh tật khi thiết lập các chiến lược y tế công cộng.
Các tiến sĩ Megan Ranney và Robert Young đều cho rằng tội phạm súng là một vấn đề, nhưng họ không thể đồng thuận về một giải pháp.
Là bác sĩ, cả hai đều từng phải điều trị những vết thương nghiêm trọng do đạn bắn. Họ đã chứng kiến nhiều gia đình và cộng đồng bị tội phạm tàn phá bằng súng. Cả hai đều đồng tình rằng có nhiều việc hơn nữa mà chúng ta cần và nên thực hiện.
Tiến sĩ Ranney cho rằng vấn đề này là một vấn đề của y tế công cộng. Tiến sĩ Young cho rằng điều đó sẽ chỉ khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Tiến sĩ Ranney là trưởng khoa tại trường Y tế Công cộng Yale đồng thời là cựu bác sĩ phòng cấp cứu. Hôm thứ Ba (28/11), bà nói trong một phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ rằng kinh nghiệm trong phòng cấp cứu sẽ nói lên được giải pháp.
Theo Tiến sĩ Ranney, giải pháp phải bao gồm các chiến lược đã được sử dụng để giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng, chẳng hạn như tử vong do tai nạn xe hơi và bệnh tim. Bà đề nghị một quy trình gồm bốn bước để thu thập dữ liệu, xác định phạm vi của vấn đề, đưa ra các biện pháp can thiệp, và thực hiện các biện pháp can thiệp đó tương ứng với quy mô của vấn đề.
Để nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của vấn đề, Tiến sĩ Ranney đã nhắc lại tuyên bố được nhiều người ủng hộ về việc kiểm soát súng, trong đó có Tổng thống Joe Biden.
Bà cho biết: “Ở Mỹ, súng đạn hiện đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em từ 1 đến 19 tuổi.”
Bà cùng những người khác trong hội thảo cho rằng có nhiều thế hệ đã trưởng thành ở trong văn hóa bạo lực và nghèo đói.
“Có nhiều cách để thực hiện việc này mà không cần bãi bỏ quyền của người sở hữu súng,” bà nói
Ông Vaughn Bryant là giám đốc điều hành của Sáng kiến Hòa bình Đô thị Chicago (MPI). Ông nói trong phiên điều trần rằng ông đã từng trực tiếp đối phó với loại thanh niên mà Tiến sĩ Ranney chăm sóc trong phòng cấp cứu.
Ông Bryant đã hoạt động trong lĩnh vực giải quyết bạo lực tại Chicago thông qua MPI từ năm 2017. Ông cho biết năm 2016, 762 người thiệt mạng và 4,580 người bị thương do các vụ nổ súng trong thành phố. Để đối phó với tình trạng này, MPI liền thành lập phong trào Các Đối tác Cộng đồng vì Hòa bình (Community Partners 4 Peace).
Ông cho biết phong trào này gồm có 13 tổ chức hoạt động nhằm ngăn chặn bạo lực súng ở 27 cộng đồng. Họ quản lý Metropolitan Peace Academy, một chương trình đào tạo kéo dài 18 tuần, 144 giờ được dẫn dắt bởi các nhân viên kết nối cộng đồng đã qua đào tạo và các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm đã được hướng dẫn theo các tiêu chuẩn chuyên nghiệp.
Ông cho biết, mô hình MPI cũng bao gồm các yếu tố liên quan đến sức khỏe hành vi, sự phát triển lực lượng nhân sự, và pháp lý dân sự. Mục tiêu là giải quyết ngay tại nơi nơi bắt nguồn của vấn đề — tại gia đình.
“Hãy tưởng tượng một người đàn ông người Mỹ gốc Phi Châu 31 tuổi chưa học hết trung học, chưa bao giờ có việc làm chính thức,” ông cho biết. “Rất nhiều trong số họ đã lớn lên… mà không được dạy dỗ. Nếu chúng ta có thể… giúp họ chữa lành, thì họ sẽ không chỉ trở thành một người tốt hơn cho cộng đồng của họ mà còn trở thành một người tốt hơn cho gia đình họ, vì thông thường thì họ rồi cũng sẽ có con.”
Tiến sĩ Young đã là thành viên của Hiệp hội Tiến sĩ Sở hữu súng có Trách nhiệm trong hơn 10 năm. Ông cho biết, đúng như tên gọi, hiệp hội này luôn nỗ lực thúc đẩy quyền sở hữu súng một cách có trách nhiệm.
Mặc dù không tham dự phiên điều trần, Tiến sĩ Young đã theo dõi trực tuyến. Ông đồng tình với đánh giá của các nhân chứng và những nội dung chính của chương trình. Tuy nhiên, ông không đồng tình với chiến lược mà Tiến sĩ Ranney đã đề ra.
Tiến sĩ Young nói với The Epoch Times: “[Các chiến lược y tế công cộng] gồm có những việc như xây dựng hệ thống vệ sinh một cách khoa học, cung cấp nước, can thiệp ngăn ngừa bệnh tật dựa trên cơ sở dân số.”
Ông cho rằng, không giống như một căn bệnh truyền nhiễm lây lan hoặc các hoàn cảnh mất vệ sinh, tội phạm bạo lực là kết quả từ quyết định cá nhân. Một người thông thường ít có khả năng kiểm soát các bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm, tuy nhiên sẽ chẳng có ai trúng đạn trừ phi có người quyết định nổ súng.
“Mỗi vụ nổ súng đều là vấn đề của cá nhân. Trong hầu hết các trường hợp, đó là một quyết định khi tỉnh táo, dù đó là phạm tội hay là tự sát, khi nổ súng vào một thời điểm nhất định. Và sự can thiệp duy nhất chỉ có thể là với từng cá nhân,” Tiến sĩ Young cho biết.
Tuy nhiên, ông nói rằng hầu hết những người ủng hộ phương pháp tiếp cận y tế công cộng cũng thúc đẩy các biện pháp kiểm soát súng rộng rãi, chẳng hạn như cấm một số loại súng và hạn chế ai có thể sở hữu chúng.
Ông cho rằng những thành phố như Chicago là một ví dụ của sự thất bại của luật kiểm soát súng nghiêm ngặt. Tiến sĩ Young cho rằng việc kiểm soát súng chỉ có hiệu quả khi loại bỏ được hoàn toàn súng trong xã hội. Nhưng điều đó sẽ không giải quyết được yếu tố con người.
“[Nếu] quý vị tước đi súng của người dân, thì hiển nhiên là việc này, nếu có thể, sẽ thành công trong việc chấm dứt hoàn toàn các thương vong do súng gây ra. Hiện tại, xét trên lý thuyết, điều này không phù hợp với y tế công cộng vì bản thân súng không phải là một mầm bệnh lây lan,” ông cho biết.
Bà Amy Swearer là một thành viên pháp lý cao cấp của Quỹ Di sản, cũng là một người làm chứng trong phiên điều trần nói trên. Cũng như Tiến sĩ Young, bà cho biết việc áp dụng một giải pháp y tế công cộng không giải quyết được nhu cầu thực sự.
Bà cho biết trong phiên điều trần: “Một khuôn khổ y tế công cộng không thay đổi, chẳng hạn, thực tế là hầu hết các vụ phạm tội liên quan đến súng không phải do những người sở hữu súng hợp pháp thông thường gây ra mà là do một nhóm nhỏ những kẻ bị cấm sử dụng súng đã tái phạm gây ra.”
Cuối cùng, Tiến sĩ Young cho rằng, việc kiểm soát súng có hại nhiều hơn là có lợi, bất kể lý do vì sao hay cách thức thực hiện việc kiểm soát này như thế nào. Ông cảm thấy được khích lệ khi Tiến sĩ Ranney đã không kêu gọi những lệnh cấm như vậy.
Tiến sĩ Young cho biết: “Tôi rất vui khi biết rằng Tiến sĩ Ranney nhấn mạnh nhiều lần là bà cùng dự án của bà tại Massachusetts không có quan điểm cấm bất kỳ loại súng nào hoặc tước đoạt súng khỏi tay người dân.”
Súng giúp ngăn chặn tội phạm
Ông nêu ra rằng các nghiên cứu cho thấy súng được sử dụng để ngăn chặn tội phạm hơn là để phạm tội.
Một bài tiểu luận vào năm 2018 được đăng trên trang web của Tập đoàn Rand báo cáo rằng số trường hợp sử dụng súng để tự vệ trong các nghiên cứu là khoảng 116,000, một con số mà bài tiểu luận cho rằng có lẽ là quá thấp, và con số 2.5 triệu, con số mà bài tiểu luận cho rằng là cao đến mức khó tin.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, bất kể con số nào gần với thực tế nhất, cũng đều lớn hơn số trường hợp tử vong do súng được báo cáo hàng năm, là 48,830 trường hợp trong năm 2021. Tiến sĩ Young cho biết ông tin rằng số trường hợp sử dụng súng để tự vệ là gần 1.6 triệu. Vì vậy, ông tin rằng số liệu thống kê nói lên được một điều rõ ràng.
Tiến sĩ Young cho biết: “Ưu điểm là [việc sử dụng súng] ngăn ngừa được nhiều trường hợp tử vong và bị thương hơn mức chúng ta phải gánh chịu.”
Ngoài ra, Tiến sĩ Young và nhiều người khác cho rằng số liệu thống kê đưa ra để khẳng định rằng súng là nguyên nhân số một gây tử vong ở trẻ em là sai lệch.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Phòng chống Tội phạm (CPRC), số liệu thống kê được dùng để chứng minh cho tuyên bố này là của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, mà CPRC cho biết họ đã sử dụng dữ liệu các vụ cố ý gây án mạng.
Những dữ liệu này bao gồm các vụ sát nhân và các vụ án tự vệ chính đáng về mặt pháp lý và các vụ án cảnh sát dùng vũ lực dẫn đến tử vong.
Súng không phải là yếu tố hàng đầu khiến trẻ em tử vong
CPRC công bố rằng phần lớn dữ liệu có liên quan đến hoạt động băng đảng ở các khu vực nội thành, nơi có tỷ lệ tội phạm cao. Trên thực tế, tổ chức này cho biết nếu loại đi dữ liệu của năm thành phố, thì tỷ lệ sát nhân ở Hoa Kỳ sẽ giảm từ cao thứ ba xuống còn thứ hạng 189 trong số 193 quốc gia trên toàn cầu.
Những thành phố này là: Chicago, Detroit, Washington, St. Louis, và New Orleans, là những thành phố có nhiều luật [sử dụng] súng nghiêm ngặt nhất cả nước, nhưng lại là những nơi chiếm phần lớn tỷ lệ tội phạm súng trên toàn quốc.
Trang web CPRC cho biết: “Những trường hợp tử vong này phần lớn có liên quan đến các băng đảng, và kể cả nếu có cấm sử dụng súng đi chăng nữa thì cũng không thể ngăn các băng đảng ma túy sở hữu súng để bảo vệ số ma túy rất có giá trị của họ.”
Khi sử dụng dữ liệu về tội phạm của FBI, vốn chỉ thống kê hoạt động tội phạm, thì tai nạn xe hơi chính là “kẻ sát nhân” số một đối với những người dưới 18 tuổi.
Theo Tiến sĩ Young và bà Swearer, các chương trình như chương trình được ông Bryant và Tiến sĩ Franklin Cosey-Gay, giám đốc Chương trình Phòng chống Bạo lực tại Đại học Y khoa Chicago, khen ngợi, là những kế hoạch tốt hơn.
Kỹ năng giáo dục
Tiến sĩ Cosey-Gay đã làm chứng về cách mà chương trình của ông tiếp cận các nạn nhân bị trúng đạn khi họ đến phòng cấp cứu và tiếp tục điều trị cho họ sau khi họ rời đi.
Ông cho biết chương trình này kết nối nạn nhân với các cơ quan dịch vụ xã hội và các chuyên gia, những người có thể cung cấp sự trợ giúp nhằm giúp họ tránh xa bạo lực và tội phạm, hướng tới giáo dục và các kỹ năng giải quyết xung đột tốt hơn.
Ông Steven Cook, phó tổng chưởng lý đã về hưu, cho biết bất kỳ kế hoạch nào cũng cần phải bao gồm việc đối phó với tội phạm.
Ông nói trong phiên điều trần rằng các chính sách gần đây của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã “trói tay” các công tố viên. Đồng thời, ông Cook cho hay các Biện lý Quận ở địa phương đang áp dụng một cách tiếp cận mềm mỏng đối với tội phạm, cho phép tội phạm bạo lực tự tin rằng họ sẽ tốn rất ít thời gian nếu như phải ngồi sau song sắt.
Ông khuyến khích ủy ban nói trên tiếp tục tài trợ cho các chương trình như “Dự án Khu Dân cư An toàn”. Chương trình này được Bộ Tư pháp đưa ra hồi năm 2001 để đối phó với tội phạm bạo lực. Ông Cook cho biết chương trình này đã thành công ở nhiều lĩnh vực chủ yếu là vì họ chú trọng đến nhiều mục đích hơn là chỉ bắt giữ tội phạm.
Hãy làm nhiều việc hơn là chỉ nhốt tội phạm lại
“Dự án này không chỉ làm [một việc duy nhất] là đưa người ta vào tù. Chúng tôi cũng có một chương trình tái hòa nhập, chúng tôi cũng có cả kế hoạch giáo dục, giao tiếp cộng đồng, vì vậy Dự án Khu phố An toàn đã tiếp tục mang lại kết quả tuyệt vời trên toàn quốc với mức giảm tội phạm bạo lực lên tới 41%,” ông Cook cho biết.
Tiến sĩ Young cho rằng những chương trình như vậy có tác dụng trong việc giải quyết vấn đề tội phạm bạo lực hơn là cấm các công cụ mà tội phạm sử dụng hoặc tước bỏ vũ khí theo pháp luật. Ông cho rằng cách tiếp cận hiệu quả nhất không phải là xem bạo lực như một căn bệnh mà là một vấn đề mà người dân cần thấu hiểu.
“Những người có nhiều khả năng là nạn nhân của bạo lực hình sự sử dụng súng cũng có khả năng là thủ phạm. Họ là những thanh niên thành thị không có hình mẫu tốt [để noi theo],” Tiến sĩ Young nói.
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times