Nhìn nhận về việc Lại Tiểu Dân bị xử tử
Ngày 29 tháng 1, Lại Tiểu Dân, nguyên bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch Công ty TNHH Quản lý tài sản Hoa Dung Trung Quốc, đã bị hành quyết tại Thiên Tân.
Lại Tiểu Dân bị buộc tội nhận hối lộ 1,788 tỷ NDT. Ngày 5/1, Tòa án Trung cấp số 2 Thiên Tân đã tuyên án tử hình Lại Tiểu Dân vì tội nhận hối lộ, tham nhũng và vi phạm chế độ một vợ một chồng. Lại Tiểu Dân từ chối chấp nhận phán quyết và kháng cáo lên Tòa án cấp cao Thiên Tân. Vào ngày 21 tháng 1, Tòa án Nhân dân Cấp cao Thiên Tân đã bác đơn kháng cáo và giữ nguyên phán quyết ban đầu. Sau đó, báo cáo lên Tòa án Tối cao để thẩm duyệt. Ngày 29 tháng 1, Lại Tiểu Dân bị xử tử.
Từ lúc Lại Tiểu Dân bị tuyên án cho đến lúc thi hành án chỉ vỏn vẹn 24 ngày. Các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước đã có nhiều bình luận khác nhau về việc này. Tôi cho rằng việc Trung Cộng nhanh chóng thi hành án tử hình Lại Tiểu Dân cũng không mấy tác dụng đối với căn bệnh ung thư tham nhũng của Trung Cộng.
Trung Cộng đã xử tử Hồ Trường Thanh như thế nào?
Ngày 8 tháng 3 năm 2000, Hồ Trường Thanh, nguyên Phó tỉnh trưởng tỉnh Giang Tây bị xử tử. Hồ Trường Thanh bị cáo buộc nhận hối lộ 5,44 triệu NDT, hối hộ 80 nghìn NDT và một khối lượng lớn các tài sản không rõ nguồn gốc khác có giá trị 1,61 triệu NDT.
Sau khi Hồ Trường Thanh bị kết án tử hình, ngày 23/01/2017, Tô Dung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Giang Tây, bị kết án tù chung thân vì nhận hối lộ 116 triệu NDT và một số tài sản khác trị giá 80,27 triệu NDT không rõ nguồn gốc. Cả gia tộc Tô Vinh từ già đến trẻ đều dính líu đến tham nhũng. Tô Vinh đã nói trong Thư hối cải của mình: “Nhà tôi chính là sở giao dịch quyền-tiền”.
Ngay sau đó, Lý Di Hoàng, nguyên Phó tỉnh trưởng tỉnh Giang Tây; Trần An Trung, nguyên Phó chủ nhiệm Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh Giang Tây, Diêu Mộc Căn, nguyên phó tỉnh trưởng tỉnh Giang Tây; Triệu Trí Dũng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Giang Tây kiêm Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy; Lưu Lễ Tổ và Hứa Ái Dân, nguyên Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị tỉnh Giang Tây, lần lượt bị điều tra.
Ngày 21/09/2020, Sử Văn Thanh, nguyên Phó tỉnh trưởng Giang Tây, bị điều tra. Ngày 18/12/2019, ba nhà doanh nghiệp tư nhân Giang Tây là Tăng Nghĩa Bình, Ôn Hòa Khôi, Vương Vũ Phi đã dùng tên thật công khai báo cáo Sử Văn Thanh đòi hối lộ số tiền khổng lồ, bao gồm lượng vàng trị giá 20 triệu NDT cũng như 132 triệu NDT kết toán ngoại hối vào tải khoản được chỉ định.
Trung Cộng đã xử tử Vương Hoài Trung như thế nào?
Ngày 12/02/2004, Vương Hoài Trung, nguyên Phó tỉnh trưởng tỉnh An Huy bị thi hành án tử hình. Vương Hoài Trung bị buộc tội gạ gẫm và nhận hối lộ 5.171 triệu NDT, ngoài ra còn có 4,805 triệu NDT không giải trình được nguồn gốc hợp pháp.
Sau khi Trung Cộng xử tử Vương Hoài Trung, 6 vị Phó tỉnh trưởng tỉnh An Huy đã bị điều tra và truy tố, bao gồm: Hà Mân Húc (tử hoãn), Vương Chiêu Diệu (tử hoãn), Nghê Phát Khoa (17 năm tù), Dương Chấn Siêu (chung thân), Trần Thụ Long (chung thân), Chu Xuân Vũ (20 năm tù).
Trong đó, Trần Thụ Long nhận hối lộ hơn 275 triệu NDT, lạm dụng chức vụ gây thiệt hại 2,916 tỷ NDT, giao dịch nội gián thu lợi bất hợp pháp 137 NDT, và tiết lộ thông tin nội bộ thu lợi bất hợp pháp 30,31 triệu NDT. Chu Xuân Vũ nhận hối lộ hơn 13,65 triệu NDT, cất giấu 4,12 triệu đô la Mỹ tiền gửi ở nước ngoài, lạm dụng chức vụ gây thiệt hại hơn 665 triệu NDT và giao dịch nội bộ thu lợi bất hợp pháp hơn 350 triệu NDT.
Ngoài ra còn có hai quan chức cấp phó của tỉnh An Huy bị điều tra: Hàn Tiên Thông, Phó chủ tịch Ủy ban Hiệp thương Chính trị Nhân dân tỉnh An Huy (16 năm tù), và Trương Kiên, chủ tịch Tòa án cấp cao An Huy (bị buộc tội hối lộ hơn 71,79 triệu NDT, đang chờ thi hành án).
Trung Cộng xử tử Hứa Mại Vĩnh và Khương Nhân Kiệt như thế nào?
Ngày 19/07/2011, Hứa Mại Vĩnh, nguyên Phó Thị trưởng Hàng Châu, và Khương Nhân Kiệt, nguyên Phó Thị trưởng Tô Châu, đã bị xử tử.
Hứa Mại Vĩnh còn được mệnh danh là “Hứa ba nhiều” vì “nhiều tiền, nhiều nhà và nhiều phụ nữ”. Hứa Mại Vĩnh bị buộc tội gạ gẫm và nhận hối lộ hơn 145 triệu NDT, biển thủ 53,59 triệu NDT, lạm dụng chức vụ gây thiệt hại 70,71 triệu NDT. Khương Nhân Kiệt bị buộc tội hối lộ hơn 108 triệu NDT, 50 nghìn đô la Hồng Kông và 4 nghìn đô la Mỹ.
Sau khi hai quan chức tham ô cỡ trăm triệu NDT này bị xử tử, Trung Cộng đã liên tiếp xuất hiện vô số quan chức tham ô hơn trăm triệu NDT. “Hứa ba nhiều” của Hứa Mại Vĩnh thua xa “Lại bốn nhiều” của Lại Tiểu Dân. Tính đến nay, Lại Tiểu Dân là người có lượng tiền tham nhũng nhiều nhất được công bố đã bị Trung Cộng điều tra xử lý. Ngoài ra, theo caixin.com, Lại Tiểu Dân còn có “ba nhiều” nữa, chính là: hơn 100 tình nhân, hơn 100 căn nhà, hơn 100 người liên đới.
Theo thống kê sơ bộ của tôi, kể từ khi Tập Cận Bình “đả hổ” chống tham nhũng vào tháng 01/2013, ít nhất 81 quan chức tham nhũng hơn 100 triệu NDT đã bị điều tra và xử lý. Mười người xếp đầu tiên trong số các quan chức tham nhũng trên 100 triệu NDT gồm có: (1) Lại Tiểu Dân, hơn 1,788 tỷ NDT; (2) Trương Trung Sinh, nguyên Phó Thị trưởng Thành phố Lữ Lương, tỉnh Sơn Tây, hơn 1,17 tỷ NDT; (3) Chính Vĩnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây Triệu, hơn 717 triệu NDT (4) Lý Kiến Bình, nguyên Bí thư Ban công tác Đảng của Khu phát triển kinh tế và công nghệ Hô Hòa Hạo Đặc, Nội Mông, hơn 600 triệu NDT; (5) Dương Thành Lâm, nguyên chủ tịch Ngân hàng Nội Mông, hơn 600 triệu NDT; (6) Thạch Phượng Cương, nguyên Chủ nhiệm ủy ban thôn Tân Trang, thị trấn Trường Tân Điếm, quận Phong Đài, Bắc Kinh, 580 triệu NDT; (7) Võ Trường Thuận, nguyên Giám đốc Sở Công an Thiên Tân, hơn 530 triệu NDT; (8) Mao Hiểu Đồng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hải kiêm Bí thư Thành ủy Tây Ninh, hơn 500 triệu NDT; (9) Hình Vân, nguyên thư ký Ủy ban Chính trị và Pháp luật Nội Mông, 449 triệu NDT; (10) Chu Xuân Vũ, nguyên phó tỉnh trưởng tỉnh An Huy, 400 triệu NDT.
Cần nói rõ rằng số tiền tham ô mười con số 0 của các tham quan ở trên chỉ là con số do Trung Cộng đưa ra, mà con số của Trung Cộng lại được xác định dựa trên “nhu cầu chính trị.”, vậy nên con số tham nhũng thực tế có thể còn lớn hơn.
Ngoài ra còn có Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, nguyên Ủy viên Tổng cục Chính trị Trung Cộng và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương; Trương Dương, nguyên Cục trưởng Cục Công tác Chính trị của Quân ủy Trung ương và Bàng Phong Huy, nguyên tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Quân ủy Trung ương, số tiền tham nhũng của bốn vị thượng tướng Trung Cộng này là bao nhiêu thì Trung Cộng không dám công bố ra bên ngoài, khả năng là lo rằng một khi con số này được công bố thì binh lính sẽ tạo phản.
Xử tử Lại Tiểu Dân, bệnh tham nhũng của Trung Cộng cả gốc lẫn ngọn đều chưa trị được
Trước tiên nói về “trị ngọn”
Theo luật pháp Trung Cộng quy định, phạm tội đưa hối lộ sẽ bị phạt tù không quá 5 năm hoặc bị tạm giam và phạt tiền; đưa hối lộ để thu lợi bất chính với tình tiết nghiêm trọng hoặc gây tổn thất lớn đến lợi ích quốc gia sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm và bị phạt tiền; nếu trường hợp đặc biệt nghiêm trọng hoặc gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho lợi ích quốc gia sẽ bị phạt tù trên 10 năm hoặc tù chung thân, và bị phạt tiền hoặc tịch thu tài sản.
Các tội danh chính của Lại Tiểu Dân được Trung Cộng công bố là: Trong số 22 tội danh nhận hối lộ, có 3 trường hợp hối lộ lần lượt lên tới 200 triệu NDT, 400 triệu NDT và 600 triệu NDT, và 6 trường hợp nhận hối lộ lên tới 40 triệu NDT. Vậy 9 “ông chủ lớn” đã đưa hối lộ 200 triệu, 400 triệu, 600 triệu, hơn 40 triệu cho Lại Tiểu Dân là những ai? Đã bị bắt giữ chưa? Đã bị kết án chưa? Hay là chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không rồi? Cho đến nay, Trung Cộng vẫn chưa hề đưa ra bất kỳ lời giải thích nào.
Lại nói về “trị gốc”
Sở dĩ Lại Tiểu Dân có thể đại tham ô là vì ở Hoa Dung ông ta có thể một tay che trời. Bản thân ông ta cũng nói: “Bí thư Đảng ủy, chủ tịch Hội đồng quản trị, pháp nhân đều do mình tôi lựa chọn. Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật vẫn thuộc đảng ủy quản lý. Anh ta có được bao nhiêu quyền? Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật cũng là ủy viên trong đảng ủy của tôi, là cấp dưới của tôi, anh ta rất khó giám sát tôi.”
Uông Bình Hoa, nguyên chủ tịch Quốc tế Hoa Dung, cho biết: “Về cơ bản đều là ông Lại nói gì thì làm nấy, từ cái mũ quan của mỗi người chúng tôi, cho đến đạt được bao nhiêu thành tích mỗi năm, muốn tự phát triển nhóm trong nội bộ như thế nào, muốn nhận hỗ trợ tài chính bao nhiêu, thực chất đều do ông Lại ký giấy quyết định. Cùng một chuyện nếu anh cự lại ông ấy lần đầu thì còn được, chứ cãi đến lần hai, lần ba, tôi đoán chừng chức vụ công tác của anh sẽ bị điều chỉnh, bởi đã có những ví dụ sờ sờ trước mắt rồi.”
Lý Trung Hoa, một quan chức của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, nói rằng Lại Tiểu Dân đã “biến Hoa Dung thành thiên hạ của nhà ông ta, một tay che trời, giám sát nội bộ hay ngoại bộ cũng đều thất bại.”
Những gì Lại Tiểu Dân đã làm ở Hoa Dung là mô hình thu nhỏ của “thiên hạ của Đảng” mà Trung Cộng đã thiết lập trên khắp đất nước. Trung Cộng nói: “Đông, Tây, Nam, Bắc Trung Quốc, đảng lãnh đạo tất cả.” Lại Tiểu Dân là Bí thư Đảng ủy Hoa Dung, toàn bộ công ty Hoa Dung gồm cả trên dưới, trái phải, nội ngoại, Lại Tiểu Dân lãnh đạo tất cả.
Xử tử Lại Tiểu Dân, liệu có mảy may cải biến được lý luận, thể chế, cơ chế và pháp luật vốn làm bệ đỡ cho cái “thiên hạ của Đảng” của Trung Cộng không? Không hề.
Trên thực tế, lý luận của Trung Cộng vẫn là chủ nghĩa tôn thờ quyền lực và sùng bái kim tiền, có quyền là có hết, có tiền là có hết. Thể chế của Trung Cộng vẫn y nguyên không suy suyển, chính là: đảng vừa là vận động viên, huấn luyện viên, lại vừa là trọng tài. Cơ chế của Trung Cộng vẫn là: cấp trên trấn áp cấp dưới, cấp dưới lừa gạt cấp trên. Hệ thống pháp luật của Trung Cộng vẫn là công cụ để thăng quan, phát tài, “chỉnh” người, lừa người, ngoài đó ra, tất cả còn lại chỉ là một đống giấy vụn.
Xử tử Lại Tiểu Dân rồi, Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng vẫn không suy chuyển
Trung Cộng đi đến bước hủ bại một cách toàn diện và triệt để chính là vào thời kỳ mà thế lực tà ác Trung Cộng do Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đứng đầu đang nắm quyền.
Một mặt, họ Giang và họ Tăng đã đề bạt và trọng dụng một số lượng lớn các phần tử tham nhũng nghiêm trọng, biến chốn quan trường Trung Cộng thành một “sở giao dịch quyền-tiền, quyền-sắc.” Mặt khác, Giang Trạch Dân lại dung túng cho con trai ông ta là Giang Miên Hằng ăn thông “quan-thương-học” (giới quan chức-giới thương nhân-giới học thuật), kéo theo con cái của các quan chức đảng, chính phủ, quân đội các cấp trong Trung Cộng “ngậm miệng phát tài lớn”. Hai dòng nước bẩn tụ lại đã khiến căn bệnh ung thư tham nhũng phát triển ác tính. Cho đến hôm nay, ung thư tham nhũng đã thành ung thư giai đoạn cuối.
Có thể nói họ Giang và họ Tăng từng là hậu đài chung cho những phần tử tham nhũng nghiêm trọng nhất trong đảng, chính phủ và quân đội Trung Cộng. Gia đình Giang Trạch Dân và gia đình Tăng Khánh Hồng có thể là những gia tộc tham nhũng nhất trong Trung Cộng. Tuy nhiên, cho đến nay, ông Tập vẫn chưa bắt Giang và Tăng, cũng không đụng đến con trai của Giang Trạch Dân là Giang Miên Hằng và con trai Tăng Khánh Hồng là Tăng Vĩ. (Có câu “cây đổ thì bầy khỉ tan”) Nếu hai cây cổ thụ Giang và Tăng không đổ thì bầy khỉ xung quanh cũng không cách nào tan được. Giang Miên Hằng và Tăng Vĩ vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, thì ông Tập xử tử Lại Tiểu Dân, “giết gà” liệu có thể dọa được “con khỉ” nào đây?
Xử tử hay không xử tử Lại Tiểu Dân thì Trung Cộng cũng sẽ diệt vong
Khi Trung Cộng xử tử Hồ Trường Thanh vào năm 2000, số tiền tham nhũng là 7,13 triệu NDT. Khi Trung Cộng xử tử Vương Hoài Trung vào năm 2004, số tiền tham nhũng là 9,97 triệu NDT. Năm 2011, khi Trung Cộng xử tử Hứa Mại Vĩnh và Khương Nhân Kiệt, số tiền tham nhũng hơn 100 triệu NDT. Ngày nay, khi Trung Cộng xử tử Lại Tiểu Dân, số tiền tham nhũng của ông ta đã lên tới 1,788 tỷ NDT.
Chống tham nhũng của Trung Cộng chính là càng chống càng tham nhũng. Tôi từng viết bài về quê hương của Tập Cận Bình – chốn quan trường tỉnh Thiểm Tây đã mục ruỗng đến đáy, cũng viết về quan trường Nội Mông Cổ đã mục ruỗng đến xương tủy. Thực ra, chốn quan trường Trung Cộng toàn bộ đều đã mục ruỗng.
Con tàu nát này của Trung Cộng đã thủng lỗ chỗ từ lâu. Xử tử hay không xử tử Lại Tiểu Dân cũng sẽ không cứu nổi Trung Cộng thoát khỏi vận mệnh hủ bại triệt để và toàn diện dẫn đến diệt vong.
Cao Nghĩa
Hằng Nga biên dịch
Xem thêm: