Nhìn lại mối quan hệ kinh doanh với Trung Quốc của gia đình Biden
Kể từ khi còn là Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đại diện cho tiểu bang Delaware, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Chủ đồng thời là cựu Phó Tổng thống Joe Biden từ lâu đã ủng hộ việc kết giao sâu sắc với Trung Quốc. Trong khi đó, con trai ông là Hunter Biden có dính líu đến một công ty cổ phần tư nhân do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn. Công ty này thực hiện một loạt các khoản đầu tư vào những công ty Trung Quốc, một số công ty trong đó có quan hệ mật thiết với ĐCSTQ.
Những hoạt động kinh doanh này đã thu hút sự chú ý trong bối cảnh ông Joe Biden tranh cử tổng thống Mỹ.
Trong những tuần gần đây, các email do New York Post thu được và báo cáo của hai Ủy ban Thượng viện Hoa Kỳ đã tiết lộ rằng Hunter Biden, con trai ông Joe Biden, cũng thực hiện các thỏa thuận kinh doanh với các Giám đốc điều hành Trung Quốc tại một tập đoàn dầu mỏ có liên kết với quân đội Trung Quốc.
Một email mà tờ New York Post có được, đề thời gian là tháng 5/2017, được xác minh sau đó bởi một trong những người nhận, đã nói về một thỏa thuận được đề xuất với gã khổng lồ dầu mỏ Trung Quốc CEFC – một công ty hiện đã phá sản. Theo đó, ông Hunter Biden sẽ là “Chủ tịch/Phó Chủ tịch tùy thuộc vào thỏa thuận với CEFC”. Vốn chủ sở hữu trong công ty mới sẽ được phân bổ là “20” cho “H” và “10 do H nắm giữ cho ông lớn?”.
Ông Tony Bobulinski, một cộng sự kinh doanh cũ của ông Hunter Biden và là người nhận email đó, cho biết “ông lớn” là ông Joe Biden.
Các giao dịch với Trung Quốc của ông Hunter Biden đã đặt ra những nghi vấn về việc liệu chúng có ảnh hưởng đến bất kỳ chính sách nào trong thời gian mà ông Joe Biden làm Phó Tổng thống hay không, hoặc liệu nó có ảnh hưởng đến cách đối phó với Trung Quốc [nếu như] ông Biden [thắng cử] tổng thống hay không.
Chiến dịch [tranh cử của] ông Biden đã không trả lời yêu cầu bình luận về các cáo buộc trên (tính đến thời điểm đăng bài viết ngày 22/10).
Ông Joe Biden nói ông ấy chưa bao giờ nói chuyện với con trai mình về những hoạt động kinh doanh đó.
Lập trường về Trung Quốc
Sau khi Washington và Bắc Kinh thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 12/1978, ông Joe Biden nằm trong nhóm các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ [đầu tiên] đến thăm Trung Quốc vào tháng 4/1979.
Trong chuyến đi đó, ông Biden đã gặp ông Đặng Tiểu Bình, phó thủ tướng Trung Quốc vào thời điểm đó. Ông Đặng sau đó trở thành nhà lãnh đạo tối cao của chính quyền Trung Quốc.
Trong khi phát biểu tại phiên khai mạc ‘Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Hoa Kỳ – Trung Quốc’ vào tháng 5/2011, ông Joe Biden nói ông ấy đã chứng kiến “sự chuyển mình đáng kể của Trung Quốc” trong chuyến thăm năm 1979.
“Với tư cách là một thành viên trẻ của Ủy ban Quan hệ Đối ngoại, tôi viết và tôi nói và tôi tin tưởng vào điều mà tôi vẫn tin: rằng một nước Trung Quốc đang trỗi dậy là một sự phát triển tích cực, tích cực, không chỉ cho Trung Quốc mà hiển nhiên cho cả nước Mỹ và thế giới”, ông Biden tuyên bố.
Ông Biden cũng nằm trong số những người thúc giục Washington bình thường hóa quan hệ thương mại với Bắc Kinh.
“Tôi muốn chỉ ra rằng tôi ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ thương mại vĩnh viễn với Trung Quốc, không chỉ dựa trên đánh giá về lợi ích kinh tế đối với Hoa Kỳ, không chỉ dựa trên triển vọng cải cách chính trị ở Trung Quốc, mà còn dựa trên sự ảnh hưởng đối với an ninh quốc gia của chúng ta”, ông Biden phát biểu tại phòng họp Thượng viện vào tháng 9/2000.
Cựu Tổng thống Bill Clinton đã ký một dự luật cho phép áp đặt quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Trung Quốc vào tháng 10/2000, mở đường cho Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới [WTO] vào năm 2001.
Tháng 8/2001, ông Biden thực hiện một chuyến đi khác đến Trung Quốc, nơi ông gặp lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân, ở Bắc Đới Hà [Beidaihe] – một thị trấn nghỉ mát nằm ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Theo phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, tại cuộc họp, ông Biden nói rằng “Hoa Kỳ muốn Trung Quốc phát triển và hùng mạnh, phục vụ lợi ích của cả hai nước”.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm nay, ông Biden đã lớn tiếng hơn trong việc chỉ trích Trung Quốc, đặc biệt là về những vi phạm nhân quyền của [Bắc Kinh].
Tập đoàn Vạn Hướng
Trong khoảng thời gian ông Biden giữ chức Phó Tổng thống từ đầu năm 2009 đến đầu năm 2017, người con trai thứ hai của ông Biden là Hunter bắt đầu đẩy mạnh các giao dịch kinh doanh ở Trung Quốc.
Một năm trước đó, năm 2008, ông Hunter Biden cùng với con riêng của cựu Ngoại trưởng John Kerry là Chris Heinz và những người khác đã thành lập một công ty tư vấn có tên gọi là Seneca Global Advisors.
Một trong những khách hàng của Seneca là một công ty có trụ sở tại Chicago – GreatPoint Energy. Vào tháng 5/2012, công ty GreatPoint đã ký một thỏa thuận hợp tác trị giá 1,25 tỷ đô la với Tập đoàn Vạn Hướng Trung Quốc để xây dựng một nhà máy quy mô lớn, chuyển đổi than thành khí đốt tự nhiên ở sa mạc Gobi, thuộc vùng Tân Cương xa xôi, phía tây Trung Quốc. Không rõ liệu ông Hunter Biden có trực tiếp tham gia vào việc đạt được thỏa thuận này hay không.
Thỏa thuận năng lượng được đưa ra 3 tháng sau khi Phó Tổng thống Biden gặp ông Tập Cận Bình, là Phó Chủ tịch Trung Quốc vào thời điểm đó, tại Los Angeles. Ông Tập hiện là lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Vạn Hướng là một tập đoàn sản xuất linh kiện ô tô có trụ sở tại Hàng Châu, Trung Quốc. Tập đoàn này được niêm yết trên thị trường chứng khoán và có quan hệ chặt chẽ với ĐCSTQ. Năm 1997, Vạn Hướng là một trong số 120 công ty được Hội đồng Nhà nước, [một tên gọi chính thức] của chính phủ Trung Quốc, chọn làm “tập đoàn kinh doanh thí điểm”. Các công ty này nhận được hỗ trợ tài chính đặc biệt của chính phủ [Trung Quốc].
Người sáng lập quá cố của tập đoàn, ông Lu Guanqiu [Lỗ Quan Cầu], trong nhiều năm là đại biểu Quốc hội Trung Quốc cho đến khi ông qua đời vào năm 2017. Quốc hội là cơ quan lập pháp [cao nhất] của Trung Quốc theo kiểu ‘nghị gật’. Lu Weiding, con trai của ông Lu Guanqiu, hiện là chủ tịch và bí thư chi bộ đảng của Tập đoàn Vạn Hướng.
Trong một bài phát biểu tại công ty vào tháng 7/2020, ông Lu Weiding tuyên bố Vạn Hướng “lắng nghe đảng và đi theo đảng”.
Theo website của Vạn Hướng, ông Joe Biden đã gặp gỡ các quan chức Vạn Hướng tại Hoa Kỳ vào tháng 7/2014 khi ông là Phó Tổng thống, và gặp thêm một lần nữa vào tháng 9/2018 sau khi ông Biden rời khỏi chức vụ. Trong cuộc gặp năm 2014, ông Biden nói ông có “mối quan hệ tốt đẹp” với ông Tập.
Vạn Hướng đã mua lại thành công hai công ty Hoa Kỳ ngay cả khi các nhà lập pháp [Hoa Kỳ] cảnh báo một số lo ngại. Cả hai công ty đều đã nhận được các khoản vay từ chính phủ Hoa Kỳ, có nghĩa là tiền đóng thuế của người dân Hoa Kỳ bị sử dụng để tài trợ cho công nghệ mà tập đoàn Trung Quốc có được.
Vào tháng 12/2012, Vạn Hướng đã thắng trong một cuộc đấu giá để mua lại công ty A123 Systems đã phá sản, một nhà sản xuất ắc-qui ô tô điện có trụ sở tại Hoa Kỳ, với số tiền trúng thầu là 256,6 triệu USD. Cuối cùng, việc mua lại đã được sự chấp thuận của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ [CFIUS], một cơ quan của Hoa Kỳ có nhiệm vụ kiểm tra các khoản đầu tư nước ngoài đối với các rủi ro an ninh quốc gia. Bộ phận quốc phòng của A123, một nhà cung cấp của Lầu Năm Góc, đã được bán cho một công ty khác.
Trong năm 2009, A123 đã được Bộ Năng lượng Hoa Kỳ tài trợ 249 triệu USD. Công ty này đã từng mở một nhà máy sản xuất ắc-qui hàng loạt cho xe điện.
Theo Reuters, một khách hàng của A123 là công ty Fisker Automotive đã được Vạn Hướng mua lại trong một cuộc đấu giá tài sản khi phá sản vào tháng 2/2014. 5 năm trước đó, năm 2009, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã công bố khoản vay trị giá 528 triệu USD cho công ty Fisker để phát triển xe hơi hybrid [xe lai điện].
Theo hồ sơ phá sản của công ty Fisker vào tháng 11/2013, “Robert Hunter Biden” (tên đầy đủ của ông Hunter) nằm trong danh sách dài các chủ nợ của công ty.
Công ty BHR Partners
Năm 2009, ông Hunter Biden đã cùng sáng lập công ty tư vấn và đầu tư Hoa Kỳ ‘Rosemont Seneca Partners’, và công ty được thành lập tại [tiểu bang Delaware] vào năm 2013. Công ty này là một trong bốn cổ đông sáng lập của công ty cổ phần tư nhân Bohai Harvest RST Shanghai Equity Investment Fund Management (BHR Partners), được chính thức thành lập tại Thượng Hải vào ngày 16/12/2013.
Ba cổ đông khác của BHR Partners, là các công ty quản lý tài sản Trung Quốc, bao gồm: Bohai Industrial Investment Fund [Quỹ Đầu tư Công nghiệp Bột Hải], Harvest Fund Management [công ty Quản lý Quỹ Thu hoạch] và Công ty tư vấn đầu tư Thornton Group đặt tại tiểu bang Massachusetts. Bohai Industrial Investment là chi nhánh cổ phần tư nhân của ‘Bank of China International Holdings (Ngân hàng Quốc tế Trung Quốc – BOCI), vốn là công ty con của Ngân hàng Trung Quốc [một trong năm ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất ở Trung Quốc].
Vào tháng 7/2014, trích lời một phát ngôn viên của BOCI, Tạp chí Phố Wall [WSJ] đưa tin rằng quỹ này có mục tiêu gây quỹ là 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, BHR Partners chưa cho biết liệu họ có đạt được mục tiêu hay không.
Chỉ vài ngày trước khi BHR Partners chính thức được đăng ký, ông Hunter Biden đã cùng cha mình [là cựu Phó tổng thống Joe Biden] chính thức đến thăm Trung Quốc. Phát ngôn viên của ông Hunter và một cựu nhân viên BHR Partners, nói với Tạp chí WSJ rằng việc thành lập công ty đã được thương lượng nhiều tháng trước chuyến đi Trung Quốc, và các cổ đông của công ty đã nộp đơn đăng ký kinh doanh một tháng trước chuyến đi.
Họ mô tả thời điểm là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Kể từ khi thành lập công ty, ông Hunter Biden là thành viên hội đồng quản trị của công ty mà không được trả lương. Sau đó, ông Hunter trở thành cổ đông vào tháng 10/2017, sau khi nhiệm kỳ phó tổng thống của ông Biden kết thúc, Tạp chí WSJ đưa tin.
Người ta không biết chính xác ông Hunter đã đóng vai trò gì trong việc đạt được các thỏa thuận của BHR Partners.
Ông Hunter Biden tiếp tục có cổ phần trong công ty. Theo một báo cáo vào tháng 7 của ‘The Daily Caller’, trích dẫn hồ sơ kinh doanh Trung Quốc, ông Hunter nắm giữ 10% cổ phần trong BHR Partners thông qua doanh nghiệp của mình là công ty trách nhiệm hữu hạn Skaneateles LLC.
Các khoản đầu tư của BHR Partners
BHR Partners đã đầu tư vào các công ty Trung Quốc vốn bị chính phủ Hoa Kỳ giám sát chặt chẽ.
Vào tháng 9/2015, BHR Partners và AVIC Automotive, một công ty con của công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc AVIC, cùng mua lại công ty Henniges Automotive có trụ sở tại Michigan. Theo tờ Rubber & Plastics News, AVIC Automotive đã mua lại 51% cổ phần của nhà sản xuất phụ tùng ô tô và BHR Partners mua [49%] còn lại.
Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Trung Quốc Zero2IPO Group, BHR Partners cũng đã đầu tư vào Tổng công ty Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) thuộc sở hữu nhà nước. Vào tháng 8/2017, ông Ho Szu-hsiung, một kỹ sư hạt nhân đã nhập quốc tịch Hoa Kỳ được CGN thuê làm cố vấn, đã bị kết án hai năm tù vì giúp Trung Quốc phát triển các chương trình hạt nhân và vi phạm Đạo luật Năng lượng Nguyên tử [của Hoa Kỳ].
Cả CGN và AVIC đều nằm trong số 20 công ty Trung Quốc bị Lầu Năm Góc nêu tên vào tháng 6/2020 thuộc diện được sở hữu hoặc bị kiểm soát bởi quân đội Trung Quốc.
Vào tháng 11/2017, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin Megvii Technology, một công ty trí tuệ nhân tạo và nhận dạng khuôn mặt của Trung Quốc, đã huy động được 460 triệu USD trong một vòng gọi vốn từ một loạt các nhà đầu tư, bao gồm BHR Partners.
Megvii là một trong 28 tổ chức có trụ sở ở Trung Quốc bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen vào tháng 10/2019, vì vai trò của nó trong việc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, nơi ước tính có khoảng 1 triệu người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ trong các trại cải tạo.
Một trong những khoản đầu tư của BHR Partners liên quan đến các mỏ khai thác ở Cộng hòa Dân chủ Công Gô (DRC), nơi đã phải đối mặt với sự giám sát do các cáo buộc sử dụng lao động trẻ em trong những năm gần đây.
Vào tháng 4/2017, công ty Lundin Mining của Canada thông báo họ đã bán 24% cổ phần của mình trong công ty Tenke Fungurume Mining S.A., một trong những nhà sản xuất đồng và coban lớn nhất Công Gô, cho BHR Partners với giá 1,136 tỷ USD. BHR Partners đã mua lại thông qua một công ty mẹ có tên là BHR Newwood DRC Holdings Ltd.
Sau đó, vào tháng 1/2019, BHR Newwood DRC Holdings đã được bán cho China Molybdenum Co. Ltd., cho phép công ty khai khoáng Trung Quốc này tăng số cổ phần của mình trong mỏ Tenke lên 80%, theo Reuters.
Công ty China Molybdenum đặt tại Lạc Dương, một thành phố ở tỉnh Hà Nam, có quan hệ mật thiết với ĐCSTQ. Theo website của họ, công ty khai thác mỏ Trung Quốc đã mời một giáo sư tên là Zhao Jiaguo từ trường Đảng địa phương, đến giảng dạy vào tháng 12/2019 cho hơn 200 đảng viên ở công ty — bao gồm cả Bí thư chi bộ công ty là ông Wang Huajun và Phó Tổng giám đốc Jin Shigun.
Vào tháng 9/2014, BHR Partners đã thực hiện hai khoản đầu tư riêng biệt vào tập đoàn dầu khí nhà nước khổng lồ Sinopec của Trung Quốc.
Theo tài liệu được lưu trữ trên website của BHR Partners, họ đã đầu tư 4 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 600 triệu USD) vào Sinopec Chemical Commercial Holding, một công ty con của Sinopec. Một công ty con khác, Sinopec Marketing, đã nhận được khoản đầu tư 6 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 900 triệu USD) từ BHR Partners.