Nhiều nhà điều hành cao cấp từ chức sau vụ xét xử gian lận tài chính lớn nhất Trung Quốc
Nhiều thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) độc lập của các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến đã từ chức sau khi kết thúc phiên tòa xét xử Kangmei Pharmaceutical, vụ xét xử phát hiện công ty y tế phạm tội ngụy tạo báo cáo tài chính.
Tòa án cũng ra phán quyết rằng các vị điều hành và thành viên hội đồng quản trị của Kangmei cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý và phải bồi thường cho các nhà đầu tư.
Các phán quyết của phiên tòa đầu tiên chống lại Công ty TNHH Dược phẩm Kangmei, một vụ án gian lận tài chính trị giá hàng tỷ USD tại thị trường cổ phiếu A của Trung Quốc, đã được công bố hôm 12/11. Tòa án Trung cấp Quảng Châu yêu cầu Công ty dược phẩm Kangmei phải trả cho hơn 50,000 nhà đầu tư 384 triệu USD để bồi thường cho những tổn thất đầu tư của họ. Mười chín thành viên HĐQT, kiểm soát viên, và giám đốc điều hành cao cấp bị phát hiện phải chịu trách nhiệm liên đới về việc tổ chức và thực hiện gian lận tài chính và tiết lộ thông tin sai lệch.
Ông Ma Xingtian, cựu chủ tịch của Kangmei Pharmaceutical, đã bị kết án hôm 17/11 mức 12 năm tù và bị phạt vì một loạt tội danh, bao gồm thao túng thị trường chứng khoán, tiết lộ thông tin bất hợp pháp, và không công bố thông tin quan trọng. Mười hai giám đốc điều hành khác của công ty cũng bị kết án tù và phạt tiền vì dính líu đến các tội danh liên quan.
Kangmei Pharmaceutical đã ngụy tạo hồ sơ tài chính của mình trong ba năm liên tiếp, liên quan đến tổng số tiền khoảng 10 tỷ nhân dân tệ (1.57 tỷ USD).
Vụ kiện tập thể đáng chú ý không chỉ do số lượng lớn người liên quan mà còn vì số tiền bồi thường thiệt hại chưa từng có.
Có vẻ như phán quyết đã gây ra làn sóng từ chức của các thành viên HĐQT, kiểm soát viên và giám đốc điều hành cấp cao tại nhiều công ty niêm yết cổ phiếu hạng A của Trung Quốc, dường như để tránh số phận tương tự như những người đứng đầu Kangmei Pharmaceutical.
Tuần báo Kinh tế Trung Quốc của nhà nước đưa tin, theo thống kê chưa đầy đủ, các thành viên từ ít nhất 123 công ty niêm yết, bao gồm 62 trên Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, 59 trên Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải và hai thành viên trên Sở giao dịch chứng khoán Bắc Kinh, đã nộp đơn từ chức trong khoảng thời gian từ ngày 12 đến 21/11.
Trong số 165 thành viên đã từ chức, một số lượng đáng kể đã không phục vụ hết nhiệm kỳ của họ, và hầu hết đều viện dẫn “lý do cá nhân”. Hơn 10 công ty đã có hơn ba đơn từ chức (ở mỗi công ty), trong đó có hai công ty có năm đơn từ chức.
Một tuyên bố từ Ginwa Enterprise đã niêm yết cho biết họ đã nhận được yêu cầu bằng văn bản từ một trong những thành viên hội đồng quản trị độc lập của mình, để “công bố việc từ chức của bà ấy càng sớm càng tốt.” Theo báo cáo, Ginwa Enterprise cũng đang vướng vào các vụ kiện về công bố thông tin và báo cáo sai sự thật.
Tuy nhiên, gửi đơn từ chức không có nghĩa là từ chức thành công. Nếu các vị trí liên quan của hội đồng quản trị và ban kiểm soát ít hơn số đại biểu và đang khiến công ty không thể hoạt động bình thường, công ty phải yêu cầu ứng viên tiếp tục tham gia hội đồng quản trị. Thông báo từ chức sẽ không chính thức có hiệu lực cho đến khi có người kế nhiệm tiếp quản.
Thành viên Hội đồng quản trị độc lập
Trong làn sóng từ chức này, tỷ lệ cao nhất liên quan đến các chức vụ thành viên HĐQT. 86 thành viên của các công ty niêm yết đã tuyên bố từ chức, chiếm gần 42%, hầu hết là thành viên độc lập.
Một thành viên HĐQT độc lập, còn được gọi là thành viên bên ngoài, phải đóng góp cho hội đồng quản trị từ quan điểm khách quan, độc lập, và không thiên vị. Các thành viên độc lập không trực tiếp tham gia vào các vấn đề quản lý, điều này cho phép họ có cơ hội chỉ tập trung vào các vấn đề của hội đồng quản trị.
Hệ thống thành viên độc lập này được tạo ra để cân bằng quyền lực và giám sát hội đồng quản trị. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, nhiều thành viên độc lập đã bị giảm xuống chỉ đóng vai trò hình thức đơn thuần.
Theo một bài bình luận trên Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc do nhà nước điều hành, các thành viên độc lập thiếu tính độc lập và chủ yếu được thuê thông qua các mối quan hệ cá nhân. Thiếu kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tế, họ khó đưa ra những đánh giá độc lập và những đề nghị khách quan về các quyết định kinh doanh của công ty. Hơn nữa, vì thu nhập thấp nhưng mức độ trách nhiệm cao, họ không có động lực mạnh, bài báo cho biết.
Dữ liệu từ Wind, một công ty dữ liệu tài chính của Trung Quốc, cho thấy mức lương trung bình hàng năm của một thành viên hội đồng quản trị độc lập tại các thị trường hạng A vào năm 2020 là khoảng 84.000 nhân dân tệ (13.125 USD).
Trong vụ Kangmei Pharmaceutical, ba thành viên độc lập đã bị kết án phải chịu trách nhiệm liên đới và một số trách nhiệm pháp lý ở mức 10% (245.9 triệu nhân dân tệ hoặc khoảng 38.42 triệu USD). Hai thành viên độc lập còn lại được đánh giá là phải chịu trách nhiệm chung và liên đới ở mức 5% (122.95 triệu nhân dân tệ hoặc khoảng 19.21 triệu USD).
Bốn trong số năm người này là giáo sư đại học. Họ được Kangmei trả khoảng 100,000 nhân dân tệ (15,625 USD) một năm. Những thiệt hại mà họ sẽ phải trả là một khoản tiền khổng lồ so với thu nhập của họ. Tòa án đã phán quyết rằng mặc dù lỗi của họ là tương đối nhỏ, nhưng họ phải chịu trách nhiệm chung và liên đới vì họ đã ký vào báo cáo hàng năm của Kangmei.
Tính đến thời điểm báo chí đưa tin, số lượng thành viên HĐQT, kiểm soát viên và giám đốc điều hành cấp cao từ chức vẫn đang tăng lên ở Trung Quốc.
Ông Shawn Lin là một người Hoa kiều sống ở New Zealand. Ông đã đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2009, tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc.
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: