Nhiếp ảnh gia đi hơn 40,000 dặm dọc Siberia để ghi lại chân dung của các nền văn hóa cổ
Nhiếp ảnh gia người Nga Alexander Khimushin đã thu hút sự chú ý trên toàn cầu nhờ những bức ảnh truyền cảm hứng của ông về chân dung của những người dân thuộc các nền văn hóa khác nhau trên khắp thế giới.
Đặc biệt, ông rất quan tâm đến các dân tộc bản địa ở Siberia, điều này đã thôi thúc ông khám phá vùng khắc nghiệt, xa xôi ấy trong nhiều năm. Sứ mệnh của ông là ghi lại những khuôn mặt cuối cùng của nền văn hóa cổ.
Đi khắp thế giới trong 9 năm qua, ông Khimushin đã chụp ảnh về những nền văn hóa đang biến mất ở 86 quốc gia khác nhau. Điểm đến gần đây nhất của ông vào năm 2020 khiến ông đi khoảng 30,000 dặm dọc theo dải đất Siberia và ghi lại hình ảnh những người dân bản địa nơi đây.
“Cuộc sống của tôi là những chuyến đi, hay đúng hơn là những chuyến lang thang, vì tôi dành phần lớn thời gian trên đường,” ông Khimushin nói với SBS Russian. “Phải mất nhiều năm đi đây đó, tôi mới nhận ra rằng không phải những địa điểm mới mà là những con người mới đã gây ấn tượng lớn nhất và định hình nên con người tôi”.
Hơn 40 nhóm người bản địa sống giữa miền đông Siberia và miền đông nước Nga. Nhiếp ảnh gia đã có những cuộc gặp mặt thân thiết với nhiều nền văn hóa bản xứ khác nhau, bao gồm cả người dân Dolgan và người dân Nganasans ở Bắc Cực, và tám nhóm người Tungus-Mãn Châu khác nhau.
Ông Khimushin nói: “Tôi rất ngạc nhiên khi biết có bao nhiêu nhóm dân tộc thuộc các nền văn hóa khác nhau sống ở nước Nga. Ví dụ, tám nhóm người Tungus-Mãn Châu sống dọc theo sông Amur.” Và vẫn còn nhiều, nếu không phải là hầu hết, các dân tộc khác của nước Nga từ các vùng khác “chúng ta không biết, hoặc thậm chí chưa bao giờ nghe nói về họ”.
Giờ đây, khi đã ghé thăm các bộ lạc từ Biển Nhật Bản đến Hồ Baikal, ông Khimushin đã chia sẻ một số bức ảnh hiếm hoi của mình từ một trong những nơi ít người biết đến nhất trên thế giới. Những bức ảnh đầu tiên trong dự án của ông có tựa đề Thế giới qua các Gương mặt (The World in Faces) đã được phát hành vào năm 2014 và được giới thiệu trong một cuộc triển lãm nhiếp ảnh quy mô lớn tại Liên Hiệp Quốc vào năm 2019 ở New York.
Hiện tại, ông Khimushin đang chuẩn bị cho một cuộc triển lãm lớn hơn nữa về dự án của mình tại Trụ sở UNESCO ở Paris, dự kiến vào tháng 7 – 8/2021.
Cuối cùng, ông tập trung mở rộng dự án nhiếp ảnh của mình hơn nữa.
Ông chia sẻ: “Mục tiêu toàn cầu của tôi là lưu giữ lại mọi nền văn hóa. Tất nhiên, điều này là không thể, vì có tới 10,000 dân tộc khác nhau trên hành tinh, và phải mất rất nhiều thời gian để đến những ngóc ngách xa xôi nhất nơi mà tính chân thực, văn hóa và lối sống truyền thống vẫn còn đang hiện hữu.”
Ông Khimushin giải thích rằng trong suốt 70 năm qua, thế giới đã chuyển sang hướng toàn cầu hóa, một sự thay đổi dẫn đến tình trạng ít đa dạng hơn.
Ông nói: “Kết quả là, nhiều nhóm dân tộc thiểu số đang tiến tới sự tuyệt chủng hoàn toàn. Tôi nghĩ điều rất quan trọng là không để chúng biến mất mà không để lại dấu vết.”
Sinh ra và lớn lên ở Yakutia, một trong những vùng tách biệt nhất của Siberia, ông Khimushin thấy tiếc vì đã lớn lên mà không hiểu đất nước của mình hay những người dân bản địa.
Nhưng sau khi chuyển đến những khu rừng nhiệt đới phía bắc Queensland, Australia, 20 năm trước, ông nói rằng chuyến đi này đã mở rộng tầm mắt và dẫn ông đi trên một con đường mà ông không đoán trước được.
Ông nói: “Tôi đã phải chuyển đến một nơi khác trên thế giới và đến thăm nhiều quốc gia chỉ để nhận ra rằng quê hương và người dân của tôi thú vị như thế nào”.
Theo My Modern Met, một số quần thể của người dân bản địa có ít hơn 50,000 người, trong khi những nhóm khác chỉ còn lại vài chục người và đang trên bờ vực tuyệt chủng.
Ông Khimushin nói rằng có nhiều cách để chống lại sự suy thoái văn hóa này, nhưng không dễ thành công.
Giờ đây, các bức ảnh của ông Khimushin là những lời nhắc nhở quý giá về những nền văn hóa đang biến mất.
Ông nói: “Ít nhất, chúng ta có thể lưu lại ký ức về những nền văn hóa này. Tôi có hình ảnh của những người lớn tuổi đã qua đời sau đó; tuy nhiên, họ sẽ còn mãi trong những bức ảnh của tôi, và nhắc nhở thế giới về những nền văn hóa đặc sắc của họ”.
Jenni Julander
Lý Bình biên dịch
Xem thêm: