Nhiếp ảnh: Cuộc sống của những người chăn tuần lộc ở vùng biên giới Mông Cổ và Siberia
Được truyền cảm hứng từ sự kiên trì của người Dukha – một cộng đồng gồm những gia đình chăn nuôi tuần lộc sống trong điều kiện khắc nghiệt ở vùng biên giới Mông Cổ và Siberia, hai nhiếp ảnh gia người Tây Ban Nha đã du hành đến vùng đất xa xôi và ít có sự hiếu khách này để gặp gỡ và chụp ảnh những gia đình chăn tuần lộc và chia sẻ nét đặc trưng trong cuộc sống của họ đến với thế giới.
Cả hai nhiếp ảnh gia đều đến từ vùng León, Tây Ban Nha: bà Sandra Ballesteros, 52 tuổi, hành nghề y tá, và ông Miguel Celis Puente, 55 tuổi, nhân viên ngân hàng. Họ đã bắt đầu chuyến hành trình đến gặp gỡ người Dukha vào tháng 9 năm 2019.
“Chỉ còn lại khoảng 40 gia đình nuôi tuần lộc, phân thành hai nhóm, một nhóm ở phía tây vùng Tsagaan Nuur và nhóm còn lại ở xa hơn về phía Bắc gần biên giới với Nga,” bà Sandra chia sẻ với The Epoch Times. “Không dễ dàng để có thể đến được vùng đất của người Dukha.”
Chuyến hành trình của hai nhiếp ảnh gia tới vùng Tsagaan Nuur từ Ulaanbaatar – thủ đô của Mông Cổ, được tổ chức bởi một nhóm chuyên gia thám hiểm có tên gọi Wind of Mongolia. Chuyến đi bằng ô tô mất ba ngày trên những cung đường bụi bẩn. Sau đó, họ tiếp tục đi bộ và cưỡi ngựa xuyên qua làng Darkhad Depression.
“Người Dukha có lối sống bán du mục và tùy theo thời điểm trong năm, họ có thể đi sâu vào vùng Taiga rộng lớn bao la. Vì thế, rất ít người có thể du hành đến nơi hẻo lánh như thế này,” bà Sandra nói.
Tuy nhiên, với bà Sandra và ông Miguel, việc chụp ảnh có quan hệ mật thiết đến những giao tiếp gần gũi giữa họ với những nhân vật trong bức ảnh. Đối với họ, điều quan trọng là “đạt được sự đồng thuận cho phép chúng tôi phá vỡ những rào cản và để nguồn cảm xúc tuôn trào.”
Được dẫn đường bởi hướng dẫn viên Bat và một đội kỵ sĩ, họ đến được nơi ở của người Dukha một cách an toàn. Trong vòng 5 ngày sau đó, anh hướng dẫn viên đã giúp họ liên hệ với một gia đình chủ nhà Dukha khi những bông tuyết đầu tiên xuất hiện.
Giải thích thêm về nền văn hóa của người Dukha, bà Sandra chia sẻ rằng một cộng đồng Dukha thường bao gồm hai đến bảy gia đình du mục tên là olal-lal, có nghĩa là “họ” trong ngôn ngữ Tuva. Họ di chuyển nơi cắm trại nhiều lần trong năm để tìm kiếm đồng cỏ cho đàn tuần lộc, bởi vì thức ăn chính của tuần lộc là địa y chỉ phát triển ở những nơi rất lạnh.
Những chú tuần lộc đóng vai trò quan trọng cho sự sinh tồn của người Dukha. Chúng cung cấp sữa, da thú và sừng cho những người chăn nuôi. Tuy nhiên, người Dukha không ăn thịt tuần lộc. Thay vào đó, họ săn lợn rừng, nai và nai sừng tấm để lấy thịt. Ngoài ra, thực phẩm của người Dukha còn có trà mặn được làm từ sữa của tuần lộc, sữa chua, phô mai và bánh bắp.
Vào mùa đông, nhiệt độ xuống đến âm 40 độ. Để bảo vệ mình khỏi thời tiết lạnh giá, người Dukha mặc những chiếc áo choàng truyền thống của người Mông Cổ, dài quá đầu gối và dãy nút áo nằm một bên, có dây thắt lưng buộc ngang.
Người Dukha sử dụng da tuần lộc hoặc lông từ những loài thú mà họ săn được như lợn rừng, nai và nai sừng tấm để may giày dép. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều người đã sắm những đôi ủng cao su khi ra chợ mua bột, muối, và đường ở những thành phố lân cận của vùng Tsagaan Nuur hoặc Moron.
Người Dukha cư ngụ trong những chiếc lều hình nón được làm từ những cây gậy nhọn và da thú. Ngày nay, hầu hết những chiếc lều này được phủ bạt và có lò đốt củi bên trong. Một số lều có sàn gỗ cách nhiệt, nhưng nhiều chiếc lều không có.
“Nhiệt độ bên trong lều trở nên dễ chịu khi hơi nóng của than củi vẫn còn, và cái lạnh cắt da cắt thịt sẽ luồn vào khi than củi nhanh chóng cháy hết,” bà Sandra nói và chia sẻ thêm, “Pin của máy ảnh bị hư hỏng ở nhiệt độ dưới 0 độ C, vì thế chúng tôi đôi khi phải giữ ấm pin giữa những lớp quần áo. Nhưng trải nghiệm sống cùng những người chăn tuần lộc giữa rừng thật quý giá, mặc dù thời tiết lạnh giá và chúng tôi phải trải qua nhiều khó khăn để đến được nơi đây.”
Bà Sandra hồi tưởng “với cảm xúc đặc biệt” vào đêm cuối họ ở cùng một chủ nhà Dukha có tên là Dabaaab và vợ anh là Gantuya.
“Chúng tôi đã mang đến một vài cây xúc xích và rượu từ nơi mình sinh sống, và chia sẻ với họ trong khi ngồi hát xung quanh bếp củi,” bà nói. “Đó là khoảnh khắc thật trìu mến.”
Trong suốt thời gian sống bên cạnh những người chăn tuần lộc, bà Sandra và ông Miguel biết rằng trẻ con Dukha học cách chăm sóc tuần lộc từ rất nhỏ. Những bé gái và các thiếu nữ lấy sữa từ tuần lộc để chế biến sữa chua, phô mai và trà trong khi đàn ông, phụ nữ trẻ, và người lớn tuổi sẽ chăn gia súc.
Một vài người đàn ông Dukha ở bên cạnh những chú tuần lộc của mình trong suốt mùa đông, chịu đựng nhiệt độ ngoài trời khắc nhiệt để bảo vệ đàn gia súc của họ khỏi chó sói và những kẻ cướp bóc.
Thế nhưng, luật bảo tồn thiên nhiên hiện hành của chính phủ Mông Cổ nhằm bảo vệ rừng Taiga đã đe dọa đến sự sinh tồn của cộng đồng người Dukha do các quy định cấm họ săn bắt thú rừng, đốn củi để nhóm lửa, và chăn thả tự do. Số lượng tuần lộc và dân số Dukha đang giảm dần.
Sự kiên định của người Dukha nhằm duy trì truyền thống, và khả năng sinh tồn của họ trong những môi trường khắc nghiệt, đã thúc đẩy bà Sandra và ông Miguel chia sẻ câu chuyện của họ thông qua loạt bức ảnh cảm động và mở ra một cuộc tranh luận: “Điều gì cần được ưu tiên?” bà Sandra đặt ra câu hỏi, “việc bảo vệ rừng, hay những người trong nhiều năm đã xem chính khu rừng kia là nhà của mình và phụ thuộc vào nguồn tài nguyên đó để sinh tồn?”
Bà Sandra và ông Miguel đã mua chiếc máy ảnh chung đầu tiên cách đây 25 năm, và du hành hàng chục năm qua trong “hành trình tìm kiếm không ngừng” những cách thức mới để thấu hiểu phong tục tập quán, nền văn hóa, và những lối sống khác biệt. Họ chuyên chụp những bức ảnh chân dung.
“Nhiếp ảnh phát triển cùng chúng tôi, vì đó là một phần của bản thân chúng tôi,” bà Sandra nói. “Theo thời gian, chúng tôi đã phát triển kỹ năng nhiếp ảnh, nhưng niềm đam mê tìm hiểu và chụp ảnh cuộc sống thực của cư dân ở các nền văn hóa khác nhau vẫn còn nguyên vẹn.”
Bà Sandra và ông Miguel chia sẻ những bức ảnh của mình trên trang web và trên mạng xã hội như Instagram, Facebook, và Flickr.
Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi tại [email protected] và tiếp tục đọc các bài viết truyền cảm hứng bằng cách đăng ký nhận Inspired newsletter tại TheEpochTimes.com/newsletter.
Tác giả Louise Chambers là một nhà văn, sinh ra và lớn lên ở London, nước Anh. Cô đưa những tin tức truyền cảm hứng và những câu chuyện xoay quanh chủ đề con người được nhiều độc giả đón nhận.