Nhật Bản viện trợ thêm 1.13 triệu liều vaccine cho Đài Loan nói lên điều gì?
Nhật Bản chuyển 1.13 triệu liều vaccine AstraZeneca cho Đài Loan vào ngày 8/7. Đây là lần viện trợ thứ hai sau đợt viện trợ 1.24 triệu liều vaccine AstraZeneca vào ngày 4/6. Việc Nhật Bản liên tiếp tài trợ miễn phí vaccine cho Đài Loan nói lên điều gì?
Hành động này ít nhất đã chứng minh 4 điểm sau:
Thứ nhất, người Nhật biết ơn người Đài Loan.
Nhật Bản từng hai lần tặng than và vaccine cho Đài Loan. Tất cả nói lên lòng biết ơn của họ đối với Đài Loan, vì Đài Loan từng hết lòng hỗ trợ Nhật Bản trong trận động đất 311.
Vào ngày 6/7, khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi công bố, trong trận động đất 311 vào 10 năm trước, Đài Loan đã nhiệt tình giúp đỡ Nhật Bản nhiều nhất, điều này khiến nhân dân Nhật Bản vô cùng cảm động và ấm áp. Do đó, khi người dân Đài Loan gặp khó khăn, Nhật Bản rất mong muốn được tài trợ vaccine giúp Đài Loan ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Ngày 2/6, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố sẽ tặng vaccine cho Đài Loan. Vào ngày 3/6, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi đã tuyên bố: “Đài Loan là nước đầu tiên gửi các khoản quyên góp trong trận động đất 311 ở Nhật Bản. Chúng ta cần giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn.”
Vào ngày 11/3/2011, một trận động đất mạnh 9 độ Richter kéo theo sóng thần đã xảy ra tại Nhật Bản gây ra những thiệt hại vô cùng nặng nề. Chính phủ và người dân Đài Loan đã quyên góp ít nhất 20 tỷ yên Nhật, nhiều nhất thế giới và hơn tổng số tiền quyên góp của 93 quốc gia khác. Ngoài ra, Đài Loan còn gửi lương thực cứu trợ đến Nhật Bản, ước tính hơn 1.000 nghìn tấn. Người dân Nhật Bản luôn luôn ghi nhớ điều này.
Thứ hai, người Nhật quý trọng tính mạng của người Đài Loan.
Theo văn hóa truyền thống phương Đông: An toàn tính mạng con người là vấn đề quan trọng hàng đầu, vượt trên cả lợi ích cá nhân, đảng phái và đất nước. Đây cũng là ý nghĩa của chữ thập đỏ: cứu người chết và bị thương trên mọi mặt trận, không phân biệt địch ta. Đây chính là chủ nghĩa nhân đạo.
Vì Trung Cộng che giấu đại dịch khiến virus từ Vũ Hán đã lây lan ra toàn thế giới. Tính đến ngày 7/7/2021, 185 triệu người tại 192 quốc gia trên thế giới bị lây nhiễm, hơn 4 triệu người đã tử vong. Đây là thảm họa có số người chết lớn nhất thế giới kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Vào giữa tháng 5 năm nay, số ca mắc ở Đài Loan bất ngờ tăng đột biến. Cả nước rơi vào mức báo động thứ ba, tám khu vực lớn bị phong tỏa, các trường học ngừng hoạt động. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm chỉ huy phòng dịch Đài Loan, tính đến ngày 24/5, số người được chích vaccine ở Đài Loan là 302,698 người, chiếm chưa đến 1% dân số cả nước. Do đó, chích vaccine càng sớm càng tốt trở thành một trong những yếu tố quan trọng để phòng chống dịch.
Theo ông Trần Thời Trung, lãnh đạo Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch Đài Loan cho biết, Đài Loan đã bắt đầu đàm phán với công ty Biontech của Đức để mua 5 triệu liều vaccine vào ngày 20/8 năm ngoái. Nhưng khi chuẩn bị ký kết hợp đồng thì bị Trung Cộng can thiệp cản trở.
Vào thời khắc then chốt liên quan đến tính mạng và an toàn của người dân Đài Loan, Nhật Bản đã mở rộng vòng tay giúp đỡ.
Thượng nghị sĩ Nhật Bản Kentaro Asahi cho biết, Nhật Bản đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ Đài Loan trong trận động đất 311. Lần này, việc hỗ trợ Đài Loan càng sớm càng tốt cần được đặt lên hàng đầu. Ông nói: “Thay vì chần chừ trước thái độ phản đối và phản ứng dữ dội từ Trung Quốc (Trung Cộng), Nhật Bản cần gấp rút viện trợ vaccine AstraZeneca cho Đài Loan càng sớm càng tốt để tạm thời xoa dịu áp lực chống dịch bệnh của người dân Đài Loan. Vì vậy, khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao công bố quyết định viện trợ vaccine cho Đài Loan, tất cả thành viên trong Quốc hội đều tán thành”.
Theo tờ Up Media của Đài Loan, sau khi biết rằng Nhật Bản sẽ viện trợ Đài Loan, Trung Cộng liên tục cảnh báo Nhật Bản đã vi phạm “nguyên tắc một Trung Quốc”, sẽ mang đến “nguy cơ” cho Nhật Bản. Thái độ cứng rắn của Trung Cộng khiến cơ quan ngoại giao Nhật Bản cảm thấy rất ngạc nhiên, “Khi sự sống đang ngàn cân treo sợi tóc, tại sao còn nói về ‘một Trung Quốc’?
Thứ ba, chiến lược của Nhật Bản đối với Đài Loan đã thay đổi.
Về vấn đề Đài Loan, thái độ lâu dài của Nhật Bản là cố gắng tránh đối đầu với Trung Cộng và cố gắng không làm mất lòng Trung Cộng.
Tuy nhiên, sau khi đại dịch bùng phát vào năm 2020, Trung Cộng đã ngang nhiên phản bội lời hứa trong Tuyên bố chung Trung-Anh về vấn đề Hồng Kông. Trung Cộng ép Hồng Kông tuân thủ Luật An ninh Quốc gia, buộc Hồng Kông từ “một quốc gia, hai chế độ” thành “chế độ đảng độc tài”. Sau Hồng Kông, Đài Loan sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo mà Trung Cộng nhắm tới. Chính bởi vậy, áp lực quân sự đối với Đài Loan đạt mức lớn nhất trong 40 năm qua. Trên biển Bột Hải đến Hoàng Hải, biển Hoa Đông, đến biển Đông, Trung Cộng không những điều máy bay quân sự, tàu chiến, chiến hạm, tổ chức hơn 30 cuộc tập trận quân sự để gây áp lực lên Đài Loan. Các phần tử cực tả trong nội bộ Trung Cộng còn kêu gọi “thống nhất Đài Loan bằng vũ trang”. Hòa bình và ổn định lâu dài ở eo biển Đài Loan đã bị Trung Cộng đơn phương phá vỡ đến nỗi một số người cho rằng “Đài Loan đã trở thành nơi nguy hiểm nhất trên thế giới.”
Đài Loan nằm ở vị trí then chốt trong chuỗi đảo đầu tiên. Chuỗi đảo đầu tiên bắt đầu ở phía bắc từ quần đảo Kuril, rẽ sang phía nam Đài Loan, đến đảo Borneo, bao gồm Hoàng Hải, biển Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương ở Biển Đông. Đây là khu vực quan trọng trong việc duy trì tự do thế giới do Hoa Kỳ đứng đầu và ngăn chặn quân đội Trung Cộng mở các cuộc tấn công vào Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Nếu Trung Cộng thắng Đài Loan, Trung Cộng có thể cắt đứt “huyết mạch trên biển” của Nhật Bản trong việc vận chuyển dầu từ Trung Đông qua eo biển Malacca đến Biển Đông, biển Hoa Đông và đến Nhật Bản.
Cảng Tố Úc ở Đài Loan chỉ cách Đảo Yonaguni của Nhật Bản 110 km. Nếu Trung Cộng thắng Đài Loan, nó có thể đe dọa trực tiếp đến an ninh nội địa của Nhật Bản.
Trong những năm gần đây, các tàu cảnh sát biển của Trung Cộng thường xuyên di chuyển, tuần tra trên quần đảo Điếu Ngư, mật độ đạt đến 333 ngày vào năm 2020. Vào ngày 1/2 năm nay, Luật Cảnh sát Hàng hải của Trung Cộng đã được thực thi. Luật quy định rằng cảnh sát biển của Trung Cộng có thể sử dụng vũ khí. Điều này khiến khả năng Trung Quốc và Nhật Bản bắn nhầm và xảy ra xung đột vũ trang tăng lên đáng kể.
Trung Cộng hạ gục được Đài Loan sẽ làm thay đổi cán cân chiến lược toàn cầu và đe dọa trực tiếp đến an ninh Nhật Bản.
Đến năm 2021, chiến lược của Nhật Bản đối với Đài Loan sẽ thay đổi từ mơ hồ sang rõ ràng: Quan điểm của nhà cầm quyền Nhật Bản là duy trì an ninh của Đài Loan tương đương với duy trì an ninh của chính Nhật Bản.
Vào ngày 5/7, trong một bài phát biểu tại Tokyo, Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso đã tuyên bố, nếu Trung Cộng xâm phạm và tấn công Đài Loan, Nhật Bản sẽ coi đây là một “nguy cơ sống còn” theo Luật bảo đảm an ninh, nên có thể sẽ thực hiện các quyền tự vệ tập thể, “Hoa Kỳ và Nhật Bản phải cùng nhau bảo vệ Đài Loan.”
“Nguy cơ sống còn” là một trong những điều kiện cần thiết để “Luật đảm bảo an ninh” của Nhật Bản thực hiện quyền tự vệ tập thể. Luật đề cập nếu các quốc gia khác có liên quan chặt chẽ với Nhật Bản bị tấn công bằng vũ lực, hình thành “hoàn cảnh nguy hiểm đe dọa sự tồn vong của đất nước Nhật Bản, phá vỡ cuộc sống và quyền của người dân.” Trong hoàn cảnh này, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được thực hiện quyền tự vệ tập thể.
Nhật Bản đã tài trợ vaccine cho Đài Loan đợt đầu tiên vào ngày 4/6 trên chuyến bay có số hiệu JL809. Nếu ghép các con số này lại sẽ tạo thành số 8964. Tổng của những con số này chính xác là 4689. Vào ngày 4/6/1989, quân đội Trung Cộng đã thảm sát các sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn. 4689 là con số cấm kỵ đối với Trung Cộng. Tuy nhiên, vào năm 2021, Nhật Bản không còn quan tâm đến những điều cấm kỵ của Trung Cộng.
Chỉ hơn một tháng sau, Nhật Bản tiếp tục gửi vaccine viện trợ lần thứ hai. Điều này cho thấy Nhật Bản không còn lo ngại về sự phản đối, kháng nghị và chỉ trích của Trung Cộng. Chỉ cần Nhật Bản cho rằng họ đang làm đúng, họ vẫn sẽ làm. Điều này cũng là một trong những biểu hiện cụ thể cho chiến lược của Nhật Bản đối với Đài Loan từ mơ hồ đến rõ ràng.
Thứ tư, Trung Cộng là đòn bẩy lớn nhất của Nhật Bản để giúp đỡ Đài Loan.
Trung Cộng có “nắm đấm rất lớn” với tổng cộng hơn 2 triệu quân đội, lại có bom nguyên tử, bom khinh khí và tên lửa xuyên lục địa. Đài Loan có “nắm đấm nhỏ” chỉ có đạn, không có vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Đài Loan là “một đất nước thiện lương, là hình mẫu của nền dân chủ và một đối tác đáng tin cậy” của thế giới.
Nếu không có sự gây hấn liên tục đến từ Trung Cộng, Đài Loan có thể là một trong những nơi hạnh phúc nhất trên thế giới. 23 triệu người ở Đài Loan được hưởng tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tránh được sự tự do trong sợ hãi, tự do trong khuôn khổ.
Tuy nhiên, “nắm đấm lớn” Trung Cộng đã bắt nạt “nắm đấm nhỏ” Đài Loan.
Trung Cộng nhận phải hậu quả “gậy ông đập lưng ông”. Trong bốn cuộc bỏ phiếu dân chủ của Đài Loan vào năm ngoái gồm: bầu cử tổng thống, bầu cử lập pháp, bãi miễn thị trưởng Cao Hùng và bầu cử thị trưởng Cao Hùng, người dân Đài Loan đã bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ Tiến bộ mà Trung Cộng kiên quyết phản đối. Trung Cộng đã trở thành “người hỗ trợ đắc lực nhất” giúp Thái Anh Văn đắc cử.
Trung Cộng đàn áp Đài Loan càng gay gắt, thì các quốc gia càng ủng hộ Đài Loan, càng phản cảm với Trung Cộng.
Trong khi Trung Cộng bằng mọi giá chèn ép Đài Loan, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan. giữa Nhật Bản và Đài Loan trở nên thân thiết và đạt mức tốt nhất trong suốt 40 năm qua.
Vào ngày 30/6, Trung tâm Nghiên cứu Pew của Hoa Kỳ đã công bố Kết quả cuộc thăm dò ý dân, cho thấy 88% người dân Nhật Bản có cái nhìn tiêu cực với Trung Cộng, chiếm tỷ lệ cao nhất trong số 17 nước phát triển. Thái độ của người dân Nhật Bản đối với Trung Cộng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyết định của chính phủ Nhật Bản.
Vào ngày 5/6, nhà lập pháp Đài Loan Vương Định Vũ, thành viên Đảng Dân chủ tiến bộ tuyên bố rằng, Trung Cộng coi việc phòng dịch, sức khỏe, tính mạng của con người như thủ đoạn chính trị. Điều này thật thấp kém và độc ác. Trước khi máy bay chở vaccine của Nhật chuẩn bị cất cánh, Bộ trưởng Trung Cộng tại Nhật Bản cũng đã đích thân đến Bộ Ngoại giao Nhật Bản phản đối, yêu cầu máy bay không được cất cánh. Người Nhật chắc hẳn rất phản cảm với điều này.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO ban đầu là một tổ chức phục vụ tất cả mọi người toàn thế giới. Chỉ vì Trung Cộng cố gắng ngăn chặn, 23 triệu người Đài Loan đã bị loại khỏi tấm lưới bảo vệ của WHO. Ngày 11/6, Thượng viện Nhật Bản đã nhất trí thông qua nghị quyết đề nghị tất cả các quốc gia đồng ý để Đài Loan tham gia WHO bắt đầu từ năm sau. Sau khi nghị quyết được thông qua, tất cả các thành viên đã đồng loạt đứng lên bày tỏ sự ủng hộ đối với Đài Loan. Đây là cảnh tượng rất hiếm gặp trong những năm gần đây.
Vào ngày 26/2, để gây áp lực lên Đảng Dân chủ tiến bộ, Trung Cộng tuyên bố sẽ ngừng nhập khẩu dứa Đài Loan từ ngày 1/3. Kết quả là, Nhật Bản, Úc, Hồng Kông và nhiều quốc gia khác đã tăng sản lượng dứa nhập khẩu và thân thiện với Đài Loan. Một người Nhật Bản tên là Yoshihisa Matsuda đã đăng một bài viết trên group của Facebook mang tên Chợ giao lưu Nhật- Đài, nói rằng dứa Đài Loan có giá 599 yên trên kệ siêu thị, đắt gấp đôi so với dứa Philippines chỉ có giá 299 yên, nhưng vẫn được bán ở Nhật Bản. Trong cuộc phỏng vấn, Yoshihisa Matsuda nói rằng vì anh rất xem thường việc Trung Cộng chèn ép Đài Loan, anh còn đặc biệt kêu gọi mọi ủng hộ dứa Đài Loan.
Vào ngày 28/4, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đăng một bức ảnh của mình với trái dứa Đài Loan trên Twitter và khen rằng nó trông rất ngon.
Trong những năm gần đây, Trung Cộng đã làm quá nhiều chuyện nực cười và “phản tác dụng”. Nhưng Trung Quốc chưa bao giờ tỉnh ngộ. Theo dự đoán, Trung Cộng sẽ tiếp tục làm nhiều điều tồi tệ hơn và đẩy nhiều nước hơn vào thế đối lập với nó.
Nhật Bản cung cấp vaccine cho Đài Loan là cố tình gây khó dễ cho Trung Cộng?
Một số người có thể hỏi: Trung Cộng luôn bày tỏ sẵn lòng cung cấp vaccine cho Đài Loan, tại sao Đài Loan không sử dụng vaccine của Trung Cộng? Đài Loan nhận vaccine của Nhật Bản và Nhật Bản tặng vaccine cho Đài Loan, là muốn gây khó dễ cho Trung Cộng?
Câu trả lời là không.
Khi Liên minh Châu Âu triển khai hộ chiếu vaccine vào ngày 1/7, vaccine do Trung Quốc sản xuất không nằm trong số vaccine được chấp thuận.
Theo trang phân tích dữ liệu Our World in Data có trụ sở tại Đại học Oxford cho thấy, khoảng 50% đến 68% dân số ở Seychelles, Chile, Bahrain và Mông Cổ đã được tiêm chủng đầy đủ, cao hơn cả Hoa Kỳ nhưng lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trên thế giới. Hầu hết vaccine mà bốn nước này sử dụng đến từ hai nhà sản xuất vaccine Trung Quốc là Sinopharm và CoronaVac.
Đặc biệt, Indonesia gần đây đã đẩy mạnh công tác tiêm phòng nhưng tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục tăng lên. Ngày 7/7, Indonesia đưa tin chỉ trong một ngày đã có hơn 1.000 người tử vong và số ca nhiễm đạt mức kỷ lục 34.379 người.
Chính phủ Indonesia đã nhận 104 triệu liều vaccine, trong đó hơn 90% là vaccine CoronaVac. Gần đây, nhà khoa học chính phụ trách thử nghiệm vaccine CoronaVac của Indonesia, bà Novilla, đã qua đời. Theo báo Kumparan news đưa tin, Novilla tử vong vì mắc COVID-19.
Reuters đưa tin, theo tổ chức Lapor COVID-19, kể từ tháng 6, có 131 nhân viên y tế ở Indonesia bị lây nhiễm và tử vong, hầu hết họ đã được tiêm vaccine CoronaVac.
Vậy 1.13 triệu liều vaccine do Nhật Bản viện trợ cho Đài Loan đại biểu cho điều gì? Đó là các giá trị phổ quát về tự do, dân chủ, pháp quyền và nhân quyền mà Nhật Bản và Đài Loan đang được hưởng. Nó cũng bao gồm sự tôn trọng con người, lòng biết ơn, đối xử tốt với mọi người, trân trọng cuộc sống và đề cao giá trị nhân văn.
Chỉ cần người dân Đài Loan vẫn theo đuổi các giá trị phổ quát, họ chắc chắn sẽ có thể nhận được nhiều sự giúp đỡ hơn.
Do thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: