Nhật Bản: Sử dụng rong biển để chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển carbon xanh
Để ứng phó với hiện tượng nóng lên toàn cầu, Nhật Bản đang tận dụng lợi thế của mình với tư cách là một quốc đảo để giảm phát thải khí nhà kính (CO2) thông qua carbon xanh. Hôm 12/04, chính phủ Nhật Bản đã báo cáo dữ liệu về khả năng hấp thụ carbon dioxide của thực vật biển cho Liên Hợp Quốc. Dữ liệu bao gồm các thảm tảo bẹ hấp thụ ước tính khoảng 350,000 tấn carbon dioxide (carbon xanh) từ khí quyển. Đây là báo cáo đầu tiên về vấn đề này trên thế giới.
Vào tháng Tư hàng năm, các quốc gia thành viên của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) báo cáo lượng phát thải và hấp thụ khí nhà kính của họ. Trong báo cáo năm nay, chính phủ Nhật Bản đã trình bày chi tiết cách các thảm rong biển hấp thụ carbon dioxide.
Theo Viện Giáo dục và Nghiên cứu Thủy sản Nhật Bản, cỏ biển và tảo biển hấp thụ các ion carbon dioxide và cacbonat trong đại dương thông qua quá trình quang hợp, và chuyển hóa chúng thành carbon hữu cơ, từ đó làm giảm lượng carbon dioxide trong đại dương.
Tảo biển, cỏ biển, rừng ngập mặn, đầm lầy ngập mặn và các loài thực vật khác ở vùng đất ngập nước ven biển hấp thụ và thu giữ carbon dioxide trong quá trình sinh trưởng. Cách các hệ sinh thái ven biển và hải dương thu giữ và lưu trữ carbon dioxide được gọi là “carbon xanh”.
Thành phố cảng Yokohama của Nhật Bản với đường bờ biển dài khoảng 140km, đã khai triển dự án carbon xanh vào đầu năm 2011. Vào ngày thứ Bảy gần đây, khoảng 100 tình nguyện viên đã tập trung trên một bãi biển nổi tiếng ở Yokohama. Họ lội trong vùng nước nông để trồng những đám cỏ lươn xanh nhạt dưới đáy biển. Đây là cảnh tượng được mô tả trong bản tin của Reuters vào ngày 23/04.
Kế hoạch ban đầu nhằm khôi phục hệ sinh thái tự nhiên dọc theo bờ biển phía nam Tokyo của thành phố giờ đây đã mang ý nghĩa quan trọng ở cấp độ quốc gia. Vào ngày 26/10/2020, chính phủ Nhật Bản công bố mục tiêu đạt mức trung hòa carbon và giảm lượng khí thải nhà kính xuống mức 0 vào năm 2050.
Báo cáo của Nhật Bản trình lên Liên hợp quốc cho thấy, lượng carbon xanh trong năm tài chính 2022 xấp xỉ 350,000 tấn, chỉ chiếm 0.03% trong tổng số 1,135 tỷ tấn khí nhà kính, tương đương lượng carbon dioxide mà Nhật Bản thải ra trong năm đó. Nhưng khi rừng Nhật Bản già đi, carbon xanh ngày càng trở nên quan trọng. Dữ liệu của chính phủ Nhật Bản cho thấy trong 5 năm tính đến năm 2022, lượng khí nhà kính được rừng hấp thụ đã giảm 17%.
Ngoài ra, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đang sử dụng hệ sinh thái carbon xanh để chống lại sự nóng lên toàn cầu và bảo vệ đa dạng sinh học. Một phương pháp mới để ước tính phạm vi thảm tảo bẹ ở các khu vực ven biển đã được phát triển với sự cộng tác của Viện Nghiên cứu Cảng và Phi trường Nhật Bản. Phương pháp này sử dụng hệ số hấp thụ do Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản (MAFF) Nhật Bản phát triển để thu được dữ liệu chính xác hơn.
Nhật Bản còn phát triển công nghệ xác định và quản lý thảm tảo bẹ với độ chính xác cao. Bằng cách sử dụng phi cơ không người lái được trang bị tia laser xanh, có thể đo được các khu vực tảo chưa được xác định trước đây. Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đang làm việc với các cơ quan liên quan để cải thiện độ chính xác của công nghệ này.