Nhật Bản liên tục phạm vào ‘lằn ranh đỏ’ của Trung Cộng về tình hình ở eo biển Đài Loan
Việc lần đầu tiên Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản nêu lên tầm quan trọng của sự ổn định ở Đài Loan khiến toàn thể dư luận chú ý. Các chuyên gia và học giả nói rằng việc Nhật Bản liên tục chạm vào lằn ranh đỏ của Trung Cộng là có lý do và không phải là hành động đơn độc.
Vào ngày 13/7, cuộc họp nội các Nhật Bản đã thông qua Sách trắng Quốc phòng phiên bản năm 2021. Trong đó nhắc đến việc Trung Cộng đơn phương thay đổi trật tự quốc tế, bành trướng lực lượng ở các khu vực lân cận, và mối quan hệ đối đầu ngày càng gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Sách trắng Quốc phòng cũng nhấn mạnh rằng Nhật Bản nên đoàn kết với các nước khác để tạo ra một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Sách trắng Quốc phòng của Nhật Bản cũng lần đầu tiên chỉ ra rằng sự ổn định ở Đài Loan là rất quan trọng đối với an ninh Nhật Bản và ổn định quốc tế.
Chuyên gia: Động thái của Nhật Bản không phải là một hành động đơn độc
Đối với hành động của Nhật Bản, Ông Trình Khâm Mô, Giám đốc Khoa Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Đạm Giang Đài Loan, nói với Epoch Times: “Thái độ của Nhật Bản đã thay đổi từ lâu. Dù là Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản hay Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trong các tuyên bố của họ đều đề cập rằng Nhật Bản quyết tâm duy trì sự ổn định trên eo biển Đài Loan.”
“Đặc biệt trong thông cáo báo chí của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Biden tại Hội nghị thượng đỉnh, đều nhấn mạnh đến sự ổn định của eo biển Đài Loan. Thậm chí, Phó Thủ tướng Nhật Bản còn gọi Đài Loan là một quốc gia. Nhật Bản liên tục giẫm lên cái gọi là lằn ranh đỏ của Trung Cộng. Còn Sách trắng Quốc phòng cuối cùng là tổng kết lại mà thôi.” Ông Trịnh chia sẻ.
Đổng Tư Tề, Phó giám đốc điều hành của Think tank Đài Loan, nói với Epoch Times: “Trước đây, Nhật Bản có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc (Trung Cộng), vì vậy Nhật Bản đã áp dụng một thái độ không rõ ràng về mặt chiến lược đối với tình hình ở eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh rằng hành động uy hiếp vũ lực và bành trướng ra nước ngoài của Trung Cộng đã làm tổn hại đến lợi ích quốc gia của Nhật Bản.
Đối với Nhật Bản, một khi lợi ích quốc gia bị đe dọa, thì đã phù hợp với định nghĩa về các sự cố xung quanh và có thể thực hiện quyền tự vệ.”
Ông Đổng cho biết, “Hiện tại dường như Nhật Bản và các nước dân chủ khác đã nhận thức mối nguy hại đến từ Trung Cộng. Vì vậy, tôi nghĩ hành động này của Nhật Bản (Sách trắng Quốc phòng) không phải chỉ có Nhật bản đang đơn độc hành động. Thay vào đó, Nhật Bản đã cân nhắc những thay đổi trong tình hình thế giới và thay đổi về địa chính trị, cũng như tham vọng bành trướng ra bên ngoài của Trung Cộng.”
Hành vi quân sự chống lại Đài Loan của Trung Cộng khiến các nước láng giềng đề phòng
Ngoài ra, ấn bản mới của Sách trắng Quốc phòng cho rằng, “cán cân quân sự giữa Trung Quốc (Trung Cộng) và Đài Loan đang chuyển dịch theo hướng có lợi cho Đài Loan”, Nhật Bản sẽ chăm chú quan sát những diễn biến trong tương lai, bao gồm cả việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan.
Sách trắng nói, “Trung Quốc (Trung Cộng) là một vấn đề an ninh” và đề cập rằng Trung Quốc (Trung Cộng) còn đang cố gắng có được công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực quân sự từ các nước khác, và “bảo vệ công nghệ cũng là một vấn đề quan trọng. “
Đổng Tư Tề nói: “Liệu sức mạnh quân sự trên eo biển có mất cân bằng và liệu việc bành trướng quân sự của Trung Cộng có tác động đến các nước láng giềng hay không là một vấn đề quan trọng mà Nhật Bản, Hoa Kỳ và thậm chí toàn bộ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương quan tâm.”
“Quan trọng hơn, Trung Cộng đã tiến hành ngày càng nhiều hoạt động quân sự chống lại Đài Loan, bao gồm dùng máy bay quân sự và tàu chiến gây hấn với Đài Loan, cũng như thực hiện các cuộc tập trận quanh eo biển Đài Loan. Điều này đã khiến các nước láng giềng trong đó có Nhật Bản trở nên cảnh giác trước sự bành trướng và khiêu khích bên ngoài của Trung Cộng”, Ông Đổng phân tích.
Ngày 16/7, Cục An toàn Hàng hải Trung Cộng ra thông báo cho biết từ ngày 16 đến ngày 21, quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành “sử dụng vũ khí thực tế” ở Biển Hoa Đông.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi tuyên bố, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ triển khai máy bay chiến đấu tàng hình F-35B tiên tiến nhất ở phía Tây Nam tỉnh Miyazaki, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ xung quanh quần đảo Nansei (quần đảo Ryukyu).
Người của Bộ Quốc phòng Nhật Bản trước đó đã nói báo Yomiuri Shimbum rằng F-35B được xác định là “con át chủ bài để phòng thủ các đảo ở xa” khi Trung Cộng tiếp tục tăng cường trang bị vũ khí.
Bìa sách trắng phản ánh chiến lược phòng thủ của Nhật Bản
So với Sách trắng Quốc phòng năm ngoái có bìa là hoa anh đào màu hồng, bìa năm nay đã hoàn toàn thay đổi và thay bằng hình ảnh của một chiến binh. Việc thay đổi trang bìa của Sách trắng Quốc phòng khiến dư luận bàn tán sôi nổi.
Ông Đổng cho biết, “Bìa của Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản năm nay là hình ảnh một samurai truyền thống đang cưỡi ngựa chiến. Chiến binh samurai dường như đang chuẩn bị chiến đấu, nhưng anh ấy không cầm bất kỳ vũ khí nào. Trên thực tế, điều này là để thể hiện niềm tin vào quyền tự vệ mà “Hiến pháp hòa bình” của Nhật Bản luôn đề cao.”
“Nói cách khác, khi xử lý các vấn đề đối ngoại, mặc dù Nhật Bản sẽ không chủ động tấn công bên ngoài, nhưng nếu nước ngoài đe dọa chủ quyền của họ, họ sẽ thực hiện quyền tự vệ. Bao gồm cả việc Nhật Bản đưa Đài Loan ra khỏi chương về Trung Quốc, và thêm vào phần quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để thảo luận. Điều này phản ánh rõ ràng thái độ chiến lược quốc phòng của Nhật Bản. “
Cục Giám sát và Tham mưu tổng hợp của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã công bố một video trên Twitter vào ngày 15, trong đó nói về mối quan hệ quân sự ngày càng sâu sắc với các nước đồng minh. Điều đáng chú ý nữa là, phần giới thiệu và nội dung của video đều bằng tiếng Trung giản thể.
Ý nghĩa đằng sau tuyên bố “không ủng hộ Đài Loan độc lập” của Hoa Kỳ
Gần đây, Điều phối viên các vấn đề Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Kurt Campbell đã phát biểu “Hoa Kỳ không ủng hộ Đài Loan độc lập”. Về vấn đề này, ông Đổng tin rằng, trên thực tế, cái gọi là Hoa Kỳ không ủng hộ Đài Loan độc lập phản ánh rằng Hoa Kỳ không muốn thay đổi hiện trạng trên eo biển Đài Loan. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng không thể tác động đến việc một chính quyền dân chủ xác định vị trí của quốc gia. “Tuy nhiên, kể cả không ủng hộ Đài Loan độc lập, ông ấy cũng không nói rằng Đài Loan không thể thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ dưới danh nghĩa Trung Hoa Dân Quốc.”
Còn ông Trịnh Khâm Mô giải thích rằng vì Đài Loan là một quốc gia tự do và dân chủ, nên sẽ không từ bỏ chủ quyền của mình. Nếu chấp nhận cái gọi là “một Trung Quốc”, có lẽ ứng cử viên Đài Loan đó sẽ không được cử tri thừa nhận một cách dễ dàng. Trên thực tế, cuộc bầu cử tổng thống của Thái Văn Anh đã phản ánh rõ ràng ý chí của người Đài Loan trong vấn đề này.
Do Lý Khung, Lạc Á, Lý Tịnh thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: