Nhật Bản, Đài Loan ưu tiên đồng sáng lập cơ sở sản xuất vi mạch bán dẫn nhằm ngăn chặn ĐCSTQ
Chính phủ Nhật Bản đã cung cấp ‘sự hỗ trợ táo bạo, chưa từng có’ cho cơ sở sản xuất vi mạch bán dẫn tân tiến này.
Công ty TNHH Sản xuất Vi mạch bán dẫn Đài Loan (TSMC), xưởng sản xuất lớn nhất thế giới thuộc loại này, đã chính thức hoàn thành việc xây dựng nhà máy cho công ty con Sản xuất Vi mạch bán dẫn Tân tiến Nhật Bản (JASM) tại tỉnh Kumamoto, đánh dấu một giai đoạn mới trong việc hồi sinh ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản và sự hợp tác Nhật Bản-Đài Loan trong bối cảnh chiến lược công nghệ cao của thị trường tự do được Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm chống lại Trung Quốc cộng sản.
Việc TSMC chia sẻ công nghệ vi mạch bán dẫn tân tiến nhất với nước láng giềng Nhật Bản sẽ giúp cải thiện vị thế địa chính trị của Đài Loan và Nhật Bản khi đối mặt với các mối đe dọa tiềm tàng từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Tổng thống vừa mới đắc cử của Đài Loan và cũng là phó tổng thống đương nhiệm, ông Lại Thanh Đức, đã ca ngợi việc xây dựng và vận hành nhà máy có ý nghĩa quan trọng trong việc làm sâu sắc thêm liên minh công nghiệp Đài Loan-Nhật Bản và cùng nhau tiến tới kỷ nguyên tiếp theo trong công nghệ máy điện toán.
Tại cuộc gặp trước đó với các thành viên Thượng viện Nhật Bản, ông Lại bày tỏ lòng biết ơn tới chính phủ Nhật Bản vì đã trợ giúp mạnh mẽ cho việc xây dựng JASM. Ông kỳ vọng hai bên sẽ hợp tác nhiều hơn nữa vì hòa bình và sự ổn định trong khu vực.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã gửi lời chúc mừng qua video tới lễ khánh thành JASM được tổ chức hôm 24/02, cho biết chính phủ Nhật Bản đã thực hiện “sự hỗ trợ táo bạo, chưa từng có cho việc phát triển cơ sở sản xuất trong nước cho vi mạch bán dẫn tân tiến.”
Nhà sáng lập TSMC Morris Chang, Chủ tịch Mark Liu, Giám đốc điều hành C.C. Wei, và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Ken Saito, cũng như các đối tác của TSMC là Sony và Denso Corporation, đã có mặt tại buổi lễ.
Trong bài diễn văn, ông Chang nhấn mạnh: “JASM sẽ cải thiện khả năng phục hồi của nguồn cung cấp vi mạch bán dẫn cho Nhật Bản và thế giới. Tôi tin và hy vọng rằng điều này cũng sẽ bắt đầu một thời kỳ phục hưng của ngành sản xuất vi mạch bán dẫn ở Nhật Bản.”
Ông kể lại rằng hồi năm 2019, TSMC đã được Nhật Bản mời đến xây dựng một nhà máy ở Nhật Bản, đến tháng 11/2021, dự án này chính thức được công bố. Quá trình xây dựng bắt đầu vào tháng 04/2022. Thông thường, phải mất ba năm để hoàn thành việc xây dựng một nhà máy như vậy, tuy nhiên nhà máy này đã được hoàn thành trong chưa đầy hai năm và sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt trong năm nay.
JASM có diện tích khoảng 2,292,000 feet vuông và dự kiến sẽ có công suất sản xuất hàng tháng là 55,000 tấm wafer.
Ông Kenichiro Yoshida, chủ tịch tập đoàn Sony, một đối tác đầu tư của JASM, nhớ lại rằng vào tháng 01/2021, ông đã gặp Giám đốc điều hành TSMC Ngụy Triết Gia (C.C. Wei) tại Đài Bắc và muốn nói chuyện về việc mua tấm wafer logic. Nhưng thật bất ngờ, ông Wei lại nói với ông rằng TSMC đang cân nhắc việc xây dựng nhà máy ở Nhật Bản và hy vọng Sony có thể trợ giúp. Do đó, chủ đề của hội nghị đã thay đổi từ đàm phán mua sắm sang phát triển dự án mới.
Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Ken Saito ca ngợi TSMC là “đối tác quan trọng nhất của Nhật Bản trong việc thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số và nhà máy Kumamoto của họ là nhân tố quan trọng giúp chúng ta có được nguồn mua ổn định các vi mạch bán dẫn logic tân tiến nhất, vô cùng cần thiết cho tương lai của các ngành công nghiệp ở Nhật Bản.”
Nhà máy bán dẫn của TSMC ở thị trấn Kikuyo, tỉnh Kumamoto, có tổng vốn đầu tư là 8.6 tỷ USD. Chính phủ Nhật Bản đã định vị chất bán dẫn là một nguyên liệu thiết yếu cho an ninh kinh tế của đất nước, và trợ cấp cho dự án này khoảng 3.17 tỷ USD.
Trong khi đó, TSMC đã quyết định xây dựng một nhà máy thứ hai; chính phủ Nhật Bản sẽ trợ cấp khoảng 4.87 tỷ USD. Các khoản trợ cấp xây dựng cho hai dự án này tổng cộng là 1 triệu 200 tỷ yen, hay khoảng 8 tỷ USD.
JASM được kỳ vọng sẽ là sự khởi đầu đối với Nhật Bản
Xã hội Nhật Bản đã thừa nhận rộng rãi rằng sự ra đời của JASM là cơ hội trăm năm có một đối với Kumamoto, một thành phố trên đảo Kyushu.
Sự gia nhập của JASM đã mang lại cơ hội kinh doanh lớn cho nền kinh tế địa phương, đồng thời việc xây dựng nhà ở và các cơ sở liên quan khác cũng đang phát triển mạnh mẽ.
Bắt đầu từ năm 2022, Đại học Kumamoto đã cung cấp các khóa học chuyên ngành bán dẫn và sẽ thành lập Trường Tích hợp Thông tin (Information Integration) mới trong năm nay để đào tạo nguồn nhân lực lành nghề cho ngành bán dẫn.
Ông Kazuto Suzuki, một giáo sư tại Đại học Tokyo, đã chia sẻ với truyền thông Nhật Bản rằng việc TSMC lựa chọn xây dựng một nhà máy ở Nhật Bản đang tạo ra một “Công nghiệp Bán dẫn 2.0.”
Ông Teruo Asamoto, một giáo sư tại Đại học Kyushu, tin rằng việc TSMC quyết định xây dựng một nhà máy ở Nhật Bản có nhiều cân nhắc, bao gồm lời mời từ chính phủ Nhật Bản; Kyushu là “Đảo Silicon” của Nhật Bản, với hàng ngàn công ty liên quan đến vi mạch bán dẫn; Kumamoto có nguồn nước dồi dào để sản xuất nước siêu tinh khiết dùng trong tiêu thụ công nghiệp; Nhật Bản lần lượt đứng thứ hai và thứ nhất thế giới về việc sản xuất vi mạch bán dẫn và cung ứng các vật liệu vi mạch bán dẫn.
Chiến lược ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản
Vào ngày 06/06/2023, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã công bố một phiên bản sửa đổi của Chiến lược Công nghiệp Kỹ thuật số và Bán dẫn, trong đó đưa ra định hướng chính sách tương lai cho các ngành liên quan đến bán dẫn của Nhật Bản.
Chiến lược này nâng vị thế của ngành công nghiệp bán dẫn và kỹ thuật số lên một mức mới, cho thấy trước những thay đổi to lớn trong bối cảnh toàn cầu, việc đối phó với các rủi ro an ninh kinh tế, số hóa, và xanh hóa ngày càng có ý nghĩa quan trọng.
Vào ngày 19/09/2023, Hiệp hội Vật lý Ứng dụng Nhật Bản đã tổ chức hội nghị chuyên đề về “Sự tái xuất hiện của Vi mạch bán dẫn Logic Tân tiến Nhật Bản” tại địa điểm nhà máy Kumamoto của TSMC. Hội thảo quy tụ những bộ óc xuất sắc nhất từ ngành công nghiệp bán dẫn, công nghiệp, học viện, và nghiên cứu cũng như người đứng đầu các cơ quan chính phủ liên quan tại Nhật Bản.
Tại cuộc họp, ông Toshiro Hiramoto, chủ tịch hiệp hội và là giáo sư tại Đại học Tokyo, cho biết ngoài nhà máy của TSMC tại Nhật Bản, Nhật Bản cũng đang hợp tác với Hoa Kỳ để phát triển vi mạch bán dẫn thế hệ tiếp theo và xây dựng một nhà máy ở Hokkaido.
Ông Hisashi Kanazashi, một quan chức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, cho rằng sự chậm trễ trong số hóa của Nhật Bản là một yếu tố làm suy giảm khả năng cạnh tranh công nghiệp của nước này, đồng thời cho biết điều này “đã khiến Nhật Bản phải trả giá 30 năm.” Ông nhấn mạnh công nghệ vi mạch bán dẫn tân tiến là chìa khóa quyết định khả năng cạnh tranh quốc tế.
Theo ông Kanazashi, kế hoạch hồi sinh ngành bán dẫn của Nhật Bản bao gồm ba bước: tăng tốc sản xuất vi mạch bán dẫn, thiết lập nền tảng cho hợp tác nghiên cứu và phát triển các chất bán dẫn thế hệ tiếp theo, và đặt nền móng cho một sự bùng nổ công nghệ chung trong tương lai với phần còn lại của thế giới.
Ngoài trợ cấp cho TSMC, chính phủ Nhật Bản còn trợ cấp tài chính cho một số công ty bán dẫn, như Rapidus, nhằm mục đích quốc gia hóa vi mạch bán dẫn tân tiến với tổng ngân sách 4 ngàn tỷ yên (khoảng 26.5 tỷ USD).
Các nhà quan sát chính trị lưu ý rằng chính phủ Nhật Bản đã tăng cường chiến lược liên minh với Đài Loan và Hoa Kỳ trong lĩnh vực bán dẫn vì lo ngại các mối đe dọa tiềm tàng từ ĐCSTQ trong ngành công nghệ.
Hạn chế xuất cảng công nghệ cao sang Trung Quốc
Vào tháng 10/2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố lệnh cấm xuất cảng sang Trung Quốc các vi mạch bán dẫn tân tiến dành cho siêu máy điện toán và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như các thiết bị, công nghệ cần thiết để chế tạo chúng.
Hơn nữa, Nhật Bản và Hà Lan, những nước có thế mạnh về thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn, được kêu gọi đồng bộ với Hoa Kỳ. Thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn trong lĩnh vực này hầu như chỉ giới hạn ở ba quốc gia này.
Chính phủ cựu Tổng thống Trump đã cảnh giác với việc hồi năm 2015, ĐCSTQ công bố sáng kiến “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” nhằm cắt đứt sự liên kết của ĐCSTQ trong các lĩnh vực công nghệ cao do viễn thông 5G dẫn đầu. Từ năm 2018 đến 2020, Hoa Kỳ đã đưa vào danh sách đen và áp đặt lệnh cấm vận đối với các công ty Trung Quốc như Công ty TNHH Mạch Tích hợp Kim Hoa (Jinhua), Huawei, và Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC).
Chính phủ Tổng thống Biden sau đó đã mở rộng các hạn chế nhằm cản trở dòng công nghệ sản xuất chất bán dẫn tân tiến sang Trung Quốc, vì việc này có nguy cơ bị chuyển sang công nghệ quân sự, đồng thời ngăn chặn sự phát triển của ĐCSTQ trong lĩnh vực này bằng mọi giá.
Nhật Bản và Hà Lan đang thực hiện hạn chế xuất cảng thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn sang Trung Quốc theo yêu cầu của Hoa Kỳ.
Quy mô kinh tế của thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn của Nhật Bản vào khoảng 30 tỷ USD, trong đó 10 tỷ USD đơn đặt hàng đến từ Trung Quốc, quốc gia mua nhiều nhất.
Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản đã chọn cách từ bỏ những lợi ích này và tham gia vào mục tiêu của các đồng minh là kiềm chế sự bành trướng của ĐCSTQ, với các quy định mới của chính phủ Nhật Bản là hạn chế xuất cảng thiết bị bán dẫn, có hiệu lực vào ngày 23/07/2023.
Minh Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times