Nhân sinh như mộng, hiểu được nhân sinh mới có thể thoát ra khỏi mộng
Cuộc sống vốn chẳng như ý, chúng ta đã từng đôi lần oán trách mọi thứ xung quanh, nhưng nào đâu biết rằng: Những ấm lạnh trên đường đời, hết thảy đều có nguyên do…
Ở một thị trấn nọ có ba chị em nhà họ Lý, vốn là những tài nữ nổi tiếng khắp vùng. Nhà họ Lý xưa kia từng là danh gia vọng tộc, rất nhiều đời làm quan đỗ đạt, công danh hiển hách. Đến nay, họ Lý mặc dù gia cảnh sa sút, không phát về đường nam tôn, nhưng lại được ông Trời ưu ái ban phúc về đường nữ tử. Cho nên, các đời con, cháu, chắt, chút, chít… nhà họ Lý, hễ là con gái thì đều nổi bật về cả sắc lẫn tài.
Lại nói về ba chị em nhà họ Lý. Có ông thầy tướng số từng xem mệnh cho ba chị em đã tấm tắc khen rằng: “Nhất thanh, nhị sắc, tam hình. Thật hiếm có ai vẹn toàn như ba tiểu thư của nhà này. Tương lai nếu không làm đến nhất phẩm phu nhân thì nhất định cũng được sống sung túc, hạnh phúc viên mãn đến cuối đời”. Người trong vùng ai cũng tin như vậy, ai cũng mong được kết thông gia với nhà họ Lý.
Thế nhưng, muôn kiếp nhân sinh này, nào có ai được viên mãn trọn đời? Đã được làm mẫu đơn kiêu sa phú quý, thì cũng phải làm phù dung sớm nở tối tàn. Có lúc làm đóa hoa mai băng tâm ngọc khiết, lại có lúc phải làm cánh hoa nhài vương sính bùn lầy.
Trong ba chị em nhà họ Lý, cô cả Yến Nhi nổi bật hơn cả về nhan sắc, nhưng lại kết hôn với anh học trò lưng hơi gù, thường bị người ta trêu là “Lưu tể tướng”. Cô hai Hằng Nhi đứng đầu về tài năng, nhưng sự nghiệp lại trắc trở, gia cảnh cũng lận đận, long đong. Cô út Hạnh Nhi hơn hẳn cả hai chị mình về đức hạnh, công việc thuận lợi, gia đình cũng ấm êm, nhưng vẻ mặt lại thường hay âu sầu, mang nỗi ưu tư không biết giãi bày cùng ai.
Người trong vùng không khỏi băn khoăn: “Ba cô con gái họ Lý, rõ ràng là bậc tài sắc, tài năng đủ cả, phẩm hạnh cũng không phải tầm thường, vậy vì sao lại tréo ngoe thế nhỉ? Không nhẽ thầy tướng xem nhầm hay sao?”.
Tam vị cô nương cũng hoài nghi về số mệnh của mình, thế là, cả ba chị em quyết định cùng khăn gói lên núi Yên Tử, nghe nói nơi ấy có vị cao nhân ẩn tu, có thể thấu tỏ huyền cơ, biết được quá khứ và tương lai. Tin chắc chỉ có vị cao nhân ấy mới có thể giải đáp thắc mắc của mình.
Nhưng như người ta nói: “Chân nhân bất lộ tướng”, làm thế nào để gặp được vị cao nhân trong truyền thuyết? Ba chị em tự nhủ: Thần chỉ nhìn nhân tâm, muốn được diện kiến cao nhân thì phải có lòng thành. Trên hành trình đằng đẵng, chị em chúng ta nguyện sẽ làm đủ 100 việc tốt, 100 việc thiện để bày tỏ thành tâm của mình. Ba vị cô nương vừa đi đường vừa hỏi thăm, ai chỉ đến ngóc ngách nào cũng không ngại khó, đến đâu họ cũng không quên giúp người, giúp đời để thực hiện ý nguyện của mình.
Một lần đi qua cây cầu đá xanh bắc ngang qua suối Giải Oan trên núi Yên Tử, ba chị em gặp một cụ già đang ngồi tựa đầu cầu, mắt nhìn xuống dòng nước đang chảy róc rách. Nước suối trong vắt, nhìn rõ cả nền đá và sỏi trắng dưới đáy. Cả áo và quần của cụ đều ướt hết cả. Thấy vậy, cô ba Hạnh Nhi liền hỏi: Cụ ơi, cụ làm sao thế? Áo ướt rất dễ cảm lạnh, để cháu đưa cụ vào trong chùa thay bộ khác, cụ nhé.
Cụ già nói: Cảm ơn cháu. Là vì ta lỡ chân đánh rơi chiếc giày xuống suối, ta toan lội xuống để lấy, nhưng nào ngờ đá trơn trượt nên mới té ngã ướt hết cả thế này. Cháu gái, cháu xuống lấy giày giúp ta nhé?
Hạnh Nhi không nề hà, lội xuống suối. Cô cũng mấy lần suýt té ngã, nhưng may suối khá nông nên không gặp khó khăn gì. Cuối cùng, Hạnh Nhi cũng mang được chiếc giày lên bờ.
Nhặt được chiếc giày lên rồi, cụ già lại nói: Chà, giày của ta rách hết cả rồi, làm sao đi được đây? Cháu gái, cháu có thể khâu lại giúp ta không?
Cô hai Hằng Nhi lên tiếng: Cụ để cháu làm cho, cháu đã làm rất nhiều nghề, nghề gì cháu cũng biết một chút. Khâu vá giày cháu cũng có thể làm được.
Rồi Hằng Nhi lấy kim khâu ra, chỉ một loáng đã khâu xong chiếc giày cho cụ già.
Nhưng lúc này cụ già vẫn chưa vừa ý, cụ nói: Ôi chao, giày khâu xong rồi, nhưng lại thành ra chật quá, ta không thể ních vừa được nữa. Cháu gái, cháu đã giúp thì nên giúp đến cùng. Hay là, cháu đổi cho ta mượn đôi giày của cháu vậy?
Lúc này, cô cả Yến Nhi nhanh nhảu lên tiếng: Vậy cụ đi tạm đôi giày này của cháu nhé? Cháu không giỏi leo núi, sợ không đủ sức đi đường xa nên đã chuẩn bị sẵn đôi giày thể thao này, có lẽ vừa với chân cụ đó ạ.
Cụ già gật đầu, liền giơ chân ra. Yến Nhi không hề tỏ ra khó chịu, lại kiên nhẫn cúi xuống xỏ giày cho cụ.
Mãi đến lúc này, cụ già mới mỉm cười tỏ ý hài lòng. Cụ nói: Các cháu gái, chẳng hay các cháu đến đây có việc gì?
Ba chị em liền lần lượt kể về hoàn cảnh của mình, họ cũng không quên nhờ cụ chỉ đường đến chỗ vị cao nhân ẩn dật kia.
Cụ già cười khà khà, nói: Không vội, không cần vội vàng như thế. Hôm nay ta gặp ba cháu ở đây, coi như cũng là có duyên. Vậy để ta kể cho ba cháu một câu chuyện này nhé.
Rồi cụ vuốt râu và chậm rãi kể: Năm xưa khi nhà Lý suy vong, con cháu dòng họ Lý đều bị giết cùng đuổi tận, rất nhiều người vì muốn bảo toàn tính mạng đã buộc phải đổi sang họ Nguyễn. Nhưng có một tướng quân nhà Lý lại kiên quyết giữ tiết tháo của mình, thề rằng thà chết chứ không thay tên đổi họ. Vị tướng quân này về sau đã bị bắt giam vào ngục, suýt chút nữa cũng phải chịu cảnh máu chảy đầu rơi.
Em gái của Lý tướng quân vì muốn cứu anh trai, nên đã cam tâm gả mình cho quan tri châu. Quan tri châu lúc ấy đã ngoài 50, nghe nói tiểu thư nhà họ Lý xinh đẹp tuyệt trần, thục nữ nhu mì, nên không khỏi động lòng, nhất mực đòi Lý gia phải đưa tiểu thư về dinh thự của mình.
Khi kiệu hồng của tiểu thư đi ngang qua hẻm núi, bất ngờ bị toán cướp chặn lại. Tướng cướp lúc ấy là một bậc trượng nghĩa, thường lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo. Thế nhưng hắn ta cũng là kẻ háo sắc, nên đã rắp tâm cướp lấy của hồi môn, lại cướp cả cô dâu đem về.
Tình huống lúc này thật vô cùng nan giải. Lý tướng quân đã bị giam trong ngục, lấy đâu ra binh lính bảo vệ tiểu thư đây? Cô dâu nếu rơi vào tay toán cướp thì không những không thể cứu anh trai, mà chính nàng sống cũng không bằng chết, sẽ phải nay đây mai đó, sống chui lủi cùng với những kẻ đầu trộm đuôi cướp. Vậy chẳng phải mọi công sức sẽ đổ sông đổ biển hay sao?
May mắn là, một tiều phu đi ngang qua đã “thấy chuyện bất bình chẳng tha”. Tiều phu hất bó củi xuống đất, rồi cõng cô dâu nhanh chân chạy vào rừng. Anh biết sức mình không thể đọ được, nhưng vì sống trong núi đã nhiều năm, anh thông thạo đường rừng, biết bí mật của từng hốc cây và vách đá để làm nơi trú ẩn, nhờ đó mới có thể qua mặt được toán cướp hung bạo này.
Lại nói, nhà họ Lý lạc mất cô dâu, của hồi môn cũng bị cướp sạch, nếu cứ như vậy e rằng tính mạng tướng quân khó mà giữ được. Trong lúc rối ren, họ buộc phải đưa nữ tỳ hầu cận bên cạnh tiểu thư để thế chỗ làm cô dâu, rồi lại vội vội vàng vàng rước kiệu hồng đi cho kịp giờ hỷ sự. Người nữ tỳ này có mối tình thầm kín với cận vệ của tiểu thư. Cực chẳng đã, cô đành phải nhắm mắt đưa chân làm thê thiếp nhà người ta. Trước lúc lên đường, cô chỉ kịp trao khăn tay cho chàng cận vệ và hẹn rằng: nếu có kiếp sau, nguyện sẽ trùng phùng.
Dứt lời, cụ già quay sang hỏi: Các cháu gái, các cháu nói xem, chuyện này nên giải quyết thế nào đây?
Ba chị em cùng nhìn nhau tỏ ý không hiểu. Cô út Hạnh Nhi nói: Cụ ơi, chuyện cụ kể rất hồi hộp gay cấn, nhưng cháu ngu dốt vẫn chưa hiểu ý cụ. Nếu không ngại, xin cụ giảng giải lại cho chúng cháu?
Cụ già vuốt chòm râu trắng: Không hiểu thì cũng đúng thôi! Mấy trăm năm đã trôi qua rồi, mấy người trong câu chuyện trên đều đã trở lại dương gian và đang đứng trước mặt lão đây. Chuyện vừa kể cũng chính là những gì đã xảy ra trong tiền kiếp, các cháu không nhớ sao?
Rồi cụ quay sang nhìn Hạnh Nhi và nói tiếp: Này cháu gái, người nữ tỳ đã có hẹn ước từ kiếp trước, vậy nên kiếp này được kết duyên cùng với chàng cận vệ năm xưa. Cháu nói xem, đạo lý có phải là vậy không? Đáng lẽ cháu nên vui mừng mới đúng, vì chồng cháu chính là người mà cháu đã đợi chờ mấy trăm năm mới có thể có được ngày hôm nay tái ngộ. Cháu không nên vì một bóng hình thời son trẻ mà vương vấn cả đời. Chàng trai trong mối tình đầu của cháu, chẳng qua chỉ là vị quan tri châu năm xưa, vì tưởng lầm cháu chính là tiểu thư nhà họ Lý nên mới nạp làm thê thiếp. Ông ta yêu chiều cháu hết mực, âu cũng là một món nợ tình, vậy nên, giữa hai người mới có mối tình ngắn ngủi trong kiếp này. Cho dù là tình yêu thời son trẻ, thì cũng chỉ là một đoạn duyên thoáng qua, không cần thiết phải đau khổ đến thế, nuối tiếc đến thế làm gì.
Lời cụ nói như đã gỡ bỏ tảng đá đè trong tâm cô ba. Cô hai Hằng Nhi bèn năn nỉ: Cụ ơi, xin cụ cho cháu biết duyên nợ của cháu là gì, mà vì sao kiếp này lại long đong lận đận như thế?
Cụ già cười ha ha, nói tiếp: Kiếp trước cháu là một nam nhi văn võ song tài. Nhưng vì ôm nỗi phẫn chí uất thời, ghét lũ tham quan đục nước béo cò giữa thời loạn lạc, nên mới dấy cờ nghĩa “cướp của kẻ giàu chia cho người nghèo”. Mặc dù chưa từng giết một mạng người, nhưng lại khiến nhiều gia đình lao đao khốn đốn, họ đều hận cháu, đều muốn đòi lại món nợ của mình. Kiếp này, mặc dù cháu rất thông minh, tài năng ưu tú, nhưng không thể thoát khỏi nợ nghiệp năm xưa. Trả nợ tình mới khó, chứ trả món nợ tiền tài vật chất thì có khó gì? Cháu hãy nhẫn nhịn vượt qua, trả hết rồi thì sẽ là một cảnh tượng khác.
Cô chị cả Yến Nhi từ nãy giờ vẫn chăm chú lắng nghe, đến lúc này mới lên tiếng: Thưa cụ, cháu không dám than trách gì, nhưng có một câu hỏi mà cháu không thể nào hiểu được, mong cụ giải khai nút thắt trong lòng cháu. Cháu luôn tự hỏi: Nhân duyên gì đẩy đưa giữa cháu với một người chồng có khiếm khuyết về hình thể, lại thêm đứa con trai ngỗ nghịch, khiến cháu vô cùng khổ tâm?
Cụ già đáp: Để ta kể thêm cho cháu nghe chuyện này: Trong lúc người tiều phu cõng cô dâu đi tìm chỗ nấp, Lý tiểu thư cứ tưởng anh ta cũng là một trong những tên cướp, nên đã rút bông hoa trên đầu, đập liên hồi vào lưng anh ta. Cháu nói xem, bông hoa trang điểm cô dâu làm bằng kim loại, vừa cứng vừa có cạnh sắc như thế, đập vào lưng thì sẽ thế nào đây? Anh chàng tiều phu áo rách rưới, bị đâm vào lưng máu chảy đầm đìa, vậy mà vẫn gắng gượng cứu cháu chạy thoát. Sau này biết anh ta là ân nhân của mình, cháu vừa thương vừa ân hận, nguyện sẽ dành cả kiếp sau để báo đáp ân tình. Nhưng vết thương trên lưng, anh ta phải mang nó cả đời, cháu nói xem phải trả thế nào đây?
Yến Nhi khẩn khoản: Cụ ơi, xin cụ khai thị…
Cụ già cười đáp: Khi hai người sắp bước vào cửa luân hồi, vị Thần chuyển sinh phán rằng: Con phải dùng tấm lưng mà trả nợ, rồi chỉ cho cháu thấy hình ảnh kiếp sau của mình trong gương. Anh chàng tiều phu đứng cạnh thấy vậy, liền giật mình thảng thốt: Không lẽ vợ ta phải mang tấm lưng gù hay sao? Nàng sao có thể ngẩng đầu mà sống được đây? Rồi anh ta quỳ xuống cầu xin: Con nguyện thay nàng chịu đựng nỗi khổ này, xin Thần hãy chấp thuận. Vậy là anh ta đã thay cháu mang tấm lưng gù này.
Cô cả Yến Nhi choáng váng khi biết được sự thật, bèn hỏi một câu cuối cùng: Vậy còn đứa con ngỗ nghịch của cháu?
Cụ già cười lớn: Đứa trẻ chính là Lý tướng quân – anh trai của cháu trong tiền kiếp. Vì để báo đáp ân cứu mạng, nên kiếp này đầu thai để báo ơn. Cháu đừng quá lo lắng, thằng bé kiếp trước là tướng quân, thế nên kiếp này hiếu động, tính cách mạnh mẽ, kiên cường, cũng rất có bản lĩnh. Cháu cứ trách nó nghịch ngợm bướng bỉnh, nhưng cháu biết không, chính con trai của cháu đã san sẻ đức bản thân để đổi lấy phúc phần cho gia đình. Nếu không, làm sao có được cơ ngơi như thế? Đây là thiện duyên chứ nào phải ác duyên, cháu chớ lo lắng làm gì.
Cụ già lại vuốt râu cười lớn, tiếng cụ vang vọng khắp núi rừng. Ba chị em như chợt nhận ra điều gì đó, vừa định nói cảm ơn thì cụ già đã biến mất tự khi nào. Lúc này cả ba chị em mới ngỡ ngàng nhận ra: Thì ra, cụ già chính là vị cao nhân trong truyền thuyết.
Ba chị em như cởi được nút thắt trong lòng, vui vẻ trở về nhà. Từ đó, mặc ai nói ngả nói nghiêng, cô cả Yến Nhi đã không còn ngượng ngùng đi bên cạnh vị “tể tướng Lưu gù” nữa. Ngược lại, cô càng thêm trân trọng và thầm cảm ơn người chồng đã vì cô mà nhận thiệt về mình. Cô hai Hằng Nhi cũng không còn trách cuộc sống bất công khi công việc làm ăn thất bát nữa, cô vui vẻ sống hết mình và cho đi hết mình. Còn cô ba Hạnh Nhi thì khuôn mặt bỗng trở nên rạng ngời, không còn tương tư hoài niệm, mà toàn tâm toàn ý chăm lo cho gia đình nhỏ của mình.
Cuộc sống vốn chẳng như ý, hẳn chúng ta đã từng đôi lần oán trách mọi thứ xung quanh mình. Nhưng nào đâu biết rằng: những ấm lạnh trên đường đời, hết thảy đều có nguyên do.
Có thể bạn cho rằng người đi bên cạnh mình không xứng đáng, nhưng phải chăng họ đã tự nguyện vì chúng ta mà nhận khiếm khuyết về mình?
Có thể bạn vẫn còn lưu luyến mối tình đầu trong quá khứ, nhưng phải chăng người đang ở bên cạnh mới thực sự là tình duyên bạn đã trông đợi cả ngàn năm?
Có thể bạn bất mãn với cuộc sống, cho rằng mọi thứ thật bất công, nhưng phải chăng đó chính là món nợ cần hoàn trả?
Có thể bạn không hài lòng với anh em, cha mẹ, con cái, đồng nghiệp, bạn bè… nhưng phải chăng, họ đã phải từ bỏ một phần phúc phận của bản thân, mới có được ngày hôm nay cùng bạn tương phùng?
Có thể bạn ngưỡng vọng công danh của người khác để rồi tủi phận khi nhìn lại bản thân… nhưng phải chăng, để có được hào quang ngày hôm nay, họ đã phải nỗ lực biết bao trong khi bạn đang tận hưởng hào quang của mình.
Có thể, và còn rất nhiều “có thể” khác nữa. Miễn là nợ thì đều phải trả, miễn là duyên, thì đều phải kết.
Người ta nói: “Nhân sinh như mộng”, hiểu được giấc mộng nhân sinh, sớm tỉnh giấc mơ, thoát ra khỏi mộng, thì mới có thể an nhiên tự tại, sống vui vẻ giữa cuộc đời.
Thảo Ngọc
Xem thêm: