Nhân sinh cảm ngộ: Chiếc bát vỡ một nửa
Chập tối, tôi tình cờ gặp người bạn ở vườn hoa. Cô ấy vừa đưa con gái nhỏ đi siêu thị mua sắm trở về, nhân tiện đặt đồ đạc bên cạnh bồn hoa rồi đứng trò chuyện với tôi.
Đám trẻ xúm vào cùng nhau chơi đùa rất vui vẻ. Chúng chạy đi chạy lại trong vườn hoa, bày ra đủ kiểu trò chơi. Chơi mệt rồi, thì tìm người lớn đòi uống nước. Bạn tôi không chuẩn bị nước, nhưng vừa mới mua đồ uống ở siêu thị mà bé rất thích, liền bảo con gái tự mình đi lấy. Cô bé nghe xong, vô cùng thích thú đi lục túi đồ.
Người lớn chúng tôi tiếp tục trò chuyện, nhưng đột nhiên nghe thấy “phịch” một tiếng. Cô bé khả năng là dùng lực quá mạnh, khi lôi đồ uống từ trong túi đựng ra đụng phải cái bát, cái bát rơi trên mặt đất, vỡ vụn. Đây rõ ràng là tai nạn bất ngờ xảy ra, nhưng cô bé vẫn bình tĩnh ngồi xuống kiểm tra chiếc bát vỡ. Một nửa trong đó đã bị vỡ thành mấy mảnh, nửa còn lại vẫn tương đối nguyên vẹn.
Người lớn nhìn thấy đều biết rằng chiếc bát như vậy là hoàn toàn bỏ đi rồi. Cô bé trái lại không hề cảm thấy tiếc nuối mà còn nói với mẹ “[Chiếc bát] vỡ một nửa rồi mẹ”. Ý tứ là nửa kia còn nguyên vẹn, vẫn có thể sử dụng được, cho nên rắc rối lần này không nghiêm trọng đến thế. Người bạn nghe xong cười thành tiếng, trả lời rằng mẹ biết rồi và bảo bé đừng chạm vào những mảnh bát vỡ nữa, tiếp tục chơi đi.
Đợi cô bé chạy đi rồi, người bạn của tôi thu nhặt mảnh vỡ và nói đùa vừa mua một cái bát ở siêu thị, còn chưa về đến nhà, không ngờ nó lại “vỡ một cách bình an” như vậy. Người lớn ít nhiều cũng cảm thấy có chút xót của khi những đồ mới mua về chưa kịp sử dụng đã vỡ hỏng rồi. Trẻ con không lo lắng nhiều như thế, đặc biệt là logic “vỡ mất một nửa” rất dễ thương.
Lời của cô bé là thật, cái bát quả thực chỉ vỡ một nửa. Trong mắt của cô bé, một nửa chiếc bát còn lại vẫn còn nguyên vẹn và có giá trị. Sự thật là nửa chiếc bát còn lại hoàn toàn vô dụng. Rất nhiều thứ giống như cái bát, nếu vỡ một nửa thì chỉ có thể bỏ đi. Cho nên, tưởng chừng như có sự khác biệt giữa hỏng một nửa và hỏng toàn bộ nhưng thực chất chúng đều có kết quả như nhau.
Trẻ con phân biệt được một nửa bị hỏng và một nửa nguyên vẹn. Từ góc nhìn của người lớn thì đây là cách nghĩ trẻ con. Tuy nhiên, khi người lớn không muốn đối mặt với thực tế hoặc khi tìm kiếm sự an ủi cho bản thân, họ cũng sẽ sử dụng logic tương tự để phân biệt phần lộn xộn với phần ổn định, nhấn mạnh rằng nửa còn lại vẫn còn hoàn hảo .v.v. Câu chuyện vui cô bé làm vỡ bát hôm nay lại đem đến cho người lớn chúng ta sự tỉnh ngộ.
Hạnh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ