Nhà tù nữ Cát Lâm: ‘Chính phủ có chỉ thị, đánh chết cũng không sao’
Khu nhà tù số 8 của Nhà tù Nữ Cát Lâm thường xuyên vọng ra tiếng kêu thất thanh, đó là tiếng kêu của các học viên Pháp Luân Công bị đánh đập, lăng mạ và tra tấn. Lý Minh Hoa từng hằn học nói với học viên: “Chính phủ có chỉ thị, đánh chết cũng không sao.”
Vào ngày 14/10/2020, bà Đảng Diễm Hoa 69 tuổi bị đưa đến phòng giam số 211 thuộc khu nhà tù số 8. Sáu tên tù nhân đã bao vây và ép bà phải “chuyển hóa” (tức là từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Đại Pháp). Họ xé quần lót của bà và đe dọa sẽ nhét bột ớt vào âm đạo của bà. Vào ban đêm, tên sát nhân Trịnh Đan cũng tham gia đánh hội đồng bà lão. Sau đó, bà bị lôi vào nhà vệ sinh và bị Trịnh Đan dội nước lạnh vào người, bắt bà ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ và mở cửa sổ. Bà Đảng không có quần áo lót, chỉ mặc một bộ quần áo lao động cải tạo bị dột ướt sũng và đôi chân trần, bà ngồi trên nền gạch rét căm căm, run rẩy từng hồi.
“Trại giam bạo lực” của nhà tù nữ tỉnh Cát Lâm
Khu nhà tù số 8 của Nhà tù nữ tỉnh Cát Lâm là khu đặc biệt để bức hại các học viên Pháp Luân Công. Nó được gọi là “trại giam giáo dục”, nhưng thực ra là một “trại giam bạo lực”. Báo Minh Huệ đã nhiều lần vạch trần các cuộc bức hại ở đó. Hiện tại, hơn một trăm học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ tại Khu nhà tù số 8.
1. Hợp sức bức hại: “giám sát đặc biệt”, “giúp cải tạo”
Các cai ngục ở khu nhà số 8 đã sử dụng biện pháp “giám sát đặc biệt” và “giúp cải tạo” để chuyển hoá học viên Pháp Luân Công. Trong đó, người “giám sát đặc biệt” là những phạm nhân theo dõi mọi hoạt động hàng ngày của học viên Pháp Luân Công. Người “giúp cải tại” là những người từng học Pháp Luân Công đã bị “chuyển hoá”. Thông thường, quản ngục sẽ đứng đầu đội “giám sát đặc biệt”, phụ trách tính điểm và đánh giá “thành tích” dựa trên mức độ hoàn thành “nhiệm vụ cải tạo”. Những tội phạm có thể dựa vào “thành tích” này để giảm án.
Đầu tiên, đội “giám sát đặc biệt” tra tấn thể xác các học viên Pháp Luân Công. Khi có học viên nào đó không thể chịu đựng được về tra tấn thể xác, đội “giúp giáo dục” sẽ lên sân khấu, không ngừng bịa đặt nói xấu, phỉ báng Pháp Luân Công, ép học viên viết thứ gọi là “ngũ thư”, “hối quá thư”, v.v… là được tính “chuyển hóa” thành công.
Những người “giám sát đặc biệt” hầu hết là những phạm nhân lãnh án dài hạn như giết người, buôn bán ma túy và lừa đảo, v.v. Một số phạm nhân dùng hối lộ để được vào nhà tù số 8 (do nhà tù số 8 không phải làm công việc lao động chân tay). Huyễn Diệu, từng trong đội “giám sát đặc biệt” khoe rằng, đội “giám sát đặc biệt” của nhà tù số 8 chính là cán bộ lãnh đạo trong nhà tù. Còn có người “giám sát đặc biệt” nói với học viên Pháp Luân Công rằng: Chúng tôi đại biểu cho chính phủ, còn các người là kẻ thù của chính phủ.
Đội “Giám sát đặc biệt” được cai ngục bảo vệ, muốn làm gì thì làm nấy. Họ thoả sức đánh đập, lăng mạ các học viên Pháp Luân Công, thường xuyên không cho họ ăn uống, không cho tắm rửa hoặc chỉ cho uống một chút nước mỗi ngày. Một số học viên Pháp Luân Công thậm chí không được phép chạm vào nước trong hơn một tháng, không cho ngủ hoặc ngủ rất ít, chỉ được đi vệ sinh 3 lần/ngày, giữ nguyên một tư thế từ sáng đến tối, không được nói chuyện với người khác, không được mặc áo bông vào mùa đông…
Năm 2019, Tiền Vĩ (cựu quản giáo) được chuyển đến nhà tù số 8. Dưới sự xúi giục của cô, bọn tội phạm và nghiện ma túy đã cật lực bức hại các học viên Pháp Luân Công: không cho ngủ, không cho ăn, không cho tắm rửa, nhốt vào phòng hẹp, v.v… Các tù nhân tên là Trịnh Đan, Tôn Anh Kiệt, Lý Kim Miểu, Hoa Huynh Anh, Lý Tiếu Lôi, v.v vô cùng hung ác, vào mùa đông họ dúi đầu các học viên Pháp Luân Công xuống nước, bắt họ đi chân trần, dội nước vào người họ.
Theo báo Minh Huệ đưa tin vào ngày 2/7/2021, khu nhà tù số 8 còn dùng thủ đoạn tra tấn khác là “ngồi trên ghế nhỏ”, “bắt ngồi trên chiếc ghế nhỏ, diện tích khoảng 20 cm2, mặt ghế nhô lên hình tam giác. Nhiều người bị ép ngồi trong thời gian dài khiến phần mông thối rữa. Còn có loại ghế hình chữ nhật cao khoảng 18 cm, dài 20 cm, rộng 15 cm. Học viên bị ép ngồi bất động, không được nhúc nhích, ăn cơm, uống nước cũng không được phép đứng dậy. Học viên cũng không được dùng tiền dẫn đến không có những đồ dùng cơ bản nhất hàng ngày như giấy vệ sinh, băng vệ sinh, v.v… Buộc học viên đi vệ sinh không có giấy vệ sinh để làm nhục họ. Phạm nhân còn lấy giấy vệ sinh làm thứ trao đổi bắt “chuyển hoá”.
Được biết, khắp ngóc ngách trong nhà tù đều có thiết bị giám sát, nhưng cảnh sát và cấp trên đều nhắm mắt làm ngơ và không bao giờ hỏi tội các phạm nhân đánh đập học viên Pháp Luân Công hàng ngày.
2. Bức hại mất hết lương tri
Trong khu nhà tù số 8 của Nhà tù Nữ tỉnh Cát Lâm, từ tầng một đến tầng bốn, mỗi tầng đều có một phòng giam chuyên biệt để “giải quyết những kẻ ngoan cố” và “chuyển hoá”. Quản ngục yêu cầu tra tấn, hành hạ các học viên luôn kiên định vào Pháp Luân Công, bắt viết “ngũ thư” kể cả khi họ không tự nguyện, bởi Bộ Tư pháp yêu cầu “tỷ lệ chuyển hoá” là 100%.
Kết quả là các học viên Pháp Luân Công bị tấn công liên tục cả ngày lẫn đêm, bị lăng mạ, đánh đập và bị ép xem video phỉ báng Pháp Luân Công. Sau khi xem xong, họ phải viết cái gọi là “trải nghiệm”. Có thông tin nói rằng đối với các học viên mới, ngay cả khi đã bị “chuyển hóa”, họ vẫn phải tham gia buổi kiểm điểm và đối thoại trực tiếp với các nhân viên ủy ban chính trị và pháp luật tỉnh.
Tại đại hội “kiểm điểm”, tất cả mọi người đều phải phát biểu, nếu không hợp tác sẽ bị ép ngồi trên ghế nhỏ bảy đến tám tiếng mỗi ngày, đến khi mông thối rữa mới thôi. Có học viên bị cấm đi vệ sinh đến nỗi đến ngày kinh nguyệt thì kinh huyết dày bằng ngón tay bám trên quần lót.
Giám đốc nhà tù, đội trưởng, ủy ban chính trị và pháp luật, phòng 610 và các quan chức từ Bộ công tố và tư pháp thường xuyên đến khu nhà tù để tiến hành “sát hạch”. Nếu các học viên Pháp Luân Công không hợp tác phỉ báng Đại Pháp, họ sẽ bị giam giữ trong “phòng hẹp”. “Phòng hẹp” là gian phòng nhỏ chừng vài mét vuông, màu đen, âm u và ẩm thấp. Những ai bị nhốt vào đây chỉ có thể ngồi trên nền bê tông lạnh lẽo, không có nước, chỉ có thể uống nước từ bồn tiểu khi quá khát. Có học viên bị nhốt trong hai tháng, toàn bộ cơ thể của họ trở nên biến dạng.
Bằng những hình thức tra tấn dã man này, một số học viên Pháp Luân Công sau khi trường kỳ bị dày vò cả về thể chất lẫn tinh thần, họ buộc phải từ bỏ “Chân, Thiện, Nhẫn”, buộc phải nói và viết những lời cam đoan trái lương tâm. Họ vô cùng thống khổ, đau đớn đến cạn kiệt sức sống, điêu đứng tâm hồn.
Mặt khác, khi một số tù nhân mới lần đầu tiên được sai làm “giám sát đặc biệt” và không muốn đánh đập hoặc lăng mạ học viên Pháp Luân Công người khác. Nhưng trong môi trường tà ác cực độ họ cũng dần thỏa hiệp.
Vào ngày 27/4/2021, Báo Minh Huệ đã đưa tin, tội phạm lừa đảo Trương Mẫn từng làm “giám sát đặc biệt” chia sẻ, cô đã bị tấm lòng thiện lương của học viên Pháp Luân Công cảm hóa, từng khóc trước mặt người học viên mà cô từng đánh đập và nói rằng, cô không hề muốn đối xử với Pháp Luân Công như vậy, nhưng cô không còn cách nào khác. Có một lần, cô nói với một phạm nhân mới rằng, học viên Pháp Luân Công là những người đức hạnh thực sự, còn chúng ta mới là những tù nhân thiếu đạo đức, nhưng chúng ta không làm như vậy thì làm sao có thể giảm án đây. Đáng buồn là, những ý nghĩ lương thiện của cô chẳng kéo dài được bao lâu.
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công là một vấn đề nhân quyền rất lớn
Tập đoàn Giang Trạch Dân của Trung Cộng đã phát động đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7/1999, và thực hiện ba “chính sách” nhằm bức hại Pháp Luân Công: “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể”. Các trại giam, trại lao động và nhà tù tại nhiều nơi ở Trung Quốc đã áp dụng hơn một trăm hình thức tra tấn đối với những học viên giữ vững chính tín, khiến một số lượng lớn học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết, tàn phế và điên loạn.
Theo thống kê chưa đầy đủ về cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Cát Lâm do báo Minh Huệ phát hành vào năm 2019, có tổng cộng 1,015 học viên Pháp Luân Công ở 9 huyện thuộc tỉnh Cát Lâm đã bị bức hại ở các mức độ khác nhau. Trong đó bao gồm 8 trường hợp tử vong và 72 trường hợp kết án bất hợp pháp, 19 người không đưa ra toà án xét xử, 582 người bị bắt cóc, 236 người bị quấy rối, 8 người bị cưỡng bức tẩy não, 9 người bị truy tố bất hợp pháp, 27 người bị bắt giữ bất hợp pháp, 6 người mất tích, 10 người bị cưỡng chế tha hương, 38 người bị bức hại kinh tế tổng số tiền lên đến 286,605 NDT.
Những hành động xấu xa xảy ra trong nhà tù nữ ở tỉnh Cát Lâm chỉ là một góc nhỏ đã được đưa ra ánh sáng. Sự cai trị của Trung Cộng đã tiếp tay cho ủy ban chính trị và pháp luật, Phòng 610, quản giáo, cai ngục, “giám sát đặc biệt” hành ác, làm nổi bật sự điên cuồng và phi lý của cuộc bức hại này.
Theo báo cáo từ Minh Huệ, trong nhà tù nữ Trùng Khánh, phòng hỗ trợ tư pháp và cán bộ trại giam, các giáo dưỡng, v.v cùng bắt tay “chuyển hoá” học viên. Họ thường nói với các học viên Pháp Luân Công: “Đánh chết cô thì đã sao? Ai sẽ làm chứng cho cô? Mất 80 tệ thiêu xác là xong chuyện.”
Vào tháng 5/2018, các luật sư nhân quyền Trung Quốc là Tạ Yến Ích và Tạ Dương Phát đã gửi một bức thư ngỏ đến Liên minh Châu Âu. Bức thư viết: “Vấn đề nhân quyền lớn nhất trên thế giới hiện nay là Trung Quốc và vấn đề nhân quyền lớn nhất ở Trung Quốc là Pháp Luân Công. Kể từ năm 1999, các học viên Pháp Luân Công luôn kiên định tín ngưỡng vào ‘Chân, Thiện và Nhẫn’ nhưng lại chịu sự bức hại tàn khốc. Vô số người đã bị kết án, cải tạo lao động, giam giữ bất hợp pháp, tử hình, hành xác, và thậm chí là mổ cướp nội tạng sống.” Cuộc đàn áp này đã làm biến dạng và hủy hoại nhân tính con người, khiến con người vô cảm với cái ác, bất nhân, hung tàn, khiến đạo đức xã hội suy đồi, đầu độc mọi người, mọi khía cạnh của xã hội và toàn thể nhân loại.
Vào ngày 20/7/2020, kỷ niệm 21 năm Trung Cộng bức hại Pháp Luân Công, Ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc đó là Pompeo đã ra tuyên bố và lên án Trung Cộng “chà đạp và ngược đãi một cách tàn độc” các học viên Pháp Luân Công, ông kêu gọi chính quyền Trung Cộng chấm dứt cuộc đàn áp. Tuyên bố viết: “Một lượng lớn bằng chứng cho thấy chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiếp tục đàn áp và chà đạp nhóm người này, bao gồm cả việc tra tấn dã man các học viên Pháp Luân Công và giam giữ hàng ngàn người”. “Cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công đã kéo dài 21 năm, nó đã quá dài và nó phải được dừng lại.”
Do Cao Tịnh, Đới An Tống thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times
Xem thêm: