Nhà nhập cảng LNG cảnh báo nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng toàn cầu được bán hết cho đến năm 2026
Nhật Bản, nhà nhập cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu, đang cảnh báo về việc nguồn cung sẽ ngày càng thắt chặt hơn trong những năm tới do thị trường cạnh tranh và thiếu đầu tư vào nguồn cung.
Một cuộc khảo sát về các công ty Nhật Bản của Bộ Thương mại nước này cho thấy các hợp đồng LNG dài hạn trước năm 2026 đều đã được bán hết. Theo Business Insider, các công ty nói với Bộ Thương mại rằng: “Môi trường thu mua LNG đã thay đổi hoàn toàn. Việc thu mua cũng có thể được cho là đang trong tình trạng chiến tranh.” Những hợp đồng như vậy thường là cơ sở cho nguồn cung cấp đáng tin cậy và giá cả ổn định trong nhiều năm.
Do đó, sự thiếu hụt các hợp đồng này có thể tạo tiền đề cho xung đột giữa các quốc gia để có được các chuyến hàng LNG. Việc không có hợp đồng dài hạn khiến người mua phụ thuộc vào thị trường giao ngay đắt đỏ và dễ biến động hơn, nơi giá đang giao dịch cao hơn khoảng ba lần so với giá của hợp đồng.
Theo ước tính của Nhóm các nhà nhập cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng quốc tế, vào năm ngoái, khoảng 30% tổng số lô hàng LNG được mua thông qua các thị trường giao ngay.
Tài liệu của Bộ Thương mại cũng chỉ ra rằng việc thiếu đầu tư vào các dự án xuất cảng LNG là một yếu tố sẽ khiến nguồn cung bị thắt chặt trong vài năm. Nếu đường ống cung cấp khí đốt của Nga sang Âu Châu bị chặn hoàn toàn, thì có thể gây thiếu hụt 7.6 triệu tấn LNG vào tháng 01/2025.
Ông Felix Booth của công ty Vortexa Ltd., giám đốc mảng LNG, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Natural Gas Intel: “Mùa đông năm 2023 đang hiện ra trong tâm trí của nhiều người mua, vì thị trường LNG dự kiến sẽ thắt chặt do nhu cầu ngày càng tăng của Âu Châu, khi công suất nhập cảng LNG tăng lên và Trung Quốc quay trở lại thị trường giao ngay.”
Tuy nhiên, cho đến năm tới, Nhật Bản đang ở một vị thế tốt để tự bảo vệ mình khỏi sự biến động của giá giao ngay nhờ vào một số lượng lớn các hợp đồng có kỳ hạn mà nước này đã ký.
Tác động của Liên minh Nga – Âu Châu
Bắt đầu từ năm tới, những khách hàng từ Âu Châu sẽ tăng nhập cảng LNG do căng thẳng của khu vực này với Moscow. Điều này sẽ chỉ làm nóng sự cạnh tranh trên thị trường LNG. Âu Châu đã và đang cạnh tranh với những khách hàng Á Châu để mua LNG từ Qatar.
Cho đến năm 2026—khi một số dự án ở Qatar và Hoa Kỳ sẽ đi vào hoạt động—khoảng cách toàn cầu giữa cung và cầu LNG dự kiến sẽ không giảm đi nhiều.
Một phân tích của Bloomberg dự đoán rằng nguồn cung LNG của Hoa Kỳ cho Âu Châu sẽ không tăng nhiều trong những năm tới. Để các thương nhân thấy Âu Châu là một thị trường hấp dẫn, Âu Châu phải thu hút khoảng 70% nguồn cung cấp LNG giao ngay trên thế giới, chủ yếu từ Mỹ.
Nhà phân tích Arun Toora nói với Bloomberg: “Nguồn cung của Mỹ đặc biệt nhạy cảm về giá và sẽ chảy vào thị trường cao cấp, thị trường mà Âu Châu sẽ duy trì trừ khi nhu cầu của Á Châu tăng lên.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times