Nhà ngoại giao Trung Quốc giơ ngón giữa lên-biến ngoại giao chiến lang thành ngoại giao lưu manh
Chính sách ngoại giao chiến lang của Bắc Kinh đã bị xem là mang tính xúc phạm hơn nữa sau việc ông Trương Hòa Thanh (Zhang Heqing), một nhà ngoại giao của Trung Cộng ở Pakistan, đã tweet một hình ảnh ngón tay giữa, thu hút sự chú ý toàn cầu.
Các cựu quan chức và các chuyên gia ngoại giao cho rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã phát triển thành “ngoại giao ngón giữa,” “ngoại giao lưu manh” hay “ngoại giao chó điên.”
Ông Trương Hòa Thanh, tham tán văn hóa tại đại sứ quán của Trung Cộng ở Pakistan, đã đăng hai bức ảnh qua Twitter hôm 23/06. Một bức cho thấy ngón tay cái giơ lên và bức còn lại cho thấy ngón giữa biểu thị sự xúc phạm. Các bức ảnh lần lượt được gắn nhãn “Đối đãi với bằng hữu, chúng ta đáng tin, đáng mến và đáng kính” và “Đối đãi với kẻ thù, chúng ta chính là những ‘chiến lang.”
Hiện đoạn tweet này đã bị xóa, nhưng ảnh chụp màn hình của nó đã lan truyền nhanh chóng trên mạng.
Ông Lưu Sỹ Kiệt (Liu Shih-chieh), cựu quan chức ngoại giao Đài Loan, đã viết lại bài đăng của ông Trương trên trang Facebook của mình với một bình luận châm biếm: “Phẩm chất của nhà ngoại giao chiến lang của Trung Quốc tồi tệ đến mức nào? Câu trả lời là hành động đưa ngón tay giữa của ông ta lên mạng xã hội… (Một người với) phẩm chất như vậy cũng có thể là nhà ngoại giao ư? Đùa tôi à? Ở một đất nước rộng lớn và đa dạng như Trung Quốc, không điều kỳ quái nào là không có. Những phẩm chất dân chủ của tôi thực sự hạn chế trí tưởng tượng của tôi mất rồi.”
Cuối dòng tweet của mình, ông Lưu nhấn mạnh rằng “ngoại giao chiến lang của Trung Cộng = ngoại giao ngón giữa.”
Điều đáng chú ý là chỉ ba tuần trước, khi lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình chủ trì một đại hội học tập tập thể của Bộ Chính trị về truyền thông quốc tế, ông đã nhấn mạnh rằng các cán bộ ngoại giao nên “chú ý đến giọng điệu,” “khiêm tốn nhã nhặn” và nỗ lực xây đắp một hình tượng của Trung Quốc “đáng tin, đáng mến và đáng kính.”
Hai tuần sau, hôm 15/06, ông Lô Sa Dã (Lu Shaye), đại sứ của Trung Cộng tại Pháp tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với tờ L’Opinion của Pháp rằng “chiến lang” là một thuật ngữ tích cực ở Trung Quốc dùng để chỉ một chiến binh anh dũng đã chiến đấu cho đất nước của mình, và rằng ông cảm thấy vinh dự khi được mệnh danh là một chiến lang.
Trước đó, trong một tweet hôm 19/03, ông Lô đã gọi ông Antoine Bondaz, một học giả nổi tiếng người Pháp và thường xuyên chỉ trích Trung Cộng, là “một tên lưu manh nhãi nhép.” Những lời lẽ hung hăng của ông Lô đã khiến dư luận Pháp choáng váng và gây ra sự lên án dữ dội, dẫn đến việc Bộ Ngoại giao Pháp đã triệu tập ông này ít nhất bốn lần.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên ông Trương Hòa Thanh gây tranh cãi trên Twitter.
Hôm 12/04, tài khoản Twitter của ông ta đã bị cấm vì “vi phạm quy tắc” khi liên tục đăng hoặc chia sẻ các thông điệp biện minh cho những lạm dụng nhân quyền của Trung Cộng ở Tân Cương, trong đó có bài diễn văn của ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), một “chiến lang” trứ danh của Trung Cộng.
Các chuyên gia: Gọi đó là ‘ngoại giao lưu manh’ thì thích đáng hơn
Ông Trịnh Trung Nguyên (Zheng Zhongyuan), chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc và là nhà bình luận các vấn đề thời sự, đã nhắc nhở cộng đồng quốc tế rằng từ “chiến lang” là một thuật ngữ trong văn hóa đảng Trung Cộng. Đó là một từ ngữ tích cực trong hệ thống diễn ngôn của Trung Cộng.
Ông khuyên các hãng thông tấn quốc tế nên sử dụng thuật ngữ “ngoại giao lưu manh” hoặc “ngoại giao chó điên” bất cứ lúc nào có thể để mô tả chính sách ngoại giao hung hăng của Trung Cộng, bởi người dân Trung Quốc, dưới sự tẩy não dữ dội, có thể không cảm thấy rằng “chiến lang” là một sự xúc phạm.
Đối với dòng tweet về ngón giữa của ông Trương Hòa Thanh cùng lời tuyên bố rằng “khi đối đãi với kẻ thù, chúng ta chính là những chiến lang,” thì ông Trịnh tin rằng đây là sự đáp lại và diễn giải các chỉ thị mới nhất của ông Tập Cận Bình, bởi các nhà ngoại giao Trung Cộng, hoặc bởi những ảnh hưởng [mà chỉ thị này] gây ra cho họ.
Ông Trịnh nói với đài phát thanh Sound of Hope rằng “thực ra ông Trương Hòa Thanh đang nói ra quan điểm thực sự của mình và điều đó phù hợp với ngôn từ của Trung Cộng, bởi vì đó là là những gì mà ông Tập muốn nói đến. Khi Trung Cộng đến thế hệ của ông Tập, họ tin là đất nước họ đã lợi hại thật rồi.”
Theo phân tích của ông Trịnh, cách gọi của ông Tập để trở nên “đáng mến” không phải là từ bỏ lập trường chiến đấu cứng rắn của mình, mà là một thủ đoạn tiếp cận ‘mặt trận thống nhất’ để biến nhiều người hơn thành “bằng hữu” trước khi giáng đòn khốc liệt vào cái gọi là kẻ thù. Điều này là do bản chất “đấu tranh” của văn hóa đảng Trung Cộng. Ngay cả trong quá khứ khi ông Đặng Tiểu Bình nói “ẩn mình chờ thời,” đó là một kế hoãn binh trước khi Trung Cộng hiện ra “hình hài của quỷ” mà thôi.
Ông Lý Yến Minh (Li Yanming), học giả về Trung Quốc và là nhà bình luận chính trị đương đại ở Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng, “Chính sách đối ngoại của Trung Cộng là cây gậy và củ cà rốt. Khi thủ đoạn tiếp cận ‘mặt trận thống nhất’ không hiệu quả, đảng này sẽ hành xử như một kẻ lưu manh. Thế giới bên ngoài gọi chính sách ngoại giao của Trung Cộng là ngoại giao chiến lang, điều này đã dung dưỡng cái gọi là ‘dũng khí’ dã man của chính quyền này. Đánh giá từ hành động lưu manh của ông Trương Hòa Thanh, có lẽ gọi đó là ngoại giao lưu manh thì thích hợp hơn.”
Do Winnie Han thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Mời quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: