Nhà ngoại giao hàng đầu Hoa Kỳ về Á Châu thăm bốn nước ASEAN
HOA THỊNH ĐỐN — Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ về Đông Á sẽ thăm Indonesia, Malaysia, Singapore, và Thái Lan vào cuối tuần này sau khi Tổng thống Joe Biden cam kết tăng cường hợp tác với khu vực Đông Nam Á, một chiến trường quan trọng trong cuộc tranh giành ảnh hưởng của ông với Trung Quốc.
Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao cho biết ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng đặc trách khu vực Đông Á, sẽ có mặt tại khu vực này từ thứ Bảy (27/11) cho đến ngày 04/12.
Ông Kritenbrink sẽ “tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong việc hợp tác … để giải quyết những thách thức toàn cầu và khu vực nghiêm trọng nhất”, đồng thời nhấn mạnh sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với “một trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” tuyên bố cho biết khi đề cập đến việc chính quyền Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành vi gây hấn trong khu vực, điều mà Hoa Thịnh Đốn đã nhiều lần lên án là “cưỡng bách”.
Tuyên bố này cho biết ông Kritenbrink sẽ thảo luận về “những thách thức” về nhân quyền, tìm cách tăng cường hợp tác về biến đổi khí hậu và thảo luận về các cách thức để gây áp lực buộc chính phủ quân đội Miến Điện (còn được gọi là Myanmar) ngừng bạo lực và cho phép việc tiếp cận nhân đạo không bị cản trở.
Ông cũng sẽ thảo luận về cách tăng cường các mối quan hệ kinh tế và “xây dựng lại tốt hơn” từ đại dịch COVID-19, tuyên bố nêu rõ.
Tổng thống Biden đã cùng các nhà lãnh đạo Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tham dự một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào tháng trước, lần đầu tiên sau 4 năm Hoa Thịnh Đốn đã làm việc ở cấp cao nhất với khối này.
Ông cam kết sát cánh cùng ASEAN trong việc bảo vệ tự do trên biển và dân chủ, đồng thời cho biết Hoa Thịnh Đốn sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán phát triển một khuôn khổ kinh tế khu vực.
Một nhà ngoại giao Á Châu cho biết các nước trong khu vực vẫn đang chờ đợi các chi tiết của kế hoạch này. Ông thừa nhận việc Tổng thống Biden tập trung vào tái thiết sức mạnh kinh tế trong nước là một yếu tố hạn chế.
Ông Daniel Russel, người tiền nhiệm của ông Kritenbrink dưới thời chính phủ Tổng thống Obama, cho biết một câu hỏi quan trọng đối với ASEAN là “liệu Hoa Kỳ có thực sự có một chiến lược kinh tế khả thi” cho khu vực này hay không.
Ông nói: “Cam kết thảo luận về các phương thức để Hoa Kỳ tăng cường hợp tác kinh tế với các nước ASEAN thuận tai họ, ngay cả khi họ có thể bị choáng ngợp bởi ‘khuôn khổ kinh tế này’ cho đến nay.”
Thông báo về chuyến đi của ông Kritenbrink đã nhấn mạnh “vai trò trung tâm” của 10 thành viên ASEAN đối với các vấn đề trong khu vực, nhưng ông sẽ không thăm chủ tịch mới của khối, Campuchia, vốn đã xích lại gần với chính quyền Trung Quốc hơn bao giờ hết.
Nhà ngoại giao Á Châu nói trên và ông Russel cho biết ông Kritenbrink có khả năng sẽ thăm các nước ASEAN khác trong tương lai gần và ông Russel lưu ý rằng thủ đô Jakarta của Indonesia là nơi đặt trụ sở thường trực của khối ASEAN.
“Mặc dù việc thảo luận về nghị trình của ASEAN với chủ tịch năm 2022 của khối này là rất quan trọng, nhưng việc thăm trụ sở ASEAN ở Jakarta sẽ giúp ông ấy có cơ hội bắt đầu cuộc trò chuyện đó,” ông Russel nói.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: