Nhà kinh tế học Nouriel Roubini: ‘Đỉnh điểm của tất cả các cuộc khủng hoảng kinh tế đang cận kề’
Nhà kinh tế Nouriel Roubini đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng kinh tế sắp xảy ra trong nền kinh tế toàn cầu mà các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ không thể giải quyết được.
Trong một bài báo được phát hành hôm 02/12 cho Project Syndicate, ông Roubini đã cảnh báo rằng sau sự bùng nổ của đòn bẩy, vay nợ, và thâm hụt trong những thập niên gần đây, nền kinh tế thế giới hiện đang tiến tới một “điểm hợp lưu vô tiền khoáng hậu” của các cuộc khủng hoảng tài chính, nợ, và kinh tế. Các gia đình, tập đoàn, tổ chức tài chính, chính phủ, các kế hoạch lương hưu, v.v. hiện đang phải gánh những khoản nợ rất lớn vốn sẽ chỉ “tiếp tục tăng lên khi xã hội già đi.”
Tổng nợ của khu vực tư nhân và khu vực công tính theo tỷ trọng GDP đã tăng lên 350% vào năm 2021 so với mức 200% vào năm 1999. Ở Hoa Kỳ, tỷ lệ này là 420%, trong khi ở Trung Quốc là 330%.
Tỷ lệ nợ không bền vững đã biến nhiều người đi vay như các ngân hàng, tập đoàn, gia đình, quốc gia, ngân hàng ngầm (tài chính dựa trên thị trường), và chính phủ thành “những thây ma vỡ nợ.” Lãi suất thấp trong những năm qua đã giúp duy trì xu hướng này.
Tuy nhiên, với tình trạng lạm phát tăng cao, ông Roubini nhận xét, “Bình minh tài chính của Tử thi” (Dawn of the Dead) đã tắt. Khi Fed tăng lãi suất để chống lạm phát, các “thây ma” đang phải đối mặt với sự gia tăng chóng mặt của chi phí trả nợ. Ông Roubini là cố vấn cao cấp cho Bộ trưởng Ngân khố thời Tổng thống Obama, ông Timothy Geithner.
Kể từ tháng Một, Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất chuẩn từ 0.25% lên khoảng từ 3.75% đến 4%.
Nhà kinh tế này viết: “Đối với nhiều người, điều này thể hiện một cơn chấn động mạnh mẽ, bởi vì lạm phát cũng đang làm xói mòn thu nhập thực tế của gia đình và làm giảm giá trị tài sản của gia đình, chẳng hạn như nhà cửa và cổ phiếu.”
“Điều tương tự cũng xảy ra đối với các tập đoàn, tổ chức tài chính, và chính phủ yếu kém, và sử dụng quá nhiều đòn bẩy: họ phải đối mặt với chi phí đi vay tăng mạnh, thu nhập và doanh thu giảm, đồng thời giảm giá trị tài sản.”
Khủng hoảng kinh tế
Những diễn biến này đang diễn ra trong bối cảnh lạm phát đình trệ quay trở lại, một tình trạng tăng trưởng kinh tế yếu và lạm phát cao. Không giống như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc khủng hoảng COVID-19, việc cứu trợ các tổ chức tư nhân và công cộng sẽ chỉ “đổ thêm dầu vào ngọn lửa lạm phát.”
Điều này có nghĩa là sẽ có một “cuộc suy thoái sâu, kéo dài” bên cạnh một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Ông Roubini cảnh báo: “Đỉnh điểm của tất cả các cuộc khủng hoảng kinh tế đang cận kề, và các nhà hoạch định chính sách sẽ không thể làm gì để giải quyết vấn đề này.”
Một dự đoán tiêu cực tương tự đối với nền kinh tế Mỹ cũng được giáo sư Harvard Larry Summers đưa ra trong một cuộc phỏng vấn gần đây với hãng thông tấn Bloomberg.
Ông Summers, người cũng phụng sự dưới thời ông Obama, chỉ ra rằng việc giảm lạm phát mà không gây ra một cuộc suy thoái sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều bởi vì đến một thời điểm nhất định, người tiêu dùng sẽ cạn kiệt tiền tiết kiệm của họ, vốn sẽ làm giảm sức tiêu thụ. Điều này có nghĩa là suy thoái kinh tế sẽ “khá mạnh.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times