Nhà kinh tế bác bỏ tuyên bố của Tòa Bạch Ốc về hiện tượng ‘Shrinkflation’
Trong khi đó, các nhà kinh tế khác khẳng định lòng tham của doanh nghiệp đang làm tăng áp lực lạm phát.
Khi lạm phát tăng tốc trở lại và áp lực giá vẫn duy trì ở mức cao, Tổng thống Joe Biden và chính phủ của ông đã nhiều lần tuyên bố rằng sự kết hợp giữa việc giảm kích thước sản phẩm nhưng vẫn giữ nguyên giá bán (shrinkflation) và lạm phát do lòng tham (greedflation) đã góp phần gây ra những thách thức lạm phát dai dẳng ngày nay. Tuy nhiên, một nhà kinh tế cho biết những phương thức mà khu vực tư nhân đang phản ứng với lạm phát không phải là yếu tố góp phần gây ra lạm phát.
Thuật ngữ “shrinkflation” được định nghĩa là việc giảm kích thước hoặc khối lượng sản phẩm nhưng vẫn giữ nguyên giá bán. Hiện tượng này đã phổ biến trên khắp thị trường Hoa Kỳ, dù ở quy mô của một gói khoai tây chiên hay số lượng tờ giấy trong một cuộn giấy vệ sinh.
Lạm phát do lòng tham là khái niệm cho rằng các doanh nghiệp đang tăng giá hàng hóa và dịch vụ của mình nhiều hơn mức tăng chi phí.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều người Mỹ tin rằng những hoạt động này đang gây ra lạm phát.
Bà Allison Schrager, một nhà kinh tế và là thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Manhattan, không đồng ý rằng tình hình lạm phát có thể được quy cho các tập đoàn tham lam.
“Đầu tiên, không có lý do gì để nghĩ rằng các tập đoàn đột nhiên trở nên tham lam,” bà Schrager nói với Ủy ban Ngân hàng Thượng viện tại phiên điều trần hôm 02/05. “Việc tăng giá là điều đương nhiên khi phải đối mặt với thời kỳ nhu cầu cao. Điều này đôi khi có vẻ không công bằng, nhưng nó là một phần quan trọng trong hoạt động của thị trường.”
Bà liệt kê hai nguyên nhân chính khiến giá tăng cao.
“Đầu tiên là nhu cầu cao: chi tiêu tiêu dùng ngày càng tăng, thị trường lao động tiếp tục phát triển, còn GDP thì tăng trưởng.”
“Và giá có xu hướng tăng nhiều hơn khi nhu cầu cao,” bà Schrager lưu ý, “Việc điều chỉnh giá này là cách thị trường phân phối hàng hóa.”
Điều thứ hai là chính sách tài khóa vẫn còn nới lỏng khi chính phủ chi tiêu nhiều mà không có bất kỳ dấu hiệu kiềm chế nào.
“Trong khi chính sách tiền tệ trở nên hạn chế hơn, thì chính sách tài khóa vẫn rất nới lỏng, với việc tiếp tục chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, trợ cấp cho các ngành như sản xuất vi mạch, năng lượng sạch, và xóa nợ cho sinh viên,” bà nói thêm. “Chính sách nới lỏng này khiến tình trạng lạm phát càng thêm nghiêm trọng do làm tăng thêm nhu cầu cho nền kinh tế và tăng thêm nợ.”
Theo Tiến sĩ Ali Bustamante, một nhà kinh tế tại Đại học New Orleans, lạm phát đang được thúc đẩy “bởi hoạt động trục lợi của doanh nghiệp liên quan đến quyền định giá của các doanh nghiệp.”
“Có bằng chứng cho thấy các tập đoàn lớn đang tiến hành các chiến lược định giá góp phần đẩy giá lên cao,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng việc tăng giá và “các chiến lược định giá phức tạp” khác đang khiến áp lực lạm phát càng thêm nghiêm trọng.
Ông Bilal Baydoun, giám đốc chính sách và nghiên cứu tại Groundwork Collaborative, cho biết trong một số trường hợp, giảm kích thước sản phẩm có thể chiếm một tỷ lệ đáng kể trong sự tăng giá mà người tiêu dùng phải đối mặt.
Ông nói với các nhà lập pháp: “Thật vậy, các khoản lợi nhuận lớn ngày càng đến từ những gói hàng có kích cỡ nhỏ hơn.”
Nhưng trong khi một số chuyên gia khuyến nghị các công cụ của chính phủ có thể giúp kiềm chế xu hướng giảm kích thước sản phẩm, thì một nhóm nhà kinh tế cho rằng những hành động này sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi.
“Trong môi trường lạm phát, các công ty phải quyết định nên tăng giá bán hay cắt giảm kích thước sản phẩm,” nhà kinh tế tại Viện Cato Ryan Bourne viết hồi tháng Ba. “Lệnh cấm đối với ‘giảm kích thước sản phẩm’ thực sự là một lệnh cấm nhằm làm tăng giá gói hàng, thay vì theo đuổi một gói giá theo quy mô mà một số người tiêu dùng (đặc biệt là người có thu nhập thấp) có thể ưa chuộng hơn.”
Cuộc chiến chống giảm kích thước sản phẩm
Hiện tượng giảm kích thước sản phẩm gần đây đã thu hút sự chú ý của cả nước, khiến ngay cả Cookie Monster (Quái Vật Bánh Quy, nhân vật trong phim hoạt hình Sesame Street) cũng tham gia vào cuộc thảo luận.
Tài khoản Cookie Monster viết trên X (trước đây là Twitter), “Tôi ghét giảm kích thước sản phẩm! Bánh quy của tôi đang ngày càng nhỏ hơn.”
Trong cuối tuần diễn ra sự kiện Super Bowl, Tổng thống Biden đã lên án tình trạng giảm kích thước sản phẩm và đổ lỗi cho các tập đoàn về những số liệu lạm phát trên xu hướng đang ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Tổng thống Biden nói trong bài diễn văn Thông điệp Liên bang, “Đó được gọi là giảm kích thước sản phẩm. Quý vị bị tính số tiền tương tự, và quý vị nhận được, tôi không biết là bao nhiêu, ít hơn 10% so với thanh Snickers ban đầu.”
Ngoài ra, Tòa Bạch Ốc gần đây đã khai triển nhóm làm việc chung của Bộ Tư pháp-Ủy ban Thương mại Liên bang để chống lại tình trạng “định giá không công bằng và bất hợp pháp” trên thị trường.
Về phần nhánh lập pháp, các nhà lập pháp Đảng Dân Chủ ở cả hai viện đã giới thiệu Đạo luật Ngăn chặn Giảm kích thước sản phẩm để hướng dẫn các cơ quan quản lý “ban hành các quy định để xác định giảm kích thước sản phẩm là một hành động hoặc hành vi không công bằng hoặc lừa đảo.”
“Từ Doritos đến Oreo cho đến thậm chí cả cuộn giấy vệ sinh, các công ty lớn đang cung cấp cho quý vị ít hơn nhưng lại đòi hỏi mức giá tương đương hoặc cao hơn,” Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (Dân Chủ-Massachusetts) cho biết. “Các giám đốc điều hành công ty nghĩ rằng chúng ta sẽ không nhận ra, nhưng họ đã nhầm.”
Đảng Cộng Hòa cho rằng chính phủ đương nhiệm đang lấy giảm kích thước sản phẩm như một cái cớ để che đậy các chính sách của Tổng thống Biden mà họ khẳng định đã dẫn đến lạm phát.
Dân biểu Elise Stefanik (Cộng Hòa-New York) gọi những tuyên bố về giảm kích thước sản phẩm trước Super Bowl của Tổng thống Biden là thực sự gây “xúc phạm.”
Bà Stefanik viết trên X, “Thật là xúc phạm khi Joe Biden và Tòa Bạch Ốc cho rằng người dân Mỹ là những kẻ ngốc. Chỉ có những người viết tốc ký nịnh nọt trên các hãng truyền thông chính thống mới hùa theo nỗ lực tuyệt vọng này của ông Joe Biden để đổ lỗi cho người khác.”
Các nhà phê bình đã trích dẫn một phân tích gần đây của Cục Thống kê Lao động cho thấy giảm kích thước sản phẩm chỉ chiếm 2.5% trong mức tăng 26% của giá đồ ăn nhẹ từ tháng 01/2019 đến tháng 10/2023.
Cơ quan liên bang này tuyên bố, “Những thay đổi về giá này trở nên ẩn giấu như thế nào khi những thay đổi về kích thước ảnh hưởng đến các ước tính về lạm phát? Việc thay đổi kích thước không có nhiều ảnh hưởng đến lạm phát tổng thể.”
Giảm kích thước sản phẩm không phải là hiện tượng mới
Bất chấp những tranh luận xung quanh việc giảm kích thước sản phẩm, đây không phải là một hiện tượng mới ở Hoa Kỳ hoặc trên toàn cầu.
Vào những năm 1980, American Airlines đã tiết kiệm được một khoản tiền rất lớn nhờ giảm bớt một quả ô liu trong món salad phục vụ cho hành khách.
Năm 2017, Toblerone đã mở rộng khoảng cách giữa các khối sôcôla hình tam giác.
Ferrero cũng đã thông báo vào tháng 02/2021 rằng họ sẽ giảm kích thước lọ Nutella ở châu Âu mà không tăng giá.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times