Nhà kiểm duyệt Bắc Kinh cật lực ngăn chặn nội dung mang ‘năng lượng tiêu cực’ về lũ lụt gây thương vong ở Trịnh Châu
Mùa mưa đang gây ngập lụt [cho] các thành phố lớn của Trung Quốc, dẫn đến thương vong hàng loạt cho thường dân và tàn phá tài sản trên diện rộng. Thông tin về thảm họa ngày càng khó tìm kiếm khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) tăng cường kiểm duyệt bất kỳ nội dung nào mà chế độ này cho là chứa “năng lượng tiêu cực.”
Tính đến ngày 22/07, Trung Cộng thông báo có 33 người đã thiệt mạng vì lũ lụt, 8 người mất tích. Nhưng các video do người dân địa phương ghi lại cho thấy một con số cao hơn nhiều. Trong khi đó, cư dân mạng Trung Quốc đã lên mạng xã hội yêu cầu nhà cầm quyền tiết lộ số người thiệt mạng thực sự.
Trong các nỗ lực cứu hộ gần đây, hôm 22/07, các thi thể được tìm thấy trong một đường hầm ngập nước của thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất tính đến nay, đó là ở thành phố Trịnh Châu. Trịnh Châu là nơi sinh sống của hơn 12 triệu người và là thủ phủ của tỉnh Hà Nam ở miền trung Trung Quốc.
Trong khi người dân địa phương yêu cầu sự minh bạch, thì nhà cầm quyền đang bận rộn thúc đẩy cái gọi là các chương trình tuyên truyền năng lượng tích cực. Nội dung đó bao gồm những nội dung ca ngợi các quan chức đảng, quân đội và các nỗ lực giải cứu. Đổi lại, các nhà kiểm duyệt trực tuyến đã lao vào nhanh chóng xóa bỏ bất kỳ nội dung nào được cho là mang “năng lượng tiêu cực,” chẳng hạn như cảnh quay do người dân địa phương ghi lại sự tàn phá và kêu gọi trách nhiệm giải trình chính thức.
Hứng chịu khổ đau và sự kiểm duyệt
Trong vài ngày qua, các video về sự tàn phá đã lan tràn trên mạng xã hội Trung Quốc, khiến các nhà kiểm duyệt phải nhanh chóng hành động.
Các đoạn video cho thấy hàng trăm chiếc xe hơi bị mắc kẹt bên trong một đường hầm cao tốc ở Trịnh Châu bị ngập trong nước lũ. Thi thể của một số tài xế và hành khách vẫn đang bị mắc kẹt bên trong những chiếc xe này.
Theo lời kể của những người sống sót vào ngày 20/07, chỉ có 5 phút thôi là nước đã tràn vào ngập hết cả đường hầm. Nước ngập sâu gần 20 feet (6 mét) trong đường hầm dài 2.6 dặm (4.3km). Trang truyền thông tư nhân Toutiao của Trung Quốc dẫn lời một nữ tài xế họ Yang cho biết, “Nước dâng lên quá nhanh. Cơ hội sống sót chỉ có mười phần trăm!”
Trong khi lực lượng cứu hộ đã rút hoàn toàn nước lụt trong đường hầm cao tốc, hàng ngàn người dân Trịnh Châu đã tập trung xung quanh và quay phim quá trình này. Tuy nhiên, khi những chiếc xe ngập nước bắt đầu lộ ra sau làn nước mờ đục [được rút hết], cảnh sát đã đuổi những người chứng kiến đi và phong tỏa các đường phố ở gần đó.
Những video được quay từ các tòa nhà, ghi lại cảnh những người cứu hộ đang đưa các thi thể ra khỏi đường hầm.
Trong các video clip khác được lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội hôm thứ Năm (22/07), có những tiếng than khóc như “Thật kinh khủng khi chứng kiến cảnh tượng này,” “Tôi rất choáng váng khi nhìn thấy điều này xảy ra,” “thật là khủng khiếp,” kèm theo hình ảnh đáng sợ về sự tàn phá của lũ lụt.
Tuy nhiên, những tiếng thở than buồn bã như vậy đã bị các nhà kiểm duyệt đánh dấu là mang “năng lượng tiêu cực” và bị xóa bỏ. Nội dung khác về sự bất lực, căng thẳng và đau khổ của mọi người, cùng với những lời kêu gọi công khai minh bạch về thảm họa cũng nhận được sự đối xử tương tự.
Một nhân viên của công ty tàu điện ngầm Trịnh Châu do nhà nước điều hành đã đăng trực tuyến một tài khoản về nguyên nhân các đoàn tàu điện ngầm bị mắc kẹt trong nước lũ vào ngày 21/07. Theo nguồn tin từ Trung Cộng, sự cố này đã khiến 12 người thiệt mạng.
Người nhân viên này nói rằng thiết kế của hệ thống tàu điện ngầm cho phép nó hoạt động an toàn, nhưng các nhà quản lý công ty không muốn chịu trách nhiệm. Họ cũng không dừng hoạt động của tàu điện ngầm sớm hơn khi nguy cơ lũ lụt trở nên rõ ràng, nhân viên này cho biết.
Khoảng 500 hành khách đã bị mắc kẹt trong những chuyến tàu ngập nước. Nhiều người đã quay các video và chia sẻ chúng trên mạng, khẩn cầu sự giúp đỡ.
Nội dung này nhanh chóng được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc, nhưng tất cả đều bị gỡ bỏ vài giờ sau đó.
Trong khi đó, thông tấn nhà nước Trung Cộng không đưa tin nào liên quan đến tử vong. Thay vào đó, thông điệp của họ là Trung Cộng đã dẫn dắt người dân Trung Quốc chiến thắng lũ lụt.
Theo ông Đường Cảnh Nguyên (Tang Jingyuan), nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc thường trú tại Hoa Kỳ, trong những trường hợp khẩn cấp, việc tuyên truyền tin tức ca ngợi sự lãnh đạo của nhà cầm quyền và trấn áp bất cứ điều gì có thể khiến Bắc Kinh mất mặt là một chiến thuật cũ rích của Trung Cộng.
“Khi một thảm họa xảy ra, Trung Cộng sẽ không cho phép bất kỳ tiếng nói nào báo cáo về quy mô thực sự. Truyền thông luôn đưa tin về việc nhà cầm quyền này đã thực hiện bao nhiêu nỗ lực cứu hộ, và sau đó tuyên bố rằng Trung Cộng sẽ dẫn dắt người dân Trung Quốc vượt qua thảm họa một lần nữa,” ông Đường nói với The Epoch Times hôm 22/07.
Tuyên truyền ‘năng lượng tích cực’
Các nỗ lực tuyên truyền của Trung Cộng đã tiến triển nhanh chóng trong bối cảnh thảm họa này.
Sau trận lũ lụt, Trung Cộng đã thông báo rằng trận mưa lớn gần đây ở Trịnh Châu là một sự kiện ngàn năm mới có một lần. Tuy nhiên, Trịnh Châu đã trải qua trận lụt lớn hơn nhiều cách đây chưa đầy 50 năm vào tháng 08/1975. Các khu vực ở tỉnh Hà Nam đã hứng chịu lượng mưa nhiều gấp 4 lần lượng mưa trong khoảng thời gian hai ngày hồi đó so với lượng mưa năm nay, theo Cục Khí tượng Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc chỉ bắt đầu lưu giữ các hồ sơ chính thức về lượng mưa vào năm 1951.
Thay vì tập trung vào việc đưa tin về lũ lụt, kênh truyền hình Hà Nam của nhà nước đã phát các video của các ca sĩ tôn vinh Trung Cộng cũng như các bộ phim truyền hình về Đệ nhị Thế chiến ca ngợi những nỗ lực chiến tranh của Trung Cộng.
Sự phong tỏa nguồn tin tức lan đến tận cả các cơ quan thông tấn quốc gia do nhà nước điều hành. Từ ngày 20/07 đến ngày 22/07, tờ People’s Daily, cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Cộng, không đưa tin gì về lũ lụt ở Trịnh Châu trên trang nhất. Đài truyền hình nhà nước CCTV đã phá vỡ sự im lặng hôm 21/07, để đề cập rằng các nỗ lực cứu hộ đang được tiến hành.
Do Nicole Hao thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: