Nhà khoa học Trung Quốc nhận tội đánh cắp bí mật thương mại từ Monsanto
Hôm 06/01, một công dân Trung Quốc đã nhận tội âm mưu làm gián điệp kinh tế sau khi ông ta cố gắng đánh cắp bí mật thương mại từ ông chủ người Mỹ của mình để phục vụ cho thăng tiến sự nghiệp tại một viện nghiên cứu của nhà nước Trung Quốc.
Theo Bộ Tư pháp (DOJ), ông Hướng Hải Đào (Haitao Xiang) 44 tuổi, một thường trú nhân hợp pháp của Hoa Kỳ trước đây sinh sống ở Missouri, làm việc cho Monsanto, một công ty công nghệ sinh học nông nghiệp và hóa chất nông nghiệp có trụ sở tại St. Louis, và công ty con là The Climate Corporation, từ năm 2008 đến năm 2017.
Các quan chức DOJ cho biết, ông ta đã cố gắng đánh cắp một thuật toán là phần quan trọng của nền tảng phần mềm nông nghiệp trực tuyến do Monsanto phát triển. Nền tảng này cho phép nông dân thu thập, lưu trữ và trực quan hóa dữ liệu quan trọng về lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời gia tăng và cải thiện năng suất nông nghiệp cho nông dân.
Theo DOJ, thuật toán có tên là Trình tối ưu hóa Dinh dưỡng mà ông Hướng đã thực hiện trong quá trình làm việc với tư cách là nhà khoa học hình ảnh, được Monsanto và The Climate coi là một bí mật thương mại có giá trị và là tài sản trí tuệ của họ.
Theo một tuyên bố của DOJ, luật sư Hoa Kỳ Sayler Fleming cho Quận Đông của Missouri nói rằng, “Ông Hướng đã dùng tư cách người nội bộ của mình tại một công ty quốc tế lớn để đánh cắp các bí mật thương mại có giá trị để sử dụng tại quê hương Trung Quốc.”
Ông Fleming nói thêm rằng: “Những tội ác này gây nguy hiểm cho nền kinh tế Hoa Kỳ và gây nguy hiểm cho vai trò lãnh đạo của quốc gia chúng ta trong hoạt động đổi mới sáng tạo và an ninh quốc gia.”
Theo tài liệu của tòa án thì bắt đầu từ khoảng tháng 06/2015, ông Hướng bắt đầu liên lạc với những cá nhân làm việc cho chính quyền Trung Quốc, về khả năng được tuyển dụng tại Viện Khoa học Đất của Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) do nhà nước điều hành. Ông ta cũng hỏi về việc được tuyển dụng theo chương trình tuyển dụng nhân tài do nhà nước Trung Quốc điều hành được gọi là “Kế hoạch Ngàn Tài năng.”
Chương trình đó chỉ là một trong nhiều chương trình tuyển dụng nhân tài tương tự mà chính quyền Trung Quốc đưa ra, nhằm thu hút các chuyên gia Hoa kiều và ngoại quốc làm việc trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ của Trung Quốc. Thông qua các chương trình này, Bắc Kinh hy vọng sẽ nhanh chóng biến Trung Quốc thành một cường quốc công nghiệp và đổi mới công nghệ, cuối cùng là vượt trội so với các quốc gia phương Tây.
Các chương trình tương tự khác bao gồm Quỹ Khoa học Quốc gia dành cho các Học giả Trẻ Xuất sắc. Tất cả các chương trình này thường cung cấp các ưu đãi tài chính lớn; bao gồm tiền lương, nhà ở và chi phí di dời.
Hồi tháng 07/2020, Giám đốc FBI Christopher Wray đã cảnh báo về các chương trình tài năng này của Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Hudson có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn.
Ông Wray nói: “Thông qua các chương trình tuyển dụng tài năng, giống như cái gọi là Kế hoạch Ngàn Tài năng, chính quyền Trung Quốc cố gắng lôi kéo các nhà khoa học bí mật mang kiến thức và thành tựu đổi mới công nghệ của chúng ta về lại Trung Quốc — ngay cả khi điều đó có nghĩa là đánh cắp thông tin độc quyền hoặc vi phạm các kiểm soát xuất cảng và quy tắc về xung đột lợi ích của chúng ta.”
Theo tài liệu của tòa án, ông Hướng đã nói với các nhà tuyển dụng cho các chương trình tài năng của Trung Quốc về các kỹ năng của ông ta đạt được khi làm việc với nền tảng phần mềm nông nghiệp trực tuyến của Monsanto và Trình tối ưu hóa Dinh dưỡng.
Các công tố viên Hoa Kỳ cho biết ông Hướng đã được thuê với tư cách là nhà tuyển dụng “Chương trình Trăm Tài năng” cho Viện Khoa học Đất của CAS hồi tháng 08/2016.
Theo tài liệu của tòa án, chưa đầy một năm sau, hồi tháng 05/2017, ông Hướng thông báo cho người chủ của mình về ý định từ chức.
Một tháng sau đó, sau khi nghỉ việc, ông Hướng đã cố gắng bay đến Trung Quốc sau khi mua vé máy bay một chiều. Trước khi ông có thể lên phi cơ, ông đã bị các quan chức liên bang chặn lại và khám xét, và họ tìm thấy các thiết bị điện tử của ông có chứa các bản sao của Trình tối ưu hóa Dinh dưỡng.
Theo DOJ, ông Hướng được phép tiếp tục chuyến bay tới Trung Quốc nhưng đã bị bắt khi quay trở về Hoa Kỳ.
Ông Hướng bị truy tố hồi tháng 11/2019.
Theo tuyên bố, Trợ lý Giám đốc Alan E. Kohler Jr. thuộc Bộ phận phản gián của FBI cho biết: “Người lao động Mỹ chịu tổn thất khi những đối thủ, như Chính quyền Trung Quốc, đánh cắp công nghệ để phát triển nền kinh tế của họ.”
Theo thông báo của DOJ, ông Hướng sẽ bị kết án vào ngày 07/04, khi ông ta phải đối mặt với hình phạt tối đa là 15 năm tù giam và khoản tiền phạt có thể là 5 triệu USD.
DOJ đã truy tố nhiều nhà nghiên cứu vì đã che giấu việc họ tham gia vào các chương trình tài năng của Trung Quốc. Một trong những trường hợp gần đây nhất liên quan đến ông Charles Lieber, một giáo sư Đại học Harvard, người đã bị kết án sáu trọng tội hồi tháng 12 năm ngoái vì nói dối về mối liên hệ của mình với Kế hoạch Ngàn Tài năng.
Theo các công tố viên, ông Lieber che giấu thu nhập mà ông nhận từ chương trình, bao gồm 50,000 USD mỗi tháng cộng với 158,000 USD chi phí sinh hoạt và hơn 1.5 triệu USD trợ cấp từ một trường đại học Trung Quốc.
Hồi tháng 06/2021, một nhà khoa học cao cấp của NASA đã bị kết án 30 ngày tù giam và bị phạt 100,000 USD vì đã nói dối về việc ông ta tham gia vào Chương trình Kế hoạch Ngàn Tài năng.
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: