Nhà chức trách Hồng Kông, Macao cấm các sự kiện tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn
Cả chính quyền Hồng Kông và Macao đều đã cấm người dân tham gia các sự kiện tưởng nhớ cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, vài ngày trước hôm 04/06-một ngày mang tính lịch sử khi các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) đã ra lệnh thảm sát những người biểu tình phản đối chế độ.
Hôm 01/06, lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã nhấn mạnh trong một cuộc họp báo rằng tất cả các cơ quan, hội nhóm, các hãng thông tấn và trường học phải tuân thủ Luật An ninh Quốc gia do Bắc Kinh áp đặt khi ngày 04/06 đang gần kề.
Khi được hỏi theo bộ luật hà khắc này thì người dân có được phép hô vang bất cứ khẩu hiệu nào như “Chấm dứt Sự thống trị Độc Đảng” hay không, bà Lâm đã lảng tránh câu hỏi này. Thay vào đó, bà đáp lại rằng không được có các hoạt động chống lại Hiến pháp của Trung Quốc ở Hồng Kông.
Cùng lúc đó, các nhà chức trách thân Bắc Kinh của thành phố này đã cấm Liên minh Hồng Kông ủng hộ các Phong trào Dân chủ Yêu nước của Trung Quốc tổ chức lễ thắp nến thường niên của họ ở Công viên Victoria vào ngày 29/05, cũng như ngăn chặn một cuộc biểu tình để kỷ niệm 32 năm biến cố ngày 04/06.
Nhà hoạt động Vương Phượng Dao (Alexandra Wong), một công dân lão niên tóc bạc tại địa phương, đã bị một nhóm đông cảnh sát bắt giữ với cáo buộc “tụ tập trái phép” hôm 31/05 khi bà xuất hiện một mình tại Sân chơi Southorn ở quận Loan Tể (Wan Chai)-xuất phát điểm của tuyến đường diễn hành được đề xướng. Bà cầm các biểu ngữ và đang định đi bộ trên tuyến đường bị cấm này để đến Văn phòng Liên lạc của Chính phủ Nhân dân Trung ương—cơ quan quyền lực tối cao của Trung Cộng tại thành phố này. Bà đã được thả sau một đêm giam giữ.
Cùng ngày, ông Sầm Kiến Huân (John Shum), một nhà hoạt động xã hội kiêm nhà sản xuất phim, đã kêu gọi các đồng nghiệp Hồng Kông thể hiện lập trường của mình trong một cuộc phỏng vấn với học giả nghiên cứu quốc tế Trầm Húc Huy (Simon Shen).
Ông Sầm nói: “Chúng ta phải trung thành với lương tâm của mình cho dù chuyện gì xảy ra với Hồng Kông hay chúng ta có thể phải đối diện áp lực thế nào đi nữa. Ông đề nghị người dân Hồng Kông thắp một ngọn nến bên cửa sổ vào tối ngày 04/06 như một sự biểu đạt cho ý chí của họ.
“Lương tâm sẽ không bao giờ bị khuất phục,” ông nói thêm. “Không có quyền lực nhà nước nào có thể ngăn cản tôi tưởng niệm biến cố đó.”
Ông Trần Thanh Hoa (Chen Qinghua), cựu thành viên của Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông (HKFS) và là nhân chứng của vụ thảm sát ngày 04/06 ở Bắc Kinh, nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn hôm 28/05 rằng, “Logic về sự cân bằng-sự phân chia quyền lực kiểu phương Tây giữa các thể chế khác nhau—đã bị phá hủy hoàn toàn ở Hồng Kông mặc dù trong lịch sử nó từng được trân trọng nơi đây.”
Ông cũng nói rằng các cuộc biểu tình đó của sinh viên-dù là diễn hành hay tuyệt thực-tất cả đều là tự nguyện, và chưa từng bị xúi giục bởi ai khác, hoặc như là chế độ [Bắc Kinh] đã tuyên bố, là bởi “các thế lực thù địch của nước ngoài.” Những người biểu tình vào thời điểm đó vẫn tin tưởng vào Trung Cộng, chưa bao giờ cố gắng đối đầu với nó, ông Trần nói.
Ông nói thêm rằng đó là lý do tại sao vào thời điểm đó những người biểu tình tin rằng việc Trung Cộng đưa xe tăng quân sự vào Quảng trường Thiên An Môn để tiến hành cuộc đàn áp này là điều phi lý.
Các nhà phê bình cho biết, với việc thực thi Luật An ninh Quốc gia của Bắc Kinh, các quyền tự do mà người dân Hồng Kông được hưởng trước đây đang bị xói mòn nhanh chóng.
Hôm 06/05, 26 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ tham gia vào buổi cầu nguyện này năm ngoái đã bị kết án từ bốn đến mười tháng tù giam với tội danh “tham gia tụ tập trái phép.” Trong số họ có cả những người bất đồng chính kiến Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), Sầm Ngao Huy (Lester Shum), Viên Gia Uý (Tiffany Yuen Ka-Wai), và Lương Khải Tình (Jannelle Rosalynne Leung).
Macao
Tại Macao, thuộc địa cũ của Tây Ban Nha, lần đầu tiên cảnh sát đã chỉ rõ rằng bất kỳ sự kiện nào liên quan đến Thiên An Môn đều là “kích động lật đổ quyền lực nhà nước” trong nội dung hồi đáp hôm 25/05 cho Liên minh Phát triển Dân chủ Macao.
Ông Khu Cẩm Tân (Au Kam San), cựu thành viên của Hội đồng Lập pháp Macao, nói với The Epoch Times hôm 29/05 rằng hiện nay cảnh sát đã tuyên bố những buổi thắp nến tưởng niệm biến cố ngày 04/06 là vi phạm luật hình sự.
Ông cho rằng thật nực cười khi tuyên bố những sự kiện vốn vẫn được tổ chức trong 30 năm qua là “bất hợp pháp,” trong khi luật hình sự của thành phố này từ khi được xây dựng vào năm 1995 cho đến nay chưa hề thay đổi.
Trong quá khứ, người dân Hồng Kông và Macao đã hỗ trợ tinh thần và tài chính cho những người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn trong các cuộc vận động đòi dân chủ ở Trung Quốc.
Vào ngày 21/05/1989, một ngày sau khi Trung Cộng thanh trừng Tổng bí thư Đảng Cộng sản Triệu Tử Dương, người đã đồng cảm với những người biểu tình, và tuyên bố thiết quân luật tại Bắc Kinh, một cuộc tuần hành chưa từng có đã diễn ra ở thành phố thủ đô này, thu hút hơn 1 triệu người tham gia hưởng ứng để bày tỏ sự ủng hộ cho các sinh viên ủng hộ dân chủ ở Bắc Kinh.
Sau khi Bắc Kinh tiến hành cuộc đàn áp đẫm máu lên những người biểu tình vào ngày 04/06/1989, người dân Hồng Kông lại quyên góp tiền để phát động “Chiến dịch Hoàng Điểu” để giải cứu các nhà hoạt động dân chủ bị truy nã hoặc bị đàn áp ra khỏi Trung Quốc đại lục.
Vào chính buổi chiều ngày 04/06/1989 đó, gần 200,000 cư dân Macao-một nửa dân số địa phương lúc bấy giờ-đã xuống đường và phát động một cuộc biểu tình kỷ lục chống lại việc Bắc Kinh giết hại những thường dân đòi dân chủ. Một số người đã đốt cháy ảnh chân dung của những người chịu trách nhiệm chính trong việc ra lệnh thảm sát là Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng và Dương Thượng Côn.
Do Frank Yue thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: