Người viết chuyên mục 101 tuổi miệt mài với công việc viết lách
Ở tuổi 101, ông George Jones vẫn không ngừng viết.
Ông Jones sinh năm 1923. Đến nay, người cựu chiến binh Đệ nhị Thế chiến 101 tuổi này vẫn dành rất nhiều thời gian viết các bài chuyên mục cho tờ báo địa phương. Ông cần một cái khung đi bộ để đi quanh viện dưỡng lão ở Monroeville, Alabama. Giọng nói của ông có chút khàn, nhưng trí óc vẫn còn rất minh mẫn. “Tinh minh” là từ rất thích hợp để nói về ông.
Ông Jones có lẽ là ký giả cao tuổi nhất ở Hoa Kỳ, và ở bất kỳ quốc gia nào khác mà vẫn còn miệt mài làm việc.
Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là khi hơn 70 tuổi, ông mới bắt đầu việc viết lách.
Ông thậm chí chưa từng làm việc trong lĩnh vực liên quan đến viết lách hay bất cứ lĩnh vực sáng tạo nào. Thay vào đó, ông sở hữu một công ty cung ứng bán sỉ. Ông cho biết, “Năm đầu tiên sau khi bán công ty, tôi đã không về hưu.” Nhưng giống như rất nhiều người cần việc gì đó để làm sau khi về hưu, ông phát hiện ra rằng mình thích viết lịch sử gia tộc. Ông bắt đầu đọc các tác phẩm của mình cho vợ nghe, và vợ ông đã yêu cầu ông tiếp tục viết.
Vào năm 1996, ông Jones chia sẻ một số tác phẩm của mình với một biên tập viên địa phương. Biên tập viên yêu cầu ông viết thêm một số bài. Kể từ đó, câu chuyện về quê hương của ông luôn là tác phẩm hấp dẫn trên tờ báo địa phương “the Monroe Journal.”
Tuy nhiên, trong một đoạn thời gian ngắn, một biên tập viên mới đến từ ngoại thành đã hủy bỏ chuyên mục của ông. Việc này nhanh chóng kết thúc bởi một số phản ứng dữ dội từ những người đặt báo ở địa phương: “Một người phụ nữ đã bước đến phòng biên tập của tờ báo, và đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ yêu cầu khôi phục lại chuyên mục của ông ấy.”
Trong bài viết, ông Jones đã nói về những trải nghiệm của mình trong thời gian phục vụ trong quân ngũ. Ông từng là trung úy trong Lục quân của Tướng George Patton. “Tôi đã chiến đấu trong trận chiến Bulge suốt 93 ngày,” ông nói. Nhưng hầu hết các câu chuyện của ông đều viết về quê hương và thời kỳ mà người ta đã lãng quên. Ở một khía cạnh nào đó, ông Jones là một mảnh lịch sử sống động. Ông chia sẻ với độc giả các câu chuyện về những người ông quen biết và cuộc sống quá khứ.
Ông từ chối nhận tiền trả cho tác phẩm của mình, mặc dù các nhà xuất bản hàng năm đều mang tiền thưởng Giáng Sinh đến thăm ông. Viết lách với ông không chỉ là một việc để cho thời gian trôi qua. “Tôi rất thích viết lách, tôi đã tạo được sự kết nối tuyệt vời với mọi người thông qua việc viết lách. Tôi phải nói rằng thành công của tôi là bởi vì tôi không viết bất cứ điều gì tiêu cực,” ông Jones chia sẻ. Kỳ thực, thành công của ông là do ông đã viết rất hay.
Nếu quý vị nghĩ ông Jones thuộc kiểu người cổ lỗ với ruy băng máy đánh chữ và giấy than thì quý vị đã nhầm. Ông viết chuyên mục của mình giống như bất kỳ ký giả nào khác ngày nay, sử dụng máy điện toán, nghiên cứu trên Internet, và gửi bài viết qua thư điện tử cho biên tập viên của mình.
Lúc lên 10 tuổi, cậu bé George đã có tầm nhìn về tương lai xa xôi. “Tôi có thể có một chút tài năng,” ông nói. Giáo viên của ông đã từng giao một bài luận cho học sinh của mình. Sau khi cậu nộp bài tập về nhà, giáo viên gọi cậu bước lên trước mặt cả lớp. Ông nhớ lại: “Là em viết hay mẹ em viết thay? Tôi đã đưa cho hai giáo viên khác xem. Họ cũng cho rằng trí tuệ của em không có khả năng làm được điều này.’ Nhưng tài năng này của tôi đã ‘ngủ yên’ hơn sáu mươi năm.”
Mặc dù ông Jones rất khiêm tốn về các bài viết của mình, nhưng có bằng chứng cho thấy các bài viết đều khiến độc giả cảm động. “Tôi có ba tập kẹp giấy chứa đầy thư của mọi người gửi đến,” ông nói. Ông vừa hoàn thành loạt bài về Đệ nhị Thế chiến thì đã nhận được hơn một trăm lời hồi đáp.
Khi được hỏi liệu ông từng viết tiểu thuyết chưa, ông Jones đã chia sẻ một trong những tác phẩm chưa được xuất bản của mình. Sở dĩ ông không công bố là vì ông cho rằng mình còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm. “Tôi đã viết một cuốn tiểu thuyết. Tôi lúc đó 94 tuổi.”
Ông ấy không có dấu hiệu chậm lại, vậy nên ông tiếp tục viết những câu chuyện hàng tuần. Ở tuổi của ông, dùng một thuật ngữ của báo chí xưa để hình dung, mỗi trang đều là phụ trương đặc biệt.