Người ươm những mầm thiện lương – Cô giáo môn tiếng Anh và lớp học đặc biệt
Buổi sáng một ngày Chủ nhật cuối năm, xưởng mộc Vĩnh An (Từ Sơn, Bắc Ninh) yên tĩnh hơn ngày thường. Tiếng cưa xẻ, đục đẽo chói tai được thay thế bằng tiếng nhạc êm dịu tường hòa. Một nhóm khoảng 20 trẻ em ở độ tuổi khác nhau đang tĩnh tọa, nét mặt thật an nhiên. Thời gian, không gian như lắng đọng trong khoảng nửa giờ, rồi náo nhiệt trở lại khi bài tập kết thúc, và những đứa trẻ hiếu động lại bắt đầu chạy nhảy, vui đùa.
Lớp học đặc biệt
Từ lâu, chúng tôi đã nghe về “Lớp học đặc biệt” của chị Nguyễn Thị Quỳnh (43 tuổi, giáo viên trường Đông Ngàn, Từ Sơn), nhưng lần này mới có dịp đến thăm và trò chuyện cùng chị.
Lớp học đặc biệt này được đặt tại lầu 2 của xưởng mộc với diện tích hơn 100 mét vuông. Nơi này từng được dùng để trưng bày các sản phẩm gỗ quý của gia đình chị Quỳnh, nhưng nay được ưu tiên dành cho lớp học. Chúng tôi thấy trên tường có dòng chữ: Lớp bồi dưỡng về văn hóa truyền thống. Một chiếc tivi cỡ lớn được đặt trang trọng trong phòng, đang trình chiếu nội dung bài học có tên: “Phép tắc người con”.
Chị Quỳnh cho biết, các học trò được học chủ yếu là các bài giảng về đạo đức truyền thống, cách ứng xử trong các mối quan hệ như: ở nhà hiếu kính với cha mẹ, ra bên ngoài biết đối nhân xử thế, chú ý trong lời nói để giữ chữ Tín… Những đạo đức luân lý và lễ tiết căn bản cổ xưa dành cho thiếu nhi sẽ được giáo viên dạy bảo, hướng dẫn.
Nghịch lý giáo dục
Chị Quỳnh là cô giáo tiếng Anh, gắn bó với nghề dạy học đã 21 năm. Trong suy nghĩ của mình, chị thường băn khoăn trước sự xuống dốc của đạo đức học đường hiện nay. Chị cho biết, do ảnh hưởng của những trào lưu hiện đại biến dị, trẻ em ngày nay thường phạm phải các lỗi nghiêm trọng về đạo đức. Chúng vướng vào tệ nạn xã hội, bạo lực, chạy theo lối sống hưởng thụ vật chất, không biết thế nào là thiếu trách nhiệm… Điều này đã rất phổ biến, trở thành nỗi lo chung của cả xã hội.
Hiện nay, học trò có lịch học dày đặc từ sáng đến tối, thậm chí học đến đêm, nhưng những bài học đạo đức căn bản thì lại không hiểu rõ. Đó là một nghịch lý. Người ta đã quên mất ý nghĩa của câu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong việc dạy dỗ học trò.
Chị nhớ lại: “Hồi nhỏ tôi thường chỉ học một buổi, thời gian còn lại phải phụ giúp gia đình. Đã hơn 40 năm, nhưng nhiều bài học đạo đức đến bây giờ tôi vẫn không quên. Tuổi thơ của tôi gắn với những buổi trưa đánh chắt, đánh chuyền, những chiều chăn trâu, cắt cỏ. Lúc đó rất vui. Học trò bây giờ tuy có cuộc sống vật chất đầy đủ nhưng tâm hồn nghèo nàn, thiếu sân chơi lành mạnh, tuổi thơ không còn vô tư, trong sáng như xưa.”
Chị luôn mong muốn truyền đạt cho học trò các kiến thức về đạo đức truyền thống và phép đối nhân xử thế, nhưng trước áp lực cạnh tranh về kết quả học tập, chương trình học bị quá tải, chị cũng bị cuốn vào guồng quay đó.
Chị kể:“Năm 2014, tôi bị u tuyến yên. Mặc dù chạy chữa bằng nhiều phương pháp, nhưng cuối cùng bác sĩ kết luận tôi phải sống chung với thuốc điều trị và sự đau đớn. Sức khỏe sa sút, khoảng thời gian đó tôi bị áp lực rất nặng nề. Một vài người bạn khuyên tôi nên nghỉ việc về nhà kinh doanh cùng chồng. Thấy làm nghề giáo khó khăn quá, tôi cũng đã tính chuyện bỏ nghề.”
Nhưng chị băn khoăn khi thấy mình chưa làm tròn bổn phận, cảm thấy không thể chỉ ngồi yên nhìn học trò bị cuốn theo dòng nước đục. Làm thế nào để có thể giúp các em tu dưỡng đạo đức tốt hơn, có ích cho đời… Chị luôn tự đặt cho bản thân những câu hỏi ấy.
Cơ duyên – lời giải
Chị Quỳnh nhớ lại: “Năm 2016, tôi đọc được một bài viết trên Internet về ba chữ Chân – Thiện – Nhẫn và cảm thấy rất ấn tượng. Qua tìm hiểu, tôi biết Chân – Thiện – Nhẫn là nguyên lý của môn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, cũng là giá trị phổ quát mà nhân loại tiến bộ hướng tới. Tôi quyết định đọc hết cuốn sách Chuyển Pháp Luân và các bài giảng khác của tác giả Lý Hồng Chí – nhà sáng lập pháp môn này. Những nguyên lý thâm sâu trong cuốn sách đã giúp tôi lý giải được những thắc mắc về vũ trụ, thời gian, không gian, thân thể con người…”.
Điều đặc biệt là sau khi đọc sách chị đã tìm được câu trả lời cho việc giúp nâng cao đạo đức cho học trò. Đó là quay về với những giá trị nhân văn truyền thống, giúp các em hướng tới phẩm chất Chân – Thiện – Nhẫn.
Vậy là vào mùa hè năm 2018, chị chia sẻ với một vài phụ huynh và giáo viên về ý tưởng mở lớp dạy về văn hóa truyền thống, và được mọi người ủng hộ. Lớp học của chị Quỳnh là hoàn toàn miễn phí dành cho các em nhỏ trong vùng và duy trì đã hơn 2 năm nay.
Tìm lại giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông
Lý giải về việc chọn nội dung văn hóa truyền thống để dạy cho trẻ em, chị Quỳnh chia sẻ rằng văn hóa truyền thống có nội hàm thâm sâu, bao quát nhiều tầng diện đạo đức. Những lễ nghi, phép tắc ứng xử giữa con người với nhau, đạo đức nghề nghiệp… tất cả đều có thể tìm thấy trong những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông.
Ngoài ra, nền tảng đạo đức truyền thống là tín ngưỡng đối với Thần – Phật, với các nguyên lý “Thiện ác hữu báo” hay “Trên đầu ba thước có Thần linh”… Khi con người có tín ngưỡng, họ sẽ biết kính sợ, và có ước thúc đạo đức từ trong tâm. Nếu biết rằng thiện ác đều có báo ứng thì con người sẽ cẩn trọng hơn trong ngôn ngữ và hành động. Ngược lại, khi không tin điều này thì họ dám làm cả những việc độc ác, xấu xa. Cho dù luật pháp có được mở rộng đến đâu đi nữa cũng không cứu vãn được sự suy đồi đạo đức của nhân loại.
Trong các buổi học, chị giúp học trò ghi nhớ những nguyên lý đó. Bài giảng thường được gắn với những tấm gương đạo đức trong lịch sử… Trước khi bắt đầu học, các em thường tập trung thiền định; nếu còn thời gian sẽ tham gia những trò chơi dân gian, hoặc trải nghiệm cùng người lớn để tìm về những nét đẹp truyền thống của cha ông…
Thay đổi…
Chị Quỳnh cho biết, sau một thời gian tham gia lớp học đặc biệt này, các em đã có những cải thiện rõ rệt cả về kết quả học tập và cách ứng xử. Các em ngoan, lễ phép hơn, và một sự thay đổi lớn là mỗi khi gặp mâu thuẫn, các em đã biết tìm lỗi ở bản thân thay vì chỉ trích người khác.
Chị Quế (38 tuổi, Thành phố Bắc Ninh) có con trai 11 tuổi đang theo học lớp của cô Quỳnh trong 2 năm qua cho biết, “Trước đây cháu lười học, ham chơi, nay đã biết tự giác làm các việc của mình, biết quan tâm giúp đỡ mọi người.”
Còn chị Nga (40 tuổi, là giáo viên) xúc động kể lại, con gái chị 13 tuổi, trước đây sống khép kín, rất ngại giao tiếp, không hòa đồng với các bạn. Sau 2 năm làm học trò của cô Quỳnh, cháu hoạt bát, nhiệt tình, kết quả học tập tốt hơn nhiều.
Quay về với đạo đức truyền thống, thực hành Chân – Thiện – Nhẫn không chỉ giúp học trò thay đổi, chị Quỳnh cũng tìm lại được chính mình. Chị trẻ hơn nhiều so với tuổi 43. Chị vui vẻ kể: “Từ ngày có lớp học này, mình đã tìm lại niềm vui trong công việc, hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của việc giáo dục trẻ em.”
Cũng có người bảo: “Quỳnh khờ khạo quá! Xã hội giờ như thế; một mình làm sao mà thay đổi được, cứ hoang đường!”
“Sức mình đến đâu thì làm đến đó; dẫu chỉ một trò tốt lên cũng là việc rất đáng làm” – chị Quỳnh tự tin trả lời.
Chủ nhật này còn thời gian, chị Quỳnh hướng dẫn các em chơi chuyền, chơi ô ăn quan… Những tia nắng ấm áp hiếm hoi của mùa đông sáng bừng trên gương mặt lấp lánh niềm vui của chị và đám học trò. Trong khung cảnh bình yên và tường hòa ấy, chúng tôi cũng được trở về tuổi lên 10 hồn nhiên năm nào.
Nghe câu chuyện chị kể, chứng kiến những gì chị làm, chúng tôi tin rằng, với sự nhẫn nại và trái tim nhân hậu, chị đang ươm những hạt mầm thiện lương, dâng cho đời những hoa thơm, trái ngọt.
Ngọc Minh
Xem thêm: