Người tố cáo về dịch bệnh ở Vũ Hán đào tẩu khỏi Trung Quốc đến Mỹ sau trải nghiệm kinh hoàng
Một lệnh triệu tập của công an đã làm thay đổi cuộc đời của cô Qing Tao mãi mãi: Cô đã vô tình tố cáo về đợt bùng phát ban đầu của virus Trung Cộng (hay còn gọi là COVID-19, hay virus Vũ Hán) ở tâm chấn của đại dịch — thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Những tin nhắn vô tình của cô nhằm cảnh báo gia đình và bè bạn về những rủi ro liên quan đến việc thăm khám tại bệnh viện ở đó khiến công an thẩm vấn và đàn áp cô. Mọi khía cạnh trong cuộc sống của cô đều bị ảnh hưởng.
Hiện đang cư trú tại Los Angeles, California, cô Qing Tao kể với The Epoch Times về một buổi tối ba năm về trước, thời điểm khi công an đưa cô ra khỏi nhà.
Một cơn bão sắp ập đến
Vào tối ngày 03/01/2020, hai viên công an đến gõ cửa nhà cô. Cha mẹ cô ra ngoài tập thể dục còn chồng cô thì đưa con đi chơi, vì vậy cô Qing Tao cảm thấy rằng cô không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời đi cùng công an, người đã đến nhà cô với một lệnh triệu tập. Cô không biết tại sao công an muốn thẩm vấn cô.
Tại đồn công an, cô cho biết cách đối đãi thô bạo của công an khiến cô cảm thấy mình như tội phạm. Cô ngay lập tức bị lục soát và còng tay vào một chiếc ghế đối diện với một cái bàn, với ánh đèn thẩm vấn nóng rát chiếu thẳng vào mặt.
Giờ đây khi nhìn lại quá khứ, cô Qing Tao cho biết cô nhận ra rằng mình là một nhân chứng cho những thay đổi toàn cầu to lớn — điểm khởi đầu của một cơn bão sắp quét ngang qua thế giới.
Trong 24 giờ sau đó, cô gần như đã gục ngã trước những đợt thẩm vấn liên tục của công an. Cô cho biết cô đã sợ tới mức không còn cảm giác đói, khát, hay thậm chí là nhu cầu đi vệ sinh.
Công an buộc tội cô “lan truyền tin đồn” và “phá hoại sự ổn định của xã hội” — bất chấp lời giải thích của cô. “Tôi chẳng giấu giếm gì hết,” cô nói với công an. “Tôi không làm gì cả … Tôi đã nói với các anh mọi chuyện rồi.”
Khi quá trình thẩm vấn diễn ra, cuối cùng cô nhận ra rằng lệnh triệu tập là do cô đã gửi tin nhắn cho gia đình và bạn bè trong khu vực trên nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc, WeChat.
Chia sẻ một lời cảnh báo
Cuối tháng Mười Hai năm 2019, một người bạn làm bác sĩ tại Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán của gia đình đã nói với chồng cô rằng đừng đến đó nếu không thực sự cần thiết. “Không có bệnh nặng thì đừng đến bệnh viện, đang có bệnh truyền nhiễm,” vị bác sĩ này cảnh báo. Chồng của cô Qing có một công việc sinh lời là cung cấp vật tư cho các bệnh viện địa phương, vì vậy anh biết nhiều người làm trong ngành y ở khu vực đó.
Tuy nhiên, vào ngày 02/01/2020, người cha cao tuổi của cô bị bệnh viêm tuyến tiền liệt và muốn đến bệnh viện thăm khám. Bất chấp những lời cảnh báo của họ, cha cô nhất quyết đến đó. “Có bệnh mà không đi viện là sao?” ông hỏi. “Nếu có bệnh truyền nhiễm lây lan, thì tại sao chính phủ không thông báo?” Cuối cùng hai vợ chồng quyết định đưa ông vào viện.
Tại Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán, họ gặp vị bác sĩ đã gửi lời cảnh báo cho chồng cô. Người bác sĩ này tỏ vẻ lo lắng, đưa cho họ khẩu trang N95 và nói: “Chẳng phải tôi đã nói với mọi người rồi sao — không có bệnh hiểm nghèo thì đừng đến đây.” Họ bắt đầu nhận ra sai lầm của mình và mức độ nghiêm trọng của tình hình. Sau khi làm siêu âm B-scan và nhận một số loại thuốc, họ nhanh chóng rời bệnh viện.
Vô tình trở thành người tố cáo
Về đến nhà, cô Qing Tao đã nhanh chóng viết vài lời cho bạn bè và gia đình trong khu vực trong một nhóm WeChat. “Giờ đang có một bệnh truyền nhiễm nặng lây lan, mọi người hãy cẩn thận, đeo khẩu trang khi ra ngoài và đừng đến nơi đông người” cô viết.
Sau đó, khi công an đặt câu hỏi về tính xác thực trong các tin nhắn của cô, cô trả lời: “Bác sĩ đã nói với tôi như thế.” Nhưng công an đã phản bác lại lời khai của cô. “Cô có phải là một chuyên gia không? Cô có bằng chứng nào cho thấy có bệnh truyền nhiễm đang lan truyền không?” họ hỏi.
Cô Qing Tao cho biết cô cảm thấy bị xúc phạm. “Có bệnh truyền nhiễm nào đang lan truyền không? Họ mới là người phải chứng minh điều đó có đúng hay không, chứ không phải tôi!” cô nói. Cô đã khóc nhiều lần khi bị công an thẩm vấn, trong suốt quá trình đó cô luôn bị còng tay và không được cho ngủ trong vòng 24 giờ.
Cuối cùng, công an đã thả cô vào tối hôm sau, ngày 04/01/2020 và đưa cho cô một biên bản khiển trách yêu cầu cô ký.
Thẩm vấn người tố cáo
Ngày công an triệu tập cô, hôm 03/01, cũng là ngày mà bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) của Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán bị đe dọa truy tố tại đồn công an.
Bác sĩ Lý đã trải qua những gì khi ở trong tay công an? Cô Qing tin rằng trải nghiệm của anh có thể giống với trải nghiệm của cô.
Trước đó không lâu, bác sĩ Ngải Phần (Ai Fen, giám đốc khoa cấp cứu ở cùng bệnh viện), bác sĩ Tạ Lâm Khải (Xie Linka, bác sĩ điều trị tại Trung tâm Ung bướu của Bệnh viện Hiệp Hòa Vũ Hán), và bác sĩ Lưu Văn (Liu Wen, bác sĩ thần kinh tại Bệnh viện Chữ Thập Đỏ Vũ Hán) đã bị khiển trách vì cảnh báo về một bệnh truyền nhiễm “giống SARS” hồi tháng 12/2019.
Trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát tại tâm chấn Vũ Hán, công an đã triệu tập tám cư dân Vũ Hán vì “lan truyền tin đồn.” Họ không ngờ rằng trong số những người tố cáo sớm nhất lại có một người dân bình thường không có kinh nghiệm về y tế như cô Qing Tao.
Trong vòng vài ngày kể từ trải nghiệm bị thẩm vấn tại đồn công an vào tuần đầu tiên của năm 2020, Bệnh viện Nhân dân Số 5 Vũ Hán đã chật cứng bệnh nhân sốt, trong đó có nhiều gia đình. Mặc dù rõ ràng là virus có khả năng lây truyền từ người sang người, nhưng Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán (CDC Vũ Hán) vẫn tuyên bố rằng bệnh “không lây truyền” và rằng “không có ca nhiễm mới nào, không có nhân viên y tế nào bị nhiễm bệnh.” Trong khi đó, những “người tố cáo” tiếp tục bị đe dọa và sách nhiễu.
Mãi đến ngày 20/01/2020, chuyên gia y tế hàng đầu của Trung Quốc, ông Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), mới thừa nhận khả năng lây truyền của căn bệnh và ba ngày sau, Vũ Hán đã bị phong tỏa.
Chính quyền Trung Quốc có xin lỗi những người tố cáo không? Không, theo lời cô Qing.
Bị từ chối theo học
Cô Qing Tao không nói nhiều với gia đình khi cô trở về nhà. Nhưng cơn ác mộng của cô vẫn tiếp tục, khi chính quyền tiếp tục gây áp lực lên cô.
Ngay khi vừa đi làm vào ngày hôm sau, cô đã bị giám đốc công ty gọi lên chất vấn, và cho biết cô sẽ không nhận được khoản tiền thưởng cuối năm và cơ hội thăng tiến đã định trong công việc. Là một sinh viên ngành luật, cô đã trải nghiệm cách pháp luật Trung Quốc hoạt động: những người nắm quyền căn bản là đứng trên cả luật pháp.
Vài tháng sau, ngay trước khi con cô bắt đầu vào tiểu học, cô nhận được thông báo: Con cô không “đủ tiêu chuẩn” để học trường công lập địa phương. Sự lựa chọn duy nhất của gia đình: trả học phí cao cho một trường tư thục.
Mặc dù sau đó con cô đã được nhận vào một trường khác, nhưng cô Qing biết quá rõ rằng giờ đây cô đã thuộc về một tầng lớp khác ở Trung Quốc. Mặc dù có nền giáo dục tốt — cô có bằng thạc sĩ ở Anh — và có một công việc tốt tại một công ty liên doanh giữa Trung Quốc và phương Tây, nhưng cô Qing biết rằng sự nghiệp của cô sẽ bị cản trở, và sự đàn áp của ĐCSTQ đối với cô sẽ không có hồi kết. Cô biết rằng sự đàn áp sẽ tiếp tục đối với cô và gia đình chừng nào họ còn ở Trung Quốc.
Vĩnh biệt quê hương
Vì đại dịch, cô Qing và chồng đã mất hai người bạn thân, bác sĩ Lý Văn Lượng và bác sĩ Hồ Vệ Phong (Hu Weifeng). Cả hai nam bác sĩ đã khuất đều để lại những đứa con thơ.
Bác sĩ Hồ là vị bác sĩ thứ sáu của Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán qua đời trong đợt bùng phát virus đầu tiên.
Tổng cộng, cô Qing đã mất sáu người bạn và thành viên gia đình vì đợt bùng phát.
Sau khi gia đình họ đến Los Angeles, con họ đã ghi danh tại một trường song ngữ.
Cuộc sống yên bình hiện tại của họ ở Mỹ đã xoa dịu trái tim cô. Cô nói, “Một xã hội lành mạnh nên có nhiều hơn một tiếng nói; nhưng trong một xã hội do ĐCSTQ cai trị, thì chỉ được phép có một tiếng nói, và đó là tiếng nói của họ.”
Cô Qing cho biết công an Trung Quốc đã buộc cô phải ký vào một văn bản bảo đảm rằng cô sẽ không “lan truyền tin đồn và tạo ra tin đồn” về đợt bùng phát dịch bệnh. Tuy nhiên, những tin đồn về cô đã truyền đến tai cha mẹ cô, về nơi làm việc của cô, và thậm chí cả trường học của con cô. Cô đã phải dựa vào thuốc ngủ để ngủ được vào ban đêm. Cô Qing nói: “Thành thật mà nói, tôi đã bị choáng váng, và đó là lý do tại sao chúng tôi không cảm thấy mình có thể ở lại Trung Quốc thêm nữa.”