Người tố cáo: Facebook ‘cổ vũ bạo lực sắc tộc’ ở Myanmar và Ethiopia
Người tố cáo Facebook Frances Haugen trong phiên điều trần tại Thượng viện hôm thứ Ba (05/10) đã trích dẫn bạo lực sắc tộc ở Myanmar và Ethiopia là các ví dụ về “tác động hủy diệt” mà nền tảng truyền thông xã hội này đã gây ra đối với xã hội.
Cựu nhân viên của Facebook đã gợi ý trước các nhà lập pháp rằng có mối liên hệ giữa hoạt động của Facebook và bạo lực ở các khu vực trên. Bà Haugen nói, các thuật toán của nền tảng truyền thông xã hội này tạo điều kiện thuận lợi cho lòng thù hận và do đó đặt lợi nhuận lên trước sự an toàn của người dùng.
“Nỗi sợ hãi của tôi là nếu không hành động, những hành vi gây chia rẽ và cực đoan mà chúng ta chứng kiến ngày nay chỉ là khởi đầu. Những gì chúng tôi thấy ở Myanmar và bây giờ là ở Ethiopia là những chương khởi đầu của một câu chuyện đáng sợ đến mức không ai muốn đọc phần cuối của nó”, bà Haugen, cựu giám đốc sản phẩm của Facebook, cho biết trước Tiểu ban Bảo vệ Người tiêu dùng, An toàn Sản phẩm và Bảo mật dữ liệu.
Các quan chức của Facebook đã không phúc đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận của The Epoch Times.
Năm 2018, các quan chức Facebook nói rằng công ty này đã không hành động đủ để hạn chế sự lan truyền của các bài đăng thúc đẩy bạo lực đối với người thiểu số Rohingya bị đàn áp ở Myanmar, nhưng vào đầu năm nay, công ty đã cam kết hạn chế sự lan truyền thông tin sai lệch sau cuộc đổ máu gần đây và một cuộc đảo chính quân sự ở quốc gia này.
Bà Haugen gợi ý rằng để ngăn chặn sự lan truyền của nội dung và thông tin sai lệch, điều mà bà nói có thể thúc đẩy các hành động đàn áp ở các quốc gia như vậy, Quốc hội có thể thực hiện các thay đổi đối với Mục 230 của Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông, vốn bảo vệ các nền tảng trực tuyến không phải chịu trách nhiệm về nội dung do bên thứ ba đăng tải.
Sự thay đổi này sẽ khiến Facebook phải “chịu trách nhiệm về hậu quả của các quyết định xếp hạng có chủ ý của họ,” bà nói.
“Tôi khuyến khích cải cách các nền tảng này, không sàng lọc và chọn các ý tưởng riêng lẻ, mà thay vào đó làm cho các ý tưởng an toàn hơn, ít lo ngại hơn, ít lan truyền hơn, bởi vì đó là cách chúng tôi giải quyết những vấn đề này một cách có thể mở rộng,” bà Haugen nói, chỉ trích việc xếp hạng dựa trên mức độ tương tác của nền tảng “thực chất là cổ vũ bạo lực sắc tộc ở các nước như Myanmar và Ethiopia.
Bà cho biết thêm, “Facebook cũng biết, họ đã thừa nhận trước công chúng, rằng việc xếp hạng dựa trên mức độ tương tác là nguy hiểm nếu không có các hệ thống bảo mật và tính liêm chính, nhưng sau đó không khai triển các hệ thống bảo mật và tính liêm chính đó cho hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới. Và đó là những gì đang gây ra những thứ như bạo lực sắc tộc ở Ethiopia.”
Phản hồi ngay sau lời khai của bà Haugen, Facebook cho rằng sự tín nhiệm của bà Haugen đang bị nghi vấn, nói rằng cô ấy là “cựu giám đốc sản phẩm của Facebook, người đã làm việc cho công ty chưa đầy hai năm, không có các báo cáo trực tiếp, chưa bao giờ tham dự cuộc họp quyết định với các giám đốc điều hành cấp C.”
Bà Lena Pietsch, giám đốc truyền thông chính sách của Facebook cho hay, “Chúng tôi không đồng ý với đặc điểm bà Haugen mô tả về nhiều vấn đề mà bà ấy đã làm chứng. Mặc dù vậy, chúng tôi đồng ý về một điều; đã đến lúc bắt đầu tạo ra các quy tắc tiêu chuẩn cho Internet.”
Cô Isabel van Brugen là một ký giả từng đoạt giải thưởng và hiện là phóng viên tin tức của The Epoch Times. Cô có bằng thạc sĩ báo chí tại, Đại học City của London.
Thiện Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: