Người Mỹ cảm nhận ảnh hưởng của lạm phát thực phẩm khi giá tăng lên mức cao nhất trong 43 năm
Lạm phát thực phẩm ở Hoa Kỳ đã tăng lên mức cao nhất trong hơn bốn thập niên, gây thêm căng thẳng đối với người tiêu dùng Mỹ, trong khi sản lượng nông nghiệp của nước này sụt giảm sau các đợt hạn hán.
“So với tháng này một năm trước, chỉ số giá PCE [Chỉ số Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân] cho tháng Tám đã tăng 6.2%. Giá hàng hóa tăng 8.6% và giá dịch vụ tăng 5.0%. Giá thực phẩm tăng 12.4% và giá năng lượng tăng 24.7%. Nếu không tính thực phẩm và năng lượng, chỉ số giá PCE đã tăng 4.9% so với một năm trước,” một thông cáo hôm 30/09 của Cục Phân tích Kinh tế (BEA) cho biết. Giá thực phẩm tăng 12.4% tính theo năm là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 02/1979.
Tính theo tháng, giá thực phẩm tăng 0.8% và giá năng lượng giảm 5.5%. Chỉ số PCE không bao gồm thực phẩm và năng lượng đã tăng 0.6% trong tháng Tám.
Trước đó, dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ cho thấy giá thực phẩm 12 tháng đã tăng 11.4% trong tháng Tám. Tháng 01/2021, khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, lạm phát thực phẩm hàng năm ở mức 3.8%.
Giá bánh mì trắng tại các thành phố của Mỹ đã tăng trung bình từ 1,467 USD/pound hồi tháng 08/2021 lên 1,756 USD/pound trong tháng 08/2022, tăng 19.7%.
Trong thời gian này, giá thịt bò xay tăng 10.5% từ 4,468 USD lên 4,937 USD/pound, giá gà tươi nguyên con tăng 27.6% từ 1,472 USD lên 1,879 USD/pound và giá trứng tăng 82.3% từ 1,709 USD lên 3,116 USD/chục.
Một cuộc khảo sát của Đại học Michigan cho thấy ¾ công dân Mỹ trong độ tuổi từ 50 đến 80 đã chịu ảnh hưởng của giá hàng bách hóa tăng cao, trong đó ⅓ số người được hỏi cho biết họ sẽ vượt qua bằng một chế độ ăn uống ít dinh dưỡng hơn.
Một cuộc thăm dò của Rasmussen Reports được công bố tháng Tám cho thấy 63% người Mỹ đã thay đổi thói quen ăn uống do chi phí thực phẩm tăng cao. Trong số những người có thu nhập dưới 30,000 USD mỗi năm, con số này là 75%.
Tình cảnh của ngành nông nghiệp
Dự báo về vụ thu hoạch yếu kém của ngành nông nghiệp Mỹ khiến cuộc khủng hoảng giá thực phẩm tăng cao thêm phần nghiêm trọng. Đất nước phải đối mặt với tình trạng hạn hán dai dẳng trong suốt mùa hè, ảnh hưởng đến các tiểu bang trong Vành Đai Ngũ Cốc, nơi đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể trong sản lượng thu hoạch do thiếu nước.
Hôm 12/09, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã hạ ước tính sản lượng bắp quốc gia xuống còn 13.9 tỷ giạ, thấp hơn 8% so với tổng sản lượng thu hoạch năm ngoái.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Washington Post hồi đầu tháng Chín, nhà khí tượng học Brad Rippey của USDA nói rằng hạn hán đã bao trùm 40% diện tích của Hoa Kỳ trong 101 tuần trước.
Ông Rippey cho biết: “Lúa mì mùa xuân, lúa mì cứng, lúa mạch [ở vùng Đông Bắc] — các loại lúa này bị ảnh hưởng nặng nề vào năm 2021. Đối với một số loại cây đó, năng suất thấp nhất mà chúng tôi từng thấy kể từ những năm 1980.”
“Những tác động lớn nhất trong năm nay là ở vùng trung tâm và phía nam Đại Bình Nguyên (Great Plains) — Nebraska về phía nam qua Texas — và hai loại cây trồng lớn bị ảnh hưởng trong năm nay là lúa miến [chủ yếu được sử dụng làm thức ăn gia súc] và bông.”
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times