Người mẹ 81 tuổi lên tiếng sau khi con trai bị ĐCSTQ đàn áp vì đức tin
Ông Tần Thư Hải, người con trai của bà, đã bị giam giữ kể từ ngày 18/01 vì thực hành môn tu luyện tâm linh truyền thống Pháp Luân Công.
Hôm 18/01, bà Lưu Ngọc Anh (Liu Yuying) đã phải chứng kiến cảnh người con trai trưởng thành của mình bị công an lôi đi, cùng với hai công dân Trung Quốc khác bị chính quyền cộng sản này nhắm đến trong cuộc đàn áp đức tin chưa từng có của mình.
Hai mươi sáu ngày sau, bà mất đi người con dâu của mình, bà Tạ Xuân Ảnh (Xie Shuhua), vốn bị liệt nhiều năm, sau khi hơn chục viên công an đột kích vào nhà họ sau vụ bắt giữ trước đó. Nỗi sợ hãi và lo lắng cho sự an nguy của chồng khiến sức khỏe của bà Tạ xấu đi nhanh chóng và bà đã qua đời hôm 13/02.
Sau khi chứng kiến cái chết của con dâu, “Trái tim tôi tan vỡ,” bà Lưu nói trong một đoạn video, giọng bà vỡ vụn. “Con trai tôi đã làm điều gì sai trái kia chứ? Tất cả những gì con tôi làm chỉ là làm một người tốt.”
Hôm 03/02, một kiểm sát viên ở thành phố Cẩm Châu thuộc tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc đất nước, đã chính thức bắt giữ con trai bà, ông Tần Thư Hải (Qin Shuhai), vì thực hành môn tu luyện tâm linh truyền thống Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tâm linh gồm các bài tập thiền định và các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Môn tu luyện này đã trở nên phổ biến rộng rãi nhờ những lợi ích đối với sức khỏe tinh thần và thể chất, và đến cuối thế kỷ trước, ước tính có khoảng 70 đến 100 triệu người tập luyện Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, coi sự phổ biến của môn này là mối đe dọa đối với sự kiểm soát và hệ tư tưởng vô thần của mình, vào năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động một cuộc đàn áp trên toàn quốc đối với Pháp Luân Công, đồng thời huy động bộ máy an ninh toàn quốc để xác định vị trí và bắt giữ các học viên của môn này.
Theo Minh Huệ (Minghui.org), một trang web chuyên đưa tin về Pháp Luân Công, thân nhân của ông Tần đã tìm cách yêu cầu cơ quan công an trả tự do cho ông, ít nhất là trong một thời gian ngắn, để ông có thể lo liệu hậu sự cho vợ mình, nhưng những nỗ lực của họ đều vô ích. Công an địa phương nói với họ rằng họ không còn phụ trách trường hợp của ông Tần nữa và yêu cầu thân nhân của ông liên lạc với viện kiểm sát.
Bà Lưu, 81 tuổi, hiện phải trông cậy vào sự giúp đỡ của những người hàng xóm để có được bữa cơm và thực hiện các công việc sinh hoạt hàng ngày khác mà bà phải khó khăn lắm mới thực hiện được.
Xảy ra do cuộc đàn áp của ĐCSTQ, tình cảnh mà bà Lưu đang gặp phải chỉ là một trong hàng vạn trường hợp khốn khổ khác mà trong đó người cao niên phải tự lo cho bản thân sau khi những người con trưởng thành của họ bị bỏ tù hoặc bị bức hại đến thiệt mạng vì giữ vững đức tin.
Bỏ tù và ngược đãi
Kể từ năm 1999, hàng triệu học viên đã bị đưa vào các trại lao động cưỡng bức, trung tâm tẩy não, và nhà tù trên khắp đất nước, tại đây họ bị tra tấn và ngược đãi nhằm buộc họ từ bỏ đức tin của mình. Một lượng lớn chưa được thống kê đầy đủ các học viên được cho là đã bị tra tấn đến thiệt mạng hoặc thậm chí bị sát hại để lấy nội tạng.
Trong hai tháng đầu năm nay, Minh Huệ đã xác minh được 178 công dân Trung Quốc bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công hoặc vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại.
Trong số đó có cô Hồ Ngọc Dung (Hu Yurong), một giáo viên trung học và một học viên Pháp Luân Công sống ở huyện Cừ, tỉnh Tứ Xuyên. Chính quyền địa phương đã giam giữ cô Hồ kể từ khi cô bị bắt vào tháng 04/2020. Trong nhiều năm, họ giữ bí mật về trường hợp của cô, khiến gia đình cô lo lắng cho sự an nguy của thân nhân mình.
Gia đình cô Hồ chia sẻ với Minh Huệ rằng, hồi giữa tháng Một, gia đình họ phát hiện ra cô đã bị kết án bảy năm tù vì đức tin của mình, và hiện đang bị giam tại Nhà tù nữ Thành Đô.
Cô Hồ đã bị giam giữ nhiều lần trong thời gian dài trong các trại tạm giam, trại lao động cưỡng bức, nhà tù, khu điều trị tâm thần, và các cơ sở khác vì không chịu từ bỏ đức tin của mình. Tổng cộng, cô đã phải ngồi tù hơn 16 năm.
Trong khi bị giam giữ, cô đã phải chịu đựng nhiều tra tấn và ngược đãi. Một lần, công an đã treo cô lên trần của một phòng giam tối tăm, trong tư thế cổ tay và mắt cá chân bị trói. Trong sáu ngày đêm, công an giữ cô trong tư thế đau đớn này, đồng thời không cho phép cô ăn uống. Trong một lần khác, lính canh đã ép chỉ cho cô mặc y phục chỉ có một lớp vải mỏng và quỳ trong 24 giờ bên ngoài vào giữa trời đông.
Các trường hợp tử vong
Để vận động công chúng ủng hộ cho cuộc đàn áp tàn bạo này, các cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ cũng phát động một chiến dịch gieo rắc hận thù sâu rộng. Ông Hạ Chính Luân (Xia Zhenglun), một nhân viên bán bảo hiểm, đã tiếp nhận tuyên truyền của chính quyền về cuộc bức hại trong nhiều năm. Điều đó đã thay đổi vào mùa xuân năm 2012 sau khi ông tình cờ đọc được cuốn sách chính của môn tu luyện này, sách “Chuyển Pháp Luân”.
“Nhiều điều mà tôi không thể hiểu được trong đời đột nhiên trở nên minh tỏ với tôi,” ông hồi tưởng và kể với Minh Huệ về cảm nghĩ sau khi đọc các bài giảng của Pháp Luân Công. Ông quyết định sống theo các nguyên lý đạo đức của Pháp Luân Công là chân, thiện, và nhẫn.
Tháng 02/2023, ông Hạ bị bắt tại thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, miền nam Trung Quốc và bị đưa đến Trại giam huyện Quán Vân. Ông qua đời chưa đầy bảy tháng sau khi bị giam giữ.
Hiện vẫn chưa rõ người đàn ông 65 tuổi này đã trải qua những gì trong khi bị giam giữ. Theo Minh Huệ, ông Hạ có sức khỏe tốt trước khi bị công an địa phương bắt đi.
Theo số liệu thống kê được Minh Huệ thu thập, sau gần một phần tư thế kỷ bị đàn áp, hơn 5,000 học viên đã bị tra tấn đến thiệt mạng. Tuy nhiên, số người thiệt mạng thực tế được cho là cao hơn nhiều do gặp nhiều khó khăn từ việc thu thập thông tin liên quan từ Trung Quốc.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times