Người lao động Trung Quốc mắc kẹt dưới các chính sách COVID-19 hà khắc
Trong bối cảnh các ca nhiễm mới do biến thể Delta lây lan khắp Trung Quốc, Trung Cộng đang tái áp dụng các biện pháp gắt gao, hà khắc đối với người dân địa phương ở các khu vực bị ảnh hưởng.
Một tài xế xe tải và cha của anh đã phải sống trong chiếc xe tải của họ trong vòng 5 ngày ở rìa thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô. Anh nói rằng họ chỉ có thể ăn mì gói, vì việc phong tỏa nghiêm ngặt khiến cho họ không thể trở về nhà.
Anh Trương nói với The Epoch Times hôm 04/08, “Tính đến hôm nay, cha tôi và tôi đã ngủ trên chiếc xe tải này được năm ngày.”
Anh Trương Dũng (Zhang Yong, hóa danh) cho biết anh đã phải sống dưới mức nhiệt gần 90 độ F (hơn 32 độ C) mà không được tắm gội trong suốt bốn ngày, tiết kiệm xăng bằng cách không bật hệ thống điều hòa của xe tải.
Anh Trương và cha của anh, mặc dù đang ở trong thành phố, nhưng họ đang phải tự mình duy trì cuộc sống. Các con đường, cửa hàng và khu dân cư xung quanh đã bị phong tỏa.
Chính quyền Dương Châu cho biết họ đã áp đặt phong tỏa một phần đối với tất cả các cộng đồng dân cư ở trung tâm thành phố và mỗi gia đình chỉ được phép có một người được đi ra ngoài.
Hôm 28/07, Dương Châu đã báo cáo trường hợp đầu tiên bị nhiễm virus Trung Cộng, thường được gọi là virus corona chủng mới. Trong hai tuần qua, các quan chức y tế đã báo cáo 272 ca nhiễm, vượt qua số liệu của thành phố Nam Kinh, nơi đầu tiên dịch bệnh bùng phát lần này.
Tuy nhiên, Trung Cộng đã có lịch sử báo cáo không đầy đủ số lượng ca nhiễm của mình. Các ca nhiễm gần đây đã khiến giới chức lệnh cho 4.5 triệu cư dân ở yên trong nhà của họ, hủy các chuyến bay và chuyến tàu, đồng thời dừng việc đi lại bằng xe buýt.
Anh Trương nói với The Epoch Times rằng anh nhìn thấy cảnh sát đứng canh giữ tại lối ra của đường cao tốc khi anh vào thành phố Dương Châu hôm 30/07.
Anh Trương cho biết, “Họ [cảnh sát] chỉ yêu cầu [chúng tôi] cho xem mã sức khỏe và mã hành trình nhưng không thông báo cho tôi về việc phong tỏa. Tôi đã đưa mã cho anh ta xem, nhưng khi tôi đã bốc dỡ hàng hóa xuống và muốn lái xe về lại nhà, thì tôi không được phép đi nữa.”
Trung Cộng áp dụng một hệ thống mã QR trên WeChat, ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất của Trung Quốc, để báo cáo tình trạng sức khỏe của một người, kết quả xét nghiệm COVID-19, hành trình và các thông tin khác. Ứng dụng này thu thập dữ liệu cá nhân bằng cách theo dõi tín hiệu của điện thoại di động và Bluetooth.
Anh Trương tuyên bố anh đã cố gắng đi xét nghiệm acid nucleic tại các bệnh viện địa phương hôm 01/08, nhưng một nhân viên trạm thu phí sau đó đã nói với anh rằng: “Anh không thể đi đâu, kể cả là khi có [kết quả] xét nghiệm acid nucleic. Thành phố này đã bị phong tỏa rồi.”
Anh Trương nói, “Tôi đã gọi đến đường dây nóng của chính quyền và được cho biết rằng họ sẽ báo cáo sự việc này với các quan chức cao cấp hơn. Họ chỉ nói với tôi cách làm vậy thôi.” Anh cho biết việc không có phản hồi khiến anh lo lắng cho sức khỏe của cha mình.
Thành phố Thụy Lệ
Tại một khu vực có nguy cơ cao khác, ở biên giới phía tây nam của Trung Quốc, người dân đã báo cáo tình trạng tương tự về việc bị cấm rời khỏi thành phố.
Hôm 11/07, chính quyền địa phương phát hiện một người bị nhiễm virus Trung Cộng đã mua sắm trong một cửa hàng trên phố. Sau đó, họ đã đưa hơn 200 người đang làm việc trên cùng trục đường đó đi cách ly ngay lập tức.
Một người trong số đó là anh Thanh Vân (Qing Yun, hóa danh), chủ một cửa hàng bán vé số ở Thư Cáo, một thị trấn nhỏ ở thành phố Thụy Lệ, giáp với Miến Điện (hay còn gọi là Myanmar).
Bị giam cầm trong một căn phòng nhỏ (6 mét vuông) trong 21 ngày, anh nói với The Epoch Times rằng anh không có cả quyền mở cửa sổ ra cho thông thoáng trong những ngày hè nóng nực này.
“Các bữa ăn được cung cấp thì thiếu thốn và có vị không được ngon,” anh nói thêm rằng anh đã trả 1100 NDT (170 USD) cho việc cung cấp đồ ăn này.
Cuối cùng, hôm 01/08, cánh cửa bị khóa đã mở ra, và anh được phép rời đi. Nhưng anh rất ngạc nhiên khi biết rằng anh cần phải xin phép mới được rời khỏi thành phố. Chính quyền Thụy Lệ yêu cầu người dân không được ra ngoài, trừ những người có nhu cầu đặc biệt. Những cá nhân đó cần phải nộp nhiều giấy tờ và chờ sự chấp thuận của chính phủ.
Anh Thanh và gia đình hiện đang ở nhà bạn anh. Anh nói rằng anh may mắn vì nhiều người đang phải vật lộn tìm một nơi để sống trong thời gian cách ly.
Một cư dân khác đến từ Nam Kinh, họ Vương, đã có một công việc ở thành phố Thụy Lệ trước khi thành phố này phong tỏa.
“Bởi vì thành phố không cho phép đi làm, nên có nhiều người bị mắc kẹt ở đây mà không có thu nhập.”
Anh Vương nói với The Epoch Times rằng anh đã chờ đợi rất lâu để chính quyền đồng ý cho anh về nhà.
Anh cho biết mỗi ngày có hàng ngàn lao động di trú đã nộp đơn xin phép tại văn phòng chính quyền địa phương sau khi nhà chức trách thông báo họ sẽ dỡ bỏ phong tỏa hôm 26/07. Nhưng không ai trong số họ được phép rời đi.
Hôm 03/08, các quan chức đã ban hành lệnh ở nhà mới, đánh dấu đợt phong tỏa thứ ba trong năm nay. Trên mạng xã hội của Trung Quốc, mọi người phàn nàn rằng việc phong tỏa đột ngột mà không có bất kỳ thông báo trước nào khiến thực phẩm bị hư hỏng và các doanh nghiệp thì phải chịu cảnh thua lỗ.
Sự gia tăng đột biến gần đây về số ca nhiễm bệnh ở thành phố Thụy Lệ bắt đầu vào ngày 04/07, do biến thể Delta gây ra.
Do Dorothy Li thực hiện
Với sự đóng góp của Xiaohua và Hong Ning
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: